DNews

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua

Quốc Việt

(Dân trí) - Từ những ngày đầu khởi nghiệp, do chưa nắm được khẩu vị, thói quen của người Nhật, tiệm bánh mì của anh Phước "ế dài", nhiều hôm phải mang về cho cả nhà ăn bánh trừ bữa.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua

Khởi nghiệp từ con số 0, vay tiền khắp nơi để kinh doanh

"Lấy cho tôi một chiếc như cũ nhé. Hôm nay trời nóng nhỉ? Trong xe hình như còn nóng hơn. Nhớ uống đủ nước đừng để bị sốc nhiệt nhé."

Ngẩng đầu nhìn thấy vị khách quen người Nhật, anh Phước, chị Giang lại vui vẻ cúi xuống nhanh tay làm suất bánh nóng hổi phục vụ cho kịp giờ. Lắm hôm khách đông đứng xếp hàng dài chờ tới lượt, hai vợ chồng càng quay cuồng hơn, nhưng ánh mắt vẫn lấp lánh niềm vui.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua - 1

Anh Phước, chị Giang, khởi nghiệp từ xe bán bánh mì nơi đất khách (Ảnh: NVCC).

Chẳng ai biết rằng, gần 6 năm trước, hai vợ chồng người Việt xa xứ khởi nghiệp bằng xe bánh mì lưu động từ con số 0, vốn liếng trong túi chỉ có hạn.

Anh Huy Phước, 35 tuổi, quê Đà Nẵng, quen chị Hoàng Giang, 39 tuổi, người Hải Phòng, khi cả hai sang Nhật năm 2007. Ở nơi đất khách quê người, họ làm đủ việc mưu sinh.

Sau khi kết hôn và có con gái đầu lòng, anh Phước đã nhen nhóm ý tưởng mở một xe bán hàng lưu động. Tuy nhiên thời điểm này vợ đang nghỉ sinh, một mình cáng đáng kinh tế, anh đành tạm gác giấc mơ.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua - 2

Chiếc xe di chuyển lưu động giúp anh chị chủ động tìm được nguồn khách (Ảnh: NVCC).

Tới năm 2018, công ty bất ngờ thay đổi cơ chế quản lý, nhân sự. Nhận thấy tương lai nhiều bấp bênh, người đàn ông Đà Nẵng quyết rời bỏ công việc đã gắn bó từ lâu để tự mình làm chủ.

Khi mới "bung" ra tự làm, với số vốn ít ỏi và chỉ có thể vay mượn từ gia đình, bạn bè từng chút, không đủ để mở một quán ăn có vị trí đẹp, chưa kể chi phí sửa chữa, vận hành, thuê nhân sự, nên hai vợ chồng bàn nhau khởi nghiệp bằng xe bán đồ ăn.

Anh Phước cho rằng, với một xe bán hàng lưu động, hai vợ chồng có thể rong ruổi khắp nơi, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn là thụ động chờ người tìm tới quán.

Và thay vì "lan man" chọn bán nhiều món, cặp đôi quyết định chỉ tập trung vào bánh mì với mục tiêu tạo ra món ăn có chất lượng được thực khách đón nhận.

Vì bắt đầu từ con số 0, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm hay bất cứ ai dẫn dắt, anh Phước phải tự mày mò hoàn toàn.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua - 3

Những ngày đầu khởi nghiệp bắt đầu từ con số 0, hai vợ chồng chật vật từng bước để gây dựng (Ảnh: NVCC).

Anh tự liên hệ mua xe, tìm nơi thiết kế cải tạo ô tô cũ thành xe bán hàng, tìm điểm đứng bán. Việc xin giấy phép kinh doanh cũng cần đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm. Và mỗi thành phố lại có những quy định riêng nhất định cần tuân thủ. Anh còn tự thiết kế cả tờ thực đơn cho tiết kiệm chi phí.

"Nhật Bản quy định vấn đề an toàn thực phẩm rất gắt gao như lắp đặt bồn rửa tay, quạt thông gió, bình nước... Khi xin giấy phép, tôi phải đưa xe lên tận nơi để họ kiểm tra thiết kế có phù hợp hay không. Xe đăng ký kinh doanh ở vùng nào, chỉ được bán ở vùng đó. Giấy phép kinh doanh có thời gian 5 năm. Hết thời gian phải lên cục kiểm tra, gia hạn đăng ký thêm", anh Phước nói.

Nhưng đó vẫn chưa phải khó khăn lớn nhất.

Có trong tay xe bán hàng, hai vợ chồng lại đau đầu tính toán tìm điểm bán, thăm dò nhu cầu khách hàng, khẩu vị ra sao.

Sau một thời gian đứng bán vẫn ế khách, anh phát hiện ra, không phải cứ đứng ở chỗ đông người qua lại như trước cửa ga, trung tâm thương mại hay siêu thị là có khách. Thường thì họ vào trong mua sắm rồi sẽ ăn luôn ở khu ăn uống.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua - 4

Dần dần, tiệm bánh có được những vị khách quen liên tục tới ủng hộ (Ảnh: NVCC).

Hay vào những dịp như lễ hội hoa anh đào tưởng đông người nhưng du khách lại thích mang theo đồ ăn truyền thống để ngồi ăn uống, trò chuyện với nhau hơn.

