Chuyện nhà thầu số 2 Việt Nam đi đòi nợ và bị nợ đòi

Kim Ngọc

(Dân trí) - Một nhóm người đứng đòi nợ ngay hôm diễn ra phiên họp cổ đông của Coteccons. CEO doanh nghiệp cho biết đó là nhóm đòi nợ thuê, đòi khoản nợ từ 7-8 năm về trước thời "người cũ".

Buổi sáng 25/4, trước khi Coteccons diễn ra cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2023, cả hai cánh cổng vào tòa nhà đều bị chặn lại.

Nhóm nam giới từ một công ty mua bán nợ đứng dàn hàng ở cổng tòa nhà, yêu cầu được làm việc và đòi Coteccons trả tiền. Sự việc sau đó có sự xuất hiện của cả công an. Đám đông được giải tán.

Từ bị đòi nợ đến việc đi đòi nợ không thành

Trong cuộc họp, ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Coteccons (mã chứng khoán: CTD), thẳng thắn nói đó là một nhóm đòi nợ thuê, đòi khoản nợ từ 7-8 năm về trước (thời Chủ tịch tiền nhiệm Nguyễn Bá Dương - PV).

Trao đổi với Dân trí, đại diện công ty cho biết khoản nợ này từ năm 2016 của nhóm các nhà thầu phụ, giá trị khoảng 1-2 tỷ đồng. Thời điểm đó, các nhà thầu này không được ông Dương xác nhận khối lượng công trình vì không đầy đủ chứng từ.

Không phải lần đầu tiên Coteccons phát sinh vụ việc liên quan tới các lãnh đạo thời tiền nhiệm. Một số vấn đề lớn hơn như nghìn tỷ đồng nợ xấu từ 16 dự án dưới thời ông Nguyễn Bá Dương gần đây cũng được doanh nghiệp này công bố và đưa ra hướng giải quyết.

Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 2020, ông Bolat Duisenov lên làm Chủ tịch HĐQT Coteccons thay ông Nguyễn Bá Dương. Năm đó, Coteccons đã bắt đầu "mạnh tay" trong việc trích lập dự phòng rủi ro với các dự án có vấn đề. Bằng chứng là lợi nhuận sau thuế kiểm toán cả năm của công ty giảm gần 129 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, còn 335 tỷ đồng.

Trước đó, công ty cho biết việc ghi nhận trích lập dự phòng của công ty chủ yếu phụ thuộc vào những đánh giá chủ quan của ban lãnh đạo đối với các khoản phải thu của từng đối tác, chỉ thực hiện ghi nhận chi phí khi có bằng chứng cụ thể về việc phá sản, thua kiện… Tuy nhiên, điều này chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc thận trọng của kế toán.

Đến cuối năm 2020, công ty đã rà soát lại toàn bộ các số liệu và thiết lập các chính sách cụ thể cho việc ghi nhận trích lập dự phòng dựa trên các yếu tố định tính lẫn định lượng. Công ty điều chỉnh nguyên tắc đánh giá tuổi nợ và phân loại nợ phù hợp với thông lệ phổ biến của ngành xây dựng; tìm hiểu thông tin qua các ngân hàng, đánh giá khả năng thanh toán của chủ đầu tư với dự án... Vì thế, các khoản phải thu quá hạn với tuổi nợ trung bình cao của các chủ đầu tư bị đánh giá năng lực tài chính thấp sẽ phải ghi nhận trích lập dự phòng.

Nói một cách ngắn gọn hơn, theo nguyên tắc kế toán, trong một năm đầu tiên, số nợ này được ghi nhận là hàng tồn kho. Sau 1 năm, chủ đầu tư không xác nhận nợ thì được hạch toán qua khoản phải thu. Từ 1 đến 3 năm, nếu xác nhận được chủ đầu tư phá sản, vỡ nợ thì hạch toán thành nợ xấu, trích lập dự phòng; hoặc trong điều kiện bình thường thì thu theo tiến độ dự án.

Chuyện nhà thầu số 2 Việt Nam đi đòi nợ và bị nợ đòi - 1

Coteccons phát sinh vụ việc liên quan tới các lãnh đạo thời tiền nhiệm (Ảnh: IT)

Đến nay, Coteccons cho biết đã đưa ra phương án xử lý gần hết 16 dự án có nợ xấu. Nếu công nợ được thu hồi, khoản trích lập dự phòng này sẽ được hoàn nhập tạo lợi nhuận. Trong năm 2022, hơn 44 tỷ đồng đã được hoàn nhập, đem lại lợi nhuận cho công ty.

Trong các năm qua, công ty cũng trích lập dự phòng nhiều dự án của các chủ đầu tư như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.... Tính đến quý I/2023, công ty này đã trích lập dự phòng gần 1.009 tỷ đồng cho khoản nợ hơn 1.360 tỷ đồng từ các khách hàng. Việc trích lập dự phòng này dự kiến chưa dừng lại. Bà Cao Thị Mai Lê, Giám đốc tài chính cho biết trong năm nay, công ty sẽ trích lập dự phòng thêm 172 tỷ đồng cho kế hoạch lợi nhuận 233 tỷ đồng.

3 năm làm được gì? 

Tại cuộc họp cổ đông, ông Bolat Duisenov nhớ lại 2 năm trước đây, ông bước lên vị trí lãnh đạo Coteccons. Lúc đó, ông đưa ra lời hứa: nhiệm vụ trọng tâm là ổn định tình hình, đưa công ty tiến vào tương lai tốt đẹp hơn, tương lai của sự phát triển. "Tôi thú thật là đã cảm nhận được sự lo lắng, hoài nghi của nhiều người, không chỉ ở bên ngoài mà ngay cả nội bộ công ty", ông Bolat nhớ lại.

Tuy nhiên, theo vị này, 2 năm qua, điều ông tự hào nhất là đã thay đổi được tư duy, suy nghĩ của cả nội bộ và bên ngoài. Khách hàng không còn ngờ vực về khả năng của Coteccons. Đội ngũ nhân viên công ty tin tưởng làm chủ vận mệnh.

Ông Võ Hoàng Lâm kể về hành trình 3 năm qua với nhiều cảm xúc.

Năm 2020, khi công ty có chủ tịch HĐQT mới sau một thời gian mâu thuẫn thượng tầng, khách hàng hỏi ông liệu công ty còn có người để thi công không, dù khách hàng đó chỉ có nhu cầu với một cái nhà xưởng nhỏ. Sự hoài nghi đẩy lên đến đỉnh điểm.

Tuy nhiên sau đó, nhiều dự án lớn đã được giao thầu, trong đó có dự án nhà máy Lego mà "ngay cả trong giấc mơ tôi cũng không nghĩ một nhà thầu trong nước được làm", ông Lâm nói. Công ty mở rộng tệp khách hàng sang lĩnh vực FDI. Tỷ lệ bán hàng thành công cho khách cũ (repeat sales) cũng tăng với khách hàng tiêu biểu là VinFast, Ecopark... Với mảng xây dựng truyền thống, doanh nghiệp này đi theo con đường thực hiện các dự án biểu tượng, có tính chất khó, phức tạp, đỉnh cao để khẳng định vị trí trên thị trường.

Về tình hình kinh doanh quý I, công ty có doanh thu 3.129 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 22 tỷ đồng. Trong khi doanh thu tăng 64% thì lợi nhuận giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của công ty, nguyên nhân suy giảm lợi nhuận do chi phí tài chính tăng cao, gấp 3 lần cùng kỳ vì lãi suất tăng cao.