(Dân trí) - Từ một cô gái mũm mĩm, trắng trẻo, nhưng vì ước mơ đạt giải vô địch thể hình thế giới, Nguyễn Bích Trâm (35 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) đã bỏ ra 12 năm để luyện tập với chế độ vô cùng khắc nghiệt.
Thân hình vạn người mê của cô gái Việt Nam vô địch thể hình thế giới
(Dân trí) - Từ một cô gái mũm mĩm, trắng trẻo, nhưng vì ước mơ đạt giải vô địch thể hình thế giới, Nguyễn Bích Trâm (35 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) đã bỏ ra 12 năm để luyện tập với chế độ vô cùng khắc nghiệt.
Năm 2017, lần đầu tiên Bích Trâm một mình lên đường tham gia giải đấu quốc tế. Trong lúc cuộc thi đang diễn ra, mẹ cô (bà Phùng Thị Liên - 69 tuổi) đột ngột bị thiếu máu cơ tim và ngất tại nhà. Mặc dù đã được phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời, nhưng bà vẫn kiên quyết giấu nhẹm sự việc để con gái vững vàng tâm lý.
Thời điểm ấy, Bích Trâm không đạt thứ hạng cao nhất, nhưng bằng tình yêu thương của mẹ và sự nỗ lực hết mình, 2 năm sau vinh quang đã mỉm cười khi Trâm giành chiếc huy chương vàng tại giải vô địch thể hình thế giới diễn ra ở Jeju (Hàn Quốc).
Tập luyện hơn 10 tiếng/ngày, không ăn, không uống để siết cơ
Hết cấp 3, biến cố gia đình khiến Bích Trâm không thể tiếp tục con đường lên đại học. Cô đành nhận công việc bảo vệ để trang trải cuộc sống.
"Vừa làm việc mình vừa xem mấy bộ phim truyền hình về võ thuật. Lúc ấy, mình rất thích Muay Thái nên đã đăng ký học để bảo vệ bản thân. Có một người anh trong nghề thấy siêng năng nên giới thiệu mình vào đội tuyển thành phố" - Bích Trâm nhớ lại.
Buổi sáng luyện võ, buổi tối Trâm lại tập thể hình để sở hữu cơ thể săn chắc bổ trợ cho bộ môn võ. Đến năm 2012, huấn luyện viên đội tuyển thể hình TPHCM, thầy Võ Ngọc Toàn, thấy tiềm năng ở cô gái trẻ này nên đã đề nghị: "Trâm có muốn tham gia thi đấu thể hình không?", kèm điều kiện chỉ chọn 1 trong 2, hoặc Muay Thái, hoặc thể hình.
Ban đầu vì không tin tưởng bản thân nên Trâm từ chối. Đến năm thứ 3, sau thời gian chinh chiến nhiều giải đấu võ, cô gái trẻ mới chính thức nhận lời tham gia bộ môn thể hình.
"Nhiều anh chị trong nghề nói với mình về sự vất vả, hỏi liệu mình có thực sự đeo đuổi đến cùng? Lúc đó, mình chỉ biết thi là thi thôi.
Võ chỉ luyện tập 4 tiếng/ngày, còn thể hình thì liên tục 10 tiếng trở lên. Chế độ ăn phải loại bỏ hoàn toàn muối, đồ ngọt, tinh bột, mỡ… Riêng thời điểm ép cân tất cả vận động viên gần như không ăn gì, tới ngày thi là nhịn luôn cả uống nước nhằm không để đổ mồ hôi lúc lên sàn. Cứ vậy, sức khỏe suy nhược, đau gan, thận, dạ dày liên tục buộc nhiều người phải bỏ cuộc", Trâm kể.
Không chỉ thế, vì chưa từng tham gia thi đấu nên chi phí sinh hoạt của Bích Trâm rất hạn hẹp. Thời điểm đó, cô nhận thêm việc trông coi phòng tập để có tiền theo đuổi đam mê. Cứ thế, ban đêm khách về, Trâm tắt hết đèn và lặng lẽ luyện tập một mình.
"Ngày nào cũng vậy, đến lúc chạy xe về nhà thì không còn sức, phải tấp vào lề đường ngủ. Suốt 12 năm nay, mình gặp đủ chấn thương: trật khớp, chảy máu mũi… Không có tiền, đi khám thì sợ bác sĩ buộc dừng thi đấu để phẫu thuật nên phải ráng gồng, chờ khi nào thắng giải nhận tiền rồi tính. Đó, đời sống của vận động viên thể hình là thế!" - Trâm cười.
Liên tiếp đạt giải thưởng cao trên đấu trường quốc tế
Bằng tất cả sự nỗ lực, lần đầu tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2014 cô gái nhỏ đã xuất sắc giành được 2 huy chương vàng. Năm sau đó, Trâm tiếp tục ghi thêm 2 huy chương cho vị trí cao nhất. Trước thành tích khủng này, cô nhanh chóng được đội tuyển quốc gia đề cử tham dự giải đấu khu vực châu Á.