Suốt chuỗi ngày dài vắng khách, buổi sớm, xe chở nặng đồ ăn mang đi, tối muộn lại bê gần như y nguyên về nhà, vợ chồng con cái ăn bánh mì trừ bữa, dần dần, hai vợ chồng mới tự đúc kết được những kinh nghiệm đắt giá.

Mở rộng quy mô, bán nghìn chiếc vào dịp cao điểm

Anh Phước cho biết, cũng nhờ những vấp váp ban đầu khiến anh vững tin hơn trong việc mở rộng quy mô kinh doanh sau này.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua - 5

Cận cảnh một suất bánh mì của cửa tiệm (Ảnh: NVCC).

Sau gần 6 năm hoạt động, hiện Mika bánh mì đã thêm 2 xe bán (tổng cộng 3 xe), một quán ăn ở Tokyo cùng "vô số" khách quen.

Mỗi ngày, các xe lưu động sẽ đứng bán ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố, từ ga tàu, các khu chung cư cho tới văn phòng đông nhân viên. Khách muốn ăn có thể đến tận điểm bán, hoặc theo dõi địa điểm xe dừng bán theo ngày trên trang web.

Để phù hợp với vị giác người Nhật nhưng muốn giữ hương vị truyền thống của ẩm thực Việt, anh Phước hiện duy trì 6 khẩu vị.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua - 6

Cảnh khách xếp hàng dài chờ mua không còn hiếm thấy (Ảnh: NVCC).

Trong đó, 2 món bánh mì thuần Việt là bánh mì heo nướng và bánh mì gà nướng. 4 loại còn lại làm theo nhu cầu của khách, gồm bánh taco từ thịt heo băm và gia vị taco, bánh mì rau - phục vụ đối tượng chỉ thích rau không mê thịt, bánh mì trứng và một loại kiểu Nhật.

Loại pate dùng cho bánh mì được anh Phước làm theo đúng kiểu pate Hải Phòng của quê nhà vợ. Đó vẫn là những nguyên liệu quen thuộc như gan, mỡ, thịt heo xay nhuyễn, hấp cách thủy 4 tiếng, tạo hương vị đặc trưng riêng cho món bánh mì.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua - 7

Sau gần 6 năm khởi nghiệp, xe bánh mì đã có chỗ đứng nhất định trong lòng thực khách (Ảnh: NVCC).

Sau gần 6 năm tạo dựng thương hiệu, anh Phước hạnh phúc vì lượng khách quen đông đảo. Đa phần khách tìm đến là người Nhật, số ít còn lại là người Việt xa xứ hoặc khách du lịch.

"Có những khách ăn ở quán từ những ngày đầu. Họ thấy hợp khẩu vị và trở thành khách trung thành đến bây giờ. Nhiều người còn giới thiệu thêm người thân, bạn bè tới quán", chị Giang vui vẻ tiết lộ.

Hiện tại, mỗi xe lưu động tập trung bán vào khoảng 3 tiếng giờ ăn trưa (11h đến 14h). Do nhu cầu tăng lên và cũng muốn cho khách nhiều lựa chọn, các xe còn bán thêm những phần cơm.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua - 8

Vào dịp lễ Tết, anh chị có thể bán được 1.000 suất bánh mì và cơm mỗi ngày (Ảnh: NVCC).

Anh Phước tiết lộ, mỗi ngày họ bán được khoảng 500 suất bánh mì và cơm hộp. Cảnh tượng dòng khách xếp hàng dài chờ tới lượt mua không còn hiếm gặp. Vào dịp lễ tết, cuối tuần có thể lên tới 1.000 suất. Mỗi chiếc bánh có giá dao động từ 600 đến 800 Yên (100.000 đồng - 135.000 đồng).

Để bán vào các ngày lễ hội hay những dịp sự kiện lớn, hai vợ chồng phải đăng ký gian hàng với ban tổ chức trước từ 1-3 tháng. Ngoài ra, mỗi xe bán hàng cần cung cấp đầy đủ giấy phép kinh doanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi dịp như thế, từng xe hàng lại giúp họ quảng bá hình ảnh bánh mì, ẩm thực Việt gần gũi hơn tới thực khách nước ngoài.

Mong muốn đưa hình ảnh bánh mì Việt vươn xa lên tầm cao mới

Do mở rộng số lượng xe bán hàng nên hiện tại anh Phước thuê 4 nhân viên toàn thời gian. Trong những dịp lễ tết, do lượng khách tăng đột biến, hai vợ chồng phải thuê thêm nhân viên thời vụ mới kịp xoay sở.

Cặp đôi Việt bán bánh mì ở Nhật: Hết cả nghìn chiếc, khách xếp hàng chờ mua - 9

Hai vợ chồng vẫn ấp ủ có thể nhân rộng mô hình trong thời gian tới (Ảnh: NVCC).

Trong tương lai, người đàn ông này vẫn ấp ủ có thể mở rộng thêm mô hình kinh doanh này tới nhiều khu vực khác ở Nhật Bản và bổ sung thêm nhiều món ăn Việt để thực khách trải nghiệm.

"Chúng tôi vẫn đang cố gắng mỗi ngày, từng chút hoàn thiện bản thân và hy vọng góp một phần nhỏ bé của mình trong việc quảng bá ẩm thực Việt trên nước bạn", anh Phước trải lòng.