Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 4): Tình người trong Lễ Quốc tang
(Dân trí) - Ông Hùng cho biết, bản thân rất bất ngờ khi câu chuyện tặng quạt được nhiều người quan tâm. Song ông cho rằng, đó chỉ là việc làm rất nhỏ mà ai ở trong trường hợp tương tự cũng hành động như vậy.
"Sống đẹp ở Hà Nội" là tuyến bài kể về những câu chuyện đời thường trong nhịp sống hiện đại ở Thủ đô.
Mỗi người ở các ngành nghề lứa tuổi khác nhau: Từ ông chủ quán ăn, người thợ may, anh xe ôm đến những công nhân, viên chức… bằng những việc làm tử tế, và tình yêu thương chân thành, họ đã lan tỏa lối sống đẹp, năng lượng tích cực đến cộng đồng. Qua đó, góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, năng động.
Việc rất nhỏ, ai cũng có thể làm
8h30 sáng, ông Nguyễn Trọng Hùng (60 tuổi, ở 27 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tất bật dọn hàng để chuẩn bị đón khách. Cửa hàng mỹ phẩm Hùng Hường của ông nằm trên con phố sầm uất của Thủ đô nơi có hàng cây sao đen hơn trăm năm tuổi nổi tiếng.
Cửa hàng có tuổi đời gần 20 năm, từ sáng khách đã ra vào nườm nượp. Không ít khách nhận ra ông Hùng - nhân vật trong bài viết của báo Dân trí - người đã tặng người dân cả nghìn chiếc quạt mini cầm tay trong Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngay sau khi bài viết về hành động đẹp của gia đình ông Hùng được báo Dân trí đăng tải, nhiều diễn đàn, người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các hình ảnh, thông tin và dành "cơn mưa" lời khen cho gia đình ông Hùng.
Chia sẻ với Dân trí, ông Hùng cho biết, bản thân rất bất ngờ khi câu chuyện của mình được quan tâm. Tuy nhiên, người đàn ông này cho rằng, đó chỉ là việc làm rất nhỏ mà ai ở trong trường hợp tương tự cũng hành động như vậy.
Nhắc lại buổi tối diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 25/7, ông Hùng cho biết, khoảng hơn 18h, sau khi dùng bữa tối, ông thấy con phố trước nhà ngