DNews

Gen Z mê bitcoin dù nếm đầy trái đắng

Phương Liên

(Dân trí) - Việt Nam là quốc gia lạc quan nhất đối với bitcoin trong năm 2023. Dù kênh đầu tư này hấp dẫn nhưng không phải ai đầu tư tiền số cũng gặt hái được thành công. Nhiều bạn trẻ phải nếm trái đắng.

Gen Z mê bitcoin dù nếm đầy trái đắng

Một khảo sát gần đây do công ty Block của tỷ phú Jack Dorsey và Wakefield Research thực hiện cho thấy các quốc gia đang phát triển ngày càng lạc quan với bitcoin. Khảo sát này được thực hiện tại 15 quốc gia và thu thập thông tin từ 6.600 cá nhân.

Trong năm 2022 và 2023, giá bitcoin đã biến động mạnh. Tuy nhiên, thay vì chán nản trước diễn biến của thị trường, tỷ lệ lạc quan về tương lai của bitcoin vẫn cao hơn so với hoài nghi.

Cụ thể, Việt Nam, Brazil, Trung Quốc và Mexico là những quốc gia có mức độ lạc quan tăng cao nhất. Theo khảo sát của Block, Việt Nam đã vượt Nigeria trở thành quốc gia lạc quan nhất đối với bitcoin trong năm 2023.

Trong khi đó, Nigeria, Ấn Độ và Argentina chứng kiến mức độ lạc quan giảm đi một chút, tuy nhiên vẫn trên trung bình. Ngoài ra, tại những quốc gia phát triển, ngày càng có nhiều người coi bitcoin như một biểu tượng của tự do tài chính, dự phòng trước sự bất ổn của nền kinh tế và cơ hội để vượt qua giới hạn của các loại hình đầu tư truyền thống. 

Việt Nam hiện có hơn 16,6 triệu người sở hữu tiền mã hóa. Trong số này, có khoảng 31% sở hữu Bitcoin. Trong một cuộc khảo sát 389.345 người trên 26 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 3 về chấp nhận tiền mã hóa, sau Ấn Độ và Nigeria. Khoảng 23% dân số Việt Nam cho biết có sở hữu tài sản mã hóa.

Báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về việc chấp nhận tiền điện tử trong 2 năm liên tiếp 2021 và 2022. Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia có tỷ lệ người nắm giữ tiền điện tử lớn thứ 2 ASEAN chỉ sau Thái Lan, và là một trong 5 quốc gia đi đầu về Blockchain.

Gen Z mê bitcoin dù nếm đầy trái đắng - 1

Diễn biến về kỳ vọng đối với bitcoin từ năm 2022 đến năm 2023 (Ảnh: Block).

Sẵn sàng đầu tư khi có cơ hội rồi "thua đau"

"Mình luôn sẵn sàng đầu tư coin khi nhìn thấy cơ hội", Gia Thảo, freelancer tại TPHCM, chia sẻ. Thảo đã tìm hiểu và đầu tư tiền số 3 năm nay.

Khi mới tham gia vào thị trường đầu năm 2021, Thảo đã kiếm được 10-20% từ số tiền ban đầu. "Khi ấy mình thấy vui lắm, cứ nghĩ kiếm tiền là dễ nên có vay mượn để tiếp tục mua, cứ giảm là mua. Mình cũng bắt đầu mơ về những lần gấp 5, gấp 10 tài khoản, cảm xúc phấn khích lắm", Thảo kể lại.

Niềm vui kéo dài chưa được bao lâu, đến giữa năm 2021, thị trường giảm điểm mạnh. "Chỉ trong một ngày, bitcoin giảm hơn 10% còn những đồng nhỏ hơn thì còn giảm trên 50%. Khi tài khoản chia đôi, mình mới hiểu rõ hơn những rủi ro của thị trường này", Thảo tâm sự.

Gen Z mê bitcoin dù nếm đầy trái đắng - 2

Nhiều bạn trẻ gen Z chưa sẵn sàng đầu tư vào tiền điện tử vì còn lo ngại (Ảnh: Meta Wealth).

"Hình thức đầu tư này rất rủi ro, nhưng nếu có kiến thức thì có thể tìm được những viên ngọc thô mang lại lợi nhuận lớn. Mình cũng kiếm được rất nhiều từ các dự án chuẩn bị lên sàn. Mỗi dự án cũng kiếm được khoảng 1.000-2.000 USD, chưa kể các dự án nhỏ hơn", Thảo chia sẻ.

Theo bạn trẻ này, nếu thu nhập tăng lên bạn sẽ chắc chắn tiếp tục đầu tư vào tiền số vì bản thân đã có kiến thức, tư duy về thị trường này. 

Khác với Thảo, nhiều bạn trẻ gen Z (sinh năm 1997 đến 2012) chưa sẵn sàng đầu tư vào tiền điện tử vì còn lo ngại. Là sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng, Quốc Khánh không có ý định đầu tư vào tiền số vì cho rằng việc đầu tư bitcoin là khá rủi ro và bản thân cũng không được trang bị nhiều kiến thức về lĩnh vực này.

"Mình có được nghe qua về tiền điện tử. Thậm chí, bố của mình đã có thời gian đầu tư vào bitcoin nhưng không thu được nhiều kết quả. Chính vì vậy, mà mình không có ý định tìm hiểu và đầu tư ở lĩnh vực này", Khánh kể.

Khánh cũng chia sẻ rằng hiện chỉ gửi một khoản tiền tiết kiệm vào ngân hàng và đang sở hữu một vài mã chứng khoán với khối lượng nhỏ. Khánh cho rằng dù có thêm những khoản thu nhập khác trong tương lai thì cũng sẽ lựa chọn không đầu tư vào những lĩnh vực có rủi ro cao như tiền mã hóa.

Chia sẻ về chuyện đầu tư tiền điện tử, Duy Hòa, sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng bản thân tự nhận thấy mình và các bạn có quan điểm đầu tư bắt "trend" hơn nhiều so với những thế hệ trước. Hòa đã tìm hiểu về tiền điện tử và có thể cân nhắc đầu tư một phần vốn nhỏ vào loại hình đầu tư này.

"Mình sẵn sàng đầu tư vào hình thức rủi ro này nhưng cũng cần phải tìm hiểu kỹ về dự án trước khi quyết định", Hòa nêu quan điểm.

Hòa cũng chia sẻ rằng hình thức đầu tư này cũng được bạn bè xung quanh và người quen lựa chọn. "Đầu tư tiền mã hóa chỉ cần có kiến thức chứ không mất nhiều thời gian, không đòi hỏi phải làm việc ca muộn hay gò bó như công việc văn phòng", Hòa tâm sự.

Gen Z mê bitcoin dù nếm đầy trái đắng - 3

Tỷ trọng các thế hệ khi tham gia trong thị trường tiền mã hóa (Ảnh: Stilt).

Khác với những thế hệ đi trước, thay vì đầu tư vào mảng tài chính truyền thống như bất động sản, vàng, ngoại tệ… thế hệ gen Z chọn những loại hình đầu tư bắt "trend" hơn như tiền điện tử hay các tài sản kỹ thuật số NFT, Metaverse...

Theo khảo sát của Stilt, thế hệ gen Z và gen X (milennial, sinh từ năm 1965 đến 1979) chiếm 94% người tham gia thị trường tiền mã hóa. Trong đó, gen Z chiếm hơn 17%.

Là thế hệ mang cả tư duy lẫn lối sống có nhiều khác biệt so với thế hệ đi trước, gen Z có hiểu biết và nhận thức cụ thể về tài chính sớm hơn hẳn các thế hệ trước. Thế hệ này cũng vô cùng nhạy bén với những kênh đầu tư mới mẻ, liều lĩnh hơn và sẵn sàng mạo hiểm hơn.

Gen Z đầu tư sao cho an toàn?

Chuyên gia Ngô Thành Huấn, Giám đốc Khối tài chính cá nhân FIDT - đơn vị tư vấn đầu tư và quản lý tài sản tại Việt Nam, cho rằng các bạn gen Z nên phân biệt rõ giữa tài sản và các hình thức đầu tư.

"Mình sẽ không khuyến nghị đầu tư tiền kỹ thuật số cho dù nó có tăng gấp 3, gấp 4 lần", ông Huấn nói.

Chia sẻ thêm về quan điểm này, chuyên gia cho rằng tiền số chỉ là một hình thức đầu tư chứ không phải là tài sản vì không có quyền sở hữu và không được pháp luật Việt Nam thừa nhận.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc phân tích đầu tư FIDT, cũng phân tích rằng các hình thức mà các bạn gen Z bây giờ đang quan tâm như tiền ảo vẫn chưa được pháp luật công nhận nên khi rủi ro xảy ra sẽ không được bảo vệ.

"Khi đầu tư vào loại hình tài sản này thì việc nhà đầu tư thắng và rút được tiền ra sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng thanh toán của sàn chứ không phải là bản chất của lớp tài sản", ông Phương nhấn mạnh.

Chuyên gia nhận xét rằng các bạn gen Z sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển nên rất nhạy với thông tin và tiếp thu các kiến thức mới rất nhanh. Không những vậy, các bạn trẻ cũng cởi mở hơn trong việc đón nhận các lớp tài sản mới so với các thế hệ trước.

Chính vì vậy, ông cho rằng việc các bạn gen Z hiểu biết, tham gia vào các kênh đầu tư sớm là tốt và cần thiết vì có thể giúp các bạn học hỏi được nhiều thông qua trải nghiệm.

"Ở Việt Nam chưa được công nhận thì mình sẽ không ủng hộ hình thức đầu tư này", ông Phương chia sẻ quan điểm. "Nhưng mình ủng hộ việc các bạn trẻ trang bị kiến thức về các kênh đầu tư mới. Điều này sẽ giúp cho các bạn trẻ có thêm hiểu biết về các lớp tài sản và những hình thức đầu tư trên thị trường".

Tư vấn về cách đầu tư và phân bổ tài sản cho các bạn trẻ, ông Huấn cho rằng nếu cần phải sử dụng khoản tiền đầu tư trong 3 tháng tới thì các bạn trẻ nên gửi tại ngân hàng.

Nhưng nếu đã chuẩn bị đầy đủ bảo vệ tài chính, bảo vệ sức khỏe, quỹ dự phòng và không có nhu cầu phải sử dụng khoản tiền đó trong 2-3 năm tới thì gen Z có thể đưa vào những lớp tài sản có tính rủi ro trong ngắn hạn nhưng trung và dài hạn tốt.

"Nếu có kiến thức, các bạn có thể đầu tư trực tiếp vào chứng khoán. Trong trường hợp chưa có nhiều kinh nghiệm thì có thể đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ", chuyên gia gợi ý.