(Dân trí) - Hoàng Tùng, CEO Pizza Home, thành F1 và phải đi cách ly, trong bối cảnh ngành F&B vừa bị Covid-19 "tát" cho dập vùi và khi giãn cách được nới lỏng thì đây là cơ hội kinh doanh sôi động nhất năm.
Khi thành F1 và đặt chân vào khu cách ly tập trung tại Mê Linh, Hà Nội, Hoàng Tùng - CEO Pizza Home - nhận được mẩu giấy note của một F để lại cho anh cùng lời nhắn "Giữ sức khỏe nhé, ở đây nhiều kiến ba khoang lắm". Khi cuộc trò chuyện này diễn ra thì anh còn 7 ngày nữa là xong 21 ngày cách ly.
Hoàng Tùng chia sẻ rất lạc quan. Nhưng thực tế, trong đại dịch Covid-19, kinh doanh chuỗi nhà hàng (F&B) được cho là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Và dường như hơi đen đủi cho anh là ngay khi vừa mở cửa trở lại, ông chủ thành F. Giờ thì anh ngồi mong từng ngày để quay về, kinh doanh.
Anh thành F1 trong hoàn cảnh ra sao?
- Tôi thành F1 khi tiếp xúc gần với một F0. Lúc ấy, chúng tôi mới mở lại nhà hàng sau thời gian đóng cửa do giãn cách, mở lại là sướng lắm. Lúc mở ra thì chấp nhận rủi ro là có thể vẫn lỗ, nhưng đúng là rủi ro trở thành F thì chưa lường được.
Và tôi thấy là việc trở thành F là một rủi ro cực lớn trong ngành F&B mà chính bản thân tôi cũng không mường tượng được hết. Đó cũng là đặc thù của ngành này, nó cho thấy là có thể mọi thứ bình thường rồi, doanh nghiệp có thể bình thường lại rồi nhưng lại có những rủi ro tiềm ẩn trong kinh doanh. Tự nhiên mình lại có cơ hội 21 ngày tĩnh tâm bắt buộc ở khu cách ly. Giờ thì ngày ngày ngồi… đếm kiến.
Nếu lỡ không may thành F0 thì anh có sợ không?
- Có chứ, thành F0 tôi sợ chứ. Đó là rủi ro cực lớn, ai cũng sợ thôi. Lúc thành F1 tôi cũng không biết, vẫn đi các cửa hàng của mình, sau đó các cửa hàng cũng phải đóng cửa luôn vì có F2, F3. Đã thiếu nhân sự thì chớ mà nhân viên còn thành F2 nữa, lại thiếu tiếp. Nhân viên thành F rồi thì cũng phải tự cách ly. May sau đó tôi xét nghiệm thì âm tính.
Còn nếu giả may mà chuyển thành F0 thì còn lắm rủi ro nữa. Các cửa hàng sẽ còn đóng cửa dài hơn nhiều, nặng nề lắm. Nói chung đó là những bất thường, rủi ro nằm ngoài toàn bộ sự kiểm soát của người làm kinh doanh.
Giữa việc bản thân trở thành F0 và việc ngành F&B bị Covid-19 "đánh" tơi tả, anh thấy cái nào khủng khiếp hơn?
- Tôi thấy doanh nghiệp F&B nào mà trụ được đến giờ này thì phần lớn đều là những người có nội lực, có sự chuẩn bị từ trước.
Chúng tôi cũng có một thứ cực may mắn là chuyển đổi từ năm 2020. Trước đây thì mô hình của chúng tôi cũng khá tinh gọn rồi nhưng năm 2020 khi dịch bệnh xảy ra thì chúng tôi xác định luôn là dịch có thể phức tạp và không phải chuyện ngày một, ngày hai.
Tháng 3 năm ngoái, Hà Nội vắng tanh sau vụ "bệnh nhân 17". Thật ra khi đó chúng ta chống dịch rất tốt nhưng ngược lại thế giới lại căng thẳng, nguy hiểm. Tôi nhìn thấy luôn F&B là một trong những ngành chịu thiệt hại sẽ rất lớn và tôi xác định là thôi phải đối mặt vì không thể chối bỏ thực tại. Và phải thay đổi. Chả có cách nào khác cả. Chứ nếu cứ khư khư mà giữ mô hình cũ chờ dịch qua đi thì chả biết khi nào dịch qua, nên phải chuyển đổi.
Cụ thể việc chuyển đổi đó là như thế nào?
- 3 biện pháp cắt giảm và thêm được áp dụng. Chúng tôi cắt bỏ những địa điểm mặt bằng không hiệu quả. Lúc đó cứ nghiến răng mà cắt thôi. Khó quyết lắm. Vì nhiều khi trước đó mình muốn mọi thứ quy mô, hoành tráng. Con trai làm kinh doanh mà, ai chẳng sĩ diện, thích quy mô, mặt bằng đẹp ngã ba, ngã tư mặt phố để khoe bạn bè, rồi người ta đến quán mình check-in sang chảnh nọ kia… Nhưng mà thực ra thì có nhiều địa điểm chẳng hiệu quả đâu. Nên khi dịch xảy ra, tôi quyết cắt luôn một số.
Thứ hai là giảm tất cả những phần chi phí có thể giảm được. Ví dụ, những mặt bằng tốt nhưng chi phí thuê quá cao thì phải xin chủ cho thuê mặt bằng giảm, nếu không giảm được sẽ cắt. Những chi phí khác như chi phí ship đồ, vận hành (điện, nước…), logistics… cũng phải chắt chiu từng đồng một. Trước đó, khi kinh doanh tốt thì nhiều khi chính tôi cũng lười, không kiểm soát tốt lắm những chi phí như vậy nhưng mà năm ngoái thì đã phải siết lại hết những phần đó, phải quy chuẩn lại…
Cạnh 2 giảm là thêm, thêm kênh bán hàng mới. Trước thì chúng tôi vẫn bán online thôi nhưng là bán cho có vì kênh offline nhiều hơn, tốt hơn. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra thì chúng tôi cũng phải dịch chuyển nhanh hơn. Trong cái rủi đúng là có cái may khi mà việc dịch chuyển sang kênh online giúp chúng tôi sống được từ năm ngoái đến giờ. Bên cạnh đó chúng tôi cũng có những sản phẩm mới như set pizza bán tận nhà cho khách tự làm, hoặc pizza đông lạnh dạng thực phẩm...
Chứ giả sử mà không dịch chuyển nhanh thì quá là khó khăn rồi. Nếu chỉ bán offline mà khi dịch bệnh cứ thỉnh thoảng bùng lên, có kinh doanh được thì một nhà hàng cũng không được phục vụ hết công suất, phải giãn cách. Tính sơ sơ 200 m2 mà giãn cách thì coi như chỉ phục vụ được 20-30% thì chắc chắn không gánh nổi chi phí. Nên phải dịch chuyển nhanh, đến giờ nhìn lại thì tôi thấy gần như trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh vẫn tối ưu được phần chi phí như vậy thành ra vẫn khá là ổn.
Bỏ đi những mặt bằng như anh nói, vị trí đẹp, hoành tráng, chắc hẳn cũng có nuối tiếc chứ?
- Lúc đó thì tôi tiếc, vì ai kinh doanh cũng thích nâng quy mô lên, ai cũng thích "go big" cho bõ công. Đó là tâm lý chung mà, ai chẳng tham vọng và tham vọng về quy mô cũng là chính đáng thôi. Năm 2018-2019, kinh doanh F&B cực kỳ tốt. Lúc đó, các bên đổ xô thuê mặt bằng đẹp, dù đắt cũng thuê. Làm ăn thuận lợi mà, tôi cũng vậy thôi, bị những cái tôi như thế, tôi cũng giống nhiều người làm kinh doanh, tranh đấu để có những mặt bằng đẹp.
