"Phù thủy ánh sáng" Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền
(Dân trí) - Đạo diễn Xuân Trường chia sẻ, ánh sáng cũng có sắc thái biểu cảm: Yêu thương, ghét bỏ và nỗi cô đơn… Bởi vậy, ánh sáng đẹp không chỉ dựa vào một cái đèn đắt tiền mà còn ở trí tưởng tượng của chủ thể.
!["Phù thủy ánh sáng" Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền](https://cdnphoto.dantri.com.vn/mjU8jjk7pU9tJGaZ_Lvl5iR20iU=/2025/02/09/daodienxuantruong-39-1739073930876.jpg?watermark=true)
Đặng Xuân Trường là nghệ sĩ nhiếp ảnh, đạo diễn hình ảnh, họa sĩ thiết kế và nhà sản xuất phim tại Việt Nam. Trong lĩnh vực sân khấu, anh được biết đến với vai trò đạo diễn sân khấu, ánh sáng, hình ảnh các chương trình hòa nhạc, liveshow, trình diễn thời trang.
Trong lĩnh vực hội họa, Đặng Xuân Trường sắp đặt tranh và các tác phẩm điêu khắc của các danh họa Việt Nam đương đại.
Đối với lĩnh vực trưng bày nghệ thuật, Đặng Xuân Trường thiết kế ánh sáng và sắp đặt tranh cho các triển lãm nghệ thuật của các họa sĩ tên tuổi ở Việt Nam như: Lư Hùng Anh, Đỗ Tuấn Anh, Trương Tiến Trà, Đoàn Xuân Tặng, Lư Trực Sơn, Dương Thùy Dương, Trịnh Thị An.
Đối với lĩnh vực thời trang, Đặng Xuân Trường đạo diễn ánh sáng sân khấu cho nhiều chương trình diễn thời trang như: Khi gió đông về của NTK Hoàng Ngân, Elle Fashion Show Thu Đông của tạp chí Đẹp, DFW in Door của HTV...
Dịp đầu xuân, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Xuân Trường và được nghe anh chia sẻ những điều thú vị về thiết kế ánh sáng cũng như thách thức khi làm các chương trình.
![Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 1 Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/gPzHeZUs837SZVQ3HLq2Bwtpd54=/2025/02/09/daodienxuantruong-2-1739073237474.jpg?watermark=true)
Đạo diễn Xuân Trường trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.
Sự rung động tâm hồn: Yếu tố sống còn của thiết kế ánh sáng
Nhắc đến đạo diễn Xuân Trường nhiều người vẫn quen và ấn tượng với danh xưng "phù thủy ánh sáng". Chinh phục khán giả bằng cách dùng ánh sáng trong mỗi show diễn, hẳn anh cũng phải có bí quyết riêng và đặc biệt?
- Với thiết kế ánh sáng, đừng bao giờ thiếu tưởng tượng, nếu không bạn sẽ chẳng đủ nội lực để phá đi điểm nhìn của người khác. Đó là yếu tố sống còn trong việc thiết kế ánh sáng.
Tôi thấy, đa số mọi người đều quá chú trọng đến lý thuyết khô khan, kỹ thuật cứng nhắc và ưu tiên sử dụng những loại đèn chiếu sáng đắt tiền mà bỏ quên trí tưởng tượng phong phú của bản thân.
Nếu mãi chăm chú vào kỹ thuật, suốt đời bạn sẽ chỉ giống như một con robot. Về cơ bản thì kỹ thuật giết chết mọi thứ xúc cảm, vấn đề nằm ở chỗ ta hành xử với nó như thế nào mới là điều quan trọng. Hãy nhớ, ánh sáng đẹp không nằm ở thiết bị chiếu sáng mà do tầm nhìn, do con mắt bạn nhạy bén phát hiện ra nó.
![Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 2 Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/v-9YxW3scXLubG--Lg1irWNRcug=/2025/02/08/daodienxuantruong-51-1739009064501.jpg?watermark=true)
Theo đạo diễn Xuân Trường, với thiết kế ánh sáng, trí tưởng tượng là yếu tố sống còn.
Ánh sáng sở hữu ngàn sắc thái biểu cảm: Có yêu thương, ghét bỏ, có ấm áp dịu dàng, có bạo liệt chết chóc, và có cả nỗi cô đơn buồn thảm…
Bởi vậy, ánh sáng đẹp không chỉ dựa vào một cái đèn giá trị cao, đắt tiền mà còn phụ thuộc rất nhiều vào trí tưởng tượng của chủ thể.