"Ở châu Á, mình tiếp tục gặt hái huy chương vàng. Đang trên đường thăng tiến thì bố mẹ mình ly hôn, mẹ đau buồn mà mắc thêm căn bệnh tim. Đó là thời gian mình tụt dốc tinh thần, cứ nghĩ sẽ buông xuôi tất cả".
Năm 2017, Trâm dừng lại ở hạng nhì giải đấu quốc tế vì yếu tố tâm lý. Trong khoảng thời gian này, mẹ cô thiếu máu cơ tim, đột ngột ngất tại nhà. Để con gái toàn tâm toàn ý ở nước ngoài, bà vẫn dặn dò người thân giấu toàn bộ bệnh án.
Ngày trở về nước, nhìn căn nhà trống, nhận thông báo: "Nếu không phát hiện sớm đã ảnh hưởng đến tính mạng…", Trâm chạy thẳng đến cửa phòng cấp cứu, không ngừng khóc.
"Hôm đó, mình hỏi mẹ sao lại giấu bệnh, mẹ chỉ nói: "Nếu mà nói thì sao, con thi đấu được không?", mình chỉ biết khóc. Suốt 12 năm, lúc nào mẹ cũng lặng lẽ hy sinh, chứng kiến những lúc mình kiệt sức, khó khăn, luôn ở bên động viên. Đi thi đấu ở đâu, trừ khi bệnh, hoặc ra nước ngoài chứ không thì mẹ đều theo đến tận nơi cổ vũ…" - Trâm kể.
Bằng tình yêu thương của mẹ, Trâm tiếp tục đại diện Việt Nam tham gia các giải đấu quốc tế khác. Đến năm 2019, cuối cùng vinh quang đã mỉm cười với cô gái khi Trâm vượt qua hàng trăm đối thủ, để được xướng tên ở vị trí vô địch VĐV có hình thể đẹp nhất thế giới.
Vinh quang lớn cho đất nước, vinh quang nhỏ là cho hạnh phúc của mẹ
Nói về 12 năm gắn bó với bộ môn thể hình, Trâm luôn tự hào vì những điều đã đạt. Cứ mỗi lần thấy quốc kỳ Việt Nam được kéo lên bục cao, cô lại tự hào và xúc động.
"Năm 2019, khi Việt Nam đứng hạng nhất, quốc ca vang lên, mình bật khóc. Lúc đó tất cả thầy cô, huấn luyện viên, anh chị em đi cùng… đều mừng. Một niềm hạnh phúc, tự hào dân tộc vang lên khiến mình càng căng quốc kỳ cao hơn" - Trâm kể.
Thế nhưng, để đổi lấy những giây phút tự hào đó, Trâm từng nhận vô vàn sự phản đối. Lần đầu cô nói về ước mơ bản thân, gia đình Trâm không ai chấp nhận. Thậm chí, đến tận bây giờ, mỗi lần ra đường Trâm vẫn bắt gặp nhiều cái nhìn dòm ngó, lời đàm tiếu khi con gái lại có thân hình "quá cường tráng".
"Chỉ có mẹ là luôn tin tưởng tuyệt đối. Năm 2017, lần đầu mình có thành tích cao ở quốc tế mới bắt đầu khiến mọi người thay đổi thái độ. Đi đâu mẹ đều cầm bài báo, ảnh của mình ra để khoe: "Con gái tôi đó, nó mới lấy huy chương vàng châu Á về nè!". Đối với mình, vinh quang lớn là dành cho đất nước, nhưng vinh quang nhỏ còn là cho hạnh phúc của mẹ".
Nói về cô học trò "lì lợm", thầy Bùi Xuân Trường (HLV đội tuyển TPHCM) chia sẻ: "Môn thể hình có đặc thù khắc nghiệt hơn nhiều bộ môn thể thao khác nên chỉ có người đủ đam mê mới theo được. Bích Trâm rất chịu khó và chăm chỉ. 12 năm, em khóc vì đau đớn, khó khăn, có giai đoạn siết ăn suốt 3 tháng trời, điều mà ít ai làm được, nhưng Trâm chưa bao giờ nghĩ chuyện bỏ cuộc".
Vận động viên Nguyễn Minh Tiến, thầy giáo luôn đồng hành cùng Bích Trâm, cho biết thêm: "Tôi đã trên 30 năm theo đuổi bộ môn thể hình và đạt nhiều giải thưởng quốc tế nên rất hiểu khó khăn, cực nhọc, đòi hỏi sức chịu đựng cao của các vận động viện.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Trâm là nhiệt huyết. Ấy vậy, dù trước đó nhiều lần từ chối nhận Trâm, nhưng cuối cùng cơ duyên vẫn đưa cả hai đến với nhau. Gần đây nhất tại giải đấu Sea Game 22 (Đại hội Thể thao Đông Nam Á-PV), tôi đã cùng Trâm tập luyện để siết gần 20 cân trong vài tháng, không ăn, không uống và tập ở cường độ cao… nhằm đủ điều kiện thi đấu".
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Quang Ninh.