Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 3): Ra ngõ gặp anh hùng!
(Dân trí) - Nhóm thanh niên lao vào "biển lửa" cứu người, tài xế cứu gia đình rơi xuống vực sâu hay những người xa lạ chung tay giúp đỡ hai mẹ con ở bến xe. Họ đều là những "người hùng" thầm lặng trong cuộc sống.
"Sống đẹp ở Hà Nội" là tuyến bài kể về những câu chuyện đời thường trong nhịp sống hiện đại ở Thủ đô.
Mỗi người ở các ngành nghề lứa tuổi khác nhau: Từ ông chủ quán ăn, người thợ may, anh xe ôm đến những công nhân, viên chức… bằng những việc làm tử tế, và tình yêu thương chân thành, họ đã lan tỏa lối sống đẹp, năng lượng tích cực đến cộng đồng. Qua đó, góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, năng động.
"Ai cũng có thể trở thành người hùng"
"Người hùng" không chỉ là người lao vào trong lửa đỏ cứu người, mà có thể là những người bình thường đang làm những công việc bình thường với chất liệu thương yêu, hiểu biết.
Có người từng nói "ai cũng có thể trở thành người hùng", mà những "người hùng" đều gặp nhau ở điểm chung: Thấy người ta đau khổ, thấy cái chết trước mắt, họ không thể làm ngơ.
"Ở Hà Nội, ra ngõ gặp anh hùng", là khi nhóm thanh niên lao vào "biển lửa" cứu người, tài xế cứu gia đình rơi xuống vực sâu hay những người xa lạ chung tay giúp đỡ hai mẹ con ở bến xe.
Giữa giây phút cận kề sinh tử, luôn có những "người hùng thầm lặng" xuất hiện dù chẳng hề khoác lên mình tấm áo choàng. Với họ, giúp người không phải là trách nhiệm mà là lựa chọn, và họ lựa chọn "gieo" tình thương để lan tỏa tình thương trong xã hội.
Một buổi sáng cuối tháng 5, một "người hùng thầm lặng" như thế đã xuất hiện giữa đám cháy nhà riêng ở quận Hà Đông (Hà Nội).
Người đàn ông nhảy lên mái nhà cấp 4, trèo lên khung sắt, đập ban công rồi cõng người thoát nạn. Sau khi cứu người thành công, anh nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Đoạn video ghi lại toàn bộ sự việc được lan truyền trên mạng xã hội, dư luận sục sôi tìm kiếm thông tin, gọi anh là "người hùng bí ẩn".
Sau nửa ngày, "người hùng" Lèng Văn Bằng (39 tuổi, ở Hoài Đức), vẫn chiếc áo sơ mi trắng ám khói đen chưa kịp thay, hai bàn tay bị bỏng nhẹ đã được sơ cứu, đang làm việc tại một công ty trên đường Liễu Giai (quận Ba Đình).
Câu đầu tiên anh nói: "Tôi không muốn làm người hùng, quan trọng nhất là cứu người thôi".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Bằng kể sáng 30/5 trên đường đi làm, thấy hai người vẫy tay kêu cứu từ ban công ngôi nhà ba tầng nằm sâu trong ngõ ở khu Ba La (phường Phú Lương, quận Hà Đông).
Ngọn lửa bùng lên nhanh từ tầng một, cột khói đen bốc cao hàng chục mét gần như "nuốt trọn" căn nhà. Phía trước ban công bị bịt kín bằng khung sắt.
Anh Bằng ném cục gạch lên mái nhà cấp bốn bên cạnh để thử độ chắc chắn rồi đội mũ bảo hiểm, nhảy lên.
Từ vị trí này, anh trèo lên khung sắt của ban công tầng hai, một tay bám vào dây chống sét, tay còn lại dùng đá đập liên tiếp vào lan hoa bằng sứ (con tiện) ở ban công tầng 3, tạo thành một lỗ hổng lớn đủ cho các nạn nhân chui qua.
Anh cõng một nạn nhân từ tầng 3 xuống đất, rồi sau đó leo lên "giải cứu" thêm một nạn nhân khác theo lối cũ.
"Cứu xong hai cô gái, tôi gọi xem phía trong nhà còn ai không thì không thấy tiếng đáp lại. Tôi nghĩ rằng lúc đó đã hết người và cũng không muốn ai để ý tới mình nên rời đi luôn", anh Bằng nói.
UBND quận Hà Đông tổ chức khen thưởng anh Bằng vì hành động dũng cảm cứu người trong đám cháy. Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH báo cáo đã cứu được 3 người khác trong sự cố trên.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, trưởng Công an quận Hà Đông, đánh giá anh Lèng Văn Bằng đã không màng hiểm nguy, lao vào đám cháy để cứu người, để lại những hình ảnh rất đẹp trong lòng người dân.
