Tranh cãi cặp đôi Hà Nội: Chồng giữ tiền chi tiêu, vợ bị chê... đàn bà dại
(Dân trí) - Đi ngược xu thế truyền thống vợ là "tay hòm chìa khóa", trong nhiều gia đình Việt hiện nay, chồng là người chịu "gánh nặng" này.
Nhờ chồng giữ tiền, vợ bớt tiêu hoang
Vợ chồng Hồng Mơ (25 tuổi) và Ngọc Thiện (27 tuổi, TPHCM) mở hai cửa hàng ăn. Ngoài ra, họ còn kinh doanh mỹ phẩm nên có mức thu nhập khá tốt mỗi tháng.
Yêu thích kinh doanh nhưng Hồng Mơ tự nhận thấy mình không phải là người giỏi quản lý tài chính.
Mơ cho biết: "Tôi đam mê kiếm tiền, nhiều ý tưởng nhưng lại không thể giữ tiền, hay "vung tay quá trán" trong khi chồng là người tiết kiệm, suy nghĩ thấu đáo và tính toán rất kỹ.
Tôi nhận thấy, trong gia đình, ai giữ tiền sẽ "mệt đầu" hơn nên đã nhường "cái khó" này cho chồng. Ngay khi xác định sẽ đi đến hôn nhân, chúng tôi thống nhất chồng sẽ là người giữ toàn bộ tiền. Trong túi hay trong tài khoản của tôi hầu như không có đồng nào. Tôi cần mua gì đều xin từ chồng hết".
Lựa chọn của Hồng Mơ dường như đi ngược với số đông phụ nữ Việt. Tuy nhiên, theo Mơ, nhờ chồng giữ tiền mà cô luôn có cảm giác gia đình rất dư dả, bản thân không còn tiêu xài hoang phí.
Cô cũng cho hay, tuy giữ tiền nhưng Ngọc Thiện không bao giờ ăn chơi phung phí hay tiêu xài cho bản thân. Mỗi tháng, anh tính toán từng hạng mục cần chi tiêu gồm: Khoản dành cho chi tiêu gia đình, khoản vận hành cửa hàng ăn cùng công việc kinh doanh và khoản tiết kiệm, dự phòng cho những việc gấp cần sử dụng.
Chồng của Hồng Mơ kiêm vai trò của "người phụ nữ" trong gia đình khi tự tay mua đồ ăn thức uống, nước giặt, đồ rửa chén, các thiết bị gia dụng…
Với những khoản lớn cần chi, anh sẽ bàn bạc cùng vợ. Ngược lại, khi Mơ có nhu cầu mua sắm cũng thẳng thắn chia sẻ với chồng. Thấy phù hợp, họ sẽ "rút ví", còn không thì cả hai sẽ tìm phương án khác.
Đôi lúc, thấy vợ chi tiêu lãng phí cho những thứ không cần thiết, Ngọc Thiện sẽ góp ý giúp bạn đời tiết kiệm và dành tiền đó cho mục tiêu kinh doanh.
"Quản lý tài chính trong gia đình luôn là vấn đề nhạy cảm. Tôi quan niệm, trong gia đình ai là người giỏi tính toán hơn thì nên giữ tiền chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải là phụ nữ.
Như với gia đình tôi, chồng tiết kiệm hơn nên đã kìm hãm được tính chi tiêu thiếu kiểm soát, không cần thiết của vợ. Chẳng hạn, trước đây tôi cứ nằng nặc đòi thuê căn hộ 13 - 15 triệu đồng/tháng nhưng anh ấy nói chỉ cần căn 10 triệu đồng cũng đủ để hai vợ chồng ở thoải mái rồi", Hồng Mơ chia sẻ.
Mỗi tuần, thay vì lao vào các cuộc vui như khi còn độc thân, cả hai ở nhà làm việc, đóng hàng, tính tiền quán ăn, tìm ý tưởng mới. Họ thường nấu ăn ở nhà để tiết kiệm chi phí, thi thoảng chở nhau đi dạo, ăn kem.
Mỗi năm, cặp đôi đi du lịch hai lần, chủ yếu để đưa ba mẹ về quê thăm họ hàng hay đi chơi Tết. Họ cũng không ưu tiên việc đi chơi xa vì sợ trì hoãn công việc.
Nhờ công việc thuận lợi và quản lý tài chính hợp lý, một năm sau đám cưới, vợ chồng Hồng Mơ đã tiết kiệm được một khoản kha khá. Cả hai mua một chiếc ô tô để thuận tiện cho việc đi lại.
Ngoài ra, họ cũng dành tiền mua đất ở quê với lý do sau này muốn giữ gốc quê hương, xây nhà về già hưởng thụ hoặc làm tài sản cho con cái. Hiện tại ở TPHCM, họ chỉ ở nhà thuê và tập trung cho công việc kinh doanh.
Bị đàm tiếu "đàn bà phải biết giữ tiền chứ?"
Kết hôn đầu năm 2022, vợ chồng Mạnh Tuấn (30 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cùng thống nhất anh là "tay hòm chìa khóa" trong gia đình. Chị Quỳnh Hoa (28 tuổi) hoàn toàn tin tưởng chồng vì anh công tác trong lĩnh vực tài chính, có chuyên môn, tính cách chu toàn, nên biết cách sử dụng đồng tiền hiệu quả.
Sau khi nhận lương mỗi tháng, chị Hoa đưa chồng 80% thu nhập để "sung quỹ" chung. Tương tự, anh Tuấn cũng tự trích 80% lương của mình vào tài khoản chung. Số tiền này phục vụ cho mọi chi tiêu trong gia đình, bao gồm: sinh hoạt phí, chăm sóc gia đình nội - ngoại, giải trí, vui chơi, mua sắm, tiết kiệm.
Phần còn lại của thu nhập, cặp đôi giữ riêng, dành cho những buổi cà phê, tụ tập bạn bè, mua sắm cá nhân, tiền xăng, đi lại...
"Tính tôi hơi hoang phí, đôi khi như "ném tiền qua cửa sổ", nên không giỏi giữ tiền", người vợ thừa nhận.
Khi chia sẻ với người thân, bạn bè về việc giao tiền cho chồng giữ, chị Hoa thường nhận về ánh mắt ngạc nhiên, kèm những lời nói đàm tiếu: "Đàn bà phải biết giữ tiền chứ?", "Phụ nữ phải nắm kinh tế, sao lại để chồng cầm tiền như vậy?" hay "Sau này chồng ngoại tình thì mất cả chì lẫn chài".
"Tôi chưa từng nghĩ đến những điều như mọi người bàn tán. Tôi hài lòng khi để chồng giữ tiền", chị khẳng định.
Đối với Quỳnh Hoa, trong mối quan hệ hôn nhân, mỗi cặp vợ chồng sẽ có cách phân chia, chi tiêu hợp lý.
Hàng tháng, anh Tuấn sẽ lập bảng chi tiêu online để kiểm soát dòng tiền. So với hồi độc thân, cặp đôi chi tiêu tiết kiệm hơn, cắt giảm nhiều khoản không thiết yếu, đặc biệt dành một phần cho mục đích tiết kiệm, đầu tư. Tỷ lệ % tích lũy được họ thống nhất vào từng thời điểm và kế hoạch gia đình.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TPHCM, cho rằng mỗi gia đình có những nguyên tắc riêng, miễn là nguyên tắc đó có sự thống nhất giữa đôi bên.
Khi quản lý tài chính trong gia đình, vợ chồng cần có sự bàn bạc thống nhất xem ai là người giữ tiền, chồng có phải nộp lương cho vợ không hay mỗi người có sự độc lập nhất định về tiền bạc.
PGS.TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho hay có nhiều cách chi tiêu hợp lý nhưng phương pháp được nhiều tỷ phú áp dụng là chia tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng thành những khoản mục, quỹ khác nhau.
Thứ tự ưu tiên các khoản chi tiêu, cao nhất là nhu cầu thiết yếu (ăn uống, sinh hoạt, đời sống, đi lại,…), tiếp theo là tiền thuê nhà (đa số gia đình trẻ Hà Nội, TPHCM hiện ở trọ), sau là chi phí học tập và phát triển quan hệ giao tiếp. Ngoài ra, các cặp đôi cần tính đến các chi phí phát sinh khác.
Trong số này, thông thường chi phí sinh hoạt thiết yếu và thuê nhà chiếm khoảng 60% thu nhập.
"Nếu phân chia rõ ràng các khoản chi tiêu, chúng ta sẽ cân bằng mức sống, đảm bảo nhu cầu cơ bản", PGS.TS Đỗ Minh Cương nói.
*Tên một số nhân vật đã thay đổi