30 triệu chỉ đủ sống ở Hà Nội: Chuyên gia chỉ cách chi tiêu tỷ phú áp dụng
(Dân trí) - Chuyên gia cho hay với mức thu nhập 30 - 35 triệu đồng/tháng, nếu cặp vợ chồng biết quản trị chi tiêu tốt thì vẫn đủ sống tại Hà Nội, chưa nói đến sống sung túc hay khá giả.
Tranh cãi lương 30 triệu đồng/tháng có đủ sống ở Hà Nội?
Vợ chồng chị T.L. (quê Thái Nguyên, sống ở ngoại thành Hà Nội) có tổng lương hàng tháng là 30 triệu đồng. Đây được xem là khoản thu nhập không quá cao nhưng cũng không quá thấp để trang trải tại Hà Nội.
Tuy nhiên, cuộc sống của hai vợ chồng đảo lộn từ khi có con nhỏ, khiến các khoản chi tiêu cũng tăng lên đáng kể. Cuối tháng, mỗi khi nhìn vào bảng ghi chép chi tiêu, chị L. không khỏi choáng váng vì bấy lâu nay thường thắc mắc "tiền của mình không biết đi về đâu".
"Liệt kê ra mới biết hai vợ chồng tiêu nhiều khoản đến vậy. Nhưng thú thực tôi cũng chưa biết cắt giảm từ đâu, vì khoản nào cũng thấy cần và thấy đúng", chị L. nói.
Trước câu hỏi: "Lương 30 triệu đồng có đủ sống ở Hà Nội không? Hay là bỏ phố về quê?", mạng xã hội bùng nổ tranh cãi.
Anh Nguyễn Tuấn nêu quan điểm: "Nếu muốn trụ được ở thành phố, trong khi chưa có nhà cửa, hai vợ chồng phải có thu nhập tầm 30-35 triệu mỗi tháng. Như thế mới vừa đủ sống, tích góp mua nhà và trả lãi ngân hàng, có khoản phòng thân...".
Anh Trần Bình cho hay: "Cùng con người ấy ở thành phố thu nhập 20 triệu đồng, thì về quê chỉ được 5 triệu đồng! Vấn đề là sống ở thành phố dễ có việc làm hơn, còn giá cả với thu nhập coi là mặt bằng chung. Về hay ở, cá nhân tôi thấy như nhau. Sống đâu cũng vậy, vẫn phải vươn mình cố gắng chứ an phận thì đâu cũng mệt mỏi và mất tự tin như nhau thôi".
Chị Nguyễn Lan bày tỏ: "Vợ chồng tôi ra trường là quyết định về tỉnh lập nghiệp. Bố mẹ hai bên không hỗ trợ. Thu nhập từ công ty nước ngoài tạm ổn, nên sau 15 năm, chúng tôi đã có nhà, có đất, có xe. Nhiều bạn ở lại Hà Nội mà vẫn chưa có nhà riêng, tháng nào hết tháng đấy, thì nên tính toán thiệt hơn, bởi không có cái gì là tuyệt đối cả".
Chị Thanh Hương chia sẻ: "Cách đây 5 năm, khi mới ra trường, lương 5 - 7 triệu đồng vẫn bám trụ được tại Hà Nội. Nhưng hiện này, mức này dao động 30 - 35 triệu đồng. Mức sống thay đổi, nhưng bản thân phải biết chi tiêu hợp lý, có kế hoạch và đầu tư. Đúng là nếu lương hai vợ chồng cộng lại không nổi 30 triệu đồng thì cuộc sống trên thành phố sẽ rất khó khăn, chưa tính đến con cái".
Cách chi tiêu mà các tỷ phú áp dụng
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết, chi phí sống tại Hà Nội và TP HCM đắt đỏ hơn những thành phố khác.
Theo báo cáo chỉ số sinh hoạt theo không gian năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Hà Nội dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước, theo sau là Quảng Ninh, TP HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020 cho thấy, mức chi tiêu cho đời sống chiếm gần 94% trong tổng chi tiêu bình quân của hộ gia đình. Trong đó, chi tiêu cho ăn uống chiếm 46,5%; chi tiêu không dành cho ăn uống chiếm 47,4% và các chi tiêu khác chiếm 6,1%.
PGS.TS Đỗ Minh Cương cho hay với mức thu nhập 30 - 35 triệu đồng, nếu cặp vợ chồng biết quản trị chi tiêu tốt thì vẫn đủ sống tại Hà Nội, chưa nói đến sống sung túc hay khá giả.
"Nếu quản trị chi tiêu cá nhân và chi tiêu gia đình đạt hiệu quả thì sẽ cải thiện mức sống tại các đô thị lớn", ông Cương nói.
Theo chuyên gia, có nhiều cách chi tiêu hợp lý nhưng phương pháp được nhiều tỷ phú áp dụng là chia tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng thành những khoản mục, quỹ khác nhau.
Thứ tự ưu tiên các khoản chi tiêu, cao nhất là nhu cầu thiết yếu (ăn uống, sinh hoạt, đời sống, đi lại,…), tiếp theo là tiền thuê nhà (đa số gia đình trẻ Hà Nội hiện ở trọ), sau là chi phí học tập và phát triển quan hệ giao tiếp. Ngoài ra, các cặp đôi cần tính đến các chi phí phát sinh khác.
Trong số này, thông thường chi phí sinh hoạt thiết yếu và thuê nhà chiếm khoảng 60% thu nhập.
"Nếu phân chia rõ ràng các khoản chi tiêu, chúng ta sẽ cân bằng mức sống, đảm bảo nhu cầu cơ bản. Thậm chí, nhiều người cố gắng tiết kiệm, dành tiền đi du lịch, về quê,...", PGS.TS Đỗ Minh Cương cho hay.
Để trở thành một người tiêu dùng thông minh, chuyên gia chỉ ra nhiều biện pháp, như mua thực phẩm tại các chợ đầu mối, gửi thức ăn từ quê lên thành phố, sử dụng đồ second hand (hàng cũ), săn giảm giá,… không chạy theo mode thời trang và xu hướng.
"Các gia đình trẻ nên rèn luyện tinh thần tích cực, chủ động và chi tiêu kế hoạch, xa hơn là học cách tích lũy nếu dự định sinh con hay mua nhà, tìm cách cải thiện thu nhập trong tương lai", ông Cương nhấn mạnh.