(Dân trí) - Tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh ở nước ta không chỉ diễn ra ở các vùng đô thị mà cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân sâu xa của vấn đề này.
Mất cân bằng giới tính đang là mối quan ngại ngày càng lớn tại các quốc gia châu Á. Ở Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao trong những năm gần đây.
Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra sống. Tỷ số này thông thường là 104-106/100.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn so với nhiều nước nhưng lại tăng rất nhanh. Vấn đề này thực sự trở thành thách thức từ đầu những năm 2000, trở nên rõ rệt hơn từ năm 2006 với 109 bé trai sinh ra sống trên 100 bé gái.
Trong giai đoạn 2016-2022, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số này ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái, tương đương 2 năm trước đó.
Tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh ở Việt Nam không chỉ diễn ra ở các vùng đô thị phát triển mà còn len lỏi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số thực hiện năm 2019, số con/phụ nữ chung cho 53 dân tộc thiểu số là 2,35, khá cao so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ và cao hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.
Dù thấp hơn so với mức chung của toàn quốc, nhưng tỷ số giới tính khi sinh của các dân tộc thiểu số vẫn còn hơn so với mức cân bằng sinh học. Tỷ số giới tính khi sinh của các dân tộc thiểu số là 110,2 bé trai/100 bé gái.
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngược lại, mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới.
Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái…
Tuy nhiên, hiện nay, bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra và là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc coi việc lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh là một trong những dạng bạo lực giới rất nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia gốc rễ và cốt lõi của tình trạng này là do định kiến giới, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ăn sâu vào nhiều người Việt. Tư tưởng này xuất hiện từ khi chuẩn bị kết hôn, trước khi có con, có con, đến lúc qua đời.
Nhiều người vẫn còn quan niệm phải có con trai để gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội, con gái là con người ta, người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn…
Mặc dù người phụ nữ có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội nhưng nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế. Tình trạng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn nặng nề, phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thiệt thòi.
Thực trạng hiện nay, trẻ em gái ở vùng núi, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đang còn chịu nhiều thiệt thòi hơn trẻ em trai cũng như so với trẻ em gái ở khu vực thành thị về cơ hội học tập, tiếp cận thông tin.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai dẫn đến việc dư thừa nam giới. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự kiến đến năm 2034, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa 1,5 triệu đàn ông và đến năm 2039 sẽ là 2,5 triệu.
Hiện tượng "xuất khẩu" cô dâu ở Việt Nam gần đây đến một số quốc gia châu Á là một trong những hệ lụy trực tiếp của tình trạng thừa nam thiếu nữ.
Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn, bất ổn xã hội…
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ưa thích con trai là tập quán đã tồn tại tại nước ta từ rất lâu đời. Vì thế không dễ gì xóa bỏ ngay tập quán này một sớm một chiều.
"Vì thế chúng ta phải kiên trì đẩy mạnh truyền thông, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ gia đình chỉ sinh con gái. Luật pháp chúng ta đã có, từ năm 2003, Pháp lệnh Dân số đã cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, tư vấn hỗ trợ sinh con trai.
Thế nhưng 20 năm qua, pháp lệnh này chưa đi vào cuộc sống nên cần phải nâng cao tính pháp lý, ban hành luật, kể cả các cơ sở y tế tư vấn hỗ trợ cũng cần phải biết để tuân thủ pháp luật", GS Cử phân tích.
Vì thế, theo ông chúng ta cần tăng cường, kiểm tra giám sát xử lý những trường hợp vi phạm.
Để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Cục Dân số, Bộ Y tế đã chỉ ra một số giải pháp then chốt. Cụ thể, tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân; phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới.
Đồng thời có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em, để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.
Để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, cần quyết liệt hơn nữa trong việc thay đổi nhận thức của người dân, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động của xã hội nhiều hơn. Chúng ta cần thay đổi quan niệm xã hội để tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền lợi như nam giới.
Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới là sự khẳng định rõ ràng nhất và bước tiến không ngừng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Luật đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là việc có các quy định để đảm bảo sự thống nhất trong việc thi hành bao gồm những quy định về nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Các nguyên tắc này là cơ sở để việc thực hiện công tác bình đẳng giới một cách nhất quán. Luật cũng đã quy định việc bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, bao gồm chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, gia đình…
Để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng, chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách kinh tế - xã hội nhằm vào việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng "trọng nam khinh nữ".
Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của Nghị quyết là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Cụ thể, với lĩnh vực y tế, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030.
Trong lĩnh vực giáo dục, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi.
Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030...
Thiết kế: Thủy Tiên