DNews

33 mặt hàng nào hút về tỷ USD năm qua?

Thảo Thu Văn Hưng

(Dân trí) - Xuất khẩu từng bước lấy lại đà tăng trưởng với con số xuất siêu kỷ lục, 33 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất.

33 mặt hàng nào hút về tỷ USD năm qua?

Việt Nam đang phục hồi ổn định từ suy thoái thương mại toàn cầu và xuất khẩu có khả năng tiếp tục tăng tốc từ nay đến hết năm 2023 khi hàng loạt dữ liệu cho thấy các tín hiệu tích cực. 

Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,4%.

Theo đánh giá từ Tổng cục Thống kê, đây là điểm sáng rất tích cực khi mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao, gấp 3 lần khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Còn theo báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại được Bộ Công Thương công bố, bình quân 5 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD/tháng, cao hơn mức 27,45 tỷ USD nửa đầu năm. Điều này cho thấy xuất khẩu tiếp tục khởi sắc, giúp rút ngắn đà suy giảm so với năm ngoái.

Tính chung 11 tháng, xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022. Mức suy giảm được thu hẹp đáng kể, chỉ còn một nửa so với đầu năm (11,6%), theo Bộ Công Thương.

33 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ đô

11 tháng năm nay, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.

Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD, tăng 20,2%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,7 tỷ USD, tăng 3,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4 tỷ USD, tăng 5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 1,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 2,9%; thủy sản đạt 800 triệu USD, tăng 1,4%; sắt thép đạt 586 triệu USD, tăng 25,4%...

Gần 7,8 triệu tấn gạo được xuất khẩu, nông sản thành "ngôi sao"

Trong tháng 11, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước.

Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản tăng cả về giá trị và lượng như: gạo đạt 462 triệu USD, tăng 13,5% (lượng tăng 10,2%); cao su đạt 343 triệu USD, tăng 16,6% (lượng tăng 14,5%); cà phê đạt 252 triệu USD, tăng 59,9% (lượng tăng 83%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 151 triệu USD, tăng 10,6% (lượng tăng 11,8%); hạt tiêu đạt 77 triệu USD, tăng 4,9% (lượng tăng 3,1%); chè đạt 24 triệu USD, tăng 10,7% (lượng tăng 8,1%).

So cùng kỳ năm 2022, nhiều mặt hàng cũng tăng cả về giá trị và lượng như: thủy sản tăng 1,4% (đạt 800 triệu USD); rau quả tăng mạnh nhất 65,2%; gạo tăng 59,6% (đạt 500 triệu USD, lượng tăng 19,3%); hạt điều tăng 30,7% (đạt 358 triệu USD, lượng tăng 34,5%); sắn và sản phẩm của sắn tăng 20% (lượng tăng 0,9%); hạt tiêu tăng 26,8% (lượng tăng 22,3%); chè đạt tăng 16,4% (lượng tăng 1,4%).

33 mặt hàng nào hút về tỷ USD năm qua? - 1

Hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn (Ảnh: Hải Nam).

Tính chung 11 tháng, một số sản phẩm nông, thủy sản tăng cả về giá trị và lượng so với cùng kỳ năm 2022 như: rau quả đạt 5,32 tỷ USD, tăng mạnh nhất 74,5%; gạo đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% (lượng tăng 16,2%); hạt điều đạt 331 tỷ USD, tăng 17,4% (lượng tăng 23,1%).

Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo; 2,7 triệu tấn sắn và sản phẩm của sắn; 1,9 triệu tấn cao su; 1,4 triệu tấn cà phê trong 11 tháng.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 11 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 11 tháng, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 8,6%.

Nhập khẩu dần phục hồi

Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,6 tỷ USD, giảm 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,2 tỷ USD, tăng 1,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 tăng 5,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,6%.

11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 105,94 tỷ USD, giảm 8,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 190,73 tỷ USD, giảm 11,7%.

Tính chung tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt gần 620 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp duy trì con số kim ngạch trên 600 tỷ USD.

43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD

Trong 11 tháng, có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,3%).

Trong đó điện tử, máy tính và linh kiện đạt 79,2 tỷ USD, tăng 4,1%; tân dược đạt 3,3 tỷ USD, tăng 7,3%; hạt điều đạt 3 tỷ USD, tăng 17,6%; dây điện và cáp điện đạt 2,3 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm từ kim loại thường khác đạt 2,1 tỷ USD, tăng 11,1%; sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 1,6 tỷ USD, tăng 13,1%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh đạt 1,5 tỷ USD, tăng 4,9%; khí đốt hóa lỏng đạt 1,5 tỷ USD, tăng 2,7%.

Xuất siêu kỷ lục

Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu (xuất khẩu giảm 5,9%, nhập khẩu giảm 10,7%) nên cán cân thương mại của Việt Nam trong 11 tháng tiếp tục xuất siêu 25,83 tỷ USD, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD và là mức cao nhất 10 năm trở lại đây.

Trong đó, xuất siêu thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) với mức xuất siêu 45,82 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,99 tỷ USD.

"Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, và hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế", theo đánh giá từ Bộ Công Thương.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành tài chính chiều 27/12, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định trong năm 2023. "GDP cả năm ước tăng khoảng 5%, đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới", ông nói.

Theo Phó thủ tướng, thặng dư thương mại ở mức kỷ lục, ước xuất siêu cả năm khoảng 26 tỷ USD.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất

Theo Tổng cục Hải quan, xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng của Việt Nam sang châu Á là 404,58 tỷ USD, giảm 7,6% (tương ứng giảm 33,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á đạt 159,98 tỷ USD, giảm 1,3% và chiếm 49,6% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước; nhập khẩu từ châu Á là 244,6 tỷ USD, giảm 11,3% và chiếm tới 82,4% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Made with Flourish

Tiếp theo là xuất nhập khẩu hàng hóa với châu Mỹ đạt 124,96 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,2%, giảm 12,3% (tương ứng giảm 17,52 tỷ USD); châu Âu là 67,28 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,9%, giảm 4,9% (tương ứng giảm 3,4 tỷ USD); châu Đại Dương với 14,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,3%, giảm 12,5% (tương ứng giảm 2,04 tỷ USD); châu Phi với 8,23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,3%, tăng nhẹ 7,5% (tương ứng tăng 574 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất

Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, gần 100 tỷ USD trong 11 tháng. Tiếp theo, Hàn Quốc và ASEAN lần lượt 48 tỷ và 37,6 tỷ USD.

Đáng chú ý, Việt Nam đã điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% trong 6 tháng đầu năm sang mức tăng khoảng 8,1% trong cả năm 2023 trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.

Made with Flourish

Mặc dù mức độ suy giảm trong xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp nhưng Bộ Công Thương vẫn chỉ ra một số khó khăn, hạn chế. Đơn cử, xuất nhập khẩu chưa thực sự phục hồi so với cùng kỳ năm trước (xuất khẩu năm 2023 ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (tăng 6%). 

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp.

Bộ này cũng đề cập đến mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng.

Ngoài ra, do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giảm nên tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 328,5 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2022. 

Nhìn chung, theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tiếp tục vượt qua khó khăn.

Dòng sự kiện: Highlight 2023