DNews

Gen Z đi muộn về sớm, nghỉ việc xóa dữ liệu, công ty bóc phốt: Ai văn minh?

Phương Liên

(Dân trí) - Nghỉ việc xong xóa dữ liệu, 2 nhân viên gen Z bị công ty "bóc phốt" trên mạng xã hội. Vậy gen Z đi sớm về muộn, "trễ deadline", nghỉ xong xóa dữ liệu và việc công ty phơi bày sự việc... ai văn minh?

Gen Z đi muộn về sớm, nghỉ việc xóa dữ liệu, công ty bóc phốt: Ai văn minh?

Công ty tố 2 nhân viên cấu kết xóa dữ liệu

Ngày 16/7, công ty phụ kiện thời trang H., trụ sở tại TPHCM, đăng bài lên mạng xã hội tố hai nhân viên "thiếu suy nghĩ, thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm". Theo đó, hai sinh viên P.U. và P.N. làm digital marketing part-time tại công ty H.

Công ty này cho biết sau vài tháng, P.U. bị đuổi việc do "giờ giấc làm việc không nghiêm túc, thường xuyên đi trễ, về sớm; liên tục trễ deadline; trưởng bộ phận liên hệ để giải quyết công việc đều không nghe máy, ảnh hưởng tới công việc của các bạn khác".

Còn P.N. bị cho nghỉ việc với lý do "kết quả làm việc yếu, không hiệu quả trong công việc, giờ công luôn tự tính cao; không liên lạc với trưởng bộ phận vì… mất điện thoại".

Cụ thể, từ 0h15 đến 4h ngày 12/7, một nhân viên đã vào Facebook của công ty xóa khoảng 300 bài đăng với lượng tương tác nhiều nhất  mà công ty "đã chi hàng chục tỷ đồng quảng cáo".

Công ty cũng tố P.N. vào Google Drive của công ty "xóa toàn bộ thông tin, hình ảnh, dữ liệu liên quan đến các đại lý/cộng tác viên".

Phía công ty sau đó đã nhờ bộ phận kỹ thuật rà soát lịch sử thao tác, "xác định đúng hai nhân sự này đã thực hiện các hành vi trên".

Gen Z đi muộn về sớm, nghỉ việc xóa dữ liệu, công ty bóc phốt: Ai văn minh? - 1

Công ty H. đăng bài tố hai nhân viên cấu kết, xóa hết dữ liệu của công ty sau khi nghỉ việc (Ảnh chụp màn hình).

Liệu công ty có nên "bóc phốt" nhân viên?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thái Hà, Giám đốc điều hành John Hunt, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, cho rằng dù người lao động có làm sai thì doanh nghiệp không nên xử lý theo cách như vậy.

Công ty H. đã điều hướng, kích động dư luận tấn công cá nhân và chính cách này cũng gây ra thêm rủi ro thêm cho doanh nghiệp.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, bà Hà cho rằng doanh nghiệp đã có lỗ hổng về quản trị nhân sự, quản trị vận hành, quản trị hệ thống.

"Tôi thấy doanh nghiệp có thể sai theo dây chuyền, từ khâu tuyển dụng nhân sự đến việc giao quyền, phân cấp công việc. Những công việc, thông tin quan trọng như vậy lại được giao cho những bạn thực tập. Không những vậy, doanh nghiệp còn sử dụng tài khoản mail cá nhân của nhân viên chứ không phải là hệ thống mail chung toàn công ty", bà nhận định. 

Gen Z đi muộn về sớm, nghỉ việc xóa dữ liệu, công ty bóc phốt: Ai văn minh? - 2

Công ty H. đăng hình ảnh được cho là hai nhân viên xóa dữ liệu (Ảnh chụp màn hình).

Cùng quan điểm với bà Hà, bà Thùy Dương, một chuyên gia hỗ trợ viết CV và phỏng vấn cho các ứng viên, cũng cho rằng việc công ty đưa bài lên mạng xã hội để "bóc phốt" nhân sự cũ là một hành động không đúng và không "đẹp" vì chưa có sự đồng ý đã tự ý đưa hình ảnh cá nhân của 2 bạn lên.

Không những vậy, bà Dương cho rằng việc đưa thông tin như vậy lên mạng xã hội khi chưa có giải quyết giữa 2 bên chỉ khiến cho mọi người cảm thấy doanh nghiệp đang làm chưa tốt về mặt quản lý.

Nếu như công ty chịu tổn thất do 2 bạn nhân sự cũ thì công ty nên làm việc cùng 2 bạn nhân sự trước để đi đến tiếng nói chung, xác định rõ các trách nhiệm cho việc gây ra tổn thất rồi xử lý theo quy định của công ty hoặc pháp luật.

"Sau khi mọi việc rõ ràng, nếu lỗi tới từ 2 bạn nhân sự cũ thì công ty có thể cảnh báo nội bộ, cảnh báo chính thức trên website hoặc các nền tảng mạng xã hội nhưng không nên đưa thông tin cá nhân của 2 bạn lên mạng xã hội", theo bà. 

Bài học nào cho 2 bạn nhân sự bị "tấn công"?

Theo bà Thái Hà, hành động của nhân sự trong câu chuyện trên, dù có chủ ý hay không, có cố tình hay vô tình thì vẫn gây thiệt hại, mất mát lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Dương cho rằng 2 bạn trong câu chuyện cũng có những hành động ứng xử chưa được phù hợp: "Mình không nói đến việc các bạn ấy gây thiệt hại tới tài sản công ty hay tác phong làm việc hàng ngày của 2 bạn, vì đó là điều chưa được xác minh cụ thể. Nhưng mình không đồng tình với cách ứng xử của 2 bạn khi được công ty gọi lên văn phòng để bàn giao công việc". 

Những lần công ty H. hẹn 2 bạn tới bàn giao, bạn đã đồng ý nhưng tới ngày hẹn lại không tới mà không báo trước, sau đó 2 ngày bạn mới báo là bận. Đó không phải là tác phong tốt trong công việc và bất cứ nhà sử dụng lao động nào cũng sẽ không đánh giá cao hành động như vậy.

Cho dù công ty có đang làm đúng hay sai, bà Dương cho rằng chính nhân sự cũng nên giữ đúng tác phong là một người có trách nhiệm, kỷ luật. Điều này sẽ luôn là điểm cộng các nhân sự đối với những nhà tuyển dụng khác.

Do công việc thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều các ứng viên, bà Dương có nhiều cơ hội trao đổi về mong muốn trong công việc của các bạn trẻ, trong đó đa phần là các bạn gen Z.

Chị chia sẻ rằng điểm chung của gen Z là cá tính, mong muốn một môi trường trẻ trung, có quyền lợi rõ ràng. Nhưng do nhiều bạn còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tế cả về năng lực và kỹ năng giao tiếp trong môi trường công ty, đôi lúc các bạn sẽ có những khó khăn trong việc hòa nhập cùng với các nhân sự thuộc "thế hệ khác".

Lời khuyên nào cho nhân sự gen Z?

Thông qua hàng trăm bạn trẻ đã hỗ trợ, bà Thùy Dương có một số lời khuyên tới nhân sự trẻ, đó là mọi việc đều có quá trình và cần nghiêm túc với bản thân ngay từ khi bắt đầu nộp đơn xin việc.

Phần lớn lý do dẫn đến nghỉ việc của nhân sự trẻ là lợi ích, quyền lợi của các bạn tại công ty không được đảm bảo hay vấn đề văn hóa làm việc trong môi trường công ty. 

Vì vậy, người trẻ cần tìm hiểu kỹ về công ty mình sẽ xin việc, để có thể biết được tầm nhìn, sứ mệnh, văn hóa của công ty, từ đó đánh giá xem mình có thích và mong muốn được làm việc tại đó hay không, sau đó nỗ lực để có thể phỏng vấn thành công.

Ngày nay mạng xã hội rất phát triển, có thể tìm thấy rất nhiều thông tin liên quan tới doanh nghiệp để mọi người có thể tham khảo.

Gen Z đi muộn về sớm, nghỉ việc xóa dữ liệu, công ty bóc phốt: Ai văn minh? - 3

Gen Z cần nghiêm túc với bản thân ngay từ khi bắt đầu nộp đơn xin việc (Minh họa: Unsplash).

Tiếp theo đó, mọi người cần tìm hiểu về vị trí công việc mình sẽ làm, có thực sự phù hợp với mong muốn phát triển hay lộ trình công việc của mình hay không, kinh nghiệm, tiềm năng của mình có xứng đáng với các lợi ích và mức lương mà công ty đưa ra hay không để tạo cho mình sự hài lòng trước tiên.

Sau đó, khi các bạn thật sự được trao cho cơ hội làm việc, các bạn cũng cần làm rõ các chế độ trong hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thử việc ngay từ ban đầu. Vì điều đó là một cách để bảo vệ người lao động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Đọc kỹ hợp đồng lao động là điều bắt buộc cần làm, để doanh nghiệp và ứng viên cam kết tiếng nói chung khi hai bên đặt bút kí. Những điều trên có thể giúp mọi người an tâm hơn khi làm việc và cũng giúp tăng sự hài lòng đối với công việc hơn.