DNews

Từ vụ trường Quốc tế Mỹ, lộ kẽ hở khiến bố mẹ "cầm lưỡi dao" để con đi học

Hoài Nam Hoàng Hồng

(Dân trí) - Mang tiền tỷ cho trường vay nợ để con được theo học miễn phí nhưng phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ rơi vào tình cảnh "cầm lưỡi dao dắt con đi học", "mỡ nó không rán được nó"…

Từ vụ trường Quốc tế Mỹ, lộ kẽ hở khiến bố mẹ "cầm lưỡi dao" để con đi học

Ngày 18/3 vừa qua, hàng ngàn học sinh Trường Quốc tế Mỹ, ngôi trường có mức học phí cao nhất lên đến cả tỷ đồng/năm, phải tạm thời nghỉ học.

Khi đi học lại, những đứa trẻ ấy vật vờ ngồi học ở căng tin vì không có giáo viên rồi sau đó lại nghỉ ít ngày để chờ trường vận động phụ huynh đóng thêm 125 tỷ đồng nhằm duy trì đến hết năm học. Được biết, nhiều tháng nay, hàng trăm giáo viên ở đây không được trả lương, bảo hiểm. 

Từ vụ trường Quốc tế Mỹ, lộ kẽ hở khiến bố mẹ cầm lưỡi dao để con đi học - 1

Bố mẹ cho nhà trường vay hàng ngàn tỷ đồng nhưng học sinh Trường Quốc tế Mỹ rơi vào cảnh bị gián đoạn việc học, đến trường phải ngồi ở căng tin tự học (Ảnh: PHCC).

Điều khó tin là trước đó hàng trăm phụ huynh trường này đã đem khoảng 3.600 tỷ đồng cho trường vay nợ. Giờ họ đang đứng trước nguy cơ không đòi lại được tiền cho vay, còn con cái nhấp nha nhấm nhổm với việc học khi chủ trường tuyên bố… hết tiền.

Khi học phí trở thành điều khoản cho vay vốn

Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết, Đoàn luật sư TPHCM, cho biết Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam là trường tư thục do nhà đầu tư trong nước thành lập. Khoản 5 Điều 95 Luật Giáo dục 2019 quy định nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục gồm "Nguồn vốn vay" và quy định về quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư.

Việc trường huy động vốn đầu tư hay vay tiền có cơ sở về mặt pháp lý.  Tuy nhiên, để làm rõ các hợp đồng hợp tác đầu tư hay hợp đồng vay có đúng quy định hay không, bà Tuyết nhấn mạnh cần phải xem xét cụ thể nội dung của các hợp đồng này.

Từ vụ trường Quốc tế Mỹ, lộ kẽ hở khiến bố mẹ cầm lưỡi dao để con đi học - 2

Trường Quốc tế Mỹ nhiều lần ký cam kết trả nợ cho phụ huynh đầu tư nhưng phụ huynh vẫn không nhận được tiền (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trường tư thục được quyền huy động vay vốn từ phụ huynh theo quy định trong quy chế trường ngoài công lập. Tuy nhiên, đây là hợp đồng cho vay vốn chứ không phải là học phí. Còn học phí theo Nghị định 81, chỉ đóng theo tháng, học kỳ hoặc nhiều nhất đóng cả năm học.

Hợp đồng cho vay vốn của phụ huynh tại Trường Quốc tế Mỹ đã "phối hôn" cho hai vấn đề này khi phụ huynh sẽ cho trường vay một khoản nhất định với lãi suất 0 đồng, đổi lại con họ được đào tạo miễn phí.

Luật sư Hoàng Văn Liêm - Văn phòng Luật sư Quốc tế L&P thông tin, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về học phí và thu học phí, các trường phổ thông chỉ được thu học phí tối đa 9 tháng/năm và không được phép thu gộp cho nhiều năm hoặc nhiều cấp học.

Với trường hợp có đến 900 học sinh tại Trường Quốc tế Mỹ được bố mẹ đóng theo cách thức cho trường vay vốn 4 tỷ đồng với lãi suất 0% để con được đào tạo miễn phí suốt thời gian học ở trường, theo luật sư Hoàng Văn Liêm, đánh giá tính hợp pháp của thỏa thuận này không đơn giản.

"Tôi chưa thấy Luật Giáo dục cấm việc huy động vốn theo trường hợp này. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh để xem xét vấn đề.

Để đánh giá tính hợp pháp của thỏa thuận này, cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác như xem xét cụ thể nội dung thỏa thuận cho vay giữa phụ huynh và nhà trường; bản chất của thỏa thuận này, tính trung thực, ngay thẳng của các bên tham gia thỏa thuận, xác định dòng tiền khi nhà trường sử dụng tiền vay của phụ huynh, những lợi ích nhà trường hứa hẹn khi vay tiền từ phụ huynh…và cần được xem xét bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Một luật sư ở TPHCM cho hay, ở Việt Nam có rất nhiều trường đã huy động theo hình thức này. Xét ở một khía cạnh nào đó thì đây nó như là mô hình Ponzi, tức là lấy của người sau trả cho người trước.

Từ vụ trường Quốc tế Mỹ, lộ kẽ hở khiến bố mẹ cầm lưỡi dao để con đi học - 3

Sau khi vay phụ huynh hàng ngàn tỷ động thông qua hình thức vay vốn, trong buổi làm việc với phụ huynh vào cuối tháng 3, bà Nguyễn Thị Út Em, chỉ Trường Quốc tế Mỹ thừa nhận trường mất khả năng tài chính (Ảnh: AIPI).

Ví dụ, năm 2017, phụ huynh tham gia gói 2 tỷ/học sinh, năm 2024 con ra trường và trường phải trả lại 2 tỷ đó.

Tại thời điểm năm 2024, để tham gia gói đầu tư đó, người mới sẽ phải đóng khoảng 4 tỷ/học sinh.

Như vậy, một học sinh mới có thể thu xếp nguồn tài chính để trả được cho khoản đầu tư của 2 học sinh cũ trong quá khứ mà đến năm 2024 ra trường.

"Về pháp luật hợp đồng này là thỏa thuận dân sự, việc huy động của nhà trường không vi phạm điều cấm nên việc huy động này là hợp pháp. Các bên tự thỏa thuận với nhau về điều kiện thực hiện.

Nhưng khi thỏa thuận rồi, một bên không thực hiện đúng cam kết sẽ tùy theo hành vi mà xác định đó là vụ việc dân sự (kiện đòi tài sản) hay hình sự (có yếu tố lừa đảo nếu gian dối trong thỏa thuận nhằm chiếm đoạt tài sản)", luật sư này cho hay. 

Dù vậy, "mỡ nó không rán nổi nó", "cầm dao đằng lưỡi"… là tình cảnh của hàng trăm gia đình đang gặp phải khi cho Trường Quốc tế Mỹ vay vốn theo hình thức đầu tư giáo dục. Họ rơi vào cảnh nợ chưa đòi được, con bị gián đoạn việc học, muốn tiếp tục lại phải... đóng thêm tiền. 

Theo vị luật sư tại TPHCM nói trên, mô hình hợp tác trên chỉ đúng và hài hòa các bên khi tỷ lệ huy động gói đầu tư được khống chế trong tỷ lệ an toàn. Tỷ lệ này không nên vượt quá 30% trên tổng số học sinh, còn cụ thể cần có sự tính toán kỹ lưỡng về nhu cầu vốn, chi phí vận hành để làm sao tại cùng một thời điểm không lỗ là chấp nhận được.

Từ vụ trường Quốc tế Mỹ, lộ kẽ hở khiến bố mẹ cầm lưỡi dao để con đi học - 4

Học sinh Trường Quốc tế Mỹ đi học trở lại vào ngày 4/4 vừa qua sau khi phụ huynh tiếp tục đóng tiền (Ảnh: Sở GD&ĐT TPHCM).

