Công ty của diễn giả dạy làm giàu: Làm ăn thua lỗ, cổ phiếu bị cắt margin
(Dân trí) - Trong khi công ty thua lỗ nửa đầu năm và cổ phiếu VLA bị cắt margin thì diễn giả dạy làm giàu Nguyễn Thành Tiến đã tăng sở hữu tại đây.
Cổ phiếu bị cắt margin vì thua lỗ
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo bổ sung cổ phiếu VLA của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ (cắt margin) kể từ ngày 21/8.
Nguyên nhân là công ty có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 tại báo cáo tài chính bán niên được soát xét là số âm.
Cách đây ít ngày, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm nay chỉ đạt 2,4 tỷ đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng cao, công ty chỉ thu về vỏn vẹn 28,5 triệu đồng lãi gộp so với con số hơn 6 tỷ đồng của nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khiến công ty lỗ 6,9 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn có lãi sau thuế 151 triệu đồng).
Với tình trạng thua lỗ trong nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang tại ngày 30/6 ghi nhận âm 3,2 tỷ đồng.
Người thân chủ tịch có vai trò lớn trong công ty
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang có tiền thân là công ty thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam.
Công ty do ông Nguyễn Thành Tiến làm Chủ tịch HĐQT (thành viên không điều hành). Theo báo cáo quản trị bán niên của Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang, tại ngày 30/6, ông Tiến đang sở hữu 458.170 cổ phiếu VLA, chiếm tỷ lệ 11,47% vốn điều lệ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thọ, bố ruột của ông Tiến, sở hữu 160.950 cổ phiếu VLA, chiếm tỷ lệ 4,03%. Mới đây, công ty này đã miễn nhiệm ông Nguyễn Văn Thọ khỏi chức vụ Thư ký Hội đồng quản trị kể từ ngày 30/7 nhưng không nêu lý do cụ thể.
Mẹ ruột của ông Tiến - bà Trần Thị Thanh Hoa - sở hữu 4,41%. Bà Nguyễn Thu Hà - em ruột ông Tiến - giữ vai trò Phó giám đốc, sở hữu 9,39% vốn điều lệ công ty. Vợ ông Tiến, bà Vũ Thị Hiền Nhung, đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư Kinh doanh sở hữu 3,02% cổ phần.
Ông Nguyễn Thành Tiến còn được biết đến với vai trò là diễn giả truyền cảm hứng, chia sẻ về phương pháp đầu tư, làm giàu cũng như tổ chức hàng trăm khóa học hội thảo về bán hàng, marketing. Giá các khóa học dao động từ vài trăm nghìn đến cả trăm triệu đồng.
Kể từ năm 2020, khi ông Nguyễn Thành Tiến lên làm Chủ tịch HĐQT thì Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang cũng chuyển đổi sang hoạt động đào tạo kỹ năng tư duy, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian; đào tạo kỹ năng nói trước công chúng.
Nửa đầu năm nay công ty thua lỗ. Giải trình nguyên nhân, lãnh đạo công ty cho biết, tình hình kinh tế khó khăn, đồng thời, lượng học viên tham gia các khóa học trong 6 tháng qua sụt giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Thành Tiến nâng tỷ lệ sở hữu
Theo thuyết minh báo cáo tài chính bán niên, tại ngày 30/6, ông Nguyễn Thành Tiến đã tăng phần vốn góp tại công ty từ mức 9,08% hồi đầu năm lên 11,47%, tương ứng giá trị phần vốn góp là 4,58 tỷ đồng.
Tỷ lệ góp vốn của các cổ đông khác về cơ bản vẫn giữ nguyên: Ông Đặng Trọng Khang góp 24,98% vốn (tương ứng 9,98 tỷ đồng); ông Nguyễn Hữu Thuận góp 10% vốn (tương ứng xấp xỉ 4 tỷ đồng); bà Nguyễn Thu Hà góp 9,39% vốn (tương ứng 3,75 tỷ đồng); Công ty cổ phần CI Holdings góp 4,95% (tương ứng 1,98 tỷ đồng); tỷ lệ còn lại cho cổ đông nhỏ lẻ là 39,2%.
Trong giao dịch với các bên liên quan, trong nửa đầu năm, công ty có khoản tạm ứng và hoàn ứng 200 triệu đồng với ông Nguyễn Thành Tiến, khoản phải trả chi phí giảng viên 24,6 triệu đồng; trả chi phí giảng viên số tiền gần 77 triệu đòng và nộp hộ thuế TNCN 8,6 triệu đồng.
Liên quan ông Đặng Trọng Khang, số tiền phải trả chi phí bản quyền bài giảng trong nửa đầu 2024 là 594,7 triệu đồng, trả chi phí bản quyền bài giảng là 419,4 triệu đồng, nộp hộ thuế TNCN 22 triệu đồng.
Trong khi đó, tại khoản mục chi phí phải trả ghi nhận thời điểm cuối kỳ, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang cho biết, có 417 triệu đồng phải trả các bên liên quan vào cuối tháng 6, trong đó, phải trả chi phí bản quyền bài giảng cho ông Đặng Trọng Khang là 380,9 triệu đồng, phải trả chi phí giảng viên cho ông Nguyễn Thành Tiến là 25,6 triệu đồng.
Bên cạnh đó, công ty này còn 11,5 triệu đồng phải trả chi phí quản lý vận hành cho Công ty TNHH Trường Đạo tạo Kinh doanh và Đầu tư Thực tế NIK.
Về thu nhập của thành viên HĐQT và ban lãnh đạo, trong nửa đầu năm, tiền lương của ông Nguyễn Thành Tiến là 109,7 triệu đồng, cộng thêm 3 triệu đồng phụ cấp, tổng cộng 112,7 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Thuận, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhận 135 triệu đồng thu nhập (trong đó tiền lương là 133,1 triệu đồng).
Loạt doanh nghiệp bị cắt margin
Ngoài VLA thì HNX cũng thông báo không cấp ký quỹ với WSS, CET, KDM, TTH.
Trong đó, KDM của Tập Đoàn GCL và CET của HTC Holding (Mã: CET) bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế bán niên 2024 là số âm, căn cứ báo cáo tài chính bán niên đã soát xét.
Còn cổ phiếu WSS của Chứng khoán Phố Wall; TTH của Thương mại và Dịch vụ Tiến Thành bị cắt margin với lý do tương tự VLA, là lợi nhuận sau thuế bán niên 2024 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 30/6 là số âm.
Trước đó, VIT của Viglacera Tiên Sơn, L40 của Đầu tư Xây dựng 40, KSD của Đầu tư DNA, VTV của Năng lượng và Môi trường VICEM cũng vừa bị HNX thông báo đưa vào danh sách không cấp margin.