Thay vì lăn tăn vấn đề thiết bị, hãy tập trung và hình dung mọi thứ bằng sự rung động của tâm hồn. Đặc biệt, khi trí tưởng tượng kết hợp với năng lực quan sát tự nhiên tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho một người thiết kế ánh sáng.
Và ở mỗi lĩnh vực khác nhau chắc cũng có những cách setup (sắp đặt, bố trí) ánh sáng khác nhau?
- Đúng vậy. Chẳng hạn trong mỗi liveshow ca nhạc, bản phối khí của các nhạc sĩ là không giống nhau. Điều đó đòi hỏi khi chúng ta tưởng tượng ánh sáng theo không khí một ca khúc cần phải nắm rõ được tiết tấu, nhịp điệu, đồng thời kết hợp cả phần chiếu Visual Art (nghệ thuật thị giác hay nghệ thuật trực quan -PV) từ màn hình, cân đối giữa vùng sáng và vùng tối để hình ảnh Visual không bị mất đi.
Hình ảnh ca sĩ luôn luôn là trọng tâm. Nếu không thể nắm vững được những trạng thái như vậy thì sẽ cho ra một màu rất "event". Xét cho cùng, chúng ta làm mọi thứ để tôn giá trị của ca sĩ, của dàn nhạc. Đặc biệt đừng bao giờ quên mất sự tưởng tượng.
Còn cái quan trọng nhất khi làm về múa là phải hiểu biên đạo múa muốn nói gì, sau đó tìm hiểu vở múa ấy di chuyển trên sân khấu như thế nào, không khí sân khấu ra sao. Công việc ấy bạn phải phối hợp nhịp nhàng với cả ê-kíp.
Còn đối với sân khấu, điện ảnh, cần giỏi cả về tâm lý nhân vật mới chiếu sáng tốt được. Trong bối cảnh nhất định, thể trạng nhân vật ấy ra sao, buồn hay vui, đạo diễn muốn như thế nào?.
Riêng với lĩnh vực hội họa, khi họa sĩ vẽ, họ dùng màu để tạo ra ánh sáng. Điều bạn cần quan tâm nhất đó là góc độ chiếu đèn, khoảng cách đặt đèn, mức độ sáng tối để tôn lên vẻ đẹp của bức tranh.
![Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 3 Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/v0BGiDXNTqLNeB9mnNgYleJwMJI=/2025/02/09/daodienxuantruong-13-1739074386996.jpg?watermark=true)
Đạo diễn Xuân Trường rất tỉ mỉ, rất chau chuốt, tạo ra nét riêng ở mỗi chương trình.
Với mỗi chương trình anh luôn đề cao đến sự hoàn hảo, bởi anh vốn là một đạo diễn rất khắt khe trong nghề?
- Không hẳn thế. Nghe "hoàn hảo," tôi có cảm giác hơi chán vì tròn trịa quá!
Rõ ràng, nghệ thuật phải thiếu thiếu một chút xíu gì đó thì mới thú vị. Cũng giống như việc khi tạo các khối sắp đặt hai bên cánh gà, tôi luôn yêu cầu: Làm mặt trước 10 thì mặt sau cũng phải đảm bảo 7, 8 phần như mặt trước.
Thậm chí, nếu đủ kinh phí, tôi sẵn sàng làm mặt sau y như mặt trước, tức là tất cả cùng được 10. Tôi không đồng tình suy nghĩ rằng, khán giả không nhìn thấy mặt sau thì có thể làm à uôm cho xong.
Hình ảnh mặt sau có tác động trực tiếp đến các nhạc công đang chơi live trên sân khấu. Tôi muốn rằng, khi đi qua các khối ấy, nhìn phía đằng sau, nhạc công thấy được sự nghiêm túc của ê-kíp để họ có nguồn cảm hứng chơi trên sân khấu.
Đạo diễn Xuân Trường từng làm rất nhiều chương trình lớn từ nhạc kịch đến liveshow âm nhạc và được mọi người gọi với danh xưng "phù thủy ánh sáng", vậy có chương trình nào anh vẫn cảm thấy chưa hài lòng và nuối tiếc?
- Thú thật, chương trình nào, show nào qua bàn tay của tôi cũng để lại trong tôi một sự nuối tiếc nhất định bởi tôi không bao giờ thỏa mãn với bản thân.
Tôi nghĩ, đôi lúc mình không nên đặt giới hạn cho mình. Với tôi, còn làm là còn thách thức nhiều, gần như chương trình nào, show diễn nào cũng là một cái thách thức, kể cả là sân khấu trong nhà hay ngoài trời.
Và tôi quan niệm, bất kể chương trình gì, quan trọng nhất là phải chạm đến cảm xúc của khán giả. Với mỗi chương trình, tôi luôn làm bằng tất cả tâm huyết, niềm đam mê và sự sáng tạo của mình.
![Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 4 Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 4](https://cdnphoto.dantri.com.vn/YoEBgC5HrarbwNZww8JSKopUJ5Y=/thumb_w/1920/2025/02/09/dao-dien-xuan-truong-1739070711084.jpg)
![Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 5 Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 5](https://cdnphoto.dantri.com.vn/7Tl73sB86Z6ovWB4QY-9Jx6IvWo=/thumb_w/1920/2025/02/09/dao-dien-xuan-truong4-1739070711008.jpg)
Đạo diễn Xuân Trường từng làm nhiều liveshow ca nhạc lớn và để lại dấu ấn như: "Người đàn ông hát" của ca sĩ Tùng Dương (trái) và "Thanh Tùng Legacy of Love".
Với "Giấc mơ Sol" của Giáng Son là thách thức thú vị
Được biết, anh đảm nhận vai trò đạo diễn sân khấu cho live concert của Giáng Son sắp tới. Cơ duyên nào đưa anh đến với "Giấc mơ Sol"?
- Giáng Son và tôi gặp nhau ở live concert Người đàn ông hát của ca sĩ Tùng Dương do tôi đạo diễn. Hôm đó, cô ấy nói với tôi: "Sắp tới em làm liveshow, có gì nhờ anh hỗ trợ một chút".
Tôi đồng ý ngay và nói cần gì cứ gọi điện. Ban đầu, tôi chỉ nhận lời mời của Giáng Son để khảo sát hiện trường làm show thôi. Trước khi khảo sát, tôi cũng đưa ra ý tưởng sân khấu cho live concert Giấc mơ Sol và phía sản xuất cũng như Giáng Son đều hài lòng, đồng ý với ý tưởng đó.
Bẵng đi một thời gian không thấy phía Giáng Son liên lạc lại nên tôi tập trung làm liveshow Thanh Tùng Legacy of Love.
Đến khi chuẩn bị vào show nhạc sĩ Thanh Tùng thì đột nhiên Giáng Son gọi điện mời tôi tới dự họp báo ra mắt dự án Giấc mơ Sol. Sau đó, tôi cứ bắt tay vào làm thôi.
![Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 6 Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 6](https://cdnphoto.dantri.com.vn/ft0Q-3NU1b-3X8aCxg08rinUAsg=/2025/02/09/daodienxuantruong-3-1739074519265.jpg?watermark=true)
Xuân Trường đảm nhận vai trò đạo diễn sân khấu trong live concert "Giấc mơ Sol" sẽ diễn ra tối 15/2 tại Khu đô thị Park City Hà Nội.
"Giấc mơ Sol" là một live concert ngoài trời, anh sẽ khai thác không gian này như thế nào để tạo nên dấu ấn riêng cho chương trình?
- Chắc chắn nó phải có sự khác biệt rất lớn so với những liveshow hay chương trình tôi đã làm. Nó phải cân bằng được giữa ngôn ngữ của hình ảnh và màu sắc để đẩy lên được tất cả giá trị âm nhạc của Giáng Son.
Khi làm một live concert ngoài trời thì việc sử dụng những yếu tố phải tương tác được với tự nhiên cũng là điều phải suy nghĩ rất nhiều.
Mặt khác, âm nhạc của Giáng Son mang tính tự sự, chân thực rất lớn, gần như mọi cảm xúc, tâm hồn của Giáng Son được gửi gắm hết vào tác phẩm của cô ấy. Từ phổ thơ cho đến sáng tác các ca khúc, đôi khi có một chút cô đơn, một chút u tối nhưng cũng đầy sự lãng mạn.
Bởi vậy, việc tiếp cận một sân khấu ở ngoài trời với một tác giả, tác phẩm như vậy cũng là một thách thức hay và thú vị. Bản thân tôi cũng rất muốn làm một chương trình mà ngôn ngữ âm nhạc mang tính tự sự, xác thực nhiều hơn.
Anh có thể chia sẻ về ý tưởng tận dụng những hàng cây phía sau sân khấu? Làm thế nào để chúng không chỉ là phông nền mà còn hòa quyện với tinh thần âm nhạc của Giáng Son?
- Thật ra khi làm một sân khấu live concert muốn có cây thì mọi người thường làm cây giả, cùng lắm đánh một cây lớn để mang lên sân khấu.
Song, khi tôi nhận được một đề bài mà ở không gian đó đã có sẵn những hàng cây rồi và thật sự cũng rất khó xử lý.
Thứ hai là tôi không muốn sử dụng quá nhiều các màn hình công nghệ như màn hình led để đưa vào sân khấu này. Bởi bản thân màn hình led đưa vào nó bị xơ cứng về mặt hình ảnh và mất đi tính tương tác của tự nhiên.
Tôi phải sử dụng chất liệu như siêu lụa rồi máy chiếu. Thực sự nó cũng là một thách thức và cũng là khác biệt rất nhiều so với các chương trình trước đây.
![Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 7 Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 7](https://cdnphoto.dantri.com.vn/gz6xOsSf3NB4bS2Q33WoPK0D-vE=/2025/02/09/daodienxuantruong-45-1739073529324.jpg?watermark=true)
Theo đạo diễn Xuân Trường, âm nhạc của Giáng Son có một chút cô đơn, một chút u tối nhưng cũng đầy sự lãng mạn...
Với quy mô 2.200 khán giả, bố cục sân khấu và không gian như thế nào để đảm bảo ai cũng có được trải nghiệm trọn vẹn?
- Ca sĩ, nhạc sĩ và dàn nhạc vẫn là chủ đạo. Khi âm nhạc có sức lan tỏa, nó sẽ dẫn dắt cảm xúc của người nghe. Nhạc đi vào tai, kết hợp với những hiệu ứng thị giác mà mắt đón nhận được sẽ tạo ra sức lan tỏa rất lớn. Những liên tưởng sẽ mở ra không ngừng và khán giả chắc chắn sẽ có một trải nghiệm trọn vẹn mà chân thực nhất.
Cái khó khăn nhất là tôi phải tiết chế để trong không gian mở đó, âm nhạc vẫn phải là chủ đạo.
Theo anh, sân khấu ngoài trời có giúp khán giả cảm nhận âm nhạc của Giáng Son theo cách khác biệt so với một không gian nhà hát truyền thống không?
- Tôi nghĩ là có. Giấc mơ Sol là đêm nhạc mang tới cho khán giả các phong cách âm nhạc mà nữ tác giả rất yêu thích như: Pop, dân gian đương đại, thính phòng, jazz, blue, thậm chí là rock…
Chẳng hạn, khán giả ngồi nghe một bản nhạc jazz nhạc sĩ Lưu Hà An phối lại ngập chìm trong niềm tự sự và nỗi cô đơn cùng với yếu tố thời tiết chỉ hơi se lạnh một chút thôi cũng có một cảm giác hoàn toàn khác rồi. Bởi toàn bộ cơ thể, tâm hồn của họ được trải nghiệm kết hợp với không gian âm nhạc đưa thẳng vào tai rồi lên não, chỉ cần nhắm mắt lại, khán giả cũng có thể huyễn tưởng, mộng mơ rất nhiều thứ…
Tôi nghĩ đó là một trải nghiệm với những cảm xúc đẹp và đặc biệt.
![Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 8 Phù thủy ánh sáng Xuân Trường: Ánh sáng đẹp không nằm ở cái đèn đắt tiền - 8](https://cdnphoto.dantri.com.vn/uL-LtawhGVgeOSl3hzuww3_-8No=/2025/02/08/daodienxuantruong-7-1739009063416.jpg?watermark=true)
"Tôi không bao giờ thỏa mãn với bản thân", anh nói.
Mỗi ca khúc của Giáng Son đều mang một màu sắc riêng. Anh có thể tiết lộ một số ý tưởng dàn dựng sân khấu cho từng bài hát mà anh tâm đắc?
- Giáng Son sáng tác rất nhiều phong cách âm nhạc: Pop, jazz rồi pop pha một chút dân ca đương đại…
Màu âm nhạc của Giáng Son rất nhiều như vậy rồi nên sân khấu cũng không cần phải dàn dựng quá nhiều chi tiết hay phức tạp. Nếu đưa những thứ phức tạp, cầu kỳ vào vô tình sẽ làm giảm dần chiều sâu, nội hàm, chất tự sự bên trong của tinh thần âm nhạc Giáng Son.
Khi mình làm việc về một tác giả và tác phẩm thì mình cần phải cho khán giả hiểu được là đấy là tác phẩm của Giáng Son, là Giáng Son chứ không thể lẫn màu với một ai khác.
Có những bài, tôi không sử dụng hình ảnh mà chỉ sử dụng sắc của sân khấu kết hợp với khói cộng ánh sáng để âm nhạc cất lời.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!