Để an toàn về phần vốn đầu tư theo dạng này, vị này cho hay phụ huynh rất cần thiết phải tìm hiểu và phải biết được tỷ lệ % mà chủ trường huy động theo gói là bao nhiêu.

Ông cho hay: "Khi tỷ lệ huy động trên 30% trên tổng số học sinh và cao hơn nữa thì càng cao càng rủi ro. Bởi lẽ, trường không có thực lực về tài chính nên họ mới phải huy động nhiều đến thế để có tiền đầu tư cho trước mắt như thuê mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất, chi trả cho các chi phí vận hành, quảng cáo hiện tại. Khi chi quá nhiều tại một thời điểm mà phải trả dịch vụ lâu dài trong tương lai thì nguy cơ vỡ nợ là điều thấy rõ".

Trong khi tại Trường Quốc tế Mỹ, có đến gần 90% phụ huynh tham gia gói đầu tư giáo dục cho trường vay tiền. Trường ào ạt huy động vốn, tung ra nhiều chính sách quá hấp dẫn chính là tín hiệu rõ nét cho thấy trường bất ổn về sức khỏe tài chính, vận hành, quản trị.

Từ vụ trường Quốc tế Mỹ, lộ kẽ hở khiến bố mẹ cầm lưỡi dao để con đi học - 5

Phụ huynh căng băng rôn đòi chủ trường hoàn tiền theo hợp đồng (Ảnh: PHCC)

Cần siết quy định để tránh lạm dụng huy động vốn tại trường ngoài công lập

Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự việc, UBND TPHCM thông tin cơ quan công an xác định hợp đồng ký kết giữa nhà trường và phụ huynh là hợp đồng dân sự, không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên nên chưa có cơ sở để cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ việc.

Tuy nhiên, trước sự việc đã diễn ra, luật sư Hoàng Văn Liêm cho rằng, với hình thức trao đổi học phí theo trường hợp phụ huynh tham gia gói đầu tư giáo dục, trong tương lai cần bổ sung thêm các quy định của pháp luật điều chỉnh sâu hơn vấn đề này. Nếu không cấm giao dịch, pháp luật cũng nên ghi nhận điều kiện chặt chẽ để thực hiện giao dịch.

Với mục đích đảm bảo an toàn cho khoản tiền mà phụ huynh đã đóng góp, các điều kiện đó có thể là nhà trường có tài sản bảo đảm/ bảo lãnh ngân hàng, nhà trường không bị thua lỗ khi huy động vốn từ phụ huynh với tài liệu chứng minh về tài chính/kế toán được kiểm toán độc lập, quy định về tỷ lệ khoản vay trên vốn chủ sở hữu để đảm bảo an toàn tài chính….

Từ vụ trường Quốc tế Mỹ, lộ kẽ hở khiến bố mẹ cầm lưỡi dao để con đi học - 6

Sự hứa hẹn từ phía trường khiến phụ huynh từng chờ đợi trong vô vọng (Ảnh: PHCC)

Ngoài ra, để chống thất thu thuế cho nhà nước, phải làm rõ hoặc ấn định được mức học phí trong giao dịch này để xác định doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với phụ huynh, luật sư Hoàng Văn Liêm khuyến cáo: "Trước khi tham gia việc góp vốn nêu trên cũng cần tìm hiểu, xem xét kỹ càng trước quyết định, thời gian của giao dịch càng dài thì tính rủi ro cũng cao hơn".

Đồng tình với quan điểm trên, vị luật sư ở TPHCM cũng cho rằng nhà nước rất cần bổ sung các quy định về hình thức thu học phí, kiểm soát tỷ lệ % học phí đóng trước trên một năm trong một giới hạn nhất định; yêu cầu có kiểm toán chi phí, có báo cáo tỷ lệ % đóng gói đầu tư trên tổng số học sinh có đóng học phí hàng năm.

Điều này nhằm tránh việc trường học lạm dụng thu nhiều, cam kết dài hạn nhưng lại nhanh vi phạm cam kết do thua lỗ, vỡ nợ gây ảnh hưởng tới phụ huynh, học sinh và gây bất ổn cho xã hội.