Và sau đó thì tôi nhận ra có những mặt bằng gọi là đẹp mà lại chẳng đẹp đâu. Bạn bè, khách hàng đến check-in, gọi đó là đẹp nhưng mình kinh doanh đằng sau mình mới biết như thế nào. Cuối tháng mình trả tiền nhà, trả lương nhân viên hết thì biết ngay là mặt bằng đó có thực sự hiệu quả không. Có những mặt bằng gọi là đẹp đấy nhưng kinh doanh chỉ lỗ chứ không lãi.
Thời điểm đó, khi kinh doanh thuận lợi thì rất khó quyết định, lắm khi bảo hay thôi cố giữ, cố gồng gánh quy mô. Thêm nữa, nhiều khi cũng sĩ diện cá nhân. Trước đó, một điểm mở ra thì mình đặt cả sự tự tin, niềm tin, và tự thấy mình rất thông minh nhưng mà khi phải đóng mặt bằng đó thì chứng tỏ ngu lắm (cười). Cho nên nhiều khi không dám đóng cửa mặt bằng kém hiệu quả nó còn do sự thiếu tự tin, sĩ diện cá nhân. Nhiều người bị vậy. Họ ngại cắt lỗ ở mặt bằng vì lý do kiểu đó, ngoài tài chính. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ập đến, quá khó thì phải quyết định cắt, phải đặt cái sĩ diện cá nhân, cái tôi ra đằng sau để cho doanh nghiệp còn sống chứ. Nếu không thì chính những điểm đó sẽ như là những con chó mực, cắn hết vào lợi nhuận doanh nghiệp.
Vậy anh phải đóng cửa bao nhiêu điểm?
- Năm ngoái đến giờ chúng tôi đóng ra mở vào 8 điểm nhưng bù lại cũng có những điểm được mở ra ở cạnh một điểm nào đó mà tôi thấy tốt vì thuê được mặt bằng khác hợp lý hơn. Đó là cách tái cấu trúc điểm bán. Chất lượng trên từng điểm bán hiện tại tốt hơn nhiều. Ở môi trường online thì quy mô lớn hơn rất nhiều. Giờ chúng tôi đang quản lý 60 cửa hàng với 12 thương hiệu khác nhau trên các ứng dụng giao đồ ăn. Việc kiểm soát rất tốt, thậm chí một số thương hiệu còn đang là top seller trên các ứng dụng.
Nếu không gạt bỏ sĩ diện hay nói như ngôn ngữ bây giờ là "vứt hết liêm sỉ" mà đóng cửa các mặt bằng kém hiệu quả thì liệu bây giờ doanh nghiệp của anh còn sống không?
- Nếu mà không cắt bỏ các điểm không hiệu quả thì sẽ thua, sẽ lỗ. Tôi thấy nhiều doanh nghiệp không tồn tại được đến thời điểm bây giờ là do không có khả năng cắt lỗ như vậy. Tôi thấy điều quan trọng nhất của công việc kinh doanh là tư duy của người chủ, thứ hai là dòng tiền.
Tư duy về dòng tiền, trong thời Covid-19, cực thấm! Làm sao để duy trì. Vì thật ra khi dòng tiền kinh doanh tạm tốt thì mọi người thường bắt đầu dùng đòn bẩy tài chính và thực ra khi thấy doanh thu tốt thì bị bơi theo quy mô. Cái đó rất là rủi ro vì khi dòng doanh thu mà bị cắt một cái là nó tạo ra hiệu ứng domino luôn. Vì vậy mà việc chú tâm vào dòng tiền của doanh nghiệp quan trọng là lẽ đó.