Không chỉ mỗi vụ cháy ở Hà Đông mới có những "người hùng" xuất hiện. Giữa lúc đám cháy lan nhanh vào rạng sáng 24/5 ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy), trong lằn ranh sinh tử, bốn thanh niên gồm Phạm Quốc Luật, Nguyễn Kim Long, Hoàng Anh Tuấn và Đồng Văn Tuấn đã nhanh trí, dũng cảm sử dụng thang leo lên tầng cao, dùng búa tạ đập tường, kịp thời giải cứu các nạn nhân.
Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ khiến 56 người tử vong hồi tháng 9/2023 cũng ghi nhận hình ảnh lấm lem của anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội cứu hộ FAS Angel (đội cứu hộ 0 đồng, gồm những tài xế xe ôm công nghệ).
50 tình nguyện viên của FAS Angel xuyên đêm, thay phiên nhau cùng lực lượng chức năng đến từng căn phòng tìm kiếm dấu hiệu sự sống.
Đội tranh thủ thời gian vàng đến từng căn phòng tại chung cư để tìm kiếm người sống sót bị mắc kẹt. Các thành viên mặc áo dạ quang màu cam, bịt khẩu trang, khăn ướt, nhanh chóng lao vào bên trong tòa nhà. Họ mang theo bình oxy, bóng thở, các dụng cụ chuyên dụng nhằm hỗ trợ các nạn nhân bị ngạt thở.
Một số thành viên hít phải khói độc, khuôn mặt ám khói, sau đó nhanh chóng ổn định tinh thần. Đội đã giải cứu 12 người dân, đưa họ đến các bệnh viện cấp cứu, đồng thời hỗ trợ chuyển thi thể các nạn nhân xấu số đến các nhà tang lễ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Việt cho hay, sau 4 năm thành lập đội cứu hộ của anh đã hỗ trợ 16.000 vụ tai nạn. Mục tiêu quan trọng nhất của họ là cứu người hiệu quả và nhanh nhất có thể, giúp người dân có cơ hội sống dù là mong manh nhất.
Tài xế cứu gia đình lao xuống vực Tam Đảo
Không chỉ trong những vụ hỏa hoạn, những "người hùng" thầm lặng còn xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Họ vốn là những người bình thường, không ai biết họ là "người hùng", cho đến khi họ lao vào hiểm nguy để cứu người.
Tài xế Nguyễn Xuân Chiến (24 tuổi, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là một ví dụ. Trưa 30/6, trên đường từ Tam Đảo về Hà Nội, anh Chiến trông thấy người dân tập trung đông đúc bên đường, có người vẫy xe ra tín hiệu xin đi nhờ.
"Khi dừng xe, tôi mới biết có gia đình gặp nạn, nghi do xe máy mất phanh, lao xuống vực sâu ở Tam Đảo", anh Chiến kể lại với phóng viên Dân trí.
Gia đình gặp nạn có 4 người, gồm vợ chồng và 2 con gái (4 và 6 tuổi). Người chồng ngã xuống vực sâu khoảng 10m, đầu chảy máu, ngất xỉu, được người dân dùng thang cứu lên. Vợ và hai con gái được một cây thông che chắn nên tình trạng nhẹ hơn.
Người vợ tên T., 33 tuổi, ở Vĩnh Phúc, cho biết cả gia đình đi từ trên đỉnh núi xuống, không may xe máy lao xuống vực, được người dân giúp đỡ. Nhiều ô tô đi ngang qua, nhưng chỉ có anh Chiến dừng lại hỗ trợ.
"Trong tình thế nguy cấp, tôi nhận thấy đây là việc cần làm nên không nghĩ ngợi nhiều", anh Chiến nhớ lại.
Nam tài xế hô hoán người dân đưa các nạn nhân lên xe rồi hỏi đường đến Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo.
Suốt chặng đường, người chồng tỉnh táo song vô cùng đau đớn do mất máu nhiều, liên tục ôm vùng bụng. Người vợ ngồi phía sau, lo lắng khi con gái lớn khóc kêu đau, bé nhỏ đã bất tỉnh.
Được lực lượng chức năng dẫn đường, anh Chiến chở các nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo chỉ trong 10 phút. Suốt đường đi, anh liên tục động viên họ.
Nghe bác sĩ thông báo vợ chồng chị T. và hai con đều an toàn, anh Chiến mới tiếp tục hành trình. Hôm sau, anh gọi điện hỏi thăm, mong gia đình nạn nhân bình an.
"Mỗi khi thấy người gặp nạn, tôi không lo sợ, chỉ muốn giúp đỡ và cứu người, mong mọi người bình an", anh nói.
Lòng tốt của những người xa lạ
"Ai cũng có thể trở thành người hùng" khi trong cộng đồng, những người xa lạ vô tình kết nối, sẵn sàng giúp đỡ những người lâm vào cảnh khó khăn.
