Nhạc sĩ Giáng Son: "Tôi từng bị lừa rất nhiều tiền, vẫn tin vào tình yêu"
(Dân trí) - Nữ nhạc sĩ cho biết, do cả tin nên đã từng bị bạn lừa tiền tỷ. Chị cũng có vài lần thất tình nhưng bản thân vẫn đang tìm kiếm người đàn ông của đời mình.
Nhóm phóng viên Dân trí gặp nhạc sĩ Giáng Son trong quán cà phê gần sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Ngoài đời, chị trẻ trung, xinh đẹp và rất thoải mái.
Trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Giáng Son kể về âm nhạc, tiền thu bản quyền các bài hát, mối quan hệ của mình với nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và tình yêu. Nữ nhạc sĩ chia sẻ rằng, chị vẫn chờ đợi một nửa của mình…
Lời tòa soạn: Nhắc đến đời sống nghệ thuật của những nghệ sĩ, khán giả phần lớn chỉ biết đến những thành tích, những hào quang của họ trên sân khấu hay màn ảnh. Ít ai biết rằng, ngoài đời, họ cũng có những tâm sự, nỗi niềm riêng, những hi sinh và cả tiếc nuối...
Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu tuyến bài "Phía sau ánh hào quang" để giúp độc giả, khán giả hiểu hơn về góc khuất đời thường của các nghệ sĩ.
"Mỗi quý tôi nhận được mấy chục triệu đồng tiền bản quyền bài hát"
Nhiều người tò mò, chị bắt đầu sáng tác thế nào?
- Tôi học âm nhạc cổ điển từ bé nên các hình thức, quy luật của âm nhạc tự động ngấm vào mình nên khi mới viết ra thì mọi thứ rất thuần thục.
Năm 10 tuổi, trong một đêm giông gió, tự nhiên trong đầu nảy ra những giai điệu và tôi viết tặng bố bản Romance dành cho piano. Tôi viết trong khoảng 1 tiếng, phần nhạc đầu êm dịu, phần sau giông tố nổi lên…
Bản nhạc xinh xắn và đúng với hình thức của 1 bản Romance.
Chính vì bản này, bố tôi nhận ra con gái có khả năng sáng tác và hướng tôi sang học Trung cấp sáng tác. Người thầy đầu tiên dạy tôi là nhạc sĩ Trọng Đài.
Và kể từ đó, Giáng Son nổi lên như một "nữ hoàng bản hit" với những "Cỏ và mưa", "Giấc mơ trưa" "Thu cạn", "Hà Nội 12 mùa hoa"...?
- Lần đầu tiên tôi mới nghe đến danh xưng này (cười). Tôi không dám nhận mình là "nữ hoàng bản hit" nhưng quả thực có những bài hit được nhiều người yêu mến như Cỏ và mưa - là ca khúc tôi đã viết cách đây 25 năm - vẫn được rất nhiều thí sinh tham gia các cuộc thi Sao Mai, The Voice… lựa chọn để biểu diễn.
Những ca khúc của tôi viết có độ khó, xuống trầm, lên cao, có thể khoe giọng để đi thi.
Nhiều nghệ sĩ vẫn sống khỏe bằng những ca khúc của mình, còn với chị thì sao? Bài hát nào của chị mang đến thu nhập đáng tự hào, giúp chị mua được nhà lầu, xe hơi?
- Tôi có ký bản quyền với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả và Âm nhạc Việt Nam, cứ 3 tháng 1 lần đơn vị gửi về cho tôi chi phí bản quyền. Những năm đầu số tiền rất ít, gần đây cũng tăng lên nhiều.
Ca khúc của tôi thường ít bán độc quyền cho ai nên chi phí tác quyền nhận được chủ yếu thông qua các chương trình biểu diễn hoặc băng đĩa…
Số tiền không quá nhiều nhưng tính đến bây giờ Giấc mơ trưa và Hà Nội 12 mùa hoa là 2 ca khúc tôi lấy được nhận tiền bản quyền nhiều nhất. Mỗi quý nhận được mấy chục triệu đồng, tôi lại gom vài năm để mua một cái gì đó hoặc lại đầu tư làm album.