Cắt những mặt bằng không hiệu quả là quyết định liên quan đến dòng tiền. Trước kinh tế tốt thì hay tập trung vào việc thôi thì quy mô cứ phình lên xong thì cả chuỗi lãi là được, tổng kết lại lãi là được. Nhưng đó là một kiểu tư duy mà tôi thấy chỉ ổn trong thời điểm thuận lợi. Còn khi khó khăn thì tư duy cũng cần thay đổi, tư duy đổi thì bài toán tài chính cũng thay đổi theo.
Trước đây thì theo đuổi quy mô nhưng giờ là hiệu quả của điểm bán. Từng điểm phải có lãi chứ không có chuyện điểm lãi nuôi điểm lỗ nữa. Hay trước đây thích theo đuổi làm sao có thật nhiều điểm bán thì giờ lại quan tâm hơn đến việc làm sao chất lượng từng điểm phải thật sự tốt, gồm cả dịch vụ lẫn lợi nhuận. Covid-19 là một trong những thứ khiến cho chúng ta chú ý dòng tiền nhiều hơn.
Nói như anh thì có vẻ như Covid-19 cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến doanh nghiệp mình?
- Ô, ảnh hưởng nhiều chứ. Đóng bớt mặt bằng là ảnh hưởng lắm đấy vì đóng thì mất toàn bộ phần đầu tư cơ sở vật chất. Rồi thì chúng tôi mất toàn bộ phần quy mô trước đó rất là hoành tráng. Rồi tiền cọc, mất tiền cọc đã trả cho chủ mặt bằng. Thật sự mà nói thì khi quyết định trả điểm cũng run lắm, nhưng cắt rồi thì chi phí không lớn nữa nên thấy đỡ hơn. Doanh thu bị sụt giảm nhưng chi phí cũng được giảm theo nên mức độ ảnh hưởng thấp hơn so với những mô hình khác. Còn thiệt hại thì phải nói là nhiều chứ, đóng cửa là mất.
Nhưng xét mặt nào đó thì anh cũng may mắn đó chứ, vì hình như hệ thống Pizza Home chủ yếu ở Hà Nội, chứ ở TPHCM mà trong bối cảnh đại dịch căng thẳng như những tháng qua thì "toang" thật chứ còn gì?
- Đúng rồi. Sự thật là thế mà.
Ở TPHCM, tôi có nhiều bạn bè trong ngành F&B. Họ giỏi lắm, giỏi hơn tôi nhiều. Nhưng vừa rồi thì họ cũng tan hoang. Có những cửa hàng rất lớn phải đóng cửa, thanh lý. Thậm chí, có cửa hàng được đầu tư gần 2 tỷ đồng nhưng giờ thanh lý 180 triệu đồng mà chưa có người mua thì chị phải thấy đau xót như thế nào. Có ai dám mua đâu vì mua lại phải tiếp tục kinh doanh, mà kinh doanh thì phải gồng lỗ. Đấy, có khi người trước để mất 90% giá trị rồi mà người sau có dám nhảy vào đâu vì kinh doanh thì sẽ nuôi lỗ, cũng là cái sợ nhất của người làm kinh doanh.
TPHCM là thị trường cực tiềm năng của F&B nhưng vừa rồi rõ ràng cực kỳ khốc liệt. Giờ trong TPHCM, chúng tôi cũng chỉ duy trì hoạt động giảng dạy, bán hàng trên ứng dụng giao đồ ăn, rồi đào tạo, kết nối giao thương các thương hiệu thôi chứ kinh doanh trực tiếp cũng hạn chế rồi.
Vậy anh thấy thời gian vừa qua đã là lúc khó khăn nhất kể từ khi anh khởi nghiệp đến giờ hay chưa?
- Có 2 cột mốc khó khăn. Đó là khi tôi xây cửa hàng đầu tiên. Khi đó, vốn thì ít, cửa hàng đầu tiên mở ra chẳng có gì chuẩn hóa cả vì tôi là dân ngoại đạo, phụ thuộc chủ yếu vào người làm bếp.
Lúc ấy vất vả lắm, làm từ sáng đến tối mà có hiệu quả đâu. Có những lúc cạn vốn, không còn một đồng nào trong người luôn rồi tôi tưởng mình đầu hàng đến nơi rồi chứ. Stress kinh khủng. Tôi nhớ là có thời điểm phòng tôi treo đầy ảnh Bill Gates, Steve Job, Đặng Lê Nguyên Vũ, Lý Quý Trung… xong lúc chán đời, bí bách quá tôi còn nhìn ảnh lẩm bẩm "các anh ơi giờ em biết sống sao, đời em đi đâu về đâu, lấy đâu ra tiền em trả lương nhân viên đây…" (cười).
Còn lần khó khăn thứ hai là giai đoạn vừa rồi, khi chuẩn hóa quy mô. Giai đoạn đầu dịch bệnh năm 2020 xảy ra, tôi thấy hoang mang cực kỳ, không biết dịch sẽ ra sao và khi quyết định là phải đóng cửa một số cửa hàng thì thấy trăn trở kinh khủng. Nếu duy trì mà dịch kéo dài liên tục thì doanh nghiệp cạn máu rồi khô máu là chết. Hai nữa là loay hoay vượt qua ngưỡng tâm lý để đóng cửa nhà hàng.
Chị cứ tưởng tượng là khi chị mở nhà hàng, mời bạn bè đến khai trương, chụp ảnh hoành tráng xong mấy tháng sau chị đóng, bạn chị hỏi "ô, cửa hàng của mày đóng rồi à", thì cảm giác thế nào, chắc là vừa cảm thấy mất tiền, vừa thấy nhục ấy. Nên đúng nghĩa là khi ấy tôi phải vượt qua ngưỡng tâm lý, vượt nhục để mà cầm máu cho doanh nghiệp.
Và anh thấy giai đoạn nào khó hơn?
- Mỗi cái khó một kiểu. Giai đoạn ban đầu thì dễ có đường lui hơn. Lúc đó mà quyết định đóng cửa thì dễ lắm, đóng là xong, thiệt hại cũng chẳng có nhiều vì cũng có mỗi cửa hàng. Nhưng nếu 2020 mà đóng cửa hết thì lúc đó có nhiều thứ để mất: nhân sự lớn hơn, lợi nhuận hơn nhiều, rồi nhà cung cấp ổn định… Nhưng cũng nói thật là khó khăn của năm 2020 chủ yếu là khó khăn về tâm lý chứ không phải khó khăn về tiền như lúc đầu mới khởi nghiệp. Lúc đầu thì thiếu tiền, đúng là đường cùng luôn.
Vì khó khăn về tâm lý nên dường như tóc anh Hoàng Tùng cũng ít đi theo Covid-19?
- Thật ra Covid-19 là một thử thách mà đúng là chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ gặp phải luôn, nhưng khi đến rồi thì mới thấy sự chuẩn bị là cực kỳ quan trọng.
Trước đó thì tôi tương đối lạc quan đấy, cứ nghĩ mọi thứ thuận lợi thế thì cứ thế thuận lợi thôi chứ ít khi nghĩ đến những tình huống xấu. Rồi nhiều khi mọi người nói phải cẩn thận tôi còn gạt đi cơ. Rồi Covid-19 đến thì mới thấy con virus nó "tát", nó "quậy" cho tưng bừng, mới tỉnh ra. Nó là hồi chuông cảnh tỉnh cho mình về kiểm soát rủi ro, thận trọng không thừa.
Tóc có rụng đi là vì thế, vừa khó khăn, vừa phải đi deal mặt bằng, làm mô hình kinh doanh mới mà thật ra vẫn trong giai đoạn thử nghiệm thôi. Giờ thì ổn hơn nhiều và có những hướng đi mới trong tương lai, bền vững hơn trước rất nhiều, điều đó cũng là cái làm cho mình tự tin hơn. Thôi cố mà mong tóc nó mọc lại thôi (cười).
