Trường học huy động tiền tỷ từ phụ huynh: "Miếng phô mai trên bẫy chuột"?
(Dân trí) - Thông qua gói đầu tư giáo dục, Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) vay hàng nghìn tỷ đồng từ phụ huynh của 900 học sinh. Hợp tác này được ví như "miếng phô mai trên bẫy chuột" với đầy rủi ro.
Phụ huynh cho trường vay 3.600 tỷ đồng
Đầu năm 2018, anh Nguyễn Minh Trung (tên nhân vật đã thay đổi), ở TPHCM ký hai hợp đồng cho Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) - người đại diện là bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch HĐQT trường - vay vốn. Trong đó, một hợp đồng anh cho trường vay hơn 2,5 tỷ đồng, một hợp đồng cho vay 110.000 USD với lãi suất 0% trước sự chứng kiến của công chứng viên.
Đi kèm với hai hợp đồng vay vốn này là hợp đồng đào tạo miễn học phí với chương trình chính khóa cho hai con của anh Trung trong suốt thời gian học ở trường.
Hợp đồng thể hiện, trường sẽ hoàn trả cho phụ huynh trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày học sinh học hết lớp 12 hoặc hoàn tất thủ tục ngưng học tại trường.
Vậy nhưng, đến khi con anh hoàn tất thủ tục chuyển trường từ lâu, trải qua nhiều lần làm việc, nhiều lần hứa hẹn từ trường trong năm 2023, anh Trung vẫn không được thanh toán khoản tiền đã cho trường vay.
Hợp đồng cho trường vay vốn anh Nguyễn Minh Trung ký chỉ là hai trong hàng trăm hợp đồng phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ tham gia cho trường vay vốn thông qua việc trao đổi đào tạo miễn phí cho học sinh.
Được biết, AISVN huy động gói đầu tư từ khoảng năm 2008 cho đến nay, huy động theo USD hoặc tiền VNĐ, số tiền từ hàng chục ngàn lên đến 200.000 USD/suất hoặc từ 2, 3, 4 đến 5 tỷ đồng tùy giai đoạn.
Nhiều học sinh đóng theo gói này đã ra trường, đã chuyển trường và cũng đã nhận lại được tiền đã đầu tư. Tuy nhiên, số phụ huynh nhận lại tiền, số phụ huynh có con đã ra trường được biết chỉ chiếm khoảng 50%.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, Trường Quốc tế Mỹ có trên 1.300 học sinh từ mầm non đến lớp 12. Trường áp dụng nhiều hình thức đóng góp, trong đó có đến 900 học sinh được phụ huynh đóng theo gói đầu tư cho trường vay vốn với số tiền khoảng 4 tỷ đồng để con theo học suốt 12 năm, được hoàn trả lại.
Tính trung bình ở thời điểm số học sinh hiện tại, tiền phụ huynh cho Trường Quốc tế Mỹ vay lên đến khoảng 3.600 tỷ đồng.
Không chỉ Trường Quốc tế Mỹ, tại TPHCM, thông tin từ Sở GD&ĐT TPHCM có 5 trường ngoài công lập ký hợp đồng đầu tư giáo dục với phụ huynh.
"Học trường quốc tế 0 đồng", "Học trường quốc tế miễn phí" là slogan quảng cáo gắn liền với Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) khi trường này triển khai gói đầu tư giáo dục nhiều năm nay.
Gần nhất, trường này giới thiệu gói đầu tư tiểu học 5 năm có giá 2,425 tỷ đồng, gói trung học 5 năm 3,310 tỷ đồng, gói 7 năm 3,660 tỷ đồng và gói 12 năm là 5,634 tỷ đồng. Sau khi kết thúc chương trình học, 100% học phí sẽ được hoàn lại tương ứng với từng gói.
Tại Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS) có gói đầu tư trị giá 2 tỷ đồng cho chương trình tiếng Anh theo chuẩn Common Core (Mỹ) và 2,75 tỷ đồng đối với chương trình tiếng Anh Oxford.
Tham gia gói đầu tư này, phụ huynh không phải lo vấn đề học phí của con suốt 12 năm học và được hoàn trả lại 100% số tiền đầu tư khi hoàn thành chương trình tại trường.
Còn khi tung gói đầu tư nhằm huy động vốn, trường có ngay khoản tiền lớn để sử dụng. Với cách này, trường không bị áp lực trả lãi hàng tháng như vay ngân hàng, trả lại tiền trong tương lai khi đồng tiền mất giá hơn...
Chưa kể, việc tung những gói đầu tư này cũng là cách để các trường tạo ra sự hấp dẫn nhằm thu hút thí sinh, nhất là khi trường ở xa vị trí trung tâm, giải quyết phần nào bài toán khó tuyển sinh trong nhiều năm theo phương thức đóng học phí thông thường.
Mà phía sau việc khó tuyển sinh này, nhiều người cảnh báo có thể dấu hiệu về sức khỏe tài chính yếu, nợ nần dẫn đến phụ huynh nghi ngờ về tính ổn định lâu dài của trường. Điển hình như Trường Quốc tế Mỹ mới tung gói đầu tư hấp dẫn phụ huynh đến thế.
"Miếng phô mai trên bẫy chuột"
Là người trực tiếp tham gia gói đầu tư giáo dục cho Trường Quốc tế Mỹ vay vốn, anh N.L, phụ huynh có con học tại trường đánh giá nếu các bên tuân thủ đúng hợp đồng, anh L. cho rằng phụ huynh bỏ ra số tiền không phải quá lớn nhưng con được đảm bảo việc học đến khi tốt nghiệp THPT.
Cho dù gia đình gặp sự cố hay rủi ro trong làm ăn thì con vẫn được học tại môi trường giáo dục quốc tế mà không phải lo đóng học phí hàng tháng, hàng năm. Con học xong ra trường thì rút tiền về để con có thể đi du học.
"Đến năm 2023, ngay khi ồn ào xảy ra, nhiều phụ huynh còn đóng thêm tiền vào để trường hoạt động. Gia đình tôi là một trong số đó, tiếp tục đóng tiền đồng hành với nhà trường", anh L. cho hay.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc hợp tác này là một nhu cầu lành mạnh, một mô hình hai bên - nhà trường và phụ huynh cùng có lợi. Tuy nhiên, đi cùng đó cũng có nhiều rủi ro đi kèm.
Không ít phụ huynh sau khi mua gói đầu tư con học được giữa chừng phải tìm bán lại khi không phù hợp, không thích nghi được, thay đổi về chỗ ở…
Như trường hợp chị Lê Hương (tên nhân vật đã được thay đổi), có hai con theo học tại Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) tâm tư, chưa bao giờ gia đình chị rơi vào cảnh khóc dở mếu dở như thế này.
Vài năm trước, vợ chồng chị vét sạch tiền tiết kiệm, bán luôn mảnh đất để dành và còn vay mượn thêm bên ngoài để cho trường vay vốn với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, lãi suất 0%.
Đổi lại, hai con được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn học phí trong thời gian học chính khóa tại trường. Theo hợp đồng, trường sẽ trả lại số tiền vay khi các cháu kết thúc học tại trường hoặc chuyển trường.
Giữa năm 2023, chị như ngồi trên lửa khi nhiều phụ huynh lên tiếng đòi nợ trường. Có trường hợp phụ huynh đã hoàn tất thủ tục chuyển trường nhưng không được trường hoàn trả khoản tiền đã vay dù đã nhiều lần hứa hẹn.
Thấy bất an, chị Hương cũng muốn rút, chuyển trường cho con. Nhìn tình hình biết không thể rút lại vốn từ trường lúc này, chị Hương tính đến phương án rao bán lại gói đầu tư của mình với giá thấp hơn với hy vọng lấy được tiền.
Thời điểm đó, như chị, không ít phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ cũng rao bán gói đầu tư vào trường mong… tìm một lối thoát. Nhiều người vào hỏi, thăm dò nhưng khi đó thông tin phụ huynh đòi nợ trường đã ầm ĩ nên người ta chỉ hỏi chứ không ai "xuống tiền". Đi không được, ở không xong, chị Hương đành "ngồi yên" để giữ việc học cho con.
Nhưng suốt thời gian qua, việc học của con cũng không thể "yên". Lùm xùm kéo dài trong sự việc nợ nần; giáo viên nghỉ việc hàng loạt; học sinh phải nghỉ học gián đoạn, ngồi tự học ở căng tin trước khi phương án phụ huynh tiếp tục đóng tiền để vận hành đến hết năm học được đưa ra.
Còn về phía trường, khi huy động gói đầu tư quá lớn, chiếm tỷ lệ % tổng số học sinh quá cao có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán khi dùng toàn bộ vốn trong dài hạn đưa vào hết cơ sở vật chất, chi phí vận hành mà không có nguồn ngân sách phân bổ cho các chi phí phải trả cho các dịch vụ trong tương lai theo hợp đồng đã cam kết. Khi đó, tình trạng nợ, lỗ sẽ ngày càng lớn…
Kết quả là trong cuộc họp ngày 30/3, trước hàng trăm phụ huynh và đại diện cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Út Em, chủ trường Trường Quốc tế Mỹ thừa nhận trường đã mất khả năng tài chính.Để tiếp tục vận hành thêm 3 tháng của năm học này, trường kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm 125 tỷ đồng...
Là người trong cuộc, nhìn lại vụ việc vừa qua, theo anh N.L., đa số phụ huynh đều nhìn thấy nguy cơ rủi ro trong hình thức đầu tư này. Tuy nhiên khi đi tham quan trường, phụ huynh thấy trường to đẹp, chất lượng đào tạo tốt, nhiều người con học xong lấy lại được tiền nên hy vọng cái rủi sẽ... chừa mình ra.
Bởi vậy, không ít người giờ đang bật khóc khi bán nhà, bán đất, vay mượn để đầu tư cho con ăn học theo hình thức cho trường vay tiền. Và họ đang tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày bất chợt, chủ trường có thông báo mất khả năng tài chính và cần đóng góp thêm tiền tỷ như những gì đang diễn ra tại Trường Quốc tế Mỹ?