DMagazine

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con

(Dân trí) - Phú chào đời trong một diện mạo có chút khác biệt, không có đôi tay. Thay vào đó, tay của em chỉ vỏn vẹn là mẩu thịt nhỏ, nhô ra hai bên vai. Song, bằng ý chí, bằng đôi chân của mình, cộng với trái tim ấm áp của người cha, Phú và cha mình đã cùng nhau tạo nên kỳ tích...

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 1

Chàng trai không tay ấy đã tốt nghiệp hai trường đại học là ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) và Trường ĐH Công nghệ TPHCM. 

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con

Năm 2018, sau khi ra trường, đi làm, Phú sáng lập và điều hành công ty VINARISES - một dự án kết nối cộng đồng dành cho người khuyết tật.

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 2

Cách đây gần 30 năm, giữa một buổi trưa hè nắng cháy năm 1990, cậu bé Nguyễn Minh Phú chào đời ở huyện Yên Thành, Nghệ An, tại phòng sinh của Trạm y tế.  

Cha của Phú -  ông Nguyễn Quỳnh Lộc là người đầu tiên nhìn thấy hình hài đứa con thứ 3 của mình. Một đứa trẻ khác biệt: Cậu bé như một con cá lóc, không có đôi tay! 

Người cha cũng trải qua giây phút hoảng loạn, không kịp định hình. Dù ông là cựu chiến binh thời chống Mỹ cứu nước, không xa lạ gì với những di chứng chất độc da cam ảnh hưởng đến thế hệ sau.  

Khi đó, một số hộ lý đã "nhỏ to" với  ông Lộc, trước khi người mẹ tỉnh lại, hãy tìm cách... "giải quyết" đứa bé. Đứa bé này được giữ lại thì không chỉ khổ bố mẹ mà cho chính cuộc đời của cháu.  

Ông Lộc không trách móc, không nổi giận. Về một lý nào đó, họ nói không sai. Ông nhỏ nhẹ, từ tốn từ chối như tính cách của mình. Ông nghĩ: "Con là do mình đẻ ra, chứ không phải là mớ rau, con cá ngoài chợ để mình chọn!".

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 3
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 4
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 5
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 6

Trong ký ức của người cha vẫn như in: Hồi nhỏ, Phú yếu ớt, người nhỏ thó. Da lúc trắng nhợt, lúc xanh lè. Đến lúc 3 - 4 tuổi, Phú khó nói, khó đi vì thiếu hai cánh tay, không giữ được thăng bằng. Nghe mọi người nói, trẻ yếu ăn ruốc cóc sẽ cứng cáp. Thế là mỗi tối, sau giờ đồng ruộng về, ông Lộc lại cầm đèn pin ra bờ ao, bắt cóc về làm thịt cho con. Đứa trẻ cứng cáp dần lên.

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 7

Lúc đó, người cha có một nỗi sợ, sợ con không sống được lâu với mình nên muốn làm tất cả những gì có thể trong khả năng cho con.  

Từ bé, Phú thường qua trường mầm non đứng ngoài bờ tường nhìn vào. Các bạn hát, em hát theo. Các bạn tập thể dục, Phú cũng đưa chân, lắc đầu... mỗi động tác tay là cậu bé không làm được. Khi đó, Phú còn quá nhỏ để cảm nhận được rõ ràng sự khác biệt đến tàn nhẫn trong vẻ bề ngoài của mình với mọi người. 

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 8
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 9

Nhà quay ra mặt đường, đến tuổi đi học, Phú hay ngồi ở thềm nhìn ra thấy các bạn mặc quần xanh, áo trắng đến trường. Phú nói Con cũng muốn được đi đến trường như các bạn...  

Ông Lộc dẫn con đến trường, xin cho con học. Nhà trường cho phép ông chọn cô giáo nào giỏi nhất, tâm lý nhất nhưng có nhận hay không là tùy cô... Phú đến lớp được 3 hôm, cô giáo nói gia đình nên cho em nghỉ học. Một lần nữa, chàng trai không có đôi tay bị... từ chối! 

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 10
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 11
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 12
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 13
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 14
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 15

Sau ngày hôm đó, Phú không thể tiếp tục đến trường. Đến trưa, vợ chồng ông Lộc đi làm đồng về, không thấy con trai đâu. Họ đi tìm khắp nơi thì thấy con ngồi trên bờ ao, thả hai chân xuống nước. Phú đã ngồi suốt buổi sáng như vậy, đá hai chân xuống nước, nhìn xuống nước rồi lại nhìn xa xăm.  

