“Chàng sinh viên không tay” không đầu hàng số phận

9 tuổi, Nguyễn Minh Phú vào lớp Một. Ban đầu, thấy một thằng bé còi cọc, không có hai tay, bạn bè xa lánh và chọc ghẹo làm Phú mặc cảm, tự ti nhiều. Hiện Phú là sinh viên năm 3, khoa Khoa học máy tính, Trường đại học Công nghệ thông tin - ĐHQG TPHCM.

Chàng sinh viên tạo ấn tượng đặc biệt cho người đối diện bởi cái dáng dong dỏng cao và gương mặt rạng rỡ.

Từ lúc mới chào đời đã không có hai cánh tay do di chứng chất độc da cam, Phú lớn lên bằng nghị lực phi thường được tôi rèn qua nhiều năm khổ luyện để bây giờ đôi chân nhỏ nhắn mà lanh lẹ của em đã làm nên rất nhiều kỳ tích.

Minh Phú viết bài bằng chân.
Minh Phú viết bài bằng chân.

Minh Phú sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thời chống Mỹ, cha Phú - ông Nguyễn Quỳnh Lộc (SN 1954) - tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ năm 1972 - 1975. Sau giải phóng, ông Lộc lại tình nguyện lên đường làm nhiêm vụ quốc tế cao cả bên Campuchia.

Ngày về, chàng trai Quỳnh Lộc khỏe mạnh năm nào đã là thương binh 4/4. Những vết thương khi trở trời lại đau. Dù vậy, nhờ cần cù, chịu khó mà ông được bà con chòm xóm quý mến. Đến năm 1987 ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Bình (SN 1956) và những đứa con lần lượt ra đời.

Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ mỉm cười với người đàn ông xứ Nghệ chân chất này, nhưng tai họa cứ ập đến liên miên. Nếu như cô con gái đầu bị bệnh tâm thần, thằng út còi xương thì cậu con trai thứ ba Minh Phú lại không có cả hai cánh tay. Thật khó diễn tả cảm giác của người chồng, người cha ngay vào thời khắc vợ mình hạ sinh con trai vào một ngày đầy gió năm 1993 ấy. Chỉ biết rằng, ông đã quyết định không vứt bỏ đứa trẻ như lời khuyên của nhiều người mà vẫn ôm nó vào lòng và tự nhủ: “Dù khiếm khuyết thế nào thì con vẫn có quyền được sống”.

Tuổi thơ không bình yên

4, 5 tuổi, Phú biết ghé mắt qua cửa sổ trường mẫu giáo gần nhà xem các bạn học múa, học hát. 6 tuổi, Phú cũng khao khát đến trường như phần đông những đứa trẻ cùng trang lứa. Hồi ấy, mỗi lần con trai nằng nặc đòi đi học, ông Lộc, bà Bình lại quay mặt qua hướng khác như cố giấu nước mắt. Bởi Phú không có tay, đâu ai dám tin em sẽ viết được chữ.

Chạy tới chạy lui hỏi thăm, cuối cùng, ông Lộc nghĩ đến khả năng tập cho Phú viết bằng chân. Nghĩ là làm. Từ cục than, miếng gạch bể đến viên phấn trắng, ông đều hướng dẫn để Phú kẹp giữa hai ngón chân và nguệch ngoạc những con chữ đầu tiên. Có hôm, đi làm về thấy Phú mãi tập viết mà chân lở loét rớm máu, người cha xót con đến ứa nước mắt.

Điều đặc biệt là dù đau đớn đến mấy Phú vẫn không tỏ ra nản lòng hay muốn bỏ cuộc. Cuối cùng, sau ba năm khổ luyện, Phú không chỉ viết chữ bằng chân thành thạo mà nét chữ em còn đẹp đến ngỡ ngàng.

