Tranh cãi việc chồng nộp hết lương cho vợ rồi lại "ngửa tay" xin tiền tiêu
(Dân trí) - Một số ý kiến cho rằng, việc vợ nắm giữ hết tiền lương, chỉ để lại cho chồng một khoản nhỏ để chi tiêu vốn phổ biến trong nhiều gia đình Việt. Nộp lương là "nghĩa vụ" của các ông chồng.
Nộp lương là "nghĩa vụ" của các ông chồng?
Tin nhắn điện thoại báo tài khoản vừa được cộng thêm 10 triệu đồng tiền lương, anh Anh Đức (Hạ Long, Quảng Ninh) liền chuyển cho vợ 8 triệu đồng. Anh chỉ giữ lại 2 triệu đồng để lo các khoản chi phí phát sinh, đổ xăng, thi thoảng cà phê với bạn bè hoặc mua quà bánh cho hai con.
"Từ ngày cưới nhau, vợ chồng tôi đã thỏa thuận cứ đến tháng nhận lương, tôi sẽ chuyển phần lớn tiền cho cô ấy. Thẻ ATM của tôi cũng do vợ giữ. Nhiều khi cuối tháng nhẵn ví, tôi lại xin vợ và coi đó là chuyện hết sức bình thường", anh Anh Đức nói.
Chính vì có thói quen nộp hết lương cho vợ nên người đàn ông Quảng Ninh không thấy bất ngờ khi đọc được câu chuyện "chồng lương 10 triệu đồng gửi hết cho vợ rồi ngửa tay xin tiền tiêu" đang gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua.
Nhân đây, nhiều người có dịp chia sẻ câu chuyện quản lý tài chính trong gia đình. Một số ý kiến cho rằng, việc vợ nắm giữ hết tiền lương, chỉ để lại cho chồng một khoản nhỏ để chi tiêu vốn phổ biến trong nhiều gia đình Việt. Nộp lương là "nghĩa vụ" của các ông chồng. Đó cũng là lẽ thường tình vì phụ nữ khéo vun vén, họ giữ tiền không chỉ để tiêu cho riêng mình.
Tuy nhiên, cũng có ông chồng "kể khổ" cho rằng, họ không ít lần cảm thấy không thoải mái hoặc gặp những tình huống dở khóc dở cười khi phải nộp gần hết lương cho vợ.
Anh Vũ Th. (Hà Nội) kể, sau khi cưới, vợ chồng anh thỏa thuận vợ sẽ là người nắm giữ "tay hòm chìa khóa". Mỗi lần nhận lương, anh đều chuyển hết cho vợ qua tài khoản. Sau đó mỗi tuần, anh được vợ đưa cho 600 - 700 nghìn đồng để lo xăng xe, ăn sáng, ăn trưa hoặc cà phê.
Đưa tiền cho vợ thì dễ nhưng mỗi lần hỏi vợ chi phí sinh hoạt theo tuần, anh Th. lại cảm thấy ái ngại. Nhất là khi muốn "xin thêm", anh lại phải trình bày thế nào để vợ cảm thấy khoản chi đó là hợp lý. Có khi vợ buột miệng nói: "Chồng tiêu gì mà nhiều thế?" khiến anh Th. thở dài ngao ngán.
"Có lần, mấy anh em cơ quan rủ đi nhậu, tôi chỉ còn gần 200 nghìn đồng trong túi. Tài khoản cũng cạn, bất đắc dĩ tôi phải nhờ em gái chuyển khoản cho mượn 1 triệu đồng. Tôi không muốn nhắn tin hỏi vợ vì sợ cô ấy kèo nhèo", anh Th. kể.
Sau lần đó, rút kinh nghiệm, anh Th. thường giữ cho mình những khoản tiền nhỏ được thưởng ngoài lương để bản thân chi tiêu bớt gò bó. Anh coi đó là "quỹ đen" không muốn cho vợ biết.
Anh Nguyễn Thành Chương (Xuân Trường, Nam Định) thì kể rằng, vợ chồng anh cũng từng xảy ra xung đột liên quan đến chuyện tiền nong.
Anh luôn tin tưởng vợ và chuyển phần lớn lương của mình cho vợ. Tuy nhiên, một lần người quen trong gia đình muốn vay anh ít tiền để xin việc cho con, vợ anh lại không đồng ý. Cảm thấy không được quyền quyết định với số tiền mình làm ra, anh đã to tiếng với vợ.
Sau lần ấy, vợ chồng anh quyết định tài chính độc lập. Mỗi người tự có trách nhiệm với một số khoản chi tiêu của gia đình. Anh Chương lo tiền điện nước và tiền học của các con, còn vợ lo tiền ăn uống. Khoản gì lớn cần chi thì họ góp chung. Ai còn dư thì tự chuyển vào tài khoản tiết kiệm.
Vợ giữ hết tiền nhưng cần "biết cách"
Chị Như Ý (ở TPHCM) cũng được chồng chuyển hết tiền lương mỗi tháng. Tuy nhiên, chị Ý cho biết, bản thân chưa bao giờ có ý định độc quyền quản lý tài chính của chồng.
"Chồng thu nhập cao hơn tôi nhưng mỗi tháng chỉ giữ lại một khoản rất nhỏ để ăn sáng hoặc uống cà phê. Khoản tiền anh đưa, tôi dùng chi tiền nước, internet, điện thoại xăng xe, biếu bố mẹ đôi bên, đóng tiền học cho các con, mua nhu yếu phẩm, đi chợ, nhập hàng.
Về phần chồng, nếu anh hết tiền sẽ báo tôi đưa thêm, đôi khi tôi cũng chủ động hỏi chồng chứ không ai câu nệ điều gì. Anh cần mua gì cũng đều bàn với tôi và ngược lại tôi cũng vậy. Mặc dù, tôi giữ hết tiền nhưng cần mua gì tôi đều hỏi ý kiến của anh. Tôi nghĩ nếu tin tưởng lẫn nhau, vấn đề chi tiêu trong gia đình sẽ rất thoải mái", chị Ý chia sẻ với Dân trí.
Khi phân tích về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, Phân viện Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TPHCM nhấn mạnh, hôn nhân mỗi gia đình có những nguyên tắc riêng, miễn là nguyên tắc đó có sự thống nhất giữa đôi bên.
Vấn đề quản lý tài chính cũng không phải ngoại lệ. Vợ chồng cần có sự bàn bạc thống nhất xem ai là người giữ tiền, chồng có phải nộp lương cho vợ không hay mỗi người có sự độc lập nhất định về tiền bạc.
"Dù lựa chọn phương án nào thì các cặp vợ chồng cũng phải cân nhắc đến hai yếu tố: Sự tin tưởng và sự minh bạch. Nếu các thông tin công khai, vợ và chồng được đối xử công bằng, tôn trọng thì lựa chọn nào cũng sẽ giúp cuộc sống gia đình êm ấm", TS Nguyễn Thị Minh nói.
Theo TS Nguyễn Thị Minh, người Việt vốn có thói quen để phụ nữ nắm giữ tay hòm chìa khóa. Lý do là bởi, đàn ông thường có nhu cầu thể hiện lớn, lòng sĩ diện cao, thích khám phá, thích nổi bật, đôi khi dễ tất tay.
Phụ nữ tằn tiện hơn, để ý đến tiểu tiết nên biết vun vén hơn. Số phụ nữ tiêu xài hoang phí, ham mê cờ bạc hay có thói quen chi tiêu không lành mạnh cũng có nhưng tỷ lệ thường sẽ ít hơn nam giới.
"Gần đây, tôi mới thấy có một bộ phận các cặp vợ chồng tách ra và cho rằng cần có sự độc lập tài chính. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó, đó là sự khủng hoảng về niềm tin trong hôn nhân. Nhiều người không tin đối phương nên muốn thể hiện cái tôi cá nhân. Nếu hiểu sâu hôn nhân, họ sẽ không quá quan trọng việc ai là người nắm giữ tiền", tiến sĩ Minh chia sẻ với Dân trí.
TS Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng, ngoài trường hợp các cặp vợ chồng có sự thỏa thuận, đồng tình, có niềm tin, những trường hợp người chồng bị ép buộc đưa tiền, bị vợ quản lý quá chặt về tài chính là biểu hiện của tình trạng bất bình đẳng, thậm chí vi phạm pháp luật.
Nội dung: Viên Minh - Hồng Anh