Coteccons ra sao từ khi có chủ tịch HĐQT mới?
(Dân trí) - 3 năm qua, Coteccons có nhiều thay đổi về bộ máy nhân sự và tình hình tài chính trong tình hình thị trường chung biến động. Biên lợi nhuận gộp năm 2022 còn 3,3%, thấp hơn các năm 2020 trở về trước.
Cuối năm 2020, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) có sự thay đổi lớn về bộ máy nhân sự cấp cao. Ông Nguyễn Bá Dương, vị thuyền trưởng gắn bó 18 năm với doanh nghiệp rời đi. Người thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT là ông Bolat Duisenov (Thành viên HĐQT Coteccons kiêm Tổng giám đốc Kusto Việt Nam - cổ đông lớn của Coteccons).
3 năm trôi qua, Coteccons có nhiều thay đổi về bộ máy nhân sự. Nhiều lãnh đạo dưới thời ông Nguyễn Bá Dương cũng đã từ nhiệm. Ông Bolat Duisenov vẫn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Võ Hoàng Lâm làm Tổng giám đốc.
Nếu dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons nói "không" với nợ vay thì từ năm 2021, câu chuyện đã khác. Doanh nghiệp dần sử dụng đòn bẩy tài chính, mở rộng vay nợ và phát sinh chi phí lãi vay. Cuối năm 2022, Coteccons vay nợ tài chính hơn 1.077 tỷ đồng trong khi năm trước gần như không có. Điều đó đẩy chi phí lãi vay gia tăng từ 1 tỷ đồng lên 79 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, Kustocem vẫn là cổ đông ngoại lớn nhất tại Coteccons với tỷ lệ 17,6%. Công ty này có sự liên hệ với Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov. Một cổ đông ngoại khác là The 8th cũng sở hữu 10,5% vốn. Cổ đông lớn trong nước duy nhất là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công nắm giữ 14,2% vốn.
Giá cổ phiếu CTD từ đầu năm tới nay có bước tăng từ vùng 35.500 đồng/cổ phiếu tăng lên 66.500 đồng/cổ phiếu, tăng 87%. Doanh nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi từ siêu dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam cũng như còn 17.000 tỷ đồng backlog (giá trị hợp đồng chuyển tiếp) cho năm 2023, chưa kể dự án Lego 1 tỷ USD ở Bình Dương.