Trước khi bầu Thụy vào HĐQT, LienVietPostBank cho Thaiholdings vay ra sao?
(Dân trí) - Trước khi "bầu" Thụy trở thành Phó Chủ tịch LienVietPostBank, Thaiholdings đã cầm cố tài sản khá nổi tiếng thuộc sở hữu Thaiholdings và Thaigroup.
Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức ngay sau Đại hội đồng cổ đông năm 2021, ông Nguyễn Đức Thụy ("bầu" Thụy) đã được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Thông tin khá bất ngờ vì trước đó nhiều tin đồn cho rằng ông Thụy sẽ trở thành Chủ tịch HĐQT nhà băng này.
Cầm cố cổ phiếu khách sạn Kim Liên
Tên tuổi ông Nguyễn Đức Thụy gắn liền với Công ty cổ phần Thaiholdings. Trước đây, ông là Chủ tịch HĐQT của Thaiholdings, đã thôi chức vụ này kể từ ngày 29/2/2020 vì lý do cá nhân. Song theo báo cáo quản trị 2020 của Thaiholdings, tính đến cuối tháng 1/2021, ông Nguyễn Đức Thụy vẫn là cổ đông lớn của công ty với hơn 10,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 20%.
Công ty cổ phần Thaiholdings thành lập trong năm 2011. Do thời gian đầu không phải công ty đại chúng nên Thaiholdings không cần công khai hồ sơ. Phải tới năm 2020, khi cổ phiếu THD chào sàn, Thaiholdings mới công bố báo cáo tài chính năm 2019, sau đó là năm 2020 và gần đây nhất là quý I/2021.
Theo đó, trong năm 2019, thời điểm bầu Thụy vẫn nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaiholdings, Thaiholdings và LienVietPostBank chưa phát sinh quan hệ tín dụng.
Năm 2019, nợ vay của Thaiholdings rất thấp. Có vốn góp chủ sở hữu lên đến 539 tỷ đồng nhưng tổng nợ vay của công ty này chỉ là 63,9 tỷ đồng. Hai đơn vị mà Thaiholdings vay là Agribank - Chi nhánh Trung Yên và Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Sản xuất Vũng Áng.
Cũng trong năm 2019, hồi tháng 3, Thaiholdings thông qua phương án đầu tư vào Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên, đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên.
Trong 3 quý đầu năm 2020, trong danh sách các "chủ nợ" của mình, Thaiholdings chưa nhắc tới LienVietPostBank. Phải tới quý IV/2020, nợ vay tại Thaiholdings mới bất ngờ tăng 3.098 tỷ đồng, tương đương 4.848% lên 3.162 tỷ đồng. Và từ đây, Thaiholdings và LienVietPostBank phát sinh quan hệ tín dụng.
Cụ thể, hồi tháng 10/2020, Hội đồng quản trị Thaiholdings đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc vay 500 tỷ đồng tại LienVietPostBank để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại thực phẩm. 819.450 cổ phiếu do Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên được sử dụng làm tài sản đảm bảo.
Trong quý IV/2020, LienVietPostBank - Chi nhánh Thăng Long đã cho Thaiholdings vay ngắn hạn 277 tỷ đồng. Các khoản vay được thực hiện theo Hợp đồng tín dụng có hạn mức 500 tỷ đồng. Mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm đông lạnh. Thaiholdings và LienVietPostBank quan hệ ra sao trước
Tài sản đảm bảo là 819.450 cổ phiếu Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên thuộc sở hữu của công ty, hơn 3,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên thuộc sở hữu Thaigroup và các khoản tiền gửi, bất động sản, thuộc sở hữu của cổ đông lớn của công ty hoặc bố, mẹ, anh, chị, em ruột của cổ đông lớn của công ty.
Ngoài ra, LienVietPostBank - Chi nhánh Ninh Bình ghi nhận tăng do hợp nhất kinh doanh trị giá 200 tỷ đồng. Khoản vay này có mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại nguyên, vật liệu xây dựng. Tài sản đảm bảo là hơn 3,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên thuộc sở hữu của Thaigroup.
Ngay trong kỳ, Thaiholdings đã thanh toán một phần của khoản vay.
Tới quý I/2021, tại LienVietPostBank - Chi nhánh Thăng Long, các khoản vay của Thaihodings tăng 179 tỷ đồng nhưng giảm 456 tỷ đồng; còn tại LienVietPostBank - Chi nhánh Ninh Bình, các khoản vay giảm 84,4 tỷ đồng, tăng 105 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2021, dư nợ của Thaiholdings tại hai chính nhánh này lần lượt là 0 đồng và gần 200 tỷ đồng.
Hệ sinh thái Thaiholdings có giúp LienVietPostBank cải thiện tăng trưởng tín dụng?
Phía LienVietPostBank rất kỳ vọng vào sự tham gia của "bầu" Thụy vào HĐQT. Trong một thông cáo phát đi, ngân hàng cho biết bầu Thụy từng nhiều năm kinh nghiệm giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn. Ngân hàng này tin tưởng bầu Thụy sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động của ngân hàng, cùng với các thành viên Hội đồng quản trị tiếp tục tạo dựng nền móng vững chắc để LienVietPostBank hiện thực hóa các chiến lược kinh doanh, khẳng định vị thế trong giai đoạn phát triển mới.
"Bầu" Thụy gia nhập LienVietPostBank trong bối cảnh ngân hàng này bỗng dưng "hạ nhiệt" tăng trưởng tín dụng sau năm tăng khá mạnh. Cụ thể, năm 2020, LienVietPostBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng đạt tới 25,6% (trung bình mỗi quý tăng 6,4%), cao gần gấp đôi mặt bằng chung của thị trường.
Tuy nhiên, tới quý I/2021, tăng trưởng cho vay của LienVietPostBank bỗng nhiên chững lại. Tại thời điểm 31/3/2021, chỉ tiêu Cho vay khách hàng tại LienVietPostBank chỉ là 180.264 tỷ đồng, tăng 6.117 tỷ đồng, tương đương 3,5% so với hồi đầu năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng có quy mô vốn tương tự ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn khá nhiều. Tăng trưởng cho vay khách hàng tại ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) lần lượt là 4,3%, 4,7% và 12,8%.
Thế nhưng, có vẻ như tăng trưởng tín dụng bất ngờ chững lại dường như không ảnh hưởng nhiều tới kết quả kinh doanh của LienVietPostBank. Trong quý I/2021, ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 877 tỷ đồng, tăng 391 tỷ đồng, tương đương 80,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Đóng cửa phiên giao dịch tuần này, cổ phiếu LPB dừng ở mức 21.600 đồng/cổ phiếu, tăng 9.200 đồng/cổ phiếu, tương đương 74,2% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020.