Chị từng chia sẻ: "Tôi không có khả năng kiếm ra tiền, tôi chỉ có thu nhập từ việc đi dạy và đặt bài từ ca sĩ, mà tiền kiếm kiểu đó không nhiều và nhanh được". Thế nhưng, cũng có thông tin rằng chị là... đại gia?
- Chắc thông tin này đều đến từ Facebook, trên đó bạn bè vẫn thường trêu tôi là "đại gia nhà đất". Tôi là người không tiêu xài hoang phí, không có nhiều đồ hiệu. Số tiền tôi kiếm được đều từ dạy học, làm giám khảo, sáng tác…
Số tiền đấy so với lương công chức thì có cao hơn nhưng so với ca sĩ, nhạc sĩ có nhiều bài hit trên thị trường thì vẫn thua xa.
Hiện, tôi đã có đầy đủ nhà, xe nhưng đều do tôi tiết kiệm mà có.
Chị cũng từng nói: Phổ thơ rất khó, nếu phổ kém thì sẽ hát theo thơ. Vậy nhưng chị có nhiều bài hát được phổ thơ rất hay. Đó có phải là sự ăn may?
- Tôi không nghĩ đó là sự ăn may vì số lượng bài hát tôi phổ thơ cũng nhiều. Có những bài thơ hay nhưng tôi không phổ được vì trong đó đã có sẵn giai điệu, nếu không thể phá được giai điệu của thơ thì tôi không phổ nữa.
Khi đọc một bài thơ, tôi biết mình có thể phổ thơ cho bài đó được không. Thậm chí phổ có hay không.
Tôi phổ thơ nhưng vẫn có cá tính của riêng mình, vẫn dẫn thơ đi theo mong muốn của tôi để thành một ca khúc hoàn chỉnh.
Có người cho rằng, trong thơ đã có nhạc nên để mang nét âm nhạc riêng vào thơ thì không dễ dàng. Với chị lại không khó khăn lắm. Vậy trong quá trình phổ thơ, có bài nào chị cảm thấy tâm đắc? Bài nào nhìn lại chị tiếc nuối?
- Tôi tâm đắc với bài Cỏ và mưa. Trong bài này chỉ có 4 câu và giai điệu tôi phổ rất lạ, lần đầu tiên tôi phổ theo phong cách Blue Jazz và rất thành công.
Một bài thơ khác của anh Nguyễn Trọng Tạo là Nến trắng, tôi chỉ bỏ đi đúng một từ, còn lại giữ nguyên cả bài thơ. Đây là điều cực kỳ ít gặp vì hình thức của thơ và âm nhạc khác nhau.
Và một bài nữa là Thu cạn, đây là bài thơ rất hay và đúng với tâm trạng của tôi lúc đó. Tôi phổ bài đó và sửa nhiều để hợp với âm nhạc của mình.
Nếu tôi giữ thơ thì không giữ được nhạc nên tôi luôn ưu tiên nhạc của mình trước. Tôi chỉnh sửa và viết thêm phần lời vào bài thơ đó để lôi kéo người nghe đến cuối cùng.
Với "Giấc mơ trưa", chị thấy ca sĩ nào hát bài này thành công nhất?
- Khánh Linh thể hiện ca khúc đúng với ý đồ của tôi nhất. Vì tôi viết Giấc mơ trưa khi đã là một phụ nữ từng trải, đã trải qua những nỗi buồn của tình yêu. Khánh Linh cũng như vậy, cô ấy hát với sự nồng nàn, da diết, có những cao trào ở điệp khúc phù hợp với tâm lý của tôi khi viết bài này.