Câu chuyện mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa (54 tuổi) từ Quảng Bình lên Hà Nội tìm việc, được hai người đàn ông xa lạ cùng chung tay giúp đỡ, một lần nữa khẳng định "người hùng" tồn tại xung quanh chúng ta.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Hoa nhớ lại, đầu tháng 6, mình đưa con gái Nguyễn Thị Hồng Thúy (17 tuổi) và cháu gái Nguyễn Thị Hoàng Anh (16 tuổi) ra Hà Nội tìm việc làm thêm trong hai tháng nghỉ hè, nhưng cả ngày vẫn chưa có nơi nhận.
Đến tối muộn, trời bắt đầu mưa, người mẹ dẫn con và cháu gái lang thang khắp phố phường, định ngủ nhờ trong Bến xe Mỹ Đình chờ trời sáng tiếp tục tìm việc.
Trên đường ra bến xe, họ bắt gặp anh Vũ Trường Định vừa tan làm. Bà Hoa loay hoay hỏi người đàn ông đường ra bến xe Mỹ Đình. Qua trò chuyện, anh Định biết hai cô gái uống chung một chai nước, người mẹ chưa ăn gì để tiết kiệm tiền.
"Tôi biết 3 người bắt xe từ Quảng Bình ra Hà Nội xin việc làm quán bia, nhà hàng nhưng cả ngày không xin được, còn chưa ăn gì. Tôi đưa họ đi ăn rồi tính tiếp", anh cho hay.
Anh Định chủ động đề nghị hỗ trợ tiền, chi phí để 3 người về lại Quảng Bình. Tuy nhiên, họ vẫn muốn ở lại Hà Nội tìm việc, để có thể chi trả tiền ăn uống, sinh hoạt, chứ không về quê.
Thấy vậy, anh đăng bài "hỗ trợ việc làm khẩn cấp" lên một hội nhóm đông thành viên. Bài viết nhanh chóng thu hút hơn 5.000 lượt yêu thích, hàng trăm bình luận "việc làm phù hợp".
Sau khi chọn lọc thông tin, người đàn ông chở bà Hoa và 2 nữ sinh đến nhà hàng của anh Lưu Hoàng Huy (33 tuổi) ở quận Hai Bà Trưng.
"Nhà hàng không đến mức thiếu nhân viên nhưng thấy thương cho hoàn cảnh 3 mẹ con, dì cháu, nên tôi sẵn sàng hỗ trợ", anh Huy nói.
Chia sẻ với Dân trí, chủ nhà hàng cho hay luôn thấu hiểu và xót thương hoàn cảnh của những người từ quê lên Hà Nội tìm việc, sợ họ bị các bên môi giới lừa đảo. Anh gọi anh Định "chở 3 mẹ con sang nhà hàng, cam kết hỗ trợ hết mình".
Anh Huy bố trí phòng trọ để hai chị em Hồng Thúy sống cùng các nhân viên khác. Mỗi phòng gồm 2-3 người, được bao tiền ăn, cách chỗ làm một đoạn.
Nghe Thúy trình bày nguyện vọng làm thêm trong 2 tháng hè giúp đỡ gia đình, chủ nhà hàng sắp xếp hai chị em phụ bếp như nhặt rau, quét nhà - những công việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật. Hai bên thỏa thuận mức lương, thưởng hỗ trợ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng/người.
Trước khi rời đi, anh Định gửi tặng bà Hoa 2 triệu đồng, mỗi nữ sinh 500.000 đồng. Gia đình không muốn nhận nhưng anh dọa "không lấy thì không giúp xin việc nữa". Người mẹ khóc nghẹn, nhận khoản tiền và nói lời cảm ơn.
Bà Hoa ngủ lại với con và cháu gái một đêm. Sáng hôm sau, anh Huy cho nhân viên đưa bà ra bến xe trở về Quảng Bình.
Hai chị em Hồng Thúy bắt đầu làm việc từ sáng 11/6, được chủ nhà hàng nhận xét chăm chỉ. Nghe anh Huy động viên, Thúy nói "đã dần hòa nhập, cố gắng làm việc thật tốt".
Trở về quê, bà Hoa giữ liên lạc với chủ nhà hàng để theo dõi tình hình con và cháu gái. Mỗi ngày, bà gọi điện cho con gái để hỏi thăm sức khỏe, công việc và cuộc sống.
Anh Định và anh Huy đều cảm thấy vui và bất ngờ khi làm được một việc tốt, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhờ sự chung tay của cộng đồng.
"Tôi không ngờ câu chuyện được mọi người lan tỏa và đón nhận như thế. Bản thân tôi ngưỡng mộ lòng tốt của anh Định - người bỏ công bỏ việc quyết giúp đỡ mẹ con chị Hoa đến cùng", chủ nhà hàng chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Bài 4: Tình người trong Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng