Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Những hậu quả khôn lường của tảo hôn

Hà An

(Dân trí) - Tảo hôn là hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, cần tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… tới mọi tầng lớp.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Theo quy định tuổi đủ kết hôn là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

Theo khảo sát quốc gia về tình hình kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số tỷ lệ tảo hôn của 53 dân tộc thiểu số lên tới 26,59% (nam 26,04% và nữ 27,12%).

Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ điều kiện cư trú, kinh tế, tập tục lạc hậu còn do trình độ dân trí của người dân còn thấp, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu hết những hệ lụy từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Một số nơi chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Việc xử phạt các trường hợp tảo hôn chưa đủ sức răn đe… 

Những hậu quả khôn lường của tảo hôn - 1

Nhà trường cần lồng ghép các nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong các buổi sinh hoạt lớp, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức... (Ảnh minh họa: Thanh Tùng).

Vấn đề tảo hôn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Tảo hôn khiến trẻ gái sinh sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ và con. 

Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, hậu quả của tảo hôn là dẫn đến mang thai sớm, khi cơ thể chưa hoàn thiện về mặt giải phẫu, sinh lý và tâm lý để có thể mang thai. Tỷ lệ tử vong mẹ cao hơn so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái 15-19 tuổi trên toàn thế giới liên quan đến thai kỳ.

Tỷ lệ tử vong ở những trẻ sơ sinh, con của các bà mẹ dưới 20 tuổi cao hơn 75% so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.

Trong bối cảnh hiện nay nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn cản trở sự phát triển thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý, nhận thức, học vấn, giống nòi; đồng thời là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới.

Vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… để người dân, nhất là những người ở độ tuổi vị thành niên, hiểu rõ các quy định của pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật và chính sách có nhiều bất lợi đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Chương trình trên cũng góp phần triển khai thành công Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.