Ông Lộc đỡ Phú dậy. Hình ảnh ám ảnh ông mãi tận bây giờ: Đỉa bám đen đôi chân Phú, con nào con nấy hút máu no tròn mà con không hề hay biết. 

Lần đầu tiên, ông cảm nhận được rõ ràng nỗi đau trong lòng con đã vượt xa mọi nỗi đau về thể xác! 

Ông ôm chặt con, bế con vào nhà, cố giấu đi những giọt nước mắt: "Cha sẽ dạy chữ cho con!". 

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 16

Chính khát khao được học trong đứa con nhỏ trở thành động lực cho người cha. Lúc này, ông Lộc nhớ đến những người giống con mình là thầy Nguyễn Ngọc Ký, bác Hoa Xuân Tứ... 

Phú bắt đầu được cha dạy chữ. Lúc đầu là những hòn than được quặp vào hai ngón chân, viết những con chữ ngay giữa nền nhà. Rồi chuyển qua viết phấn. Phấn ăn lở loét hai ngón chân của Phú nhưng cậu không chịu nghỉ, cứ ngủ dậy là tập viết chữ. Đêm ngủ, người mẹ tra thuốc cho con, mai tập viết lại lở...  

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 17

Phú mê học đến mức, thời gian đầu, ông Lộc phải nghỉ việc ở nhà dạy cho con. Nhưng nhà nghèo, tất cả nhờ hết vào mấy sào ruộng, cha không thể ở nhà với con. Ông đi làm, để trong nhà một không gian học tập cho con trai: Khắp tường nhà, khắp nền nhà, khắp sân... đều là các con chữ, con số để Phú ở nhà tập viết, tập đọc.  

Hai năm miệt mài Phú được cha dạy chữ như vậy. Hòn than, viên phấn nay đã chuyển sang bút chì, rồi bút mực.  

Phú quay trở lại lớp học, gặp lại đúng cô giáo lần trước để xin học. Sợ một lần nữa bị từ chối, em nói: "Cô cho em thử viết, nếu em viết được thì cô cho em đi học, còn không, em sẽ không đi học nữa". 

Nhìn dòng chữ của Phú viết bằng chân, cô giáo nghẹn ngào gật đầu...  

Việc cha dạy viết được chữ bằng chân với Phú, không đơn thuần chỉ là những con chữ. Đó là một bước ngoặt cuộc đời khi biết viết cũng là lúc Phú có thể tự cầm thìa xúc ăn bằng chân... Khát khao tự lập trong cậu được thôi thúc, thắp sáng. 

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 18

Phú đến trường, là chồng chéo niềm vui và nỗi buồn. Suốt những năm tiểu học, luôn có những bạn học sinh, anh chị trên lớp... đưa cậu ra trêu đùa, nhiều lần lột áo Phú ra để "xem tay nó thế nào". Có nhiều lúc, cậu bé bất lực đến tuyệt vọng! 

Rồi một ngày, Phú nhớ khi đó là lớp 5, Phú đã vùng dậy, đánh lại một người bạn thường chọc ghẹo, đánh đập mình. Phú dùng hai chân, quắp chặt vào cổ người bạn, cậu ta không cựa quậy nổi, xin Phú bỏ qua. 

Với mọi người, đánh nhau có thể là thứ gì đó thật tệ hại. Nhưng với Phú, đó là sự vùng dậy của một nghị lực, một ước mơ... Sau lần đó, không còn ai dám bắt nạt Phú! 

Những năm học ở phổ thông, Phú luôn là học sinh giỏi, nhiều năm liền làm lớp trưởng. 

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 19
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 20
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 21
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 22
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 23
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 24

Vào Đại học, đầu tiên Phú học Công nghệ thông tin như nhiều bạn khuyết tật thường chọn ngành này. Không từ bỏ ước mơ, cậu lại tiếp tục thi và học ngành Quản trị kinh doanh.  

"Một sinh viên hai con người" là để nói về cha con Phú. Mình Phú đi học nhưng cha cũng khăn gói theo con vào Sài Gòn. Cha không chỉ thay đôi tay cho Phú trong sinh hoạt hàng ngày mà từng đó năm, ông còn bươn chải làm thêm đủ việc nuôi mấy anh em Phú ăn học. Một thời gian dài, ông làm tạp vụ ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM.  

Một hành trình trong cuộc đời khó khăn với cả những người lành lặn. Với Phú, không thiếu những lúc, cậu buồn chán, tuyệt vọng và nghĩ đến cái chết - đó cũng là tâm lý của nhiều người khuyết tật.  

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 25

Nhưng nhìn cha lầm lũi theo con, chàng trai trẻ lại nghẹn lòng. Không thiếu những lời ác ý, vô tâm của vài người, không chĩa vào Phú mà vào cha vào mẹ: "Chắc ăn ở thế nào nên con mới bị vậy!".  

Thế nhưng, bao nhiêu năm qua, bố vẫn mạnh mẽ để bước đi bên mình, vẫn lạc quan. Vậy sao mình lại gục ngã?

Xem chàng trai không tay lái xe máy bằng hai chân
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 26
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 27
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 28
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 29
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 30
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 31

Không chỉ bố, trên con đường Phú đi, theo cách này hay cách khác, rất nhiều người đã cho Phú mượn một cánh tay. Cô Dung ở Tân Bình, nhiều năm cho hai cha con ăn ở miễn phí, cô Hồng Lý thông qua Hội Khuyến học TPHCM tài trợ học bổng cho Phú suốt 4 năm học ở ĐH Công nghệ... 

Những năm học ở đây, Phú là Bí thư chi đoàn, cậu tham gia vào các chương trình thiện nguyện, hoạt động xã hội... Phú đưa đến một hình ảnh đầy năng lượng về người khuyết tật: Họ không chỉ là người cần giúp đỡ mà còn có thể trao đi theo cách của mình.  

Phú tự nhắc mình: "Mỗi người sinh ra có sứ mệnh riêng". Sứ mệnh cậu lựa chọn và theo đuổi là tạo một môi trường để người khuyết tật phát triển bản thân, học nghề, kinh doanh, khởi nghiệp... để họ có thể tự lo cho bản thân. Xa hơn nữa là xây dựng một trung tâm hỗ trợ cho người khuyết tật, trẻ em, người già. 

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 32

Chúng tôi gặp bố Phú, ông Nguyễn Quỳnh Lộc tại một xưởng làm nhang (hương) ở quận 12, TPHCM. Ông làm việc tại đây, gần chỗ trọ của hai cha con.  

Mỗi lần, nhắc lại hành trình của mình cùng cậu con trai đặc biệt, người cha 65 tuổi không giấu được sự xúc động lẫn tự hào. Ông kể, từ khi có con, ông đều viết nhật ký cho các con, đặc biệt là Phú, ông ghi lại từng câu chuyện, dấu ấn, từng thay đổi của con... Đây là kỷ niệm của cha nhưng cũng để lại cho các con thấy bóng dáng tuổi thơ của mình, của anh chị em mình.  

Nói không có lúc ông buồn chán, bi quan là lời không thật. Chính ông, cũng đã từng thấy bản thân bất lực khi nhìn con tập làm những việc cơ bản trong chăm sóc bản thân như đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, giặt quần áo... 

Rồi ông được "thức tỉnh" bởi chính nỗ lực của con. Ông tự nói với mình: "Ô hay, con nó không nản, sao mình lại nản!". Trong tiềm thức, hai cha con luôn hướng về nhau để làm động lực.  

Giờ đây, Phú đã làm được mọi việc chăm sóc cá nhân nhưng nhiều lúc, ông Lộc vẫn muốn được tự tay cài cho con cái khuy áo, kéo cho con đôi tất. Vẫn là cảm xúc lâng lâng khó diễn tả.

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 33
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 34
Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 35

Từng ra trận, là thương binh hạng 4/4, bản thân từng bị chấn thương sọ não, phải cắt bỏ 3/4 dạ dày với nhiều huân chương, giấy khen, nhưng với ông Lộc, niềm tự hào trong cuộc đời không phải ở chiến trường mà là con đường đồng hành cùng cậu con trai.  

Ông thầm cảm ơn con trai đã giúp ông tin rằng, nghị lực của con người là không có giới hạn. Cảm ơn con đã cho ông được làm bố một cách trọn vẹn nhất. Với ông, đó là một cuộc đời làm bố hạnh phúc - hạnh phúc trong cả những nỗi lòng đau đáu.  

Đó không còn là nỗi đau, tự trách sao con mình chịu thiệt thòi, mà là sự đau đáu trong nỗi lòng người cha: liệu mình còn đủ sức đi với con đến lúc nào?

Cuộc đời cha thay cho đôi tay con - 36