DBiz

Chân dung các doanh nghiệp có cổ phiếu "đắt đỏ" nhất sàn chứng khoán

Mai Chi
Chân dung các doanh nghiệp có cổ phiếu "đắt đỏ" nhất sàn chứng khoán

Trước hết cần lưu ý rằng, khái niệm "đắt" được sử dụng tại bài viết này không hoàn toàn có ý nghĩa định giá doanh nghiệp theo các phương pháp tính phổ biến, mà đơn thuần đề cập đến thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Do cổ phiếu của những doanh nghiệp này đang được giao dịch trên thị trường với mức giá cao ngất ngưởng, nhà đầu tư muốn sở hữu được khối lượng cổ phiếu nhất định sẽ phải chi số tiền lớn.

Phải bỏ cả "nghìn đô" mới mua được một lô tối thiểu

VCF của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa thường xuyên là mã cổ phiếu có thị giá cao nhất Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). Trong khi thị trường vẫn xuất hiện những trường hợp cổ phiếu có đồ thị cây thông với mức giá tăng hàng chục lần, đạt thị giá hàng trăm nghìn đồng rồi nhanh chóng "đổ đèo" thì VCF thường xuyên duy trì mức giá có 6 chữ số.

3 phiên giao dịch của tuần này, VCF gây bất ngờ khi tăng trần cả ba. Phiên ngày 29/8, VCF có thời điểm tăng trần lên 285.500 đồng trước khi hạ độ cao vào thời điểm đóng cửa, ghi nhận tăng 5,7%.

Với biên độ tăng trần xấp xỉ 7% mỗi phiên trên HoSE, VCF ghi nhận tăng tổng cộng 64.100 đồng/đơn vị so với giá tham chiếu đầu tuần, tương ứng tăng 29,4%.

Thị giá của VCF tính tại thời điểm đóng cửa phiên 29/8 là 282.100 đồng, là cổ phiếu có thị giá cao nhất HoSE, vượt xa mức thị giá của các mã ngay sau đó là FRT với 180.000 đồng; RAL với 142.300 đồng, CTR với 125.700 đồng, PDN với 116.000 đồng, DGC với 111.300 đồng, DHG với 107.200 đồng.

Chân dung các doanh nghiệp có cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - 1

Những cổ phiếu thị giá cả trăm nghìn đồng thường có thanh khoản thấp (Ảnh minh họa: Đăng Đức).

Do cổ phiếu có thị giá cao, nhà đầu tư muốn sở hữu VCF thời điểm này, để khớp lệnh 1 lô tối thiểu 100 cổ phiếu phải có khoảng 28,2 triệu đồng. Và để sở hữu khoảng 10.000 cổ phiếu này thì có thể phải chuẩn bị lượng tiền mặt gần 3 tỷ đồng để "đua lệnh".

Trên sàn HNX, cổ phiếu WCS của Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây đang có thị giá cao nhất, đạt 282.000 đồng sau khi tăng 9,9% ở phiên 29/8. WCS cũng có thời điểm tăng trần trong phiên lên 282.100 đồng. Mức giá của WCS và VCF cách biệt không đáng kể.

Trên sàn HNX chỉ có 3 cổ phiếu có mức giá trên 100.000 đồng. Kế sau WCS là SLS với mức giá 205.900 đồng và SGC với mức giá 115.500 đồng.

"Vua" thị giá vẫn là VNZ của Công ty cổ phần VNG. VNZ hiện tại mới chỉ giao dịch trên thị trường UPCoM nhưng mức giá là 532.000 đồng. Phiên 29/8, mã này tăng giá 2%, khớp lệnh 700 đơn vị. Năm 2023, thị giá VNZ từng đạt trên 1,2 triệu đồng.

Với giá này, nhà đầu tư muốn mua VNZ cần phải chi trả hơn 53 triệu đồng cho 1 lô tối thiểu 100 cổ phiếu.

Thị trường UPCoM có tới 9 mã cổ phiếu có thị giá trên mốc 100.000 đồng, trong đó 6 mã giá trên 200.000 đồng. Cụ thể, IDP (273.000 đồng); HLB (260.000 đồng); VEF (236.900 đồng); MCH (204.800 đồng); NTC (200.500 đồng).

Khó mua không chỉ vì giá cao

Bên cạnh yếu tố thị giá gây choáng ngợp thì điểm chung của những doanh nghiệp này là cổ phiếu thanh khoản thấp do cơ cấu cổ đông cô đặc.

Trên thị trường, không thiếu những cổ phiếu có khối lượng giao dịch mỗi phiên lên tới hàng chục triệu đơn vị. Tuy nhiên, với những mã cổ phiếu có thị giá cao, thanh khoản thường xuyên nhỏ giọt.

Lấy ví dụ, thanh khoản của VCF khiêm tốn với khối lượng khớp lệnh bình quân mỗi phiên trong vòng một năm trở lại đây chưa tới 600 cổ phiếu; bình quân giao dịch trong vòng một tuần qua đạt hơn 7.000 cổ phiếu/phiên.

Tỷ lệ cổ phiếu VCF đang được chuyển nhượng tự do trên thị trường rất ít ỏi. Trong khi chỉ có gần 26,6 triệu cổ phiếu lưu hành thì đã có gần 26,3 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 98,79%) thuộc về sở hữu của Công ty TNHH MTV Masan Beverage.

