Triển lãm "Tranh tối tranh sáng": Khi văn học dân gian khoác áo hiện đại
(Dân trí) - Triển lãm "Tranh tối tranh sáng" đưa người xem trở về thế giới của những câu chuyện cổ tích như Thạch Sanh, Tấm Cám… qua lăng kính sáng tạo của thế hệ Gen Z.
Triển lãm "Tranh tối tranh sáng" đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt với không gian thiết kế độc đáo, tái hiện những câu chuyện thiện - ác quen thuộc trong văn học dân gian Việt Nam. Không gian triển lãm bao gồm khu vực trưng bày các câu chuyện cổ tích qua góc nhìn của người trẻ, gian hàng đồ lưu niệm và ẩm thực xưa, khu vực board game nhập vai "Nhân Định", khu vực họa mặt trên backdrop đặc biệt và con đường trưng bày nghệ thuật hát bội.
Lấy cảm hứng từ tinh thần "Ác giả ác báo. Thiện giả thiện lai", triển lãm không chỉ khơi dậy ký ức tuổi thơ qua các câu chuyện cổ mà còn mang đến cách tiếp cận mới lạ, hiện đại để truyền tải thông điệp đạo đức.
Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, ban tổ chức triển lãm, ý tưởng được hình thành từ mong muốn tạo ra một cầu nối giữa thế hệ trẻ với văn học dân gian. "Chúng mình không chỉ tái hiện những câu chuyện cũ mà còn muốn mang đến cho chúng một diện mạo mới, gần gũi hơn với giới trẻ. Đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật sáng tạo và giá trị văn hóa truyền thống".
Trong các câu chuyện dân gian Việt Nam, ranh giới giữa thiện và ác thường rất rõ ràng. Thạch Sanh tượng trưng cho sự nhân từ, dũng cảm, trong khi Lý Thông đại diện cho sự ích kỷ và mưu mô. Nhưng tại triển lãm "Tranh tối tranh sáng", các nhà sáng tạo trẻ đã đưa những nhân vật này lên một tầm nhìn mới, nơi người xem không chỉ nhìn thấy kết quả, mà còn được đặt vào hoàn cảnh của từng nhân vật để cảm nhận động cơ và lựa chọn của họ.
Điểm nhấn đặc biệt của triển lãm là khu vực trưng bày và tiết mục hát bội đặc sắc. Sự kết hợp giữa thế hệ trẻ với loại hình nghệ thuật của dân tộc là sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Bàn về chủ đề "Ác giả ác báo. Thiện giả thiện lai", nhiều khách tham quan đã bày tỏ quan điểm rằng các câu chuyện dân gian không chỉ mang tính giáo huấn mà còn phản ánh những mâu thuẫn sâu xa trong xã hội.
"Triển lãm không chỉ đơn thuần kể lại các câu chuyện cổ mà còn đặt chúng vào bối cảnh hiện đại, để chúng ta nhìn nhận lại các giá trị đạo đức từ góc nhìn đa chiều hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi thế hệ trẻ ngày nay dễ bị cuốn vào những giá trị cá nhân hóa, đôi khi xa rời tinh thần cộng đồng trong văn hóa truyền thống", một giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM chia sẻ.
Sự thành công của triển lãm không chỉ nằm ở cách tái hiện văn học dân gian mà còn ở cách những người trẻ sử dụng nghệ thuật hiện đại để kể lại các câu chuyện cũ. Hình ảnh sinh động và các hoạt động tương tác đã đưa văn học dân gian vượt ra khỏi trang sách và chạm đến thế giới số hóa của thế hệ trẻ. Trong số đó là hoạt động "họa mặt", người tham gia sẽ lắng nghe sâu bên trong mình và lựa chọn những bộ phận trên gương mặt mà mình muốn trở thành và tự tay dán từng bộ phận lên hình dáng mặt đã chọn trên backdrop.
Triển lãm không chỉ thu hút sự chú ý của người yêu nghệ thuật mà còn là cơ hội để giới trẻ kết nối sâu sắc với những nét đẹp của nghệ thuật, những câu chuyện dân gian của dân tộc.
"Nếu không có triển lãm này thì thật sự chúng em khá khó để tìm hiểu sâu về những loại hình nghệ thuật dân tộc như hát bội. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa rất lớn đối với những người trẻ hiện nay", bạn Như Quỳnh bày tỏ.
Một ví dụ đáng chú ý là cách ban tổ chức xây dựng board game "Nhân Định". Trong trò chơi, bạn không chỉ đóng vai người tốt mà còn được trải nghiệm tình thế khó khăn của "phe ác", buộc phải đưa ra quyết định khi bị đẩy vào ngõ cụt. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu ác giả luôn ác từ bản chất, hay đôi khi cái ác chỉ là kết quả của một chuỗi lựa chọn sai lầm?
"Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc" là câu trả lời khảng khái của danh tướng Trần Bình Trọng trước những lời dụ dỗ của giặc Mông - Nguyên. Ngoài việc tái hiện nhân vật lịch sử, chương trình hát bội tại triển lãm còn là một cách để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Nghệ sĩ hát bội Lê Bảo Châu, chia sẻ: "Hát bội không chỉ là nghệ thuật mà còn là cách chúng tôi giữ gìn và truyền tải lịch sử dân tộc. Việc kết hợp với các bạn trẻ tại triển lãm có ý nghĩa vô cùng lớn, đây là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ lớp trẻ ngày nay đang quan tâm nhiều hơn đến những giá trị nghệ thuật dân tộc".
Các bạn trẻ bày tỏ sự thích thú và hào hứng khi được thưởng thức những tiết mục đặc sắc.
Triển lãm "Tranh tối tranh sáng" diễn ra tại Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt (đường Vũ Tùng, Bình Thạnh, TPHCM). Triển lãm không chỉ là hành trình về nguồn cội mà còn là lời khẳng định rằng văn hóa dân gian vẫn sống mãi trong hơi thở của thời đại. Những giá trị nhân văn sâu sắc về thiện-ác, những bài học về sự công bằng, và niềm tin vào đạo đức không bao giờ cũ.