(Dân trí) - Được chơi trò chơi cảm giác mạnh phiên bản mới nhất trong những ngày đại dịch Covid-19 căng thẳng tại phía Nam, doanh nhân công ty doanh thu hơn 4.400 tỷ đồng vẫn nhớ như in những trải nghiệm.
Với doanh nhân, Covid-19 được cho là gây tác động gấp nhiều lần, lý do là phía sau họ là gia đình của hàng trăm, hàng nghìn lao động. Khi Covid-19 căng thẳng, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam, giới doanh nhân đã xoay xỏa ra sao, vượt qua khó khăn, gian khổ như thế nào là điều mà Dân trí muốn gửi gắm đến bạn đọc trong chùm bài đặc biệt dành cho ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay.
Không hẳn phản ánh được hết mọi góc cạnh trong Covid-19 của các doanh nghiệp song những câu chuyện của các nhóm ngành được cho là bị ảnh hưởng nhiều hơn cả vì Covid-19 dưới đây ít nhiều cũng thể hiện được tinh thần, thái độ của một lớp doanh nhân trong khó khăn, gian khổ. Bên cạnh đó, ở một góc nào đó trong câu chuyện, thông điệp dù trong hoàn cảnh ra sao thì doanh nhân Việt Nam vẫn bền chí lớn để vượt qua khó khăn cũng phần nào được nhìn thấy…
--------
"Nhắn tin nhé. Tôi đang ngập đầu việc", nhân vật nhắn cho người viết vào buổi sáng.
Đến khoảng 13h, ông gọi lại, chia sẻ lý do "ngập đầu việc" của mình: 5 ngày sau làn sóng lao động hồi hương hậu Covid-19, một trong 10 doanh nghiệp thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng có ca F0, và ông buộc phải để điện thoại rảnh cả sáng để … ngóng thông tin về vụ việc, xem trong số các lao động, công nhân của mình có ai là người nhà, tiếp xúc với F0 kia hay không. 13h là lúc ông có thể thở phào vì tin báo về là các mẫu test với lao động của doanh nghiệp ông đều cho kết quả âm tính. "Tôi mừng quá, may trời vẫn thương", ông xuýt xoa qua điện thoại.
Người đàn ông ngoại lục tuần có gương mặt nhìn hơi khắc khổ, thân hình gầy gò nhưng ánh mắt kiên định, chất giọng miền Tây đặc sệt vừa chân chất, vừa đầy cảm xúc ấy là Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty Cổ phần Sao Ta. Sao Ta là một thành viên của Tập đoàn PAN, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.
30 phút trò chuyện cùng phóng viên Dân trí của doanh nhân Hồ Quốc Lực hé lộ nhiều thông tin thú vị liên quan "trò chơi mạo hiểm phiên bản mới nhất" mà ông và Sao Ta chơi trong đại dịch Covid-19.
Hồi tháng 7, ông từng nói về vụ thu hoạch 1.000 tấn tôm "chạy dịch" và nhắc về nó với 2 từ "hú vía", sau "hú vía" thì sao, đến giờ ông đã "hoàn hồn"?
- (Cười lớn). Thu hoạch xong là vía về liền. Nói vậy thôi chứ xong cái là tôi hoàn hồn ngay thôi. Vía gọi về ngay được, vía về là hồn hoàn luôn rồi.
Nhưng nếu không thu hoạch kịp thì ông khóc luôn chứ còn lo được gì hồn vía nữa?
- Không đâu, không có chuyện thu hoạch không kịp. Bằng mọi cách phải kịp chứ không có phương án thứ hai. Không có chữ thất bại ở đây đâu. 9 ngày, chúng tôi thu hoạch hơn 1.000 tấn tôm. Lúc cao điểm có cả trăm người tham gia, có đêm thu tới 2h sáng. Đó thực sự là kỳ thu hoạch lịch sử!
Thu hoạch tôm chỉ là một lát cắt về chuyện của doanh nghiệp ông trong những ngày Covid-19 căng thẳng. Nếu để nói ngắn gọn về những ngày đó với bản thân và doanh nghiệp, ông nói gì?
- Thế này nhé. Chúng tôi đang tham gia một trò chơi cảm giác mạnh phiên bản mới nhất. Có nhiều cảm giác trong trò chơi đó, nhưng các cung bậc cảm xúc ngày càng cao độ. Có vui mừng, có lo lắng, hồi hộp, có bất ngờ… có quá nhiều cảm giác.
