Căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị tại Văn bản số 13038-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận phiên họp Bộ Chính trị ngày 10/1/2025 về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ Nội vụ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ về việc bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
18 tập đoàn, tổng công ty đang giao cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước quản lý được đề xuất chuyển về Bộ Tài chính quản lý. Tổng Công ty Viễn thông MobiFone chuyển về Bộ Công an quản lý (tổ chức đảng của tổng công ty chuyển về trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương).
Nhà cung cấp mạng di động đầu tiên tại Việt Nam
MobiFone được thành lập vào năm 1993 theo quyết định của Tổng cục Bưu điện, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông với tên gọi ban đầu là Công ty Thông tin Di động (VMS). Với lĩnh vực kinh doanh chính là dịch vụ viễn thông di động, MobiFone là nhà mạng di động đầu tiên tại Việt Nam với slogan (khẩu hiệu) "Mọi lúc, mọi nơi" nổi tiếng.
Thời điểm mới ra mắt, MobiFone chỉ có một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm BTS (trạm thu phát sóng di động - PV) tại Hà Nội và một tổng đài 6.400 số với 6 trạm BTS tại khu vực phía Nam, phủ sóng 4 địa phương TPHCM, Biên Hòa, Long Thành, Vũng Tàu.
Đến năm 2001, doanh nghiệp đã mở rộng vùng phủ sóng tại các tỉnh, thành khắp 3 miền với 500 trạm thu phát sóng. Hơn 7 năm sau, MobiFone chiếm vị trí số một về thị phần thuê bao di động tại Việt Nam và đạt mốc 30 triệu thuê bao.
Năm 2010, Công ty Thông tin Di động được chuyển đổi hình thức doanh nghiệp thành công ty TNHH MTV thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - đơn vị làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Đến tháng 6/2014, Công ty TNHH MTV Thông tin Di động tách khỏi VNPT và chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông - đơn vị làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Sau nửa năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt việc thành lập Tổng Công ty Viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH MTV Thông tin Di động. Thời điểm đó, vốn điều lệ của MobiFone cũng đã được thống nhất điều chỉnh tăng lên mức 15.000 tỷ đồng.
Đến tháng 11/2018, MobiFone được Bộ Thông tin và truyền thông bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu. Với tổng tài sản ở thời điểm đó là khoảng 32.538 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 15.000 tỷ đồng, MobiFone là một trong hai doanh nghiệp viễn thông được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
Trong thời gian ông Lê Nam Trà làm Chủ tịch HĐTV kể từ tháng 4/2015, MobiFone có một thương vụ thâu tóm đình đám. Cụ thể, đầu tháng 1/2016, doanh nghiệp công bố thông tin mua cổ phần tại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu - AVG và chính thức lấn sân sang kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Khoản tiền MobiFone đã chi để mua 95% cổ phần của AVG lên tới gần 8.890 tỷ đồng - cao hơn 15 lần giá trị kinh doanh truyền hình của AVG thời điểm đó. Tháng 3/2018, nhóm cổ đông AVG và MobiFone đã chấm dứt hợp đồng mua bán. Nhóm cổ đông AVG trả lại toàn bộ giá trị 95% cổ phần và các chi phí liên quan.
Đến tháng 7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án xảy ra tại MobiFone và các đơn vị có liên quan về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.
MobiFone đang kinh doanh ra sao?
Trong khoảng 10 năm qua, hoạt động kinh doanh của "ông lớn" viễn thông này có nhiều biến động. Nhờ chiếm thị phần lớn trong dịch vụ mạng viễn thông di động, MobiFone vẫn thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Sau khi tách ra khỏi VNPT, năm 2015, MobiFone đạt tổng doanh thu đạt 36.900 tỷ đồng, tăng 8,29% so với năm 2014. Lợi nhuận khoảng 7.395 tỷ đồng, tăng 1,1% so với năm 2014. Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu 31.387 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7.045 tỷ đồng.
Năm 2016, mặc dù có sự tăng trưởng về doanh thu nhưng lợi nhuận của MobiFone lao dốc. Cụ thể, doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 38.439 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2015. Nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ ước đạt 5.204 tỷ đồng.
Giai đoạn sau đó, tình hình kinh doanh của "ông lớn" nhà mạng này không mấy khả quan khi doanh thu và lợi nhuận chứng kiến sự sụt giảm qua từng năm. Đến năm 2021, MobiFone ghi nhận doanh thu công ty mẹ đạt 30.017 tỷ đồng cùng hơn 4.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Hoạt động kinh doanh năm 2023 của MobiFone tiếp tục giảm sút trong bối cảnh thị trường viễn thông gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tổng doanh thu công ty mẹ chỉ ước đạt 25.440 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.638 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 40% so với năm 2022. Đến hết tháng 6/2023, tổng nguồn vốn của công ty mẹ MobiFone đạt hơn 30.883 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường viễn thông bão hòa, doanh thu xu hướng giảm, bài toán đặt ra với MobiFone là tìm kiếm và đẩy mạnh những nguồn thu khác để bù đắp.
Theo đó, MobiFone đã tăng cường đầu tư vào xây dựng trung tâm dữ liệu, phát triển hạ tầng số dựa trên công nghệ điện toán đám mây và nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata)… Hồi tháng 4/2023, doanh nghiệp đã khởi công dự án Trung tâm Công nghệ cao MobiFone tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội với tổng diện tích 10.026m2.
Trong năm 2024, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MobiFone ước đạt 2.048 tỷ đồng, vượt 20,6% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, các lĩnh vực dịch vụ số của nhà mạng này cũng tăng trưởng mạnh với MobiFone Meet (tăng 1.050%), Cloud (tăng 312%), mobiAgri (tăng 49%), MobiFone Invoice (tăng 58%).
Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ đạt 23.938 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.498 tỷ đồng.