Còn tại WCS, thanh khoản cũng rất thấp, phiên 29/8 chỉ có 600 cổ phiếu được khớp lệnh. Tổng cộng chỉ có 2,5 triệu cổ phiếu WCS được niêm yết (tương ứng vốn điều lệ 25 tỷ đồng), trong đó, 51% vốn Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây thuộc về Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO); cổ đông lớn nước ngoài - quỹ America LLC - nắm giữ 24% và Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình nắm 10%.

Về phần VNZ, cổ phiếu này cũng thường được giao dịch với khối lượng thấp, có những phiên không hề có giao dịch diễn ra vì thiếu hụt nguồn cung. Bình quân giao dịch trong vòng một năm trở lại đây chỉ đạt hơn 1.800 đơn vị/phiên và trong khoảng một tháng qua là hơn 800 cổ phiếu/phiên.

Chia cổ tức "khủng"

Những phiên gần đây cổ phiếu VCF tăng mạnh có nguyên nhân đến từ thông tin chia cổ tức của Vinacafé Biên Hòa. Công ty thông báo sẽ chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 250% bằng tiền tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu được nhận 25.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 9/9.

Vinacafé Biên Hòa có truyền thống trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, với tỷ lệ cao nhất lên tới 660% (năm 2018), những năm trở lại đây cũng đều đặn với tỷ lệ 240-250%.

Cổ đông Bến xe Miền Tây cũng thường xuyên nhận "mưa" cổ tức. Trong năm 2023 với kết quả kinh doanh tăng vọt: doanh thu kỷ lục 140 tỷ đồng; lãi tăng 75% đạt 66,5 tỷ đồng, cao nhất 4 năm, công ty chia cổ tức "khủng" với tổng tỷ lệ lên tới 160% bằng tiền mặt (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 16.000 đồng). Trong đó, công ty tạm ứng 144% cổ tức vào tháng 3 và hoàn tất thanh toán 16% còn lại vào tháng 6.

Trước đó, Bến xe Miền Tây từng gây choáng ngợp khi chia cổ tức với tỷ lệ 516% trong năm 2019; năm 2018 chia cổ tức tỷ lệ 400% bằng tiền. Ngay cả giai đoạn giảm cổ tức (giai đoạn 2020-2022) thì mức chia cổ tức cũng ở mức cao so với thị trường (đạt 20%).

Kinh doanh ra sao?

Trong quý II vừa qua, Bến xe Miền Tây đạt 39,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và là mức doanh thu kỷ lục từ trước đến nay tính theo quý của doanh nghiệp này.

Với kết quả lãi sau thuế hơn 20 tỷ đồng trong quý II, tăng 23% so với cùng kỳ, Bến xe Miền Tây đã có một quý lãi cao nhất trong gần 10 năm qua kể từ năm 2015 và đánh dấu 11 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Bến xe Miền Tây ghi nhận 78,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14,45% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 39,4 tỷ đồng, tăng 22,12%.

Công ty cho biết, đà tăng trưởng này nhờ một số doanh nghiệp vận tải mới vào bến hoạt động; doanh nghiệp vận tải mở thêm tuyến mới và điều chỉnh tăng biểu đồ xe chạy đã được cơ quan quản lý tuyến phê duyệt để phục vụ hành khách.

Bên cạnh đó, sản lượng hành khách và xe xuất bến vào dịp Tết Nguyên đán và lễ 30/4-1/5 tăng so với cùng kỳ. Công ty cũng điều chỉnh thu giá dịch vụ xe lưu đậu và lượt xe ra vào bến của xe trung chuyển.

Như vậy, sau nửa năm, công ty đã thực hiện được gần 50% mục tiêu doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận năm. Bến xe Miền Tây cũng ghi nhận mức lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) nằm trong tốp đầu thị trường, đạt 13.650 đồng.

Vinacafé Biên Hòa kết thúc nửa đầu năm nay với doanh thu thuần đạt 1.062 tỷ đồng, tăng so với mức 994 tỷ đồng của cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 187,7 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 195,1 tỷ đồng).

Như vậy, theo kịch bản thấp (2.500 tỷ đồng doanh thu và 470 tỷ đồng lợi nhuận), công ty đã hoàn thành được 42,5% kế hoạch doanh thu và 39,7% kế hoạch lợi nhuận. Trong kịch bản cao (2.800 tỷ đồng doanh thu và 500 tỷ đồng lợi nhuận), công ty hoàn thành lần lượt khoảng 38% và 37,3% mục tiêu đặt ra.

Về phần VNG, "kỳ lân công nghệ" đang đứng sau hệ sinh thái kỹ thuật số gồm mạng xã hội Zalo, trò chơi trực tuyến, thanh toán điện tử… Công ty đạt 4.313,7 tỷ đồng doanh thu thuần trong nửa đầu năm, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ; giảm lỗ sau thuế đáng kể từ mức 1.205,1 tỷ đồng của cùng kỳ xuống còn 585,7 tỷ đồng.

VNG lên kế hoạch đạt 11.069 tỷ đồng doanh thu trong năm nay, tăng 46% so với năm trước và lên mục tiêu có lãi sau thuế hợp nhất 150 tỷ đồng, lãi công ty mẹ là 195 tỷ đồng.