Nhạc sĩ Quốc Trung: "Hồi trẻ tôi nhút nhát, sau đổ vỡ đỡ đi nhiều"
(Dân trí) - 22 năm sau chia tay Thanh Lam, ở tuổi U60, nhạc sĩ Quốc Trung có cuộc sống hạnh phúc hơn 2 thập kỷ bên bạn gái Hương Lan. Anh nói, chưa từng sợ hay thù ghét đàn bà vì bất kì lý do gì.
Lời tòa soạn: Nhắc đến đời sống nghệ thuật của những nghệ sĩ, khán giả phần lớn chỉ biết đến những thành tích, những hào quang của họ trên sân khấu hay màn ảnh. Ít ai biết rằng, ngoài đời, họ cũng có những tâm sự, nỗi niềm riêng, những hi sinh và cả tiếc nuối...
Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu tuyến bài "Phía sau ánh hào quang" để giúp độc giả, khán giả hiểu hơn về góc khuất đời thường của các nghệ sĩ.
Chúng tôi hẹn gặp nhạc sĩ Quốc Trung tại một quán cà phê trong ngõ phố nhỏ Hà Nội. Ngoài đời, anh gây ấn tượng bởi sự giản dị nhưng không xuề xòa, kiệm lời mà chẳng khô khan, điềm đạm và bộc trực. Bây giờ, Quốc Trung cũng nền tính và cởi mở hơn nhiều.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, anh trải lòng về con đường âm nhạc của mình, về cuộc sống, tình yêu, những tiếc nuối và cả niềm vui phía sau ánh hào quang...
"Nghệ sĩ thế giới không có thời gian cà phê, đánh golf như chúng ta"
Nhắc đến nhạc sĩ Quốc Trung, nhiều người nhớ đến các bài hát của anh như: "Tre xanh ru", "Chỉ là giấc mơ", "Đố tình"… Một câu hỏi khá cũ nhưng sẽ có rất nhiều người tò mò, rằng anh đã đến với con đường này như thế nào?
- Tôi được bố mẹ cho học piano cổ điển từ nhỏ nhưng lại thích mày mò sáng tác. Tôi thích khí nhạc và bắt đầu viết ca khúc, phổ thơ nhưng đến giờ, tôi chưa thành công với bài thơ nào, chưa ưng ý bài nào (cười).
Tôi thấy, thơ của Việt Nam đã có nhạc trong đó, vì vậy, mong muốn có nét nhạc riêng của mình trong thơ rất khó.
Trở lại thuở ban đầu anh cùng ban nhạc Phương Đông và Thanh Lam khuấy đảo các sân khấu nhạc nhẹ Thủ đô Hà Nội thập niên 1990, hẳn anh cũng từng trải qua những tháng ngày khó khăn để có được thành công ấy?
- Tôi nghĩ, làm âm nhạc hay nghệ thuật, việc có nhiều chông gai, thử thách rất bình thường, khó khăn cũng không phải là việc phải kể lể. Để đạt được chất lượng của vở diễn, album… sự đầu tư về thời gian là chuyện tất yếu.
Tuy nhiên, chúng tôi khá may mắn khi xuất hiện ở thời điểm nhạc nhẹ Việt Nam nở rộ, bắt đầu mở ra thời kỳ âm nhạc mới. Chính vì vậy, chúng tôi có những sáng tạo trong dàn dựng, diễn, cách chơi nhạc…. và được khán giả đón nhận.
Ở thời điểm đó, internet chưa có, sách vở cũng hiếm nên việc tiếp cận thông tin bên ngoài không nhiều. Chúng tôi phải mua, mượn CD, phải truyền tay nhau hay phô tô lại để học, phần lớn tự nghiên cứu, không có trường lớp đào tạo.
Thời kỳ đó, anh "sống khỏe" nhờ các bài hát của mình chứ? Anh tậu được bao nhiêu nhà và mua được bao nhiêu cây vàng, xe hơi?
- Tôi không phải là người viết nhiều bài hát, cũng không phải hàng ngày viết nhạc và chờ ca sĩ phù hợp rồi đưa cho họ. Tôi thường sáng tác bài theo đặt hàng album của Thanh Lam, Hồng Nhung…
Những bài hát của tôi không trở thành hit và có số phận không mấy thành công nên gần như không mang lại thu nhập đáng kể nào. Hơn nữa, thời điểm đó, luật bản quyền cho những ca khúc, CD, băng cassette… rất lỏng lẻo. Chính vì vậy, việc thu tiền bản quyền không có.
Ở Việt Nam, nhiều người vẫn hiểu, nhạc sĩ chỉ viết ca khúc nhưng thực tế, người nhạc sĩ có các công việc khác nữa, như tôi chuyên về hòa âm, phối khí, viết hòa tấu không lời. Tôi cũng viết nhạc cho 10 bộ phim truyện, phim truyền hình cùng nhiều dự án âm nhạc riêng của mình.
Vì vậy, dù không giàu kếch xù, không mua được biệt thự, xe hơi từ các bài hát của mình hay chẳng buôn bất động sản và làm ngành nghề gì khác thì tôi vẫn có thể sống khỏe, sống đàng hoàng bằng nghề.
Tôi thấy mình khá may mắn trong việc hoạt động âm nhạc nên không đổ lỗi hay trách móc ai đó về thất bại của mình, cũng chẳng có gì phải nuối tiếc.
Đã lâu rồi mọi người "thèm" nghe bài hát mới của nhạc sĩ Quốc Trung nhưng vẫn chưa được. Anh bảo không còn nhiều hứng thú làm cho ca sĩ nào đó nữa. Vì sao vậy?
- Tôi đang bận cho dự án riêng về nhạc điện tử, nhạc phim… Điều quan trọng là tôi thấy phong cách của mình có thể không hợp, không còn được các ca sĩ tin tưởng nữa.
Mặt khác, tôi cũng không có nhiều thời gian, không có cảm hứng để chỉ làm album, sáng tác bài hát, hòa âm cho các ca sĩ. Chắc phải chờ một giọng ca, dự án nào đó đủ sức làm cho tôi hứng khởi tôi mới trở lại viết.
Anh từng chia sẻ: "Khó khăn luôn có nhưng đừng để nó hủy hoại cảm hứng cũng đừng bớt xén, đừng thỏa hiệp, đừng theo lối mòn, đừng dễ dàng từ bỏ"? Hỏi thật là anh chưa từng thỏa hiệp và từ bỏ ư?
- Tôi không nhớ mình nói câu này ở đâu nhưng tôi thấy những người làm nghệ thuật ở Việt Nam thường cảm thấy thua thiệt về điều kiện hoạt động, về thu nhập khi nhìn thấy các ngôi sao thế giới sống như "ông hoàng bà chúa".
Thực tế, tôi đi nhiều thì biết, với những gì chúng ta đang có, nghệ sĩ Việt Nam còn nhàn lắm. Để có thu nhập tốt, nghệ sĩ nước ngoài làm việc nhiều gấp 100 lần. Họ không có thời gian cà phê sáng, đi đánh golf như chúng ta mà dành tất cả vào âm nhạc nên chất lượng sản phẩm rất tốt.
Các ban nhạc trên thế giới đi biểu diễn thường tập luyện từ 6-10 tiếng và tập liên tục trong nhiều tháng để có phần biểu diễn hoàn hảo, sau đó đi biểu diễn khắp nơi.
Còn chúng ta dành thời gian cho điều đó quá ít. Tôi thấy, các dự án âm nhạc ở Việt Nam, không ai tập đến 1 tuần. Vì thế, chất lượng âm nhạc khiêm tốn, khán giả cũng cảm thấy không nhất thiết phải đi xem nhiều.
Nhạc sĩ Quốc Trung nhận định, nghệ sĩ Việt Nam còn rất nhàn. Để có thu nhập tốt, nghệ sĩ nước ngoài làm việc nhiều gấp 100 lần.
Muốn đi xa và bền vững thì nên đi một mình
Có thể nói, nhạc sĩ Quốc Trung sáng tác nhạc không "mát tay" nhưng với vai trò nhà sản xuất, anh đã tổ chức thành công Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa (Monsoon) hay gần đây là buổi hòa nhạc mời NSND Đặng Thái Sơn về Việt Nam biểu diễn trong chuỗi chương trình "Timeless Resonance - Thanh âm bất tận"… Anh nghĩ sao khi có người gọi anh là "bầu show khét tiếng" của làng nhạc Việt?
- Tôi e rằng nhiều bầu show khác sẽ nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ vì tôi không phải là người nổi tiếng hay thành công gì ở lĩnh vực này. Tất cả mùa Monsoon đều... thua lỗ. Các show diễn của nghệ sĩ nước ngoài càng nổi tiếng, vé càng đắt thì lỗ càng nặng hơn. Tôi nghĩ, nếu là người làm kinh tế giỏi, ít người mạo hiểm đầu tư vào những show diễn như vậy.
