Hai thầy cô Gen Z và cơ duyên trở thành "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" 2024
(Dân trí) - Họ là những thầy cô trẻ, năng động, vừa được trao tặng danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp thành phố Hà Nội năm 2024 nhờ những đóng góp trong giảng dạy và các phong trào thanh niên.
Trong số các giáo viên, giảng viên được tuyên dương vừa qua, có nhiều gương mặt thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1996 đến năm 2012) bởi họ có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, tác giả các bài báo, tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
Trong đó, hai thầy cô thế hệ Gen Z tiêu biểu gồm Lê Nguyễn Hương Trà và Nguyễn Nhật Minh đến từ Học viện Ngân hàng cùng lúc được vinh danh.
Năm 2020, Trà và Minh theo học chương trình thạc sĩ liên kết của Học viện Ngân hàng và Đại học West of England (Vương Quốc Anh). Đấy là một trong những tiền đề, là cơ duyên giúp hai thầy cô quay lại làm công tác giảng dạy của Học viện.
Hiện tại, cả hai vừa là nghiên cứu viên, vừa kiêm nhiệm công tác giảng dạy các học phần của Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng.
Từ cư dân khu tập thể cạnh trường đến ước mơ nhà giáo
Cô Lê Thị Hương Trà sinh năm 1998, là Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng).
Ngoài việc giảng dạy, nghiên cứu, cô Trà là tác giả chính của 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế liên quan đến phát triển sản phẩm và dịch vụ tài chính số; mối quan hệ tài chính toàn diện và bình đẳng giới….
Cô tham gia 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, hướng dẫn 4 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt nhiều giải thưởng, tích cực tham gia, tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện, sáng tạo trong đoàn viên, sinh viên….
Trước đó, cô Trà từng là thủ khoa đầu ra khóa 19 Học viện Ngân hàng với điểm trung bình học tập tích lũy GPA: 3.97/4.0; Giải Ba Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2018 - 2019; Giải Nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Học viện năm 2018 - 2019 và đạt nhiều học bổng danh giá trong suốt thời gian trên ghế nhà trường.
Chia sẻ về cơ duyên trở thành cô giáo, cô Trà cho hay, khi còn nhỏ, gia đình mình sống trong khu tập thể cạnh Học viện Ngân hàng. Trong trái tim non nớt của cô bé học sinh tiểu học thời bấy giờ, Trà luôn ngưỡng mộ hình ảnh thầy cô đứng trên bục giảng.
Mặc dù vậy đến năm cấp 3, cô đặt mục tiêu thi đỗ vào một trường đại học khối ngành kinh tế và đỗ đầu vào Học viện Ngân hàng. "Lúc đấy tôi tin rằng, có lẽ ước mơ được làm giáo viên ngày xưa sẽ đứt đoạn", cô Trà nhớ lại.
Thế nhưng vào năm cuối đại học, mục tiêu mới tiếp tục bùng lên. Cô dự tính sẽ vào làm giảng viên tại trường sau khi hoàn thành xong chương trình thạc sĩ. Vượt qua nhiều ứng viên tiềm năng, năm 2020, Trà theo học chương trình thạc sĩ liên kết của Học viện Ngân hàng và Đại học West of England (Vương Quốc Anh). Đấy là một trong những tiền đề và là cơ duyên giúp cô Trà quay lại làm công tác giảng dạy của Học viện.
"Có lẽ những kỷ niệm thuở ấu thơ và hành trình thầy cô dìu dắt từ khi ngồi trên ghế nhà trường, là động lực lớn nhất khiến tôi muốn trở thành nhà giáo", cô Trà nói.
Chia sẻ về áp lực khi cô giáo Gen Z và sinh viên "sàn sàn" tuổi nhau, cô Trà cho rằng, trước hết đó là lợi thế bởi cô trò dễ dàng thấu hiểu được tâm tư, tình cảm của nhau.
Tuổi trẻ giúp cô hiểu được những khó khăn mà sinh viên phải trải qua trong học tập và nghiên cứu khoa học (NCKH). Vậy nên khi đồng hành cùng sinh viên, em luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của người học để đưa đến cho người học môi trường tiếp nhận thoải mái nhất.
"Mặc dù vậy, có lẽ tuổi trẻ phần nào cũng là một trong những hạn chế bởi việc "sàn sàn" tuổi nhau, đôi khi khiến tôi thấy mình hơi dễ tính, chưa thật sự nghiêm khắc với sinh viên trong học tập và NCKH", nữ giáo viên trẻ chia sẻ.
Được biết mục tiêu trong thời gian tới, cô Trà tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đồng thời có thêm nhiều công bố khoa học chất lượng, truyền cảm hứng, động lực cho sinh viên theo đuổi con đường học tập và nghiên cứu.
Hình ảnh thầy cô giúp tôi nuôi dưỡng nghề giáo
Sinh năm 1997, ThS. Nguyễn Nhật Minh vừa nghiên cứu, giảng dạy, kiêm Bí thư Chi đoàn Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng; Ủy viên BCH Công đoàn Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng & Tạp chí, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.
ThS. Nguyễn Nhật Minh còn là tác giả chính và đồng tác giả của nhiều bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế như Tạp chí quốc tế Finance Research Letters (SSCI/Scopus Q1), Tạp chí Kinh tế - Luật và Ngân hàng (1,0 điểm danh mục HĐGSNN).
Năm 2024, thầy Nguyễn Nhật Minh hướng dẫn 3 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp Học viện.
Bên cạnh đó, anh còn tham gia tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện, nghiên cứu sáng tạo dành cho sinh viên, như: tình nguyện hè 2024 tại bệnh viện; cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên, chuỗi tọa đàm nghiên cứu khoa học, cuộc thi giải thưởng công trình khóa luận xuất sắc…
Theo thầy Nhật Minh, khao khát đứng trên giảng đường được anh ấp ủ từ những năm đại học.
"Lúc đó tôi luôn ấn tượng với sự cẩn thận, tỉ mỉ của thầy cô khi truyền dạy kiến thức, kỹ năng, tư duy trong học tập và nghiên cứu khoa học. Hình ảnh đó vẫn luôn khiến tôi xúc động khi nhớ về, đồng thời giúp nuôi dưỡng ước mơ, nỗ lực trở thành một người thầy", thầy Minh nhớ lại.
Chia sẻ về lợi thế khi đứng trên bục giảng nhưng thuộc thế hệ Gen Z, thầy giáo trẻ này cho rằng, lợi thế lớn nhất khi hai bên dễ dàng hòa đồng bởi cả hai phía đều có cùng sở thích, nhiệt huyết và tinh thần tuổi trẻ.
Từ đó, thầy Minh lồng ghép những sở thích của giới trẻ vào nội dung các bài giảng ở lớp. Đặc biệt, thầy trò dễ dàng lắng nghe và chia sẻ cùng nhau khi sinh viên gặp khó khăn trong học tập và nghiên cứu.
Ví dụ thế hệ Gen Z có sở thích luôn cập nhật những xu hướng mới mẻ và những thông tin nóng hổi thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram hay qua các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh…
Nhận ra được sở thích này, thầy Minh đã lồng ghép vào chương trình dạy học học phần "Phương pháp nghiên cứu khoa học" các nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân hàng trong nước và quốc tế.
Hàng tuần, tại các lớp, thầy giáo trẻ này đều yêu cầu các bạn sinh viên trong lớp chuẩn bị trình bày và giải thích một sự kiện nổi bật mà các bạn thấy ấn tượng nhất tuần qua liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính - ngân hàng, xã hội.
Điều này không chỉ giúp sinh viên liên tục cập nhật tình hình thực tiễn về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân hàng, mà còn là một nguồn ý tưởng phong phú giúp các bạn thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học có tính mới và tính thực tiễn cao, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội.
Sau một thời gian triển khai, sinh viên rất hào hứng và vui vẻ khi được trình bày, chia sẻ các kiến thức, suy nghĩ về các sự kiện kinh tế của đất nước và quốc tế. Các đề xuất chủ đề nghiên cứu khoa học cũng ngày càng thực tiễn và nhiều tính mới hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh đó, thầy Minh cho rằng, hạn chế của bản thân còn ít kinh nghiệm giảng dạy so với các thầy cô giảng viên kỳ cựu.
"Hoạt động giảng dạy giúp tôi nâng cao kiến thức học thuật, từ đó truyền tải tri thức tới người học và sinh viên. Còn hoạt động nghiên cứu khoa học giúp bổ trợ và cập nhật các kiến thức mới và thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo.
Vì vậy, tôi luôn cố gắng cân bằng hài hòa giữa thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hướng tới việc nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân, từ đó có thể truyền tải tới sinh viên những tri thức bổ ích và cập nhật nhất", thầy giáo trẻ nhấn mạnh.