Và đọng lại trong ông là cảm giác…?
- Giờ thì tự tin rồi. Khi tham gia trò chơi thì có nhiều nỗ lực, qua đó thì chúng tôi vượt qua khá nhiều thử thách mới mẻ của trò chơi này.
Trong đại dịch, có người bảo họ rụng, bạc cả tóc, rồi mở mắt ra là thấy "tiền bốc hơi", đầu óc thì lúc nào cũng căng như đi trên băng mỏng. Ông chủ Sao Ta thì sao?
- Thật ra mỗi người sẽ có một góc nhìn, một tầm suy nghĩ và vì thế nỗ lực, bản lĩnh cũng không giống nhau. Riêng chúng tôi khi tham gia trò chơi này thì có sự chuẩn bị tinh thần tốt. Chúng tôi có đánh giá và lường trước những rủi ro mình có thể vấp phải, trên nền tảng đó có sự tìm hiểu tất cả khả năng có thể xảy ra để mà có phương án ứng xử.
Từ đó tới giờ, sau 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện thì kết quả cũng cho thấy hướng đi là phù hợp, cho nên nói thật là Covid-19 không tạo ra những cảm giác lo âu kéo dài đâu mà dần dà có những cảm giác tích cực hơn, tự tin chẳng hạn. Còn về bản thân thì tôi gầy đi vì Covid-`19 đấy (cười).
Vậy trước khi tự tin, ông có sợ hãi không?
- Chắc chắn là có lo âu, nhưng sợ hãi thì chưa bao giờ nghĩ đến. Vì từ khi thành lập doanh nghiệp đến giờ thì chúng tôi đã trải và vượt qua được rất nhiều khó khăn và từng có những khó khăn tưởng như chưa qua được song cái kết vẫn lại có hậu. Nên đứng trước khó khăn mới, ban đầu có thể chưa lường hết nguy cơ của nó nhưng chúng tôi vẫn rút kinh nghiệm, giữ được cái tâm thế đầu tiên là bình tĩnh đã, chứ không cuống, sợ hãi gì. Thật sự mà nói thì trong bình tĩnh cũng ít nhiều có âu lo nhưng đó lại là những âu lo tích cực, âu lo để mà có tính toán, chuẩn bị tốt hơn chứ không phải âu lo để cảm thấy sợ hãi.
Ông vừa nhắc đến những khó khăn. Vậy so với những khó khăn đã trải qua rồi thì khó khăn trong Covid-19 ra sao?
- Ở đây chỉ khác nhau 2 chuyện. Nếu mà lấy yếu tố thiệt hại về tài chính để so, thì đợt này (do Covid-19 - PV), không phải là lần thiệt hại lớn nhất. Nhưng nếu lấy sức khỏe để mà so sánh thì đợt này là khó khăn lớn nhất mà chúng tôi từng gặp. May trời độ, đến giờ là chúng tôi chưa có ca F0 nào.
Lúc đại dịch căng thẳng, nhiều doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ và họ than chi phí đội lên, doanh nghiệp của ông thì thế nào?
- Khi người ta hình dung ra những công việc cần phải làm để đảm bảo đạt yêu cầu về tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, người ta sẽ biết chắc chắn là chi phí đội lên rồi. Cho nên, dám làm 3 tại chỗ tức là người ta đã chấp nhận chi phí đó.
Chúng tôi áp dụng 3 tại chỗ từ ngày 19/7, khi trước đó doanh nghiệp ở Sóc Trăng còn chưa ai biết mà áp dụng. Chúng tôi có lập một nhóm nội bộ, nơi các lãnh đạo doanh nghiệp của tập đoàn chia sẻ thông tin với nhau. Thực ra thì khi Sao Ta áp dụng 3 tại chỗ là ngày 19/7 nhưng trước đó khoảng 2 tuần thì một thành viên khác trong tập đoàn PAN đã áp dụng 3 tại chỗ rồi. Chúng tôi học từ họ.
Đến khi dịch ở Sóc Trăng "căng" hơn thì cơ bản chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng 3 tại chỗ, từ dọn dẹp nhà kho, tạo phòng trống, thu xếp nhà xe, hội trường… để chuẩn bị cho công nhân có chỗ nghỉ ngơi, hay mua sắm mùng mền, nồi niêu xoong chảo… để đáp ứng cuộc sống của người lao động. Chúng tôi không thụ động tý nào đâu. Bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất thì danh sách người lao động thì có cả rồi.
Chúng tôi mang tâm thế sẵn sàng sản xuất 3 tại chỗ nên chẳng có gì để mà càm ràm hết. Tự làm tự chịu thôi. Chúng tôi biết lỗ vẫn phải làm vì quan trọng là phải duy trì được chuỗi liên kết, sản xuất, cung ứng. Nếu mà chúng tôi không làm thì những người "dính" đến chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị con tôm mà gần nhất là người nuôi tôm, người lao động, khách hàng tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng. Mình là doanh nghiệp chế biến, là điểm giữa, mà mình lại ngừng lại thì những điểm phụ thuộc mình, mình phụ thuộc họ làm thế nào.
Nên chúng tôi xác định luôn là mình còn duy trì được, cầm cự được qua cơn khốn khổ này thì phải làm, dù biết chắc là sẽ lỗ. Mình làm thì người nuôi tôm mới an tâm. Mình làm thì người lao động mới có thu nhập, giảm thiểu được gánh nặng cho Nhà nước phần nào. Cho nên từ trước đến nay, nói thật là chúng tôi chưa từng than phiền gì về vấn đề 3 tại chỗ.
Ông nói xác định ngay từ đầu sẽ lỗ. Vậy có thống kê được số lỗ đó hay không?
- Lỗ đó có 2 dạng nhé, một là lượng, 2 là số. Về lượng thì tôi chỉ áng áng thôi chứ chưa có số liệu cụ thể. Nhưng ví dụ trực quan sẽ thấy là với mỗi lao động ăn ở tại doanh nghiệp thì chưa kể công sức, các chi phí khác trong đó có tiền ăn uống, tiền test nhanh sơ sơ đã mất 3 triệu đồng/người/tháng rồi.
Nhìn thấy đó là thấy lỗ rồi. Chưa kể, năng suất cũng thấp hơn vì số dây chuyền duy trì được thấp hơn. Ví dụ trước đây có thể 5 dây chuyền thì giờ số lao động đi làm dồn cho chỉ được 2 dây chuyền thôi, kỹ năng các lao động bị dồn này không đồng đều nên chậm đi chứ. Tháng 8 vứa qua, doanh số của chúng tôi sụt đi phân nửa là vì thế. Ví dụ năm ngoái, tầm đó làm được 100 đồng thì năm nay còn được có 55 đồng à.
Như thế thì đồng nghĩa là suốt thời gian Covid-19 căng thẳng nhất, ông cũng không đóng cửa ngày nào?
- Không phải mình chúng tôi đâu. Các doanh nghiệp tôm ở tỉnh Sóc Trăng cũng không ai ngừng ngày nào hết trơn, vấn đề là duy trì ở các quy mô khác nhau thôi.
Trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh làm việc 3 tại chỗ ở công ty mình đấy, có hình ảnh công nhân mắc mùng san sát nhau và có ý kiến liên tưởng đến chuyện không đảm bảo an toàn sản xuất. Ông thấy thế nào?
- (Cười). Người ta hiểu sai rồi. 3 tại chỗ phải được hiểu là cái bubble (bong bóng). Nó giống như đội bóng đi thi đấu giữa thời Covid-19 ấy, làm sao các cầu thủ lại đảm bảo khoảng cách được đúng không.
Bong bóng là gì? Là trong một khuôn khổ không gian nào đó, nếu được kiểm soát rồi thì họ có thể ở gần nhau vì người lao động đã được kiểm tra kỹ lưỡng để không ai có mầm mống bệnh cả. 3 tại chỗ phải được hiểu là như thế. Có phải ai muốn vào làm 3 tại chỗ cũng được đâu, họ phải được test rất kỹ lưỡng, test PCR chứ không phải test nhanh. Tốn chi phí lắm nhưng chúng tôi vẫn phải làm.
Do đó mà phải hiểu là toàn bộ người được vào nhà máy để làm 3 tại chỗ thì nhà máy đó là vùng xanh, nên họ có ở gần nhau chút cũng chẳng đến nỗi nào. Còn mắc mùng ra xa nhau thì cũng được thôi nhưng chỉ tốn không gian có làm gì đâu. Nếu có mầm bệnh thì trong không gian đó dù mắc mùng xa nhau cả 2 thước thì cũng lây nhau thôi à. Còn dĩ nhiên có ý kiến này ý kiến kia, người ta nhìn cũng có thể có góc độ đúng nhưng mình phải có cách giải thích hợp lý của mình.
Thế nói như ông là doanh số, doanh thu tăng nhưng chi phí cũng tăng đấy, thì lợi nhuận công ty năm nay sẽ thế nào?
- Mấy doanh nghiệp chế biến năm nay bị "móc túi" hết trơn rồi. Nhưng chỗ tôi, ông trời ông ấy vẫn độ. Nuôi tôm vẫn tốt. Nên khả năng cao là vẫn hoàn thành kế hoạch. Giờ nói có vẻ hơi tự tin vì tôm chưa thu hoạch đợt 2, nhưng cơ bản thế.
Tôi thấy Sao Ta các ông vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9. Tốt đó chứ, khi mà doanh số tiêu thụ chung theo công bố vẫn đạt 22 triệu USD, tăng 21% cùng kỳ. Con số thì trần trụi thế nhưng hẳn là sau con số đó có đầy chuyện để kể?
- Cái gì cũng vậy, là kết quả của cả một quá trình chứ không phải đột biến đâu. Để đạt được thì chúng tôi đã có sự chuẩn bị, tính toán từ rất là xa rồi. Ví dụ nhé, lúc làm 3 tại chỗ, chúng tôi chỉ có 40% lao động đi làm thôi mà 10% trong số này là bộ phận văn phòng rồi nên tính ra chỉ 30% cho hoạt động chế biến thôi.
Nhưng ở Sóc Trăng, sau 4 tuần thực hiện Chỉ thị 16 thì tỉnh có một quyết sách phòng chống dịch theo sự hướng dẫn nội dung của Chỉ thị 16 nhưng theo hoàn cảnh thực tế địa phương đó là tỉnh sớm cô lập vùng có lây nhiễm dịch cấp độ quy mô xã phường. Sóc Trăng lấy phường xã làm phòng tuyến, mà đấy vì thế mà giờ doanh nghiệp tôi chẳng được giảm 10% tiền điện vì họ nói Sóc Trăng đâu có thực hiện Chỉ thị 16, mà rõ ràng đó là thực hiện Chỉ thị 16 một cách linh hoạt. Nhưng thôi bỏ đi, quan trọng nhất là khi đó có cơ chế chỉ siết ở những xã có ca bệnh, còn lại thì người dân đi lại, sản xuất, hàng hóa được lưu thông. Qua đó, các doanh nghiệp tôm có điều kiện thu thêm lao động từ những ngày giữa tháng 8.
Từ 16/8 đến 15/9 thì từ 40% lao động đã lên được 80-90%. Dĩ nhiên lúc tăng lao động lên thì chúng tôi cũng phải tính toán kỹ lưỡng, phải kiểm soát được. Mà muốn kiểm soát được thì lại phải tăng từng bước. Các lao động đều phải được kiểm tra sức khỏe hết, sắp xếp khu làm việc riêng, sau đó kiểm tra lần 3 thì mới cho vào khu làm chung. Tốn chi phí lắm, tốn tiền dữ lắm nhưng vẫn phải làm để đảm bảo.
Sau đó, từ ngày 16/9, Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng Sông Cửu Long công bố bình thường mới, không có xã nào vùng đỏ nữa. Từ ngày 16/9 đến 20/9 thì còn 10% khoảng cách thì thu đủ hết, 100% lao động đi làm, giờ đủ người làm rồi. Mà không chỉ là đủ về số lượng đâu, lao động đi làm lại cũng mang trạng thái làm việc khác luôn. Họ tích cực hơn trong công việc, trong sử dụng thời gian vì tâm lý những người kẹt ở nhà lâu thì không có thu nhập (thu nhập ngành tôm ăn theo sản lượng - PV).
Trước đây họ làm đến 8 tiếng đã nghỉ thì giờ sẵn sàng làm đến 9, 10 tiếng, sẵn sàng làm thêm để có thu nhập tăng. Đó là lý do sản lượng chế biến nửa cuối tháng 9 tăng ào ào. Mọi thứ đều có quá trình như thế, và quá trình này ở công ty chúng tôi diễn ra từ giữa tháng 8 luôn. Sản lượng tăng hơn cùng kỳ năm ngoái nên doanh số tiêu thụ kết quả như vậy.
Thêm nữa, may mắn là lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng rất năng động. Họ thấy rằng không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân mà còn coi trọng yếu tố đời sống người dân trong và sau dịch nên nhận phần khó về mình. Ví dụ như trong chống dịch cách dễ nhất là khóa tỉnh lại, phong tỏa hết, làm thế khỏe re. Nhưng ở Sóc Trăng thì họ không làm thế. Chủ tịch tỉnh là gốc lính nên dũng cảm và quyết đoán lắm.
Hỏi thật là doanh nghiệp các ông có kiến nghị gì đến chính quyền trong phòng chống dịch hay không để đi đến những sự linh hoạt đó?
- Các lãnh đạo, doanh nghiệp ở Sóc Trăng hết sức đoàn kết và tích cực, góp ý với những người có thẩm quyền của tỉnh trong việc đề ra và triển khai các quyết sách. Điều may mắn là lãnh đạo tỉnh hết sức lắng nghe những người đã góp ý, từ đó tỉnh coi như huy động được sức lực và trí tuệ của cả tập thể và nhiều thành phần để có quyết sách phù hợp và đúng hướng.
Ông có sợ Covid-19 không?
- Chúng tôi chấp nhận chi phí lớn. Tỉnh yêu cầu 7 ngày làm xét nghiệm PCR với 20% lao động nhưng chúng tôi lệnh nhà máy 3 ngày làm một lần, chấp nhận tốn chi phí. Lỗ cũng phải chịu chứ sao, chúng tôi phải giữ an toàn nên là cần tầm soát tốt nhất trong doanh nghiệp. Giả sử giờ mà có người dính F0 thì là do đen thôi chứ chúng tôi làm kỹ lắm. Chỗ khác chưa chắc làm vậy nhưng chúng tôi làm.
Và Covid-19 khiến cho ông bận đến nỗi khó mà dành thời gian nghe một cú điện thoại dù là vài phút?
- Để tôi kể chị nghe bữa nay tôi bận là vì sao. Nay là ngày thứ 5 Sóc Trăng đón người dân trở về. Việc lao động về quê rõ ràng đang gây thụ động cho các tỉnh. Tỉnh phải công bố giải pháp cứng rắn, phải hạn chế đi lại ngay vì nếu họ về ồ ạt không kiểm soát được là nguy cơ lây nhiễm sẽ cao lắm. Như vậy là các doanh nghiệp từ hôm qua đến hôm nay cũng không biết còn bao nhiêu người đi làm được vì tỉnh cũng quyết hủy bỏ ngay giấy đi đường.
Nhưng căng thẳng hơn, là tôi mới nhận được hung tin một doanh nghiệp trong nhóm chế biến thủy sản đã có F0. Giờ mà có vấn đề gì là không nhỏ đâu. Nên tôi phải ngồi chờ đây. Điện thoại của tôi luôn ở trạng thái sẵn sàng nghe thông tin báo về, thông tin chính xác cụ thể. Tôi liên tưởng liền đến việc người lao động của chúng tôi có là bà con, hàng xóm của ca dương tính kia không.
Vì sao lại thế? Phải cẩn trọng vì ở đây người lao động của các doanh nghiệp đều sống đan xen nhau, có khi trên đường có 10 nhà mà người nhà các nhà này lại làm ở 5 công ty khác nhau kìa. Cho nên, là Chủ tịch HĐQT 2 công ty tôm, tôi phải họp ngay với ban điều hành yêu cầu lập danh sách người lao động ở địa phương gần nhà máy kia, người nào là bà con, hàng xóm của lao động bên doanh nghiệp kia. Sáng giờ đúng tôi ở trạng thái 4 phương 8 hướng mà chờ điện thoại. Nhưng đến 13h thì được tin bảo người ở 2 nhà máy âm tính hết. Nên sáng tôi mới bảo 5 phút không rảnh là vì thế.
Có khi nào ông cảm thấy lúng túng, trong Covid-19?
- Mỗi người một góc nhìn, các góc nhìn khác nhau, nhìn nó là nguy hay cơ, nguy cơ lớn hay nhỏ, tâm thế của mình chuẩn bị ngay từ xa không, bản lĩnh ứng phó linh hoạt hay cứng nhắc.
