DMagazine

Cơn bão giá, biến số bất ngờ và nỗi lo về sự rình rập của một "bóng ma"

(Dân trí) - Rủi ro đối với lạm phát gia tăng là hiện hữu. Nhưng cũng cần khẳng định rằng chúng ta có nhiều dư địa và cơ hội để kiềm chế lạm phát, đảm bảo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong năm nay.

ĐI ĐÂU CŨNG NGHE CHUYỆN TĂNG GIÁ

Thời gian gần đây, đi đâu, chỗ nào, tôi cũng nghe mọi người bàn tán về giá hàng hóa. Nào là xăng tăng kỷ lục, vàng tăng dựng đứng, thép tăng phá đỉnh rồi đến những mặt hàng phải chi tiêu hàng ngày như rau thịt củ quả đều tăng…

Kinh tế Việt Nam bước vào năm 2022 với những cơ sở vững chắc về nền tảng vĩ mô. Nhưng những diễn biến gần đây đã cho thấy những giả định cho các dự báo tích cực về lạm phát cho năm 2022 đã không còn nguyên giá trị.

Nhiều biến số mới vốn không nằm trong dự báo ban đầu đã xuất hiện đầy bất ngờ.

Cơn bão giá, biến số bất ngờ và nỗi lo về sự rình rập của một bóng ma - 1
Cơn bão giá, biến số bất ngờ và nỗi lo về sự rình rập của một bóng ma - 2

Xăng tăng giá kéo loạt hàng hóa tăng giá theo (Ảnh: Hải Long).

BIẾN SỐ BẤT NGỜ, THÁCH THỨC HIỆN HỮU

Các chuyên gia Tổng cục Thống kê tính toán, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100 - 125 USD/thùng, thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40% đến 75%. Khi đó chỉ riêng yếu tố xăng dầu tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng từ 1,44% đến 2,7%.

Nay giá dầu có thời điểm vượt mốc 140 USD/thùng và một loạt hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu quan trọng cho quá trình sản xuất để xuất khẩu cũng như chi phí hậu cần, vận chuyển, năng lượng lần lượt tăng vọt và chưa thấy điểm dừng.

Chuỗi cung ứng và hậu cần trên toàn cầu vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn sau đại dịch, thậm chí xuất hiện những vết đứt gãy mới do các diễn biến căng thẳng tại Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, một khoản tiền đáng kể từ gói phục hồi cũng sẽ được giải ngân trong những quý tới đây, ít nhiều tạo thêm áp lực về lạm phát.

Trong bối cảnh như vậy, không thể đánh giá thấp nguy cơ lạm phát. Lạm phát được ví như "bóng ma" nền kinh tế, tác động rất mạnh tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.

Với những diễn biến gần đây thì mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức bình quân 4% như Quốc hội đề ra sẽ một thách thức lớn.

Cơn bão giá, biến số bất ngờ và nỗi lo về sự rình rập của một bóng ma - 3
Cơn bão giá, biến số bất ngờ và nỗi lo về sự rình rập của một bóng ma - 4

Thu nhập không tăng song chỉ có thể mua được một lượng hàng hóa, dịch vụ ít hơn, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp và người nghèo (Ảnh: Mạnh Quân).

HỆ LỤY GÌ NẾU LẠM PHÁT GIA TĂNG?

Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ được duy trì ổn định trong năm nay song lạm phát sẽ là tâm điểm cần được chú ý đặc biệt.

Áp lực đối với lạm phát tăng ngày càng gia tăng qua từng tuần, từng tháng và người dân, doanh nghiệp đã bắt đầu cảm nhận được "sức nóng" từ sự tăng giá của hàng hóa tiêu dùng và của nguyên, nhiên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Lạm phát sẽ làm bào mòn sức mua của người tiêu dùng và doanh nghiệp, làm giảm mức thu nhập khả dụng của người dân. Có người còn thốt lên rằng họ cảm thấy như bị "móc túi" từng ngày khi giá cả mọi thứ "lên đồng". Sẽ không ngạc nhiên, ở thời kỳ lạm phát tăng cao, người ta thấy đồng tiền bấy lâu nay tích cóp trở nên quá "rẻ" khi quy đổi.