Thùy Chi có một giọng hát rất trong sáng nhưng với bản thu âm đầu tiên của bạn ấy thì hơi đều đều và sai một số chữ. Tôi được biết lúc đó Thùy Chi yêu thích bài này và tự thu âm. Nhưng bây giờ Thùy Chi hát Giấc mơ trưa cũng rất hay rồi!
Trong âm nhạc, chị và anh Nguyễn Vĩnh Tiến là cặp bài trùng khi một người viết nhạc, một người viết lời, vậy ở ngoài đời, anh chị có mối quan hệ thế nào?
- Ngoài đời, tôi và anh Tiến khá thân và hợp nhau. Nhiều người xui chúng tôi "yêu nhau đi" nhưng tôi thấy khi đã chơi thân, là anh em thì khó và không thể nào yêu được, cứ như vậy sẽ hay hơn. Tôi phục anh Tiến ở điểm anh ấy yêu văn hóa dân gian Việt Nam và nơi mình sinh ra.
Tất cả phần lời anh viết đều mang hơi thở quê hương Phú Thọ. Lời thơ anh viết sâu sắc, hình ảnh nên thơ, lãng mạn. Anh viết rất nhanh, trong một ngày có thể viết nhiều bài, với bất kì chủ đề gì.
"Tôi cả tin nên bị lừa tiền"
Bố mẹ có ảnh hưởng nhiều đến tính cách và cuộc sống của chị?
- Có thể nói, tôi ảnh hưởng sâu sắc tính cách của bố Hoàng Kiều. Ông là nhạc sĩ, nhà giáo nhân dân, nhà nghiên cứu và đã có rất nhiều công trình về chèo nổi tiếng. Trong kí ức của tôi, bố lúc nào cũng là người sống với nghệ thuật, thường ngồi làm việc đến 2-3h sáng.
Ông biết tiếng Trung, Hán Nôm và tiếng Pháp một chút. Trong cuộc sống, ông là người thâm trầm, ít nói, không bao giờ đao to búa lớn, không tuyên ngôn những gì ghê gớm mà chỉ chứng minh bằng kết quả trong công việc.
Tôi cũng vậy, rất sợ mình tuyên bố những thứ chưa làm được. Tôi cũng giống bố ở tính cả tin, thật thà.
Người ta thường nói "thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt". Với chị thì sao? Tính cả tin, thật thà có từng khiến chị gặp chuyện thiệt thòi trong cuộc sống?
- Có đấy. Chính vì thật thà mà tôi bị lừa nhiều, thậm chí bị lừa mất khá nhiều tiền, tính ra cũng phải đến 1 tỷ đồng. Có những người tôi nghĩ mình sẽ gắn bó, thân thiết nên cho vay số tiền lớn mà mình đổ mồ hôi công sức, chắt chiu mới có được.
Sau này, tôi bớt cả tin hơn nhưng cũng không vì một vài lần như vậy mà mất niềm tin vào con người. Tôi coi đó như một bài học để lựa chọn bạn mà chơi.
Tôi nghĩ, người bạn đó không hẳn không tốt, có thể họ cũng khó khăn nên không thể nào trả được số tiền mình đã cho mượn.
Âm nhạc của Giáng Son có sự khát khao, nữ tính, dịu dàng nhưng đôi khi mạnh mẽ và đầy cá tính. Phải chăng đó cũng là con người chị ngoài đời: "Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ"?
- Đối với tôi, âm nhạc, cá tính cũng như con người mình vậy. Những gì tôi đưa vào trong âm nhạc phải có từ bản thể của mình và các bạn biết đấy, con người không thể lúc nào cũng bình lặng, sẽ có lúc gặp sóng to gió lớn buộc mình phải đương đầu, vượt qua.
Âm nhạc cũng thế, lúc lãng mạn, êm đềm, khi mãnh liệt và đầy khát khao. Có như vậy mới tạo cao trào hấp dẫn người nghe, cứ đều đều từ đầu đến cuối sẽ rất chán.
Trong âm nhạc, tôi không che giấu điều gì cả vì âm nhạc như một người yêu thương và hiểu tôi nhất.
Tuy nhiên, tôi chỉ dữ dội trong âm nhạc thôi. Còn ngoài đời, tôi khá hiền lành và là người hiểu cho người khác, luôn đặt vào vị trí của người khác để thấy hành động của người ta đối với mình, để hiểu tại sao họ làm thế với mình.
Nhiều người nói nhạc sĩ cần trải qua những thăng trầm, buồn đau, và cả mất mát mới sáng tác được những bản tình ca da diết. Còn chị, lúc buồn chị có sáng tác không? Chị có giấu những tâm sự thầm kín của mình vào các ca khúc?
- Tôi là người khi vui rất khó sáng tác. Lúc buồn, thất tình, tôi tìm đến âm nhạc như sự cứu cánh, xả stress, nâng đỡ mình để không bị gục ngã trước điều khiến mình đau khổ. Vì vậy, lúc đó tôi chỉ quan tâm đến âm nhạc.
Bởi trong cuộc sống, đôi khi với bạn bè hay người thân trong gia đình, mình cũng không thể chia sẻ được hết những gì mình muốn. Thậm chí, nhiều lúc, những ngóc ngách, tâm tư mình nói ra họ cũng không thể hiểu.
Tôi đều cố gắng chia sẻ và đổ hết vào âm nhạc. Đó là lúc dễ trải lòng nhất.
Thế còn góc khuất nào về nhạc sĩ Giáng Son mà nhiều người chưa biết?
- Tôi là người tham lam, có mộng ước thử sức mình ở tất cả lĩnh vực âm nhạc. Tôi đã có album nhạc pop, blues jazz rồi tôi muốn thêm có rock, R&B, nhạc giao hưởng…
Kể cả rap là thể loại nhạc các bạn trẻ đang yêu thích, tôi cũng thấy hay và đem đến cho mình năng lượng trẻ trung. Tôi muốn thử sức xem mình có làm được như các bạn trẻ không.
Còn góc khuất khác là trong lúc sáng tác, tôi rất đầu bù tóc rối, những lúc như vậy, tôi chỉ muốn một mình, đừng ai đến gần. Tôi muốn tập trung tuyệt đối để hoàn thành xong bản nhạc.
Có một chuyện khá buồn cười là trong lúc tôi tập trung sáng tác, chỉ nhìn xuống sàn nhà thấy một sợi tóc, tôi cũng không thể chịu được mà phải lấy chổi hoặc máy hút bụi để dọn sạch sẽ ngay. Hoặc, tôi phát hiện ra những thứ xung quanh mình không ngăn nắp thì sẽ không sáng tác được.
Những lúc như vậy, tôi hơi khó tính hơn bình thường.
Giáng Son tự nhận mình là người tham lam trong âm nhạc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Khi buồn, chị gửi hết vào âm nhạc, ngoài ra, chị còn có thú vui nào khác?
- Tôi có thú vui nghe nhạc, xem phim, trồng cây và đi du lịch, đó là những thứ tôi có thể làm để xoa dịu mình ngay lập tức.
Tôi có thể ở nhà cả ngày để nghe nhạc. Tôi nghe nhạc nhiều hơn xem phim. Sáng dậy tôi nghe nhạc và trước khi đi ngủ tôi cũng nghe.
Tôi thấy, thế giới âm nhạc quá rộng lớn và có nhiều thể loại tôi cần học hỏi, vì trong lúc nghe tôi học cách sáng tác, tiến hành giai điệu, hòa thanh, phối khí… Nghe nhạc với tôi rất thú vị!
"10 năm độc thân, tôi yêu và thất tình đôi ba lần"
Chị đã độc thân được 10 năm rồi và trong 10 năm đó chị đã "mở cửa trái tim" bao lần và trải qua bao nhiêu mối tình?
- Tôi yêu và thất tình đôi ba lần (cười). Tôi có mối tình lâu nhất sau ly hôn là 4 năm. Tôi rất tiếc khi mối tình này không thành, tôi thấy mình đã dâng hiến hết mình cho mối tình đó nhưng chắc không có duyên. Hiện tại, tôi đang chờ xem duyên có đến hay không?
Một người đàn ông thế nào cuốn hút và hấp dẫn chị?
- Tôi thích người menly. Hồi xưa, có thể tôi hay xem phim thần thoại và ấn tượng bởi những người đàn ông có mái tóc dài, xoăn, vạm vỡ, nam tính. Tôi rất thích vẻ đẹp đó.
Bây giờ, không nhất thiết theo hình mẫu như vậy nhưng người đàn ông đó cũng phải mạnh mẽ, yêu thương và sẽ vì mình. Mình cũng nhìn được hành động của người ta để xem lời nói và hành động có nhất quán không.
Tôi cũng thích những người đàn ông có đam mê, am hiểu về văn học nghệ thuật, như vậy sẽ dễ đồng cảm và nói chuyện hơn.
Chị nghĩ thế nào về việc yêu và hẹn hò với trai trẻ?
- Một số người bạn của tôi bây giờ có nhiều trai trẻ tán tỉnh, yêu đương. Thật ra, nhiều bạn tuổi thì trẻ nhưng rất già dặn, chững chạc, trưởng thành trong suy nghĩ.
Theo tôi, miễn gặp nhau cảm thấy phù hợp và có tình cảm thì đến với nhau. Tuổi tác không quá quan trọng nhưng cách biệt thế hệ và quan điểm lại rất quan trọng.
Có thể khi mới gặp nhau, mình cứ nghĩ có thể thay đổi được đối phương nhưng tôi nghĩ mình chẳng bao giờ thay đổi được ai.
Muốn đi cùng nhau hoàn toàn do 2 người có sự đồng điệu và có cùng hướng về nhau hay không?
Trong tình yêu, chị có phải kiểu người "yêu chết đi sống lại"?
- Tôi yêu say mê, cuồng nhiệt và hết mình nhưng để nói yêu "đập đầu vào tường" hay "chết đi sống lại" thì không có.
Trải qua những thăng trầm trong đời sống tình cảm với những sự đổ vỡ, Giáng Son giờ còn niềm tin vào tình yêu và hôn nhân? Chị có quan điểm gì khác lúc trước?
- Tôi vẫn tin vào tình yêu. Có giai đoạn tôi nghĩ sẽ không kết hôn nữa vì thấy không cần thiết nhưng giờ biết đâu, mình gặp một người yêu mình quá và họ cũng chinh phục được mình thì sao?
Nếu gặp đúng người thì bao giờ 2 người cũng hơn 1 người. Còn ngược lại, nếu 2 người mà cảm thấy có nhiều vấn đề thì thà độc thân còn hơn.
Ở độ tuổi này, nhìn lại mọi thứ đã đi qua trong cuộc sống riêng và con đường nghệ thuật, có thể nói chị được nhiều nhưng mất cũng không ít. Điều gì khiến chị nuối tiếc nhất?
- Tôi thấy nhiều khi mình hay bị cảm xúc chi phối và lý trí bị cảm xúc lấn át nên bản thân không có quyết định đúng trong thời điểm đó.
Có thể mình thấy cuộc tình đã có những tín hiệu rạn nứt, vấn đề xuất hiện từ những điều nhỏ. Mình nhận thấy tính cách không thể thay đổi được ở đối phương và sẽ không thể nào chịu được nếu gắn bó lâu dài nhưng bản thân lại không tin và cứ nghĩ rồi sẽ ổn thôi.
Cuối cùng, để thời gian kéo dài, khi tình cảm sâu nặng rồi, đến lúc chia tay thì người đau khổ nhất lại là mình. Nhưng vì bản thân đang yêu, làm sao lý trí hoặc đưa ra quyết định có tính sát thương đây?
Giờ thì mình phải yêu thương mình trước...
Cảm ơn chị vì những chia sẻ!
Ảnh: Nguyễn Bảo Ngọc