DMagazine

Chiếc đũa thần của "vua hồ tiêu" Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19

(Dân trí) - Doanh nhân được mệnh danh là "vua hồ tiêu" nói rằng ông trời cho anh chiếc đũa thần nhưng dưới hình dạng khó khăn, buộc anh và các cộng sự phải vượt qua, khi vượt qua rồi thì có phần thưởng.

"Ú hú hú hú…", tiếng xe cứu thương vọng ra qua loa máy tính. Nghe rõ mồn một từ Hà Nội.

Đó là ngày cuối cùng của tháng 9. Tức là chỉ còn đúng một ngày nữa là đến 1/10, thời điểm TPHCM được nới lỏng giãn cách. Phan Minh Thông, ông chủ Phúc Sinh Corporation, ngồi trò chuyện với Dân trí trong phòng làm việc tại công ty hàng tiêu dùng trong hệ thống doanh nghiệp của tập đoàn. Sau lưng doanh nhân gốc Hải Phòng là dòng chữ "Thành công hôm nay đã là quá khứ". Dòng chữ ấy gợi cho người viết sự tò mò đáng kể.

"Mừng rơi nước mắt", ông chủ doanh nghiệp doanh thu 5.000 tỷ đồng mở đầu câu chuyện. Anh kể, từ khi Covid-19 diễn ra tại TPHCM, anh chưa nghỉ làm bất cứ một ngày nào. Đến tận 23/8, khi TPHCM áp dụng "ai ở đâu ở yên đó", thì công ty anh đã có 30% nhân viên sẵn sàng ở lại. Anh đi làm bị chặn ở nhiều chốt và thực tế 23/8, anh có trong tay vỏn vẹn… 2 tờ giấy đi đường đúng chuẩn. "Sau đó thì nhiều hơn. Nhân viên tôi ra đường, gặp các chốt, 50% qua được, 50% phải quay về nhà", doanh nhân được mệnh danh là "vua hồ tiêu" Việt Nam hé lộ.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 1

Anh chia sẻ là trước 25/8 thì anh đã có kế hoạch chuẩn bị cho giấy tờ, thủ tục đi đường, và thực tế là bạn bè anh cũng có nhiều người cho công ty nghỉ sản xuất luôn. Tôi rất tò mò là làm thế nào anh lại dự trù được để mà có chuẩn bị, liệu anh có được ai "phím" gì?

- Không, 2020 đã có Covid-19 rồi, mà 2020 tôi cũng làm với rất nhiều công ty nước ngoài. Nói vui là ở công ty nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt vì bán hàng cho các doanh nghiệp châu Âu. Tôi nhìn thấy châu Âu suốt một năm trời họ căng thẳng, đều ở trong nhà, ai cũng căng thẳng nhưng mà tất cả công ty sản xuất thực phẩm, hàng thiết yếu vẫn được hoạt động.

Ở Australia tình hình đại dịch cũng căng, thậm chí căng hơn Việt Nam mình nhiều, họ cấm mạnh lắm. Nhưng mà rõ ràng các công ty nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng thiết yếu vẫn được hoạt động nên tôi tư duy là hoạt động thiết yếu như thế khó mà dừng lắm vì nếu dừng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người làm nông nghiệp, nhà máy. Tôi nói với nhân viên là về khía cạnh nào đó thì chắc chắn mình vẫn được hoạt động, mà rồi đúng thế thật.

Bạn bè tôi nghe thế thì ngạc nhiên lắm, vì nói thật đợt giãn cách vừa rồi, có 100 người thì đến 98 người ở nhà. Nhưng tôi khác, tôi thấy chúng tôi có 300 lao động, đằng sau 300 lao động đó là 300 gia đình với các thành viên vợ chồng con cái. Nếu một người mà nghỉ thì rồi ảnh hưởng thu nhập của cả gia đình, không nỗ lực thì mệt. Rồi từ bản thân tôi, làm doanh nghiệp, nợ ngân hàng thế mà sản xuất nhiều, dòng tiền vay cũng có, nếu mà dừng lại thì cũng mệt mỏi đấy, chưa kể còn ảnh hưởng uy tín, nên bằng mọi cách vẫn phải làm.

Thêm vào đó, tôi cũng nghĩ nếu mình không tìm cách mà hoạt động liên tục thì lúc quay trở lại sẽ vô cùng khó khăn. Thứ nữa là kinh doanh hàng tiêu dùng, đến lúc thành phố giãn cách, khắp nơi gọi đến đặt hàng vì các điểm bị giãn cách hết rồi, các bên giao hàng không được, mà mình lại nghỉ nốt, không nỗ lực khi người khác cùng nghỉ thì còn nghĩa lý gì nữa.

Nói chung là tôi vẫn luôn nói với nhân viên là thành phố rồi sẽ có hướng dẫn thôi, mình cứ phải duy trì, còn nếu giả may không có hướng dẫn ngay thì mình phải cố xoay xỏa cho đến khi có hướng dẫn. Nói thật là có lúc nhân viên tôi phải lo "đối phó" với các chốt chặn. Nhiều khi chỉ một nửa trong số họ thành công thôi, số còn lại phải quay về. Nhưng cuối cùng may mắn là tôi cũng xoay được giấy cho mọi người đi làm. Nói chung là mọi người đều nhận thấy là nếu mình đánh giá và đưa ra những tư duy ngược một tý trong đại dịch thì có thể giải quyết được kha khá việc, công ty giữ được hoạt động liên tục mà tinh thần của anh chị em cũng tốt hơn.

Chứ chẳng có ai "phím" cho cả đâu (cười). Tự mình phải nghĩ ra hết.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 3

Vậy khi anh đề xuất thì có những người xung phong ở lại công ty 24 trên 24 giờ luôn. Tôi tò mò là có bao nhiêu người ở lại trong ngày đầu tiên?

- Mỗi bộ phận có khoảng 30% nhân viên ở lại. Cũng may mắn là mọi nhà máy của chúng tôi không nằm trong khu công nghiệp. Chúng tôi mua đất rồi chuyển đổi, xây dựng nhà máy bên ngoài nên nguy cơ lây nhiễm ít hơn. Văn phòng cũng nằm trong khu phố cổ lớn, hầu như không có hàng xóm nên không có ảnh hưởng. Chúng tôi cũng có những nhà hàng nội bộ phục vụ cán bộ nhân viên, không bị phụ thuộc bên ngoài. Do đó mà khi tổ chức làm việc như thế thì gần như không phải lo lắng quá với lây nhiễm chéo. Ngoài ăn uống thì văn phòng cũng có các khu tiện ích để người ở lại cảm thấy thoải mái nhất.

Nhưng rõ ràng là nhân viên ở lại như thế, đúng lúc TPHCM "căng" nhất, giả may có F0 thì sao? Vì nói thật là chắc chắn người đứng đầu doanh nghiệp sẽ bị truy cứu thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu để lây nhiễm dịch bệnh, thì có thể hiểu là cách làm của Phan Minh Thông dường như đang hơi… bất chấp?

- Tôi nghĩ cả rồi. Trước hết, chúng ta phải phòng chống từ nội bộ. Nói thật là ngay từ tháng 4, khi dịch ở TPHCM chưa "căng", chúng tôi đã chia sẻ với nhân viên về quy định "đi làm chỉ đi làm, cung đường từ nhà đến công ty, không la cà". Tôi thường xem các video từ công ty ở châu Âu để rút ra các kinh nghiệm. Tôi thì thấy là trong dịch bệnh, con người nhỏ bé biết bao nhiêu, đa số là chẳng kiểm soát được, chẳng đối phó được hết dù có giỏi như thế nào đi chăng nữa. Cứ nhìn Đức thì rõ, họ tiên tiến như thế còn chẳng đối phó được nữa kìa.

Thứ hai là key word vaccine. Phải nói là cán bộ nhân viên của chúng tôi được tiêm vaccine rất sớm. Chúng tôi tìm cách liên hệ với mọi bên để tiêm được vaccine: đăng ký với phường, với quận, khu nhà, khu công nghiệp nên may mắn là ngay từ những đợt đầu tiên, nhân viên đã được tiêm, mà không chỉ nhân viên đâu, cả công nhân, bảo vệ cũng được tiêm hết. Lúc đầu, nhiều người còn chả muốn tiêm vì sợ này, sợ kia, nhưng chúng tôi phải thuyết phục họ.

Tôi vẫn nghĩ khi làm lây lan dịch bệnh, ở khía cạnh quản lý, tôi phải chịu trách nhiệm là đúng. Nhưng khía cạnh đánh giá toàn bộ thì tôi thấy đợt dịch này quan trọng nhất là sức khỏe tốt, có vaccine, giãn cách. Chúng tôi vẫn hoạt động hoàn toàn hợp pháp theo yêu cầu từ Bộ Y tế. Chúng tôi làm "3 tại chỗ" nhưng tuân thủ nghiêm ngặt nên hạn chế việc lây nhiễm F0. Công ty bạn bè tôi xuất hiện F0, thế là họ bị phong tỏa, phải ngừng luôn. Tôi thì tư duy nếu không làm thì ảnh hưởng và di chứng của Covid-19 còn tan hoang, mất mát hơn nhiều so với làm. Nên tôi vẫn quyết là phải làm.

Và rõ ràng làm hay không làm tiếp, nó là quyết định cân não với một người điều hành như anh?

- Tôi nhìn châu Âu họ sống với dịch từ năm 2020. Quan điểm của họ là chống dịch và sản xuất, tôi nghĩ sớm muộn điều đó cũng sẽ được chấp nhận. Tôi không nhìn mọi thứ quá nặng nề đâu, xác định luôn là phải bảo vệ mình tốt. Quan trọng là vaccine và chế độ dinh dưỡng, tinh thần thoải mái. Tôi thấy người ta dễ bệnh, dễ cúm chủ yếu là do stress, trầm cảm bên cạnh sức đề kháng xuống.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 5

Chúng tôi có một số nhân viên ở trong khu cách ly. Có những người trước đây lạc quan, tích cực lắm mà chỉ cần ở nhà 2 tuần, nhà trong khu cách ly, khu nhà lại nhỏ nữa thì gần như người đó biến thành một người hoàn toàn khác, tiêu cực và cảm thấy bế tắc kinh khủng. Tôi nhìn thấy thế thì tôi nghĩ là làm sao phải duy trì tinh thần cực kỳ sáng tạo, lạc quan, mạnh mẽ vui tươi chứ bị suy sụp thì khủng khiếp lắm. Rồi nữa, bước ra đường, nhìn đường vắng cũng dễ stress. Lên mạng xã hội, đọc thông tin u ám quá cũng thấy bị ảnh hưởng… Nên suy cho cùng phải làm sao để mọi người có tinh thần tốt.

Nhiều người sợ. Quản lý sợ. Nhân viên sợ. Nhưng tôi nghĩ mình phải khác, vì mình làm quản lý mà. Người ta cần mình những lúc này chứ đâu, nên phải làm thế nào đó để mọi thứ trôi lại bình thường, đó là nỗ lực lớn đấy. Nên tôi mới thấy việc tạo ra môi trường vui vẻ, tích cực sẽ giúp giải quyết. Rồi thu nhập, phải đảm bảo thu nhập cho anh em cán bộ nhân viên. Có thể thì tinh thần mới thoải mái!

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 7

Anh nói thì có vẻ tưng tửng đấy nhưng tôi thấy trong "bão" Covid-19 ở TPHCM, nhiều doanh nghiệp khổ lắm. Người điều hành họ than là mở mắt ra đã bay ngần này, ngần kia tỷ đồng, rồi mọi thứ xám xịt, chẳng có tý gam hồng nào. Tôi không tin bên anh miễn nhiễm?

- Chị không tin được đâu. Lúc tôi làm thương mại điện tử, người ta nói là khó lắm, làm sao được, lỗ đấy, lỗ cả trăm tỷ đồng chứ chơi, có bên lỗ cả nghìn tỷ cơ. Chúng tôi làm thương mại điện tử cũng không nổi gì hơn các công ty khác. Nhưng phải nỗ lực lắm, nỗ lực mà sống chứ.

Khi dịch xảy ra, mọi công ty ngành này đóng cửa cả, bán online cũng khó khăn vì không giao được hàng thì thương mại điện tử của chúng tôi lại là cứu tinh đấy. Cái mà chúng tôi làm là tìm cách mà hợp thời. Mà người ta đóng, mình cũng đóng thì nói làm cái gì. Tôi chẳng đóng cửa ngày nào cả, vẫn giao hàng, nhận đơn hàng từ sáng đến tối. Tháng 8 TPHCM là "đỉnh" dịch thì lại là một trong những tháng tốt nhất của chúng tôi, có lãi luôn. Doanh thu dĩ nhiên vẫn thua xa phần xuất khẩu về con số nhưng tỷ trọng lại tăng gấp đôi so với 2020, lợi nhuận cũng nhiều hơn.

Còn xuất khẩu khó khăn. Doanh thu tăng, giá trị dòng tiền lớn nhưng lợi nhuận không tốt vì chi phí lớn quá. Thật ra chẳng vui lắm đâu, vì khó khăn là đúng, nhưng chúng tôi vẫn vươn lên mà tồn tại thôi.

Thế mỗi ngày các anh thu được bao nhiêu tiền từ hàng tiêu dùng?

- Không nhiều quá đâu. Nhưng chi phí thì giảm đi, doanh thu thì tăng lên. Siêu thị đóng cửa, phần siêu thị giảm. Nhưng bù lại, phần thương mại điện tử lại tăng bùng nổ, doanh thu nhiều mà lại không mà lại không mất chi phí marketing, chỉ ngồi nhà bán hàng, chuẩn bị shipper đi giao, doanh thu rất ổn. Khi khách muốn mua hàng mà lại khó mua, mình bán được, thì là cơ hội tốt để mình "ghi điểm", để họ nhớ tới mình kể cả khi dịch qua đi.

Việc này không dễ đâu nhé. Ai cũng muốn hoạt động nhưng không phải ai cũng hoạt động được đâu. Chúng tôi hoạt động được cũng chật vật lắm. Nhà cung cấp muốn đóng của. Chúng tôi phải thuyết phục họ. Khi họ thấy doanh số tăng thì họ dành cho mình một cửa riêng để cung cấp hàng trực tiếp cho. Có khách, có nhân viên, có nhà cung cấp, thế thì sao lại không làm. Khi mọi thứ khó khăn mà mình vẫn làm được thì lúc bình thường người ta mới nhớ tới mình, đó là cơ hội tốt cho người ta nhớ mình thì không tội gì không làm cả.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 9

Nhưng anh làm thế nào vì tôi thấy rõ ràng những ngày tháng đó có hiện tượng chuỗi cung ứng đứt gãy, giao hàng khó và như anh chia sẻ bên trên thì các đơn vị lớn cũng khá khó khăn trong đáp ứng các đơn hàng khi làm thương mại điện tử, mà bên anh vẫn ngon lành?

- Tôi làm cả thương mại điện tử cung cấp hàng nhu yếu phẩm và công ty xuất khẩu nên việc kết hợp 2 doanh nghiệp lại giúp chúng tôi xin được khá nhiều giấy đi đường. Ngày đầu tiên và thứ hai thì khó khăn nhưng tới ngày thứ ba thì dễ dàng hơn. Hơn nữa tôi nói rồi, tư duy của chúng tôi là lúc khó nhất thì không thể nào đóng cửa, tại sao lại phải đóng?

Cũng có khó khăn đến mức phải đóng cửa đâu. Tôi nói chuyện với cả nhân viên, thuyết phục nhà cung cấp dành cho chúng tôi một line riêng cơ mà, sao phải đóng chứ. Do đó chúng tôi không bị đứt gãy gì cả. Bình thường bán được hàng thì người bán phải vui và trân trọng nhưng những ngày vừa qua không chỉ người bán, người mua cũng trân trọng món hàng mua được nên nói thật chúng tôi cũng vui.

Được cái đi làm những ngày TPHCM giãn cách chúng tôi lại được về nhà đúng giờ, không phải tăng ca, 18h tan thì 17h đã phải đứng lên hết rồi, nên có khi mọi người cũng phấn khởi.

Kỳ lạ nhỉ, vì tôi thấy trong giãn cách, chuỗi cung ứng có vẻ như gián đoạn hơn bình thường rất nhiều?

- Chị thấy đó, chúng tôi vẫn đi làm được từ thiện giữa lúc cả thành phố bị giãn cách. Gói từ thiện có rau, có thịt, có thực phẩm khác. Làm trong hơn một tháng, từ tháng 8 đến 28/9 mà chúng tôi phát được 2.000 phần. Dĩ nhiên không làm liên tục, tuần chúng tôi làm được 2-3 buổi thôi nhưng tôi nghĩ lúc khó khăn ấy mới là khi mình cần làm từ thiện, vì mua đồ không dễ. Lúc đấy nói thật có người có tiền chẳng dễ mà mua được thực phẩm đâu.

Nói thế để thấy là nếu mà chúng tôi sợ Covid-19, sợ thành F0 thì không ai dám đi giao hàng đâu. Tôi thấy mọi thứ đó xứng đáng để chúng tôi hy sinh, vì đúng là người dân thật sự cần. Tôi cũng thấy mình phải đóng góp vì nói thật nếu mình vẫn còn làm, vẫn kinh doanh được thì cần đóng góp cho cộng đồng.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 11

Tôi vẫn nói với nhân viên là lúc bỏ giãn cách thì có thể đi lại mua bán nhưng lúc giãn cách như vậy thì có khi cả khu trọ, cả chung cư bị đóng, nếu cung cấp được cho mỗi nhà suất quà dùng được 1-2 tuần thì giải quyết được nhiều thứ lắm. Nên chúng tôi xác định phải thu xếp để kinh doanh được trong lúc khó khăn. Nói chung là không nhiều người tin, chắc thế, nhưng chúng tôi tạo được khá nhiều kỳ tích trong lúc dịch căng nhất ở TPHCM và xác định hết dịch vẫn tiến lên chứ không dừng lại.

Làm sao để làm được thế, để huy động nhân viên đi làm vì theo tâm lý bình thường thì tôi thấy là trong đại dịch họ chắc sẽ sợ rủi ro, lo dính bệnh, rồi họ không lo thì người thân của họ cũng sẽ làm áp lực?

- Họ được tiêm vaccine trước khi dịch căng thẳng. Bên tôi tiêm vaccine cho nhân viên khá sớm. Còn nữa, tôi lấy luôn tôi làm ví dụ. Nếu chị làm CEO mà chị chui trong nhà xong chị bảo nhân viên là hãy ra ngoài mà làm đi thì đó là chuyện khác. Còn chị không nghỉ ngày nào, chị vẫn sống chết cùng công ty, thì lại là chuyện khác. Sếp mà ở nhà thì sao nhân viên phải đi làm? Tôi nói với nhân viên và dặn họ cố vệ sinh, tuân thủ 5K, giữ tinh thần tốt, tiêm vaccine đầy đủ. Nên họ vẫn làm việc.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 13

Hỏi thật là anh có thấy mình đen đủi không, khi mà 2020 Covid-19 căng thẳng ở thế giới thì anh quyết quay về nội địa với hàng tiêu dùng và thương mại điện tử nhưng năm nay thì Covid-19 trong nước lại khá "nóng" nên thị trường trong nước có dễ ăn đâu?

- Ơ không. Tôi nghĩ là mình đúng đấy vì Covid-19 làm cho chúng tôi được khách hàng biết đến hơn, doanh thu lợi nhuận tăng thế này thì đen gì. Tháng 8 chúng tôi lãi khá lắm.

Đấy là do các anh có kết quả rồi thì anh nói là đúng thôi. Còn tôi đang nói chuyện bối cảnh. Giả may không có kết quả tốt thì rõ ràng anh đen quá còn gì?

- Tôi luôn tìm cách xử lý. Tôi có phải con nhà giàu đâu. Ngày xưa đi học, lớp tôi toàn bạn giàu, nhà có điều kiện, "dân" ngoại thương mà. Bố mẹ tôi là công nhân thôi. Nhưng tôi nghĩ họ có tiền thì tôi đi dạy, đi làm thuê để kiếm tiền. Nên tôi thấy mình phải tìm cách mà có lợi nhuận chứ phàn nàn thì làm gì có gì. Rồi sau này đi làm tôi cũng thế, lúc khó thì lại kiếm cách khai phá cái nọ, chỗ kia. Hơn nữa là tôi cũng va vấp rất nhiều thứ khó khăn.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 15

Để công ty xuất khẩu của mình sánh vai được với các công ty của Đức, Hà Lan, Hồng Kông, Singapore… thì tôi từng trải qua cảm giác đi đâu họ cũng ngồi cùng nhau, bỏ mình ngồi một chỗ như này này. Đa số người Việt mình thường thấy lạc lõng khi ra thế giới và tôi vượt qua được mọi hàng rào đó. Tôi không thấy việc mình lạc lõng thế là có vấn đề mà tôi cảm thấy vấn đề là không vượt qua được chính mình để chủ động. Mình phải chủ động.

Nên chị hỏi thế thì tôi nói thật tôi chưa từng nghĩ luôn. Tôi tự hào là một công ty nông nghiệp mới manh nha làm thương mại điện tử mà đã có bên mời chúng tôi để góp cổ phần thì tôi mới thấy cái quan trọng nhất là tư duy. Chứ thật ra có ai giúp tôi tiền bạc, ai cho tôi cơ hội, ai chống lưng gì đâu. Tôi chả được chống lưng gì (Cười). Nhưng nhân viên của tôi giống tôi, họ quyết liệt lắm. Này nhé, đi xin giấy đi đường, họ bằng mọi cách để xin được. Thế nên ngay từ lúc đầu họ mới xin được 2 giấy, hôm sau 2 giấy, sau nữa nhiều lên… chứ thật ra ngày đầu, các bên xin có dễ đâu.

Tư duy của tôi thế rồi. Chứ cứ ngồi mà kêu thì cũng không phải phép cho lắm đâu vì đâu có đến mức đó. Thế giới giờ lộn xộn lắm, chả lên được kế hoạch hay chiến lược gì cả nên ngày nào cũng phải xác định chiến đấu thôi vì mình còn may mắn hơn đầy người.

Một loạt bạn bè tôi giờ chuẩn bị mở lại doanh nghiệp, cửa hàng thì nhân viên về cả rồi có quay lại được đâu, các nguồn hàng lại khó. Tôi mới bảo họ thật ra chẳng ai giúp được mình bằng mình đâu. Ngân hàng ư? Họ nghe thấy thế họ chẳng sợ chết khiếp ấy chứ. Tôi cũng nói luôn quan điểm này với nhân viên. Nên nói thực đấy, tôi thấy mình may mắn chứ đen đủi gì. Tôi có cảm hứng khi làm hàng tiêu dùng lắm. Trước thì cũng khó, nhưng giờ đơn về từ sáng đến đêm. Trong nguy luôn có cơ, tôi nghĩ thế, vấn đề là tinh thần và tư duy của mình thế nào thôi.

Vậy anh có sợ không?

- Tôi sợ chứ. Người ta sợ bị ốm, sợ bị cách ly, sợ thành F0, sợ bị giăng dây và đó đều là những nỗi sợ rất bình thường. Tôi thì sợ là mình có nhiều văn phòng, nhiều nhà máy như thế, nếu không làm việc thì sẽ như thế nào, nợ nần rồi sẽ ra sao, kéo theo mọi thứ như thế nào, uy tín của doanh nghiệp với ngân hàng thì đến đâu.

Rồi có nhân viên công ty cũng xin nghỉ vì sợ dịch. Rồi bố mẹ, người thân của nhân viên không muốn họ đi làm, họ phải xin nghỉ vì không thuyết phục được. Là CEO, mình phải có nhiều năng lượng mà truyền cho người khác chứ nếu bản thân cũng stress, tụt mood thì không làm được đâu. Xắn tay vào mà làm, ví thử hồi làm "3 tại chỗ" cũng nhiều vấn đề lắm, anh em thắc mắc cái nọ cái kia thì chính CEO cũng phải họp với bộ phận nhân sự mà giải quyết luôn để công việc trôi.

Đó là những nỗi sợ hiện hữu. Lúc nào chị kiệt sức chị sẽ sợ, mệt mỏi chị sẽ sợ. Nhưng nói thật tôi cứ ăn no, ngủ dậy là tôi hết sợ, lại phải hành động. Với cả sợ thì sợ nhưng cũng phải tìm cách mà xử lý, còn cứ ngồi mà tưởng tượng ra thì kinh khủng lắm. Nên chúng tôi vẫn nỗ lực không nghỉ ngày nào từ 23/8 đến giờ. Nghe nói được nới giãn cách là vui lắm, thấy mình vẫn còn sống đến giờ này.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 17

Covid-19 khiến nhiều người lao đao như thế, anh lại bán được nhiều hơn rồi như anh nói thì được khách biết đến hơn. Anh có nghĩ mình đang trở thành cái gai trong mắt không ít người?

- Tôi cũng nghĩ về câu chuyện này nhiều nên nói thật là tôi không muốn chia sẻ lắm đâu. Khi mà đa số người khác đang kêu khóc, phàn nàn dữ dội về chính sách, an sinh, mong được hỗ trợ mà mình nói thế này thì thực sự đúng là không phải phép, người ta khó chịu đấy, nên tôi không muốn kể. Nhưng ở khía cạnh nào đó thì tôi muốn lan tỏa tinh thần. Người mình thường hay kêu ca nhưng nói thật có nhiều thứ làm được thì nên nỗ lực. Tôi đi các nước, tôi thấy rõ ràng là doanh nghiệp không phải quá khó khăn để không vay được vốn đâu, có thể đầu tiên ngân hàng cũng khó nhưng cần hoàn thiện hồ sơ… Nói chung nếu đang tuyệt vọng mà nhìn tích cực hơn thì sẽ tốt hơn.

Tôi hay bị ghét lắm. (Cười). Nhiều người không ưa vì tư duy của tôi cũng hơi khác người khác. Tôi làm bên hiệp hội bao năm nay, cũng có khi làm đến Phó Chủ tịch hiệp hội đấy, nhiều người thích nhưng Ban chấp hành không thích đâu, vì đôi khi 9 người đứng một phía, mình tôi một phía. Nói chung là tôi thường tự vượt qua khó khăn nhưng đa số người ta lại nghĩ tôi có ai đó "chống lưng". Nhưng tôi quen rồi. Kiểu của tôi không phải kiểu đa số, nhưng biết làm thế nào được vì sinh ra mình đã vậy rồi.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 19

Năm 2020 anh không hoàn thành KPI, năm nay thì sao?

- Hy vọng là năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra. Tôi cũng linh hoạt, nhận thấy điểm yếu của mình để mà linh hoạt thay đổi, cho mình có nhiều phát triển bền vững hơn nữa.

Thực sự làm hàng tiêu dùng, thương mại điện tử khó lắm. Nhiều người thất bại, nhiều người phàn nàn nhưng mà sang năm nay dường như tôi hiểu được nó rồi, dẫn dắt tốt hơn, có nhiều tín hiệu sáng hơn, từ lỗ là có lãi rồi. Nói thật làm ngành này, từ lỗ biến thành không lỗ đã là biến chuyển tuyệt vời lắm rồi nhưng từ lỗ lại chuyển thành lãi thì rất tuyệt, nhất là khi Covid-19 căng thẳng. Năm ngoái thật ra cũng có lãi nhưng chỉ một chút thôi. Năm nay thì hơn nhiều.

Còn mảng xuất khẩu thì thất bại?

- Tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp xuất khẩu năm nay nghiêm trọng hơn năm ngoái rất nhiều. Mà không chỉ Covid-19 đâu, năm ngoái cước tàu tăng, năm nay tăng còn dữ dội hơn. Khi tăng thì người ta đóng cửa nhà máy không làm, chuỗi cung ứng đứt, khách mua ít hơn. Việt Nam mình hiện còn lượng lớn cà phê không xuất đi được vì cước tàu tăng cả 10-12 lần năm ngoái. Thách thức lắm, doanh nghiệp phải tìm cách mà vượt qua thôi.

Tính đến giờ thì mảng xuất khẩu của chúng tôi giảm khoảng 40% và chúng tôi cố gắng duy trì con số giảm 35% cho cả năm. Mọi thứ khó khăn. Chị nhìn Châu Âu đó, nhu cầu có phục hồi trong ngày một ngày hai đâu, việc tiêu tiền của người dân cũng phải cân đối. Hơn 40% giảm sản lượng và thu nhập thì nếu vậy không tăng được giá xuất khẩu thì công ty rất là ảnh hưởng. Chưa kể giá nông sản, hàng hóa tăng nên người ta đã nghèo đi mà lại phải mua đắt hơn thì khó là đúng, đó là vấn đề.

Chiếc đũa thần của vua hồ tiêu Việt lúc TPHCM lao đao vì Covid-19 - 21

Anh thấy thế nào khi người ta nói vui với nhau là "Covid-19 mà biết nói năng…" khi nhắc chuyện cứ khó khăn là… tại con Covid-19 nhưng thực ra không hoàn toàn thế?

- Nói thật tôi đồng cảm với họ lắm, với các doanh nghiệp. Bạn bè tôi nhiều người cũng chia sẻ vậy. Tôi cũng đọc nhiều về các doanh nghiệp khó khăn trong Covid-19 trên truyền thông và thấy thật ra nếu có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho họ nữa thì đúng là tuyệt vời. Còn bên tôi thì doanh thu trên 200 tỷ đồng lâu rồi nên cũng không được hỗ trợ, ưu tiên, mà chúng tôi cũng không làm đơn xin trợ cấp, vì thật ra cũng để cho những doanh nghiệp khác, đặc biệt là nhóm nhỏ và vừa.

Tôi thông cảm với bạn bè. Tôi thấy đúng đấy, chứ không đổ thừa gì cho con Covid-19 đâu. Khó khăn là có thật. Đại dịch tàn phá mọi thứ. Bây giờ chị thấy đó, các chủ nhà hàng, khách sạn, làm dịch vụ đang gây dựng lại song cũng không dễ dàng đâu. Tôi biết có những người gây dựng cả 10 năm giờ mất hết. Tôi nghĩ không ít doanh nghiệp ở TPHCM này chắc phải mất nhiều năm mới hồi phục.

Khó thì khó chung, dù như thế nào thì vẫn phải tích cực, vẫn phải tiến lên mà nhỉ?

- Đúng là như thế nào thì cũng phải gượng dậy mà tiến lên thôi. Không chỉ mình khó, mà cả thế giới khó. Lúc này thì bên cạnh chờ đợi hỗ trợ, mỗi doanh nghiệp cũng cần sáng tạo, kiên cường, thích nghi. Trong một cuộc chiến, ta nhìn thấy bom đạn đổ vỡ rồi, thì nhìn đó để đứng lên. Covid-19 thì cũng khốc liệt, tàn phá cả vật chất, tinh thần. Nhưng cũng không thể nằm im mãi hay chịu trận, cần vững vàng mà đứng dậy, sống và xây dựng lại.

Tôi thấy đằng sau lưng anh có slogan "Thành công hôm nay đã là quá khứ". Nghe có vẻ hô hào, vậy ý nghĩa của câu này là gì ở doanh nghiệp anh?

- (Cười). Thành công rất tuyệt đúng không? Nhưng nó cũng dễ làm cho người ta kiêu ngạo, chủ quan. Thường ngày xưa, cứ năm nào mà thành công thì y rằng năm sau chúng tôi lại lỗ te tua, thất bại liên tiếp. Nên làm thế nào để giữ được thăng bằng là quan trọng lắm vì thành công hay đi kèm với kiêu ngạo. Nên khi thành công thì ta đã hiểu đó là quá khứ rồi, mọi thứ vẫn còn tiếp diễn cơ mà. Đừng quá say mê với thành công hay hưởng thụ, bấu víu nó mà phải hiểu luôn là thành công nhận về đã là quá khứ rồi, sắp tới phải có những thách thức, cạnh tranh mới. Nên là phải tạm quên những thành công cũ đi để mà đối mặt với hiện tại, tạo ra thành công mới.

Thế năm nay mảng tiêu dùng thành công thế, thì anh có lo cho năm sau không?

- Ngày trước, cứ đến tháng 10 là chúng tôi biết kết quả của năm đó ra sao rồi. Nên từ tháng 11 là chúng tôi họp công ty, nói mọi thứ căng thẳng lắm, cứ phải chuẩn bị trước. Tháng 12 lại phải đưa ra đủ vấn đề rồi, cố gắng không để tư duy đã thành công đeo bám, phải đối phó. Nên nói thẳng ra là mọi người đều hiểu cứ năm trước thành công là năm sau sẽ phải hiểu có nhiều đối thủ, cạnh tranh khốc liệt nên phải cố gắng làm tốt nhất. Thành công thì vui thật nhưng mà phải làm tiếp. Thành công tạo ra động lực, tạo ra tự tin nhưng đừng chủ quan quá. Chủ quan trong kinh doanh là nguy hiểm lắm.

Phan Minh Thông được mệnh danh là "vua hồ tiêu" Việt Nam. Với 60 triệu đồng trong tay, anh đã đưa doanh nghiệp của mình trở thành một trong những công ty xuất khẩu tiêu và cà phê lớn nhất Việt Nam. Doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp anh, theo công bố, khoảng trên dưới 5.000 tỷ đồng.

Nội dung: Đan Anh
Thiết kế: An Nhi 

Dòng sự kiện: Doanh nhân Việt Nam 13/10