Trong khi đó, nỗ lực nhằm hỗ trợ và kích thích tiêu dùng thông qua biện pháp giảm VAT đứng trước nguy cơ bị giảm đáng kể hiệu quả nếu lạm phát gia tăng mạnh. Thu nhập không tăng song chỉ có thể mua được một lượng hàng hóa, dịch vụ ít hơn, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp và người nghèo. Sự phục hồi yếu ớt của mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng trong hai tháng đầu năm có nguy cơ bị đảo ngược.

Các doanh nghiệp nay phải đứng trước một bài toán mới để cân bằng chi phí sản xuất kinh doanh, đảm bảo mức chi phí và giá cả hàng hóa, dịch vụ ở mức cạnh tranh trong bối cảnh nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng vọt. Chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải, nông nghiệp, chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Các công trình đầu tư công cũng phải đối diện với một mặt bằng chi phí mới sẽ được thiết lập do lạm phát.

Sự khan hiếm của các nguyên vật liệu phục vụ cho thi công các công trình cơ sở hạ tầng sẽ vừa là nguyên nhân và cũng là hệ quả cho giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới các dự toán và quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.

Lạm phát gia tăng cũng ảnh hưởng tới các nỗ lực nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Không quá khó để có thể dự đoán rằng nếu lạm phát gia tăng, một mặt bằng lãi suất huy động mới sẽ được thiết lập và lãi suất vay vốn của các doanh nghiệp và người kinh doanh vì thế cũng gia tăng. Chi phí sản xuất kinh doanh vốn đã chịu nhiều sức ép, nay lại càng chịu áp lực mạnh hơn từ chi phí lãi vay phải trả cho các ngân hàng.

Cơn bão giá, biến số bất ngờ và nỗi lo về sự rình rập của một bóng ma - 5
Cơn bão giá, biến số bất ngờ và nỗi lo về sự rình rập của một bóng ma - 6

Lạm phát có thể bị đẩy cao hơn với rủi ro lớn hơn, đặc biệt khi có những giải pháp ứng phó từ góc độ chính sách tiền tệ, tài khóa và vận hành thị trường, giá cả không phù hợp (Ảnh: Tiến Tuấn).

HOÀN TOÀN KHÔNG THỂ CHỦ QUAN

Trong bối cảnh như vậy, chúng ta hoàn toàn không thể đánh giá thấp nguy cơ lạm phát và càng không thể chủ quan trước rủi ro này đối với sự ổn định về kinh tế vĩ mô.

Lạm phát có thể bị tạo áp lực mạnh bởi các yếu tố chi phí đẩy, đặc biệt là từ những hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ thị trường toàn cầu. Nhưng lạm phát có thể bị đẩy cao hơn với rủi ro lớn hơn, đặc biệt khi có những giải pháp ứng phó từ góc độ chính sách tiền tệ, tài khóa và vận hành thị trường, giá cả không phù hợp hoặc sai lầm.

Do vậy, giảm bớt rủi ro lạm phát cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách tiền tệ, tài khóa và cách thức để các thị trường hàng hóa quan trọng như xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu vận hành một cách thông suốt, không gián đoạn trong thời gian tới.

Ngoại trừ những yếu tố không thể kiểm soát như giá cả của thị trường thế giới, chúng ta cần kiểm soát tốt những yếu tố trong phạm vi năng lực của mình nhằm giảm bớt rủi ro. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, các chính sách tiền tệ, tài khóa, điều hành thị trường, hay việc triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cần linh hoạt bám sát các diễn biến của thị trường.

Các nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định pháp luật, hay trì hoãn việc nâng giá một số chi phí như cảng biển, phí và lệ phí, phí một số loại dịch vụ công sẽ vừa góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam, vừa có tác động trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng.

Cũng cần xây dựng các kịch bản khác nhau về lạm phát, trong đó không loại trừ kịch bản rủi ro cao là chỉ số giá tiêu dùng có thể vượt mức mục tiêu như đề ra cho năm nay để có các phương án điều hành chủ động và các biện pháp kiềm chế lạm phát phù hợp.

Rủi ro đối với lạm phát gia tăng là hiện hữu. Nhưng cũng cần khẳng định rằng chúng ta có nhiều dư địa và cơ hội để kiềm chế lạm phát, đảm bảo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong năm nay. Bám sát thực tiễn, bám sát thị trường, chủ động và linh hoạt sẽ góp phần củng cố các dư địa và cơ hội này.

TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam