(Dân trí) - Nền kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi kể từ đại dịch Covid-19 nhanh hơn dự báo của giới quan sát, song lạm phát bùng nổ đã cản trở quá trình phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn.
Lạm phát tăng cao tại nhiều nước đồng nghĩa với giá của mọi thứ từ thức ăn, xăng đến hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng đều tăng lên. Lạm phát sẽ ảnh hưởng ngày càng nặng nề tới túi tiền của người tiêu dùng trong thời gian tới, khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.
"Với tình hình lạm phát tồi tệ, tôi không thể kiếm lời nổi. Tôi đã sống sót qua dịch Covid-19 nhưng không biết liệu có sống nổi với giá cả như hiện giờ không nữa", Manish Chawla, người bán thức ăn trên một chiếc xe đẩy tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) than thở trước tình trạng giá cả từ nhiên liệu đến thực phẩm đều tăng vọt.
Ngạc nhiên trước đà tăng giá các mặt hàng gia dụng tại Nhật Bản, anh Kantaro Suzuki, một nhà văn tự do sinh sống tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) chọn cách đi bộ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Anh chia sẻ, anh đã tăng nhiều cân trong thời gian làm việc tại nhà tránh dịch từ đầu năm nay, bởi vậy đi bộ cũng là một phương pháp tốt để anh giảm cân, tránh tốn kém hơn nếu phải mua thêm quần áo cỡ lớn.
"Tôi không có khả năng thay cả tủ quần áo mới, đặc biệt khi giá cả bắt đầu tăng mạnh. Đó là lý do khiến tôi bắt đầu đi bộ và chạy bộ", Suzuki chia sẻ và cho biết: "Chúng tôi đã sống với tình trạng giảm phát hoặc giá cố định từ lâu. Những người tôi quen biết cũng buộc phải thay đổi thói quen chi tiêu".
Giá cả đồng loạt tăng trên toàn cầu
Suốt hơn 20 năm giảm phát, người dân Nhật Bản đã quen với việc các doanh nghiệp giảm giá để thúc đẩy tiêu dùng. Giờ đây, họ không khỏi sửng sốt khi thấy hóa đơn sinh hoạt gia đình tăng cao.
Trong khi đó, bên kia bờ Thái Bình Dương, người tiêu dùng Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng chi phí ăn uống ngày càng đắt đỏ. Kể từ tháng 11/2020 đến tháng 11 năm nay, giá đồ ăn tại các nhà hàng đã tăng 5,8%, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Đây cũng là mức tăng lớn nhất hàng năm kể từ tháng 1/1982. Giá cả tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực từ nhà đất, xăng, thực phẩm cho đến ô tô đang gây áp lực cho người tiêu dùng Mỹ. Giá hàng tạp hóa chứng kiến mức tăng kỷ lục 6,4%, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 12/2008. Thịt bò tăng vọt 20,9%.
Tại Ấn Độ, sau lễ hội ánh sáng Diwali, nhiều gia đình nghèo ở thành phố Ayodhya vội vã đi gom từng chút dầu hạt cải còn thừa, đổ vào chai nhựa để mang về nấu ăn. Giá dầu hạt cải năm nay quá đắt đỏ khi tăng từ 150 rupee (khoảng 2 USD)/lít hồi năm ngoái lên 240 rupee.
Kavita Verma, một người nội trợ 42 tuổi ở New Delhi, từng dùng hạt dầu cải để nấu ăn nhưng giờ không còn khả năng để chi trả.
"Tôi phải chuyển từ dầu hạt cải sang dùng dầu cọ vì nghĩ rằng nó rẻ hơn. Hiện tại, giá dầu cọ cũng tăng gấp đôi, từ mức 72 rupee năm ngoái lên 140 rupee mỗi lít. Mọi thứ quá đắt đỏ khiến gia đình tôi không đủ trang trải. Giá gas cũng đã tăng 50%. Chúng tôi đang thực sự gặp khó khăn", Verma nói.
Raj, chồng của cô Verma, cảm thấy ví tiền như bị "rút cạn" mỗi khi ông đổ đầy bình xăng cho chiếc xe tay ga thường dùng để đi làm. Giá xăng tại Ấn Độ đã tăng gần 35% so với năm ngoái trong khi lương của ông bị giảm 30% vì dịch Covid-19.
Manish Chawla, bán thức ăn trên một chiếc xe đẩy cho những người lao động đỗ bên ngoài văn phòng của Raj, chia sẻ rằng giá gas và dầu cọ tăng kéo theo mọi chi phí tăng. Song Chawla cũng không thể tự ý tăng giá, bởi những khách hàng như Raj cũng gặp nhiều khó khăn trong đại dịch.
"Với tình hình lạm phát tồi tệ, tôi không thể kiếm lời nổi", Chawla bộc bạch. "Tôi đã sống sót qua dịch Covid-19 nhưng không biết liệu có sống nổi với giá cả như hiện giờ không nữa".
