DNews

Sống đẹp ở Thủ đô (kỳ cuối): Lan tỏa việc tử tế, cách làm hay

Hà Trang Minh Nhân

(Dân trí) - Người Hà Nội xưa tinh tế, nhẹ nhàng, lịch thiệp, có những biểu hiện mang tính chiều sâu. Người Hà Nội ngày nay giữ nguyên những vẻ đẹp đó và bồi đắp thêm những giá trị mới.

Sống đẹp ở Thủ đô (kỳ cuối): Lan tỏa việc tử tế, cách làm hay

"Sống đẹp ở Hà Nội" là tuyến bài kể về những câu chuyện đời thường trong nhịp sống hiện đại ở Thủ đô.

Mỗi người ở các ngành nghề lứa tuổi khác nhau: Từ ông chủ quán ăn, người thợ may, anh xe ôm đến những công nhân, viên chức… bằng những việc làm tử tế, và tình yêu thương chân thành, họ đã lan tỏa lối sống đẹp, năng lượng tích cực đến cộng đồng. Qua đó, góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, năng động.

"Văn hóa Hà Nội là biểu tượng của văn hóa Việt Nam"

Năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, Ban chỉ đạo chương trình đánh giá nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã tạo được nhiều đột phá.

Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp của thanh niên trong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, trong sinh hoạt, lao động hằng ngày được kịp thời phát hiện, biểu dương và tôn vinh.

Nhiều gương người tốt, việc tốt của người dân trở thành nguồn cảm hứng, động lực cho cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Mỗi người, mỗi ngành nghề, mỗi lứa tuổi khác nhau, từ ông chủ quán ăn, người thợ may, anh xe ôm đến công nhân, viên chức. Bằng những việc làm tử tế và tình yêu thương chân thành, họ đã lan tỏa lối sống đẹp, năng lượng tích cực.

"Đó là những chuyển biến tích cực trong nhận thức người dân. Mỗi người Hà Nội đều có ý thức trách nhiệm không chỉ xây dựng lối sống đẹp mà còn lan tỏa lối sống đó ra cộng đồng. Những câu chuyện sống đẹp, tử tế, những "người hùng" mà ta gặp hàng ngày... cũng chính là kết quả nỗ lực của hàng loạt các giải pháp mà Hà Nội triển khai trong thời gian qua về việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận", nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nhận định.

Sống đẹp ở Thủ đô (kỳ cuối): Lan tỏa việc tử tế, cách làm hay - 1

Nhà nghiên cứu văn hóa - Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo bà Hồng, lối sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung là một trong những nội dung làm nên hình ảnh, đặc trưng của văn hóa quốc gia trong bối cảnh hội nhập thế giới.

Nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội qua hàng trăm năm liên tục được kế thừa và sáng tạo. Người Hà Nội xưa tinh tế, nhẹ nhàng, lịch thiệp, có những biểu hiện mang tính chiều sâu. Người Hà Nội ngày nay vẫn giữ nguyên những giá trị, vẻ đẹp đó, nhưng bồi đắp thêm những giá trị mới, như tính năng động, chủ động, sáng tạo.

"Như vậy, người Hà Nội hôm nay vừa truyền thống vừa rất hiện đại trong từng cách nghĩ, cách ăn, cách mặc, cách hành xử, vừa kiến tạo môi trường đô thị đầy sáng tạo và rất thông minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực…", bà Hồng cho hay.

Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.

Theo bà Hồng, sự nghiệp phát triển thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" Hà Nội đang có sự thay đổi trong nhận thức và cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức các hoạt động văn hóa.

Trong đó, các cấp chính quyền đã đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển thủ đô nhanh, bền vững.

"Hà Nội ngày càng khởi sắc, đời sống văn hóa của người dân được nâng cao. Rõ ràng, chúng ta ghi nhận công sức rất lớn của Thành ủy Hà Nội và các ban, ngành", Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nói.

Sống đẹp ở Thủ đô (kỳ cuối): Lan tỏa việc tử tế, cách làm hay - 2

Nữ chuyên gia nhắc lại ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".

Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện niềm tin, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Theo bà Hồng, xây dựng văn hóa Hà Nội có ý nghĩa quan trọng. Là thành phố vì hòa bình, Hà Nội phải có trách nhiệm gìn giữ những chuẩn mực, giá trị văn hóa truyền thống để thế hệ trẻ tiếp thu trên cơ sở biến đổi phù hợp và sáng tạo.