Thật tình là khi Covid-19 xuất hiện một cái là tôi phải mò hết, cứ có từ gì dính đến Covid-19 là tôi xem trước để xem xem bên ngoài như thế nào. Nên ngay từ đầu là tôi đã tìm cụm từ "sự thay đổi về hành vi của con người trước đại nạn Covid-19", lúc đó thì khu vực phía Nam còn chưa có bóng dáng gì của đại dịch. Đa số mọi người đều không quan tâm đến vấn đề mà tôi đi tìm kia.
Nhưng nói thật khi chị đọc hết bản nghiên cứu của nước ngoài thì chị thấy tác động của đại dịch với đời sống là vô cùng lớn, len lỏi khắp chốn. Hành vi con người cũng bắt đầu thay đổi. Qua đó thì tôi mới tính toán lại với mình, đó là kinh nghiệm cho mình ứng phó trên tâm thế biết chiều hướng để mà có giải pháp ứng xử cho phù hợp hơn. Trên tâm thế đó, việc hoạch định sản xuất, hoạt động của mình sắp tới cũng sẽ phù hợp hơn.
Người dân ở nhà, khắp EU, rồi Mỹ, Nhật Bản… đều thế. Họ được định kỳ ra ngoài mua đồ, thì tâm lý chung là mua đồ về làm sao đồ đó có thể dùng chế biến những bữa ăn dễ dàng nhất nên các gói nên được xẻ nhỏ. Hơn nữa, chế biến càng sâu càng tốt, làm sao để người mua có thể chế biến gói thực phẩm đó nhanh nhất vì họ không có thời gian, tâm trí của họ bị vướng bận nhiều chuyện nên sản phẩm càng được chế biến sâu càng dễ tiêu thụ. Nói chung là tôi đọc được những thông tin này và chúng giúp tôi hoạch định được cả sản phẩm cơ.
Kể ra thì nhiều lắm. Từ năm 2020, chúng tôi đã tính toán để ra thêm một công ty mới, nhà máy mới chính từ việc nhận định sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng để mà có nhà máy, chế biến cho phù hợp, đón đầu xu thế.
Rồi nữa là đón đầu khách hàng. Ví dụ như năm ngoài mảng thị trường dịch vụ gồm sản phẩm đến nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi, khu du lịch, sòng bài… tức là bán vào khu dịch vụ để người ra chế biến. Còn lại mảng thị trường bán lẻ là hàng được bán trong siêu thị, người tiêu dùng mua về ăn ở nhà. Lúc khó khăn không đi lại được thì mảng dịch vụ gần như chết. Và chúng tôi chuyển đổi liền, tập trung liền vào việc tăng khách của mảng bán lẻ không là không kịp.
Chúng tôi biết cái đó là do Covid-19 làm thay đổi hành vì người tiêu dùng, nên có chuyển hướng. Dĩ nhiên tất cả không phải như vậy nhưng cơ bản đúng. Chúng tôi tập trung hàng cho mảng bán lẻ, với dịch vụ thì xác định phải làm khi có đặt hàng chứ không làm trước.
Sau đó đúng là thế thật. Có đối tác dịch vụ than thở "thôi hủy đơn hàng giúp chúng tôi, chúng tôi khổ quá" này kia, và mình thì nói kiểu "ôi tôi buồn các anh lắm, nhưng thương nên chúng tôi cũng chia sẻ", nhưng thực tế có làm đâu, vì thấy sự thay đổi hành vi người dùng mà. (Cười).
Không lúng túng nhưng tôi thấy ông vẫn nguyên dáng vẻ khắc khổ, gầy gầy, xương xương, thậm chí còn gầy hơn 2 năm trước đây?
- Ơ không. Chị phải nói là 2 năm trước đây ông Hồ Quốc Lực rất là đẹp trai!!!. Nhưng giờ thì đúng là ông Lực đã "rơi" mất 5 cân thịt rồi, ốm trơ đây này, chùng hết cả da. Từ đẹp nay thành xấu trai! Vì kết quả thì cũng không tới nỗi nhưng mà vẫn lo chứ, trong Covid-19 thì nói gì thì nói cũng vẫn phải đắn đo, suy nghĩ, âu lo mà tìm ra kế sách. Có những khi khó ngủ lắm.
Nội dung: Đan Anh
Thiết kế: An Nhi