Tôi thấy anh từng chia sẻ về những thất bại của bản thân. Giả may lần này, chuỗi của anh không sống được trong Covid-19 thì sao? Đã bao giờ anh hình dung được là mình sẽ mất tất cả?
- (Im lặng một lúc). Không sống được, không vượt qua được có khi cũng là thực tế. Nhưng quan điểm của tôi hơi khác, còn thở còn gỡ, phải nỗ lực đến cùng. Chứ buông thì dễ lắm. Nhưng càng cố gắng thì càng may mắn, tôi nghĩ thế. Nhiều khi may mắn không tự đến đâu mà mình phải cố gắng rất nhiều, đến ngưỡng nào đó thì may mắn đến. Ví dụ như nếu không chuyển đổi từ năm ngoái đến năm nay thì không có những cơ hội mới, không có chuyện tìm ra mô hình kinh doanh mới, kênh bán hàng mới, kiểu vậy.
Vẫn có những rủi ro vì thật ra bạn bè tôi trong ngành F&B đóng cửa nhiều lắm, thậm chí một số không trụ được còn vào các group nhờ có biết ai mua thì mách họ. Đó là thực tế.
Còn giả may xảy ra với tôi thì thôi xác định khởi nghiệp lại thôi, không vấn đề gì cả. Với khởi nghiệp, tiền chỉ là một phần thôi. Tiền là một loại vốn, bên cạnh đó là vốn khác về kinh nghiệm, kiến thức, quan hệ trong ngành. Giờ nếu khởi nghiệp lại dễ hơn nhiều vì tôi có 3 cái vốn sau rồi (kinh nghiệm, kiến thức, quan hệ). Tiền mà hết, 3 cái vốn đó vẫn có, nó kéo lại thì vẫn khởi nghiệp lại được. Phải nỗ lực thôi.
Buồn vì công ty sắp hết tiền là nỗi buồn quá khứ. Vậy trong giai đoạn Covid-19 vừa rồi, có khi nào nỗi buồn ấy xuất hiện với anh? Nếu không phải nỗi buồn này thì là nỗi niềm gì khác?
- Vẫn có nỗi buồn hết tiền chứ. Vì ngành F&B những tháng giãn cách có kinh doanh được mấy đâu. Doanh số thấp, kể cả có xoay chuyển sang mảng thực phẩm thì cũng không lại được, giống như trước đây mình đi 2 chân mà giờ mất một chân, phải nhảy lò cò ấy thì sẽ yếu hơn nhiều.
Còn nỗi buồn nữa là chỉ số kinh doanh năm nay khó đạt, rồi phải gác lại một số kế hoạch mình vạch ra khi thị trường thuận lợi. Giờ không mơ mộng được nữa. Ngày xưa có thể nhìn rất xa nhưng giờ thì tầm nhìn phải ngắn hơn và thực tế hơn rất nhiều. Đó là những thực tế phải đối mặt, tôi không gọi là nỗi buồn vì nói buồn thì nặng nề quá.
Quan trọng nhất là cuối cùng mình thấy được hệ thống bây giờ vẫn chạy được, có định hướng phát triển tương lai, có mô hình kinh doanh mới và nhất là nhân sự vẫn trụ lại. Đó là những cơ sở để mà mình có buồn thì buồn ít ít thôi vì buồn thì có thay đổi được gì đâu, cố hướng đến tương lai đi thôi, cố mà vui.
Nhân sự ở lại như anh nói, vậy thu nhập của họ thế nào, có bị Covid-19 tác động không?
- Đặc thù của ngành F&B là có những nhân sự cứng làm toàn thời gian nhưng cũng có những nhân sự làm theo ca, bán thời gian trả lương theo giờ. Dịch bệnh khó khăn, chúng tôi cũng phải cắt giảm lượng cộng tác viên khá nhiều, đó là thực tế mà tôi thấy doanh nghiệp F&B nào cũng phải đối mặt, phải giảm hết. Nhưng về nhân sự cứng thì chúng tôi vẫn cố duy trì, giữ nguyên lương và cố gắng năm nay vẫn giữ nguyên mức thưởng. Lúc giãn cách không có việc gì làm thì chúng tôi vẫn trả 50% để duy trì tinh thần làm việc của mọi người. Đó là cái cơ bản mà doanh nghiệp có điều kiện thì nên làm, phải làm vì những lúc khó khăn như thế vì nhân sự cũng trông chờ vào mình. Chúng tôi cũng phải nỗ lực mà giữ cho nhân sự có được cuộc sống cơ bản trong đại dịch.
Điều đó cũng có lợi cho doanh nghiệp vì khi mở cửa trở lại thì mình có nhân sự ngay. Chứ những doanh nghiệp cắt giảm toàn bộ thì trước tiên họ được lợi thế về dòng tiền, chi phí nhưng nếu khởi động lại mà nhân sự rời đi mất, được bán hàng rồi mà không có nhân sự thì cũng mệt. Nên tôi vẫn cố gắng giữ mức thu nhập cơ bản cho nhân sự của mình. Doanh thu có thể xuống nhưng đãi ngộ năm nay cố gắng vẫn giữ được mức như năm ngoái.
Trong Covid-19 thì doanh nghiệp nào cũng kêu khó, có người còn bảo chẳng sống được, nhưng bù lại vẫn có những người khá lạc quan. Theo anh, khó khăn đã đến mức phải ngồi kêu hay chưa hay khó hay không do góc nhìn từng người, và lúc này tinh thần của doanh nghiệp nên ra sao?
- F&B là một trong những ngành chịu rủi ro lớn nhất trong suốt thời kỳ Covid-19. Nhưng tinh thần thì tôi nghĩ thôi mình cứ chủ động cứu mình trước đã. Tôi có những nhóm anh em, bạn bè ký vào đơn kêu cứu Chính phủ.
Thật ra vẫn phải kêu thôi vì khó khăn là khó thật mà, có phải đùa đâu. Doanh nghiệp lao đao, "chết" cũng nhiều, cần kêu để được hỗ trợ. Nhưng đó là một hoạt động thôi, còn lại thì mình cũng phải chủ động hơn, tìm giải pháp cho mình trước, phải cứu mình trước. Chứ nếu chờ thôi thì chẳng còn tý chủ động nào nữa. Chúng tôi có những nhóm, chia sẻ với nhau kinh nghiệm để gia tăng doanh số cho nhau, truyền cho nhau kinh nghiệm.
Tầm này thì đúng là "lá rách ít đùm lá rách nhiều" chứ không có "lá lành đùm lá rách" nữa, còn ai lành đâu, ai cũng rách nát cả rồi. Tiền có thể không có nhưng có thể giúp nhau về kiến thức, ứng dụng, mà nhiều khi một câu nói, một chia sẻ của người đi trước cũng tránh cho mình được chi phí ẩn, rủi ro.
Gần ngày doanh nhân, tôi vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình vẫn trụ được đến giờ trong khi nhiều anh em khác đã "hy sinh" rồi. Nhưng buồn vì mọi kế hoạch kinh doanh phải thay đổi hết, thậm chí lợi nhuận bị mấy tháng Covid-19 thổi bay hết. Nhưng thôi, thật sự doanh nghiệp nào mà tồn tại đến giờ thì khả năng sẽ có cơ hội rất lớn thời gian tới. 3 tháng cuối năm là 3 tháng cao điểm sôi động của F&B, tinh thần vẫn là còn thở còn gỡ.
Nội dung: Đan Anh
Thiết kế: An Nhi