Tại thủ đô Manila của Philippines, một chiếc pizza size 18 đủ cho 5 người ăn có giá khoảng 1.000 peso (20 USD). Đây là món ăn thông thường được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Nhưng giờ đây, số tiền này có thể đủ nuôi sống cả gia đình 5 người trong một tuần.
Người giàu hay người nghèo chịu thiệt hơn?
Khi lạm phát đang tăng nhanh hơn bao giờ hết trong vòng 4 thập kỷ qua, các nhà kinh tế đang bàn luận về việc đâu là nhóm chịu thiệt nhiều hơn do lạm phát: người giàu hay người nghèo?
Đây không phải một câu hỏi có thể trả lời trong một sớm một chiều, đặc biệt là khi tỷ lệ lạm phát chỉ tăng ở mức thấp và ít dữ liệu được thu thập. Tuy vậy, các cuộc tranh luận hầu hết đều đi đến kết luận rằng người nghèo sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng do lạm phát nhiều hơn.
Người nghèo là nhóm có mức thu nhập thấp, gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhà khi bất động sản là một trong những ngành chứng kiến lạm phát tăng mạnh nhất. Giá bất động sản tại Mỹ đã tăng đột biến trong những tháng gần đây, đặc biệt khi lạm phát tăng mạnh.
Giá thuê nhà cũng tăng vọt, hầu hết là do nhu cầu mua ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và nguồn cung bị hạn chế. Do đó, những người bị ảnh hưởng chắc chắn là những người nghèo.
Chúng ta cũng cần biết rằng chi phí lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, y tế và giáo dục cơ bản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức chi tiêu của những hộ nghèo so với các hộ giàu, và những mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ này không dễ dàng bị gạch bỏ hay thay thế. Như vậy, dù chỉ với mức lạm phát chung vừa phải thì người nghèo cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề so với nhóm có thu nhập cao.
Chưa hết, theo nghiên cứu gần đây của Bloomberg về hành vi tiêu dùng của các nhóm người có mức thu nhập khác nhau tại Mỹ, nhóm người giàu nhất lại là nhóm chịu mức lạm phát thấp nhất.
Lý do được đưa ra là các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những tiện ích mà người giàu chi tiêu nhiều nhất phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn. Điều này dẫn đến có nhiều thay đổi mới trong các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này, giúp giá cả của chúng giảm đi. Còn nhóm hàng hóa và dịch vụ mà người nghèo tiêu dùng nhiều hơn như lương thực, thực phẩm, y tế, chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi tiêu của nhóm người giàu.
Trong khi đó, tài sản của nhóm người giàu nhìn chung đã tăng mạnh nhờ cơn sốt chứng khoán và bất động sản trong năm qua kéo dài sang năm nay.
Theo một báo cáo mới công bố của Global Inequality Lab có trụ sở tại Paris (Pháp), khoảng 2.750 tỷ phú đang kiểm soát 3,5% tài sản của thế giới. Con số này cao hơn nhiều so với mức 2% khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020 và 1% của năm 1995. Trong khi, một nửa dân số nghèo nhất hành tinh chỉ sở hữu khoảng 2% tài sản của thế giới.
Ngoài ra, phần lớn công việc của nhóm người giàu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch và họ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch và họ có thể làm việc tại nhà mà không bị mất việc như đối với các tầng lớp nghèo hơn.
Do đó, có thể nói đại dịch và lạm phát lương thực và các hàng tiêu dùng thiết yếu đã làm cho người giàu thì càng giàu thêm, và chỉ có nhóm người nghèo phải chịu thiệt hại kép, khi phải chịu giá cả tăng cao hơn trong khi thu nhập giảm đáng kể. Nói cách khác, đại dịch và lạm phát càng làm tăng phân hóa giai cấp giàu nghèo, và gây bất bình đẳng xã hội.
Động thái của các chính phủ
Lạm phát tăng cao đang làm dấy lên câu hỏi các ngân hàng trung ương sẽ làm gì trong thời gian tới và những động thái đó sẽ tác động ra sao lên nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường vừa trải qua cú sốc về sự xuất hiện của biến chủng Omicron thì tiếp tục nhận tin Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thông báo về việc Fed có thể đẩy nhanh kế hoạch giảm tốc chương trình mua trái phiếu do lạm phát tăng cao và nền kinh tế đã phục hồi trở lại. Với vai trò của đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, động thái của Fed có thể tác động đến tâm lý của nhà đầu tư với tài sản rủi ro.
Trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bày tỏ mong muốn giữ nguyên kế hoạch chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu vào tháng 3/2022. Dù vậy, giới đầu tư muốn biết liệu ECB sẽ điều chỉnh các công cụ khác như thế nào.
"Biến chủng Omicron đang làm tăng mức độ bất ổn. Nhưng hiện tại, chúng tôi cho rằng tác động của nó lên lạm phát sẽ rất ít", Jack Allen-Reynolds - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics nhận xét.
Rupert Thompson - Giám đốc Đầu tư tại hãng quản lý tài sản Kingswood cho biết số liệu mới nhất có thể khiến ECB phải giảm quy mô kích thích tiền tệ. "Lạm phát tại eurozone năm tới sẽ cao hơn khá nhiều so với mục tiêu 2%. Những con số này sẽ khiến các ngân hàng trung ương gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh chương trình kích thích và hoãn tăng lãi suất đến năm 2023", ông Thompson nhận định.
Mới đây, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ tư trong 4 tháng liên tiếp bất chấp ghi nhận lạm phát lên đến 21% khiến giá mọi mặt hàng - từ thực phẩm, thuốc men cho đến nhiên liệu - tăng vọt. Một số nhà phân tích cho rằng tỷ lệ lạm phát thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ phải lên đến 40% do giá đồng nội tệ đã mất gần 50% giá trị kể từ đầu năm đến nay.
Giá thực phẩm và năng lượng tăng cũng đã đẩy lạm phát lên ở phần lớn các quốc gia châu Phi cận Sahari. Tháng 8 vừa qua, ngân hàng trung ương Ethiopia đã tăng tỷ lệ cho vay đối với các ngân hàng thương mại từ 13% lên 16%, và tăng gấp đôi yêu cầu về tỷ lệ dự trữ tiền mặt đối với các ngân hàng thương mại, lên mức 10%.
Với hầu hết các quốc gia châu Á, các ngân hàng trung ương vẫn thận trọng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm vì sợ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế. Các nhà sản xuất Trung Quốc cho đến nay vẫn chấp nhận giá hàng hóa tăng cao, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.
Vào tháng 10, các ngân hàng trung ương của New Zealand, Ba Lan và Romania đã tăng chi phí đi vay lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát. Singapore, quốc gia thắt chặt chính sách bằng cách thúc đẩy tỷ giá hối đoái lên cao hơn, cũng đã tăng lãi suất vào hôm 14/10.
Các chính phủ khác trên thế giới cũng đang sử dụng các biện pháp phổ biến trong những năm 1970. Hôm 13/10, Bộ trưởng Thương mại Argentia, Roberto Feletti, đã công bố mức giá cố định trong 90 ngày đối với 1.247 hàng hóa trong bối cảnh lo ngại về giá thực phẩm tăng. "Chúng ta cần ngăn giá lương thực ăn mòn tiền lương", ông nói.
Với tất cả ngân hàng trung ương, nỗi lo sợ lớn là lạm phát gia tăng khi các hộ gia đình bắt đầu tính đến kỳ vọng rằng lạm phát nhanh hơn nên tiếp tục mặc cả tiền lương và các doanh nghiệp cũng đưa ra giả định tương tự khi họ định giá. Những nơi từng trải qua những đợt lạm phát lớn sẽ gặp rủi ro nhiều hơn.
Lạm phát có phải là mối lo lớn nhất trong năm 2022?
Trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 30 năm qua ở Mỹ, liệu lạm phát có phải là mối lo lớn nhất trong năm 2022?. Trả lời cho lo ngại này, hồi tháng 10, tỷ phú Jack Dorsey - đồng sáng lập Twitter - đã đưa ra một tuyên bố gây sốc trên mạng xã hội Twitter có nội dung: "Siêu lạm phát có thể thay đổi mọi thứ. Nó đang diễn ra". Đáng nói, vị tỷ phú này còn sử dụng cụm từ "siêu lạm phát" để nhấn mạnh tình trạng giá cả tăng nhanh có thể hủy hoại tiền tệ và làm suy giảm toàn bộ nền kinh tế.
"Nó sẽ sớm xảy ra ở Mỹ và trên thế giới", ông Dorsey nhận định và cho rằng tình trạng lạm phát đang leo thang trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia khác, không phải lạm phát, kinh tế giảm tốc mới là rủi ro lớn nhất mà thế giới sẽ phải đối mặt vào năm sau.
Nomura Holdings Inc. cho rằng, đến cuối năm 2022, rủi ro lớn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt có thể là đình trệ, chứ không phải lạm phát đình trệ. Nguyên nhân là chi phí tăng cao dẫn đến áp lực giá, làm suy yếu nhu cầu vốn vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Cùng với đó, các chính phủ sẽ tung ra các chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ hơn.
Hầu hết, các nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm khu vực đồng euro, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc, vẫn chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước khi đại dịch bùng phát. Các nhà kinh tế của Nomura cho rằng, nhu cầu cũng dễ bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Theo báo cáo của Nomura, tăng trưởng giảm tốc có thể xảy ra do lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập hộ gia đình sụt giảm vì lạm phát tăng cao. Tiết kiệm cũng gia tăng trong bối cảnh bất ổn kinh tế.
Việc chuyển từ các chính sách nới lỏng sang thắt chặt cũng sẽ là trở ngại lớn đối với nền kinh tế. Nomura cho rằng nếu lạm phát tại Mỹ tăng cao trong nửa đầu năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất.
"Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, điều đó càng củng cố thêm quan điểm của chúng tôi rằng vào cuối năm 2022, rủi ro lớn nhất đối với kinh tế thế giới là đình trệ chứ không phải lạm phát đình trệ", Nomura nhấn mạnh.