1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Coteccons tập trung nhóm khách hàng vững tài chính để giảm nguy cơ nợ khó đòi

Trường Thịnh

(Dân trí) - Để giảm rủi ro từ công nợ và hàng tồn kho, đại diện Coteccons cho biết, chiến lược của doanh nghiệp sắp tới sẽ tập trung vào nhóm các dự án có tiềm lực tài chính mạnh như dự án FDI, các siêu dự án, dự án hạ tầng trọng điểm.

Sáng ngày 25/4, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tại đây, đại hội đã thông qua nhiều kế hoạch kinh doanh quan trọng cho năm 2023 cũng như giai đoạn 5 năm sắp tới.

Theo báo cáo trình đại hội đồng cổ đông, trong năm 2022, Coteccons ghi nhận 14.537 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 60% so với năm trước. Nhưng giá vốn hàng hóa và dịch vụ cung cấp, chi phí tài chính cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 53,5 tỷ đồng.

Một số nguồn thu nhập và lợi nhuận khác đã giúp đơn vị thoát lỗ và có lợi nhuận sau thuế khoảng 20,7 tỷ đồng. Con số này giảm 14% so với cùng kỳ năm nhưng đã đạt 105% so với chỉ tiêu đặt ra.

Coteccons tập trung nhóm khách hàng vững tài chính để giảm nguy cơ nợ khó đòi - 1
Đại hội đồng cổ đông Coteccons diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến (Ảnh: Coteccons).

Tổng tài sản của Coteccons tính đến ngày 31/12/2022 đạt 18.967 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước và bằng 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận mức âm 1.627 tỷ đồng; trong khi năm 2021 dương 421 tỷ đồng.

Vấn đề rủi ro về dòng tiền cũng được đưa ra thảo luận khi tổng khoản phải thu của CTD đã hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm và chiếm hơn 61% tổng tài sản. Trong đó, có 1.322 tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh - và CTCP Đầu tư Minh Việt. Cùng với đó là giá trị hàng tồn kho gần 3.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về quan ngại này của cổ đông, bà Cao Thị Mai Lê - Kế toán trưởng Coteccons - thừa nhận, công nợ và hàng tồn kho lớn là đặc thù của các doanh nghiệp ngành xây dựng và khó có thể thay đổi. Thông thường, các nhà thầu phải đem nguồn lực của mình để triển khai dự án trong 2-3 tháng mới được chủ đầu tư ghi nhận và thanh toán.

"Chúng tôi cũng thừa nhận đây là rủi ro khá lớn với các doanh nghiệp. Để giảm thiểu rủi ro này, chỉ có cách là chúng tôi phải đánh giá rất kỹ các chủ đầu tư bất động sản để tránh việc đẩy hàng tồn kho và số nợ phải thu lên quá cao", bà Lê chia sẻ.

Coteccons tập trung nhóm khách hàng vững tài chính để giảm nguy cơ nợ khó đòi - 2
Bà Cao Thị Mai Lê - Kế toán trưởng Coteccons - chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông (Ảnh: Coteccons).

Nhằm giảm rủi ro công nợ, trong thời gian tới, Coteccons sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, hướng đến những tệp khách hàng có tài chính vững mạnh hơn. Trọng tâm là chinh phục các dự án mega (quy mô lớn, yêu cầu cao và tầm ảnh hưởng rộng), dự án repeat sales (dự án mới của khách hàng đã có), dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và quyết liệt theo đuổi các dự án hạ tầng lớn.

Riêng về dòng tiền âm 1.627 tỷ đồng vào cuối năm 2022, theo bà Lê, đây là kết quả từ chiến lược đẩy nhanh doanh thu của công ty. Sau khi đánh giá kỹ năng lực tài chính của chủ đầu tư, trong năm vừa qua, Coteccons đã mạnh dạn "bung" tiền triển khai loạt dự án với chiến lược "chi trước thu sau". Chiến lược này cũng đã bắt đầu thu "trái ngọt" khi đến cuối quý I, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CTD đã dương 1.239 tỷ đồng.