Monsoon không phải là nơi để kinh doanh, đây là dự án cộng đồng tôi xây dựng cho thành phố một thương hiệu văn hóa. Gần 10 năm làm, có những mùa chúng tôi lỗ rất nhiều, chúng tôi không đủ khả năng để tiếp tục được nữa…
Còn NSND Đặng Thái Sơn rất tài năng nhưng số lần về Việt Nam rất ít, nếu có về cũng do nhãn hàng tài trợ. Anh ấy cũng đi nước ngoài biểu diễn nhiều nhưng đến một lúc nào đó sức khỏe không tốt, hết thời rồi mới về quê hương là điều đáng tiếc và không đúng lắm.
Hơn nữa, anh ấy về Việt Nam biểu diễn sẽ mang lại cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ chúng ta.
Theo tôi, làm một show diễn đừng nghĩ đến sự hoành tráng mà hãy nghĩ đến niềm vui, hiệu quả của chương trình. Niềm vui, thành quả tinh thần cũng là chất gây nghiện.
Dẫu vậy, người ta vẫn nói "muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau". Trên con đường này, đã khi nào anh có ý tưởng hợp tác với nhiều người có cùng đam mê và tham vọng như mình chưa? Để niềm vui có thể kéo dài và không phải buông bỏ?
- Tôi nghĩ, người ta nói vậy thôi, Việt Nam… ít người đi được cùng nhau lắm. Mọi người đều nhìn về các mục tiêu khác nhau.
Trong âm nhạc hay nghệ thuật cũng vậy, nếu bạn không xây dựng những uy tín lâu dài sẽ không thể nào phát triển hoặc đưa sản phẩm của mình lên đỉnh cao. Nhưng để cùng hướng tới mục tiêu lâu dài và tìm được người cùng đồng hành không phải đơn giản.
Thực ra, tôi nghĩ thói quen của chúng ta nhiều năm nay là "đi tắt đón đầu", thậm chí nó trở thành slogan (khẩu hiệu - PV) trong xã hội.
Bởi vậy, với kinh nghiệm của tôi, để lập ra những kế hoạch phát triển bền vững, muốn đi xa và bền vững thì nên đi một mình. Vì như thế bạn sẽ chủ động và gánh chịu những rủi ro một mình.
Tôi nghĩ, đến một lúc nào đó xã hội thay đổi, người ta cũng hiểu ra, nếu không phát triển bền vững thì không thể thành công.
Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, gần 10 năm làm Monsoon, có những mùa anh lỗ rất nhiều, anh không đủ khả năng để tiếp tục được nữa… (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Là một người hoạt động lâu năm trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam, cũng có những sự va chạm, học hỏi với công nghiệp âm nhạc thế giới, anh thấy công nghiệp âm nhạc ở nước ta đang ở đâu trên bản đồ âm nhạc thế giới?
- Tôi không biết xếp ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam đang đứng ở đâu so với thế giới nhưng so với các nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan… chúng ta đang bị bỏ xa. Ngay cả Campuchia cũng có nhiều nghệ sĩ tham gia vào hoạt động âm nhạc của khu vực nhưng chúng ta không có.
Các nước ở châu Phi cũng tham gia vào đời sống âm nhạc khắp nơi trên thế giới, họ hoạt động chuyên nghiệp… Vì thế, khi so sánh với khu vực, chúng ta chưa bằng họ, đừng nói đến các nước có nền âm nhạc mạnh như ở châu Á, châu Âu. Đấy là mới nói đến âm nhạc phổ cập Pop Rock thôi đấy!
Anh thấy việc xuất khẩu âm nhạc của Việt Nam có thể dựa vào một số cái tên như: Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh… không?
- Tôi sẽ không nhắc tên của bất kỳ ca sĩ nào trong câu chuyện này. Tôi chỉ đặt một câu hỏi: "Nếu chúng ta không có thị trường cho nghệ sĩ quốc tế thì bạn có nghĩ họ dành thị trường cho ca sĩ của mình không?"
Nếu không có sự giao tiếp bình đẳng, không tạo cho thị trường âm nhạc của họ đến để kinh doanh thì chúng ta cũng không biết mình đang ở đâu?
Một ca sĩ tài năng của chúng ta cũng chỉ biểu diễn ở Việt Nam nhưng ca sĩ nước ngoài họ đi diễn khắp nơi trên thế giới. Nếu không giao tiếp, bạn không biết làm việc với ai, làm việc thế nào để có thể được như vậy.
"Tôi lãng mạn và không gia trưởng"
Nhiều người tò mò phía sau ánh hào quang của một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, anh Quốc Trung ngoài đời là người thế nào?
- Tôi là người rất bình thường. Tất nhiên, tôi cũng không phải người quảng giao nhưng ở bất cứ đâu, ăn bất cứ gì và nói chuyện với bất kì ai cũng đều không có khó khăn hay rào cản nào.
Trong công việc, tôi lại là người cực đoan và không muốn thỏa hiệp với những điều ảnh hưởng không tốt tới chất lượng công việc. Đôi lúc, tôi nghĩ, có lẽ vì tôi trở thành bình thường như vậy nên đã bỏ phí nhiều cơ hội và ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp.
Ví dụ, nhiều nhà sản xuất âm nhạc ở nước ngoài, để có thể phát triển sự nghiệp họ phải bỏ bớt nhiều sự quan tâm tới đời sống, ít đi chơi, du lịch và không thích nhiều thứ quá.
Tôi thì ngược lại, tôi thích nấu ăn và cũng biết may vá, tôi giỏi sửa xe nhưng cũng mê đồ công nghệ và du lịch… Có lẽ bình thường như vậy nên sự nghiệp âm nhạc của tôi chỉ thế thôi.
Nhạc sĩ Quốc Trung thừa nhận, ngoài đời anh là một người rất bình thường, anh thích nấu ăn cũng biết may vá, mê công nghệ và du lịch.
Anh có tiếc nuối vì điều đó không?
- Nói không nuối tiếc thì không đúng, là con người mà. Đã có lúc tôi than thở với Xinh Xô (nhạc sĩ Mỹ gốc Việt - PV ) rằng, giá như trước đây tôi đi học jazz ở nước ngoài thêm có lẽ sẽ tốt hơn.
Xinh Xô cũng bảo: "Có thể học xong, anh sẽ đi biểu diễn ở khách sạn hay trong quán chứ không phải người sáng tác".
Người ta vẫn thường nuối tiếc những gì không xảy ra, "con cá mất là con cá lớn" nhưng thực ra… nhìn lại, mọi thứ đều có số mệnh hết rồi.
Tôi nghĩ mình là người may mắn khi được làm những gì mình thích, sống được bằng công việc mình làm.
Nhắc đến nhạc sĩ Quốc Trung, nhiều người vẫn thường hình dung về anh trước đây là một người khó tính và hơi... đanh đá. Còn bây giờ, dường như anh đã thay đổi: nền tính và cởi mở hơn?
Nhạc sĩ Quốc Trung: "Tôi là người tích cực nên không bao giờ bị rơi vào tình trạng thù ghét bất cứ chuyện gì hoặc với bất kì ai".
- Tôi nghĩ mình không thay đổi nhiều. Tôi không ngại nói ra những sự thật và bày tỏ chính kiến của mình. Tuy nhiên, đến một tuổi nào đấy tôi cũng nhận ra, những lời nói của mình đôi khi không có tác dụng gì thì tốt nhất không nên nói.
Còn việc khó tính... tôi nghĩ ai đó nghĩ vậy cũng cần xem lại, vì khó tính như thế cũng chưa ăn thua gì cả. Nếu bạn ra nước ngoài làm việc, những đòi hỏi và yêu cầu của họ còn khắt khe hơn nhiều.
Trong đời sống thường nhật anh có phải người lãng mạn, tâm lý?
- Tôi là người lãng mạn và không gia trưởng. Tôi rất bình đẳng nhưng có điều kiện.
Ví dụ, tôi không ngăn cản bạn gái - không chỉ bạn gái bây giờ mà tất cả bạn gái - các mối quan hệ và các cuộc đi chơi của cô ấy. Ngược lại, tôi cũng đòi hỏi như vậy ở mình.
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây nhiều năm - sau khi anh chia tay chị Thanh Lam - người ta nói anh không muốn "dính" đến đàn bà nữa. Vậy người hiện tại có mang đến cho anh sự bình yên và an toàn?
- Tôi chưa bao giờ sợ hay thù ghét đàn bà vì bất kì lý do gì. Tôi nghĩ, mọi sự chia tay đều vì số mệnh hoặc không thể tiếp tục được nữa.
Một người thấy đời sống của mình có giá trị sẽ luôn tìm thấy năng lượng, sự hứng khởi ở nhiều thứ khác trong đời sống.
Tôi là người tích cực nên không bao giờ bị rơi vào tình trạng thù ghét bất cứ chuyện gì hoặc với bất kì ai. Tại sao lại phải sợ đàn bà nhỉ? Tôi luôn nghĩ, nếu bạn bị đàn bà làm gì đấy thì việc đầu tiên hãy xem lại mình đã.
Ngoài đời, nhạc sĩ Quốc Trung để lại ấn tượng bởi sự giản dị, kiệm lời, điềm đạm nhưng rất thẳng thắn.
"Chuyện đám cưới với tôi hơi xa xỉ và không cần thiết"
Anh từng tuyên bố ở tuổi này không bao giờ cưới dù mối tình hiện tại đã 20 năm có lẻ. Anh đã bao giờ ngỏ ý chưa vì biết đâu họ cũng đang chờ đợi và sẵn sàng hi sinh vì mình?
- Tôi nghĩ, nếu phụ nữ có sự độc lập và tự tin, họ không cần một đám cưới để chứng tỏ mình có giá với ai đó. Còn tôi, bố mẹ cũng mất rồi nên cũng không cần phải làm việc đó để khiến bố mẹ vui lòng. Chuyện đám cưới với tôi hơi xa xỉ và không cần thiết.
Cũng bởi anh không tưởng tượng được một ngày mình cầm bó hoa cưới, mặc quần áo chú rể?
- Tôi là người nhỏ bé. Tự mình tưởng tượng cảnh mặc áo vest rồi ôm bó hoa cưới thôi trông cũng hài hước và không phải đẹp đẽ cho lắm.
Được biết, trước đây, anh Trung thường được phụ nữ chủ động tấn công trước, vậy hiện tại người phụ nữ của anh có phải là một ngoại lệ?
- Người hiện tại là tôi "tán" chứ không phải cô ấy. Hồi trẻ tôi rất nhút nhát, sau đổ vỡ đỡ đi nhiều.
Thật ra, trong cuộc sống hiện đại, ai "tán" ai cũng không quan trọng. Tôi là người kiệm lời và không quá quảng giao hay sỗ sàng, chính vì vậy, nếu thích nhau, phụ nữ hay tỏ thái độ với mình trước.
Nếu nói phụ nữ "tán" thành ra lại nâng cao bản thân mình quá. Thực ra, tôi thích sự chủ động đó của người phụ nữ.
Nhạc sĩ Quốc Trung và bạn gái Hương Lan (Ảnh: Facebook nhân vật).
Chắc hẳn chị ấy phải đặc biệt lắm nên mới khiến anh - một người đàn ông nhút nhát và kiệm lời trong tình yêu - trở thành người chủ động "tán" trước?
- Có anh nào dám nói là người phụ nữ của mình không đặc biệt không?
Bạn gái đã ở với mình hơn 20 năm không cưới hỏi gì, chẳng cần nói vẫn đủ đặc biệt rồi. Tôi nghĩ, đó là số mệnh nhiều hơn vì đôi khi trong cuộc đời, bạn lại gắn kết với những người mà bạn không bao giờ nghĩ tới.
Anh và chị có phải là hai mảnh ghép hoàn toàn đối lập?
- Tôi nghĩ là không, vì bạn ấy không phải dân nghệ thuật nên không có quá nhiều sự khác biệt. Chúng tôi cũng tìm được sự đồng điệu trong nhiều chuyện, có thể chia sẻ cả vấn đề nghệ thuật hoặc các vấn đề khác một cách thoải mái. Một người làm nghệ thuật như tôi cần sự cân bằng của người ngoài nghề để tránh việc "bay" quá đà.
Sống với một người 20 năm chắc không thể tránh khỏi những va vấp, mâu thuẫn, cơm không lành canh không ngọt. Những lúc như thế ai là người nhún nhường trước?
- Trước đây là bạn gái, giờ là tôi.
Điều gì khiến anh thay đổi như vậy?
- Đến tuổi này tôi quý trọng sự bình yên, thư thái hơn sự hiếu thắng. Hơn nữa, tôi nghĩ phải giải quyết vấn đề một cách sạch sẽ và rõ ràng bởi nếu hai người lớn tuổi ở với nhau mà phải chịu đựng việc đó thì ảnh hưởng nhiều đến vấn đề sức khỏe. Và nói chung đến một độ tuổi, mình học được kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách thẳng thắn và hiệu quả nhất.
Cảm ơn nhạc sĩ Quốc Trung vì những chia sẻ!