9 tuổi, Phú vào lớp một. Ban đầu, thấy một thằng bé còi cọc, không có hai tay, bạn bè xa lánh và chọc ghẹo làm Phú mặc cảm, tự ti nhiều. Nhưng rồi, chính nét chữ rất đẹp trên cuốn tập học trò sạch sẽ và nụ cười trong trẻo dễ thương của của Phú đã dần xóa tan cái nhìn thiếu thiện cảm của mọi người trước đó.  
Đường đến với con chữ của Phú không chỉ chông chênh vì khiếm khuyết cơ thể mà còn do cảnh nhà quá khó. Những bữa cơm tinh tươm, đủ chất chỉ là giấc mơ xa xỉ. Nhiều hôm mưa gió, ông Lộc vẫn phải một mình soi đèn pin đi bắt cóc, ếch hay cá ngoài sông, mương nước để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Không có giày ấm, mùa đông, chân Phú tím tái vì lạnh.

Thương con thiệt thòi, ông Lộc thường xin phép cô giáo mang một ống bơ nhỏ đựng than hồng để cạnh chỗ Phú ngồi cho em hơ chân. Và ngày ngày, đôi chân bé nhỏ nhưng nhanh nhẹn, dẻo dai của Phú không chỉ để viết chữ mà em còn tập tành xâu kim, gõ bàn phím máy tính, ăn cơm, may vá quần áo, sử dụng điện thoại… đến thành thục mới thôi. Duy chỉ có việc thay quần áo, Phú phải nhờ đến sự trợ giúp của cha mẹ.

Phú bộc bạch: “Nhiều lúc em thấy nhoi nhói trong lồng ngực khi cha mẹ vì em mà cực khổ quá nhiều. Em cũng thấy mình bất lực nữa. Đâu thể dùng chân mặc quần, áo được. Thành ra, đã ngấp nghé sáu mươi mà cha mẹ còn phải chăm em như chăm trẻ. Dù vậy, để đáp lại đức hy sinh cao cả đó, em tự nhủ mình phải học thật giỏi, sống vui vẻ, lạc quan để cha mẹ an lòng”.

Nghị lực và tình thương

12 năm liền Phú đều là học sinh xuất sắc. Không những vậy. Phú còn thường xuyên được cử đi thi học sinh giỏi huyện, tỉnh môn Anh văn. Năm 2005, Phú là đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Nghệ An, đại biểu Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc, đại biểu Hiệp sĩ công nghệ thông tin và là một trong mười thanh niên tiêu biểu toàn quốc do Trung ương Đòan TNCS Hồ Chí Minh bầu chọn.

Đến năm 2006, Phú vinh dự nhận giải thưởng “Mãi mãi tuổi hai mươi” và được bầu vào đoàn chủ tịch Đại hội Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An. Mùa tuyển sinh năm 2010- 2011, Phú được tuyển thẳng vào hai trường đại học, ĐH Hồng Bàng và ĐH Công nghệ thông tin ĐHQG TP.HCM. Như vậy, bằng chính nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của mình, từ một cậu bé bất hạnh tưởng chừng không thể sống được vì sức khỏe quá yếu, Phú đã trở thành gương sáng cho tuổi trẻ tỉnh Nghệ An và nhiều người bình thường khác.
 
Minh Phú sử dụng máy tính thuần thục bằng hai chân.
Minh Phú sử dụng máy tính thuần thục bằng hai chân.

Đằng sau bảng thành tích học tập dài dằng dặc của Phú, không thể không kể đến ông Lộc, người cha, người bạn là cũng là “người hùng” trong trái tim Phú. Khi Phú quyết định chọn theo học tại Trường ĐH Công nghệ thông tin, cha con em lại bắt đầu một “cuộc chiến” mới cũng cam go không kém những năm tháng đã qua: tha hương.

Người cha lam lũ của em lại tay xách nách mang lĩnh kỉnh đồ đạc cùng con trai vào TP.HCM. Bỏ lại quê nghèo người vợ nay ốm, mai đau, chắc hẳn là một quyết định khó khăn. Nhưng vì Phú, vì giấc mơ giảng đường mà em ấp ủ sau 12 năm đèn sách, ông Lộc đi. May mắn được ban quản lý Ký túc xá (KTX) ĐHQG TP.HCM tạo điều kiện, ông vừa làm tạp vụ trong KTX để có thêm thu nhập vừa kề cận bên Phú.

Ở nhà, bà Bình quán xuyến việc đồng áng và chăm sóc chị, em Phú. Phú bảo: “Cái cảnh một nhà mà hai, ba quê tủi thân lắm. Có những đêm rất dài và rất buồn, biết cha nhớ nhà, lo lắng cho sức khỏe của mẹ, lo mùa gặt năm nay có ai làm phụ mẹ không… mà em thấy xót xa. Tình thương của cha không biết lấy gì đong đếm được. Chân trái của cha bị thoái hóa khớp gối nên đi lại khó khăn, nhưng cha lúc nào cũng âm thầm đồng hành cùng em. Thậm chí, cha đi làm, có người cho chai nước ngọt, cái bánh cũng để dành mang về đưa em ăn. Cha ngày càng già hơn và yếu đi nhiều mà tình thương, đức hy sinh của cha thì vẫn vẹn nguyên như xưa”.
Nói về con trai, ông Lộc nghèn nghẹn: “Cháu nó thiệt thòi nhưng phấn đấu dữ lắm. Người làm cha như tôi cũng lấy thế làm an ủi. Mình phục vụ con mình chứ ai đâu mà mệt. Phú chỉ nhờ tôi thay quần, áo thôi chứ đến chuyện đi tắm cháu cũng ráng tự làm. Tình thiệt thì giờ tôi có hai ước mơ lớn nhất. Một là, cháu nó học được cái bằng, sau này ra trường có việc làm để nuôi sống bản thân và thật vui vẻ. Hai là, có cô gái nào đó cảm thông và yêu thương cháu nó, không vì khiếm khuyết mà chê cháu để cùng cháu đi tiếp con đường rất dài phía trước. Hai vợ chồng tôi già yếu rồi, đâu thể sống đời với cháu mãi. Nó cần một người bạn đồng hành đủ bao dung”. Nghe người cha ấy tâm sự, tôi chợt thấy chạnh lòng. Tin rằng, điều ước của ông sẽ sớm thành sự thật, bởi lẽ Phú xứng đáng có được nhiều hơn thế.

Hiện nay, ngoài việc cố gắng học thật tốt, Phú còn đăng ký tham gia sinh hoạt với các thành viên CLB Niềm Tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Đây là CLB tập hợp những bạn sinh viên khuyết tật giàu nhiệt huyết sức trẻ, quyết tâm tạo kết nối để cùng nhau phấn đấu sống tốt, học tốt hơn. Hôm gặp lại tôi trước cổng KTX, Phú cười: “Ước mơ của em là trở thành biên dịch viên hoặc kỹ sư tin học nên từ nhỏ đã đầu tư nhiều cho môn tiếng Anh và máy tính. Bây giờ, những mặc cảm xưa cũ đã hết rồi, em tin rằng chỉ cần không từ bỏ ước mơ và tiếp tục cố gắng thì ngày vui sẽ đến”. Xen lẫn giữa chuyện học, chuyện đời, Phú còn trầm ngâm bảo: “Em muốn làm việc kiếm tiền để sửa lại căn nhà cho cha mẹ và góp chút sức mình để hỗ trợ những người bạn đồng cảnh”.
 
Minh Phú (thứ 2 từ trái qua, hàng sau cùng) cùng những người bạn trong CLB Niềm Tin.
Minh Phú (thứ 2 từ trái qua, hàng sau cùng) cùng những người bạn trong CLB Niềm Tin.
 
Theo Mộc Bình
Dân Việt