"Là đơn vị xây dựng dẫn đầu của ngành, ngoài việc đảm bảo an toàn - kỹ thuật - chất lượng, chúng tôi cũng phải bảo đảm tài chính vững mạnh. Sau lưng chúng tôi còn có rất nhiều nhà thầu phụ - những đơn vị thường có tài chính yếu. Chúng tôi phải đảm bảo tài chính mạnh để làm chỗ dựa cho họ và đáp ứng yêu cầu về tiến độ với khách hàng. Do đó, chúng tôi phải quản trị rủi ro tốt và đánh giá kỹ tiềm lực của các chủ đầu tư bất động sản. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể tự tin nói rằng, mình đã lựa chọn đúng đắn", bà khẳng định.

Coteccons tập trung nhóm khách hàng vững tài chính để giảm nguy cơ nợ khó đòi - 3
Đại diện ban điều hành Coteccons trả lời câu hỏi từ cổ đông (Ảnh: Coteccons).

Về kế hoạch phát triển trong năm 2023, đại hội cổ đông thông qua mục tiêu 16.249 tỷ đồng doanh thu và 233 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 12% và 1.010% so với năm ngoái. Đây là một chỉ tiêu khá thách thức giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong ngành đặt kế hoạch doanh thu giảm, có đơn vị lên đến 40-50%.

Theo ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Coteccons - mục tiêu này được đặt dựa trên nhiều cơ sở đáng tin cậy. Điển hình là lượng backlog (giá trị hợp đồng để lại) khoảng 17.000 tỷ đồng cho năm 2023.

Từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam, Coteccons rơi vào khủng hoảng lớn từ khi đổi "ghế" chủ tịch.

Trong 2 năm qua, đại diện công ty cho biết, doanh nghiệp đứng trước không ít hoài nghi về năng lực hoạt động sau khi tái cấu trúc "thượng tầng". Thậm chí nhiều dự án nhỏ như công trình dân dụng hay các nhà máy đơn giản cũng đặt vấn đề về khả năng triển khai của doanh nghiệp. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chủ tịch Bolat tự tin, đơn vị đã lấy lại vị thế.

"Chúng tôi có chiến lược mạch lạc, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn và có đầy đủ nguồn lực để thực hiện. Tôi có thể khẳng định, trên thị trường hiện nay không còn khách hàng nào ngờ vực về năng lực của Coteccons, bởi vì chúng tôi luôn hoàn thành dự án đúng tiến độ với chất lượng mong muốn. Và chúng tôi thật sự đang dẫn đầu thị trường", ông nói.

Coteccons tập trung nhóm khách hàng vững tài chính để giảm nguy cơ nợ khó đòi - 4
Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Coteccons (Ảnh: Coteccons).

Cũng trong đại hội đồng cổ đông, Coteccons đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại lên tối đa 100% cũng như kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP (phát hành cổ phiếu cho người lao động có lựa chọn) trong 5 năm.

Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa 12,5% tổng số cổ phần đang lưu hành, tương ứng với 2,5%/năm. Trong đó, dự kiến 50% tổng giá trị phát hành - tương đương 1,25% tổng số cổ phần đang lưu hành - sẽ được trích từ quỹ lương công ty; và 50% còn lại trích từ quỹ thưởng của công ty.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu CTD chứng kiến sự bứt phá trong nhiều phiên giao dịch gần đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, giá cổ phiếu này chốt ở mức 58.000 đồng/cổ phiếu, nhưng có lúc chạm vùng 62.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu tính từ 1/3 đến nay, giá cổ phiếu của Coteccons đã tăng gần 75% với khối lượng giao dịch trung bình hơn nửa triệu đơn vị/phiên. Trong đó, yếu tố "kích" giá cổ phiếu CTD chủ yếu đến từ thông tin doanh nghiệp trúng thầu hợp đồng xây dựng nhà máy Lego với quy mô đầu tư một tỷ USD; cũng như khả năng đơn vị có thể trúng thầu các cấu phần xây lắp của đại dự án Sân bay quốc tế Long Thành. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm