Có lúc giá xăng rẻ như cho giờ lại lập đỉnh lịch sử, lo "cú sốc" lạm phát

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Tháng 4/2020, xăng giảm sâu kỷ lục chỉ còn 10.942 đồng/lít do tác động của Covid-19. Hai năm sau, giá mặt hàng này lập đỉnh lịch sử khi sát 30.000 đồng/lít.

Có lúc giá xăng rẻ như cho giờ lại lập đỉnh lịch sử, lo cú sốc lạm phát  - 1

Người dân đổ xô đi mua xăng trước kỳ điều chỉnh lịch sử, đưa mặt hàng này lên sát 30.000 đồng/lít (Ảnh: N.M).

Sau 2 năm, người dân phải bỏ thêm gần 19.000 đồng để mua 1 lít xăng

Nhiều người ví ngày 11/3 như kỳ điều chỉnh lịch sử xăng dầu khi mức giá xăng RON 95 tăng lên sát 30.000 đồng/lít.

Trước phiên điều chỉnh này một ngày, người dân khắp nơi đổ xô đi mua xăng. Thậm chí có những người mang can, chai nhựa, thậm chí cả thùng phuy đi mua tích trữ trước giờ giá lên.

Nhiều chủ cửa hàng xăng cho biết lượng bán ra gấp đến 5 lần bình thường, đông như "trẩy hội". Có cửa hàng thiếu nhân viên, giám đốc còn ra bơm xăng cho khách để tránh ùn tắc. Nhiều điểm tấp nập xe bồn đến tiếp hàng, cũng có cửa hàng phải treo biển hết xăng…

Cảnh tượng này khiến chúng ta lại thời điểm tháng 5/2020 - phiên điều chỉnh tăng giá trở lại sau một chuỗi giảm sâu đưa giá xăng về mức rẻ kỷ lục - chỉ 10.942 đồng/lít E5 RON 92 và 11.631 đồng RON 95. Thời điểm đó, người dân cũng ùn ùn đi mua xăng suốt từ tối hôm trước phiên điều chỉnh cho đến trưa ngày hôm sau. Cơ quan quản lý đã phải ra cảnh báo khuyến cáo hạn chế người dân mua tích trữ mặt hàng này vì lo ngại an toàn phòng cháy chữa cháy.

Có lúc giá xăng rẻ như cho giờ lại lập đỉnh lịch sử, lo cú sốc lạm phát  - 2

Giá xăng dầu thời điểm rẻ kỷ lục hồi tháng 4/2020 so với đỉnh lịch sử tháng 3/2022 (Biểu đồ: N.M, đơn vị: đồng/lít).

Nếu so với mức giá "rẻ như cho" hồi tháng 4/2020 thì nay người dân đã phải chi thêm gần 19.000 đồng để mua một lít xăng. Không chỉ phải chi trả thêm khoản tiền cho việc mua xăng dầu, người dân cũng sẽ phải gánh thêm khoản tiền khi hàng hóa tăng theo giá xăng.

Nhiều người trông chờ đầu tháng 4 tới khi mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được giảm là 2.000 đồng/lít như đề nghị của Bộ Tài chính, gánh nặng cho mặt hàng này sẽ giảm xuống.

Xăng dầu tăng cao và nỗi lo lạm phát

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình dẫn tính toán từ Tổng cục Thống kê cho biết, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100-125 USD/thùng, thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40-75%. Khi đó chỉ riêng yếu tố xăng dầu tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng 1,44-2,7%.

"Nay giá dầu đã có thời điểm vượt mốc 140 USD/thùng và một loạt hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu quan trọng cho quá trình sản xuất để xuất khẩu cũng như chi phí hậu cần, vận chuyển, năng lượng lần lượt tăng vọt và chưa thấy điểm dừng", ông Bình lo ngại điều này sẽ tác động tới lạm phát.

Cũng theo vị chuyên gia, chuỗi cung ứng và hậu cần trên toàn cầu vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn sau đại dịch, thậm chí xuất hiện những vết đứt gãy mới do các diễn biến căng thẳng tại Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, một khoản tiền đáng kể từ gói phục hồi cũng sẽ được giải ngân trong những quý tới đây, ít nhiều tạo thêm áp lực về lạm phát.

Có lúc giá xăng rẻ như cho giờ lại lập đỉnh lịch sử, lo cú sốc lạm phát  - 3

Kỳ điều chỉnh lịch sử của giá xăng dầu (Ảnh: Hải Long).

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết những "cú sốc" khi giá dầu tăng cao đã tác động mạnh đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

"Cú sốc" giá dầu tăng có những tác động bất lợi đối với nền kinh tế, do vậy theo vị chuyên gia cần đặc biệt lưu tâm để có những giải pháp hữu hiệu giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Ông Thỏa phân tích, giá xăng dầu tăng thì tác động bao trùm nhất đối với tăng trưởng GDP. Theo đó, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5% (theo tính toán của chuyên gia thống kê).

"Theo tính toán của tôi khi giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác) thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35-0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87%-0,9%; Tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%", ông Thỏa nói.

Riêng với 2 lĩnh vực kinh tế cụ thể sử dụng nhiều xăng dầu, ông Thỏa cho biết, giá xăng dầu nếu tăng 10% sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng, tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh và mặt bằng giá thị trường. Cụ thể đối với ngành vận tải, giá thành sẽ tăng 3,5-4% và ngành thủy sản đánh bắt xa bờ sẽ tăng 5-6%...

Còn đối với tiêu dùng, vị chuyên gia cho biết, các hộ gia đình không chỉ phải trả tăng thêm chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hàng ngày 10% mà còn bị tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.

Trong khi đó, thực tế theo tính toán của Bộ Công Thương, giá xăng dầu đã tăng khoảng từ 27-44% tùy loại so với giá xăng dầu đầu năm 2022, điều này làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước.

Để đối phó nguy cơ giá xăng dầu trong nước liên tục tăng mạnh, tác động lớn tới lạm phát và cuộc sống của người dân, các chuyên gia cho rằng chính sách điều hành vĩ mô cần phải chủ động linh hoạt, tính toán, kiềm chế.