Gen Z chọn bằng cấp hay tiền bạc, trải nghiệm?

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Ưu tiên bằng cấp hơn kinh nghiệm liệu có là quan điểm lỗi thời? Theo chuyên gia, điều quan trọng nhất không phải là tiền hay chứng chỉ mà là việc bản thân luôn muốn học hỏi.

Bằng cấp, dù là bằng tốt nghiệp hay các chứng chỉ khác đang là những tiêu chí hàng đầu để xác định trình độ một cá nhân của các doanh nghiệp khi tuyển dụng.

Trong khi đó, khi rời ghế nhà trường, bước vào thị trường lao động, không ít gen Z (sinh năm 1997 đến 2012) cho rằng một trong những "giấy chứng nhận quyền lực" cho năng lực lại là tiền bạc, kinh nghiệm thực chiến.

Ưu tiên bằng cấp hơn kinh nghiệm là lỗi thời?

Tại chương trình "Diploma… dollars" diễn ra tại Học viện Ngoại giao chiều 26/9, các sinh viên cùng đưa ra quan điểm về diploma (bằng cấp) và dollars (tiền bạc/trải nghiệm thực tế).

Hoàng Dũng (sinh viên năm 2, Học viện Ngoại giao) cho rằng nếu một người trẻ có cả bằng cấp lẫn những trải nghiệm để kiếm tiền sớm sẽ tốt cho tương lai, song Dũng vẫn cho rằng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, gen Z nên ưu tiên bằng cấp hơn là những trải nghiệm.

Dũng không phủ nhận những trải nghiệm thực chiến để kiếm tiền sớm mang lại nhiều giá trị. "Song bằng cấp vẫn có những giá trị cụ thể hơn với những nhà tuyển dụng", Dũng nêu quan điểm. Với doanh nghiệp, bằng cấp được ví như bộ lọc giảm thiểu thời gian tuyển dụng.

Thực tế, bằng cấp không chỉ là việc hoàn thành chương trình với tấm bằng do nhà trường cấp. Việc một gen Z có bằng cấp giúp nhà tuyển dụng đánh giá cả một quá trình học tập nỗ lực và ra trường với thành tích tốt. "Trường học mang cho sinh viên những kiến thức nền tảng, phải có chúng mới có cơ sở để có cơ hội đi làm", Dũng nói.

Theo nam sinh này, không một công ty nào chuyên về lao động trí tuệ cao cấp lại đăng tuyển không cần ứng viên tốt nghiệp đại học, bằng cấp...

Gen Z chọn bằng cấp hay tiền bạc, trải nghiệm? - 1

Gen Z phân vân giữa ưu tiên bằng cấp và kinh nghiệm (Minh họa: Investopedia)

Thảo Trang (sinh viên năm 2, Học viện Ngoại giao) lại cho rằng ưu tiên bằng cấp hơn kinh nghiệm là "quan điểm có phần lỗi thời".

Trang đưa ra dẫn chứng: Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ sinh viên ra trường làm việc trái ngành, trái nghề chiếm khoảng 60%. Trang cho rằng tỷ lệ này lớn do sinh viên luôn phải chọn ngành học trước khi có cơ hội được trải nghiệm với ngành đó.

"Bằng cấp đang ngày càng ít giá trị hơn trong việc biểu hiện định hướng cả học sinh và là thang đo ít tin cậy hơn với nhà tuyển dụng", Trang nói và cho rằng bằng cấp chỉ là điều kiện tối thiểu, không phải lợi thế cạnh tranh.

Theo nữ sinh, trong quá khứ, việc đi học và tốt nghiệp, sở hữu tấm bằng đại học được cho là thành tích lớn nhưng hiện việc học đại học đã ngày càng trở nên phổ biến. Trang tin rằng nhà tuyển dụng sẽ không chỉ nhìn vào bằng cấp để đánh giá năng lực của ứng viên.

Đầu tư cho bản thân mới là quan trọng nhất?

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán SSI - cho rằng học tập không chỉ là việc với sinh viên trên ghế nhà trường mà là việc đi theo con người suốt đời.

Đánh giá bằng cấp hay kinh nghiệm quan trọng hơn mang tính chủ quan từ mỗi cá nhân, mỗi nhà tuyển dụng cũng như đặc điểm của nhu cầu công việc.

Chính vì vậy, trong một số trường hợp cụ thể, cán cân sẽ lệch hơn về một trong 2 bên. Bằng cấp là điểm tựa cho năng lực phát triển trên đòn bẩy của mỗi người. Còn xu hướng kinh nghiệm được đánh giá cao hơn bằng cấp thường xuất hiện ở các ngành yêu cầu tính thực tế, thực hành cao như thiết kế, kỹ thuật...

Gen Z chọn bằng cấp hay tiền bạc, trải nghiệm? - 2

Các chuyên gia đều cùng nhận định đầu tư cho bản thân quan trọng nhất, sau đó mới đến bằng cấp hay kinh nghiệm, tiền bạc (Minh họa: Freepik).

Với riêng ông Phạm Lưu Hưng, việc quan trọng nhất là thái độ học tập có chủ đích. "Bằng cấp thể hiện bạn đã hoàn thành việc được giao trong thời gian học đại học. Kỹ năng tự học có mục tiêu rõ ràng mới giúp bạn trực tiếp sau khi tốt nghiệp", vị này nói.

Ông Trần Việt Hưng - nhà sáng lập và Giám đốc Học vụ Trung tâm 7AStar Tutoring - cũng cho rằng điều quan trọng nhất không phải là tiền hay chứng chỉ mà là việc bản thân luôn muốn học hỏi. "Việc học với tôi là để bản thân tốt hơn, không cần phải đi thi để lấy bằng", ông Việt Hưng nói.

Ông Hưng nói quan trọng không phải là học tập để có bằng cấp hay đi làm kiếm tiền sớm để có kinh nghiệm mà là việc xác định đầu tư cho bản thân. "Đầu tư cho bản thân thì không bao giờ lo lỗi thời", vị này đưa ra lời khuyên.

"Quan trọng nhất là việc bạn sớm tìm ra định hướng cho bản thân, thì dù có tập trung vào bằng cấp hay kinh nghiệm, cũng sẽ sớm tìm thấy thành công", ông Việt Hưng nhấn mạnh.