"Trong thời đại hiện nay, nếu chúng ta không có bản sắc đặc trưng, yếu tố riêng biệt, hệ giá trị văn hóa, thì rất dễ bị hòa tan. Để hòa nhập nhưng không hòa tan, để văn hóa thực sự trở thành quyền lực mềm, thì việc xây dựng hình ảnh văn hóa Hà Nội thanh lịch, văn minh là điều rất cần thiết.

Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị không chỉ tạo ra môi trường văn hóa, bộ mặt văn hóa cho đô thị mà còn góp phần xây dựng con người mới với tác phong và cốt cách văn minh, hiện đại. Ở điểm nhìn khác, nếu không có nếp sống văn hóa - văn minh sẽ không có những con người văn hóa - văn minh và cũng sẽ không có một Hà Nội trật tự, văn minh, hiện đại", bà Hồng nhấn mạnh.

"Mỗi người Hà Nội văn minh, thanh lịch"

Năm 2017, khi UBND TP Hà Nội ban hành "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố", một số người hoài nghi về tính khả thi của chương trình.

"Nhưng tôi nhận ra những quy tắc ứng xử này là tiền đề xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Dù ban đầu, có người lo ngại bộ quy tắc ứng xử chỉ mang tính hình thức, phong trào, nhưng rõ ràng trên thực tế nó đã có tính định hướng, dẫn dắt và gợi mở rất quan trọng cho người dân cách ứng xử đúng đắn.

Sự chuyển biến ấy chúng ta có thể nhìn thấy hàng ngày bằng những tấm gương người tốt, việc tốt; trong thiên tai, hỏa hoạn... xuất hiện nhiều người hùng không màng cả tính mạng của mình để giúp đỡ mọi người; trong ứng xử giao tiếp giữa người bán hàng với người mua đều văn minh, lịch sự... ", PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.

Sống đẹp ở Thủ đô (kỳ cuối): Lan tỏa việc tử tế, cách làm hay - 3

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ấn tượng đầu tiên của ông Đức về người Hà Nội văn minh, là cách họ nói chuyện nhỏ nhẹ, từ tốn mà rất tinh tế. Nét thanh lịch của người Hà Nội còn thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong ứng xử, văn hóa, ẩm thực và lễ hội.

Theo chuyên gia, trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, người Hà Nội đã kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, phẩm chất thanh lịch, tinh tế.

"Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch là vấn đề vừa cấp thiết vừa lâu dài trong bối cảnh hội nhập quốc tế", ông Đức nói.

Chuyên gia nhấn mạnh Hà Nội là trái tim của Việt Nam, kết tinh văn hóa của cả đất nước, nên cần thiết xây dựng lối sống văn minh và thanh lịch "có tầm vóc cao hơn các địa phương khác". Chính người Hà Nội cần tiên phong sống đẹp, sống tích cực, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho chính bản thân và lan tỏa đến cộng đồng.

Sống đẹp ở Thủ đô (kỳ cuối): Lan tỏa việc tử tế, cách làm hay - 4

(Ảnh minh họa: Trần Đức Hạnh).

Để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững Thủ đô, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng cần có một lộ trình tư duy khoa học, quản lý theo hướng bền vững thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ông Đức đánh giá việc Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" là một hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Nội.

Cấp lãnh đạo của Thủ đô luôn nhận thức đúng đắn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Hà Nội là nơi tập trung tinh hoa của dân tộc, cũng là nơi đi đầu cho sự giao lưu tiếp biến văn hóa với nước ngoài. 

"Nhiệm vụ nào trong Chỉ thị cũng rất quan trọng và cần thực hiện đồng bộ tất cả giải giáp để có những chuyển biến thực sự. Tuy nhiên, nên bắt đầu từ những việc nhỏ, có thể thực hiện được bởi từng người. Mỗi người dân bình thường đều có thể trở thành người Hà Nội văn minh, thanh lịch", ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng, thay đổi thói quen ứng xử của người dân không phải là câu chuyện một sớm một chiều, các cơ quan chức năng cần bền bỉ, kiên trì với nhiều giải pháp.

"Muốn giữ được nền nếp văn hóa, lối sống văn minh phải xây dựng từ nền tảng gia đình. Trong đó, chúng ta cần đẩy mạnh việc bồi dưỡng, giáo dục ý thức thế hệ trẻ; có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn, hành vi bạo lực, tôn vinh các giá trị truyền thống dân tộc. Ngoài ra, theo tôi cần tích cực lan tỏa cái đẹp, việc làm tử tế, tích cực, phê phán cái xấu, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa - văn minh", ông Đức nói.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh không chỉ cần sự nỗ lực của người dân mà cán bộ,  lãnh đạo, quản lý cũng phải gương mẫu thực hành văn hóa để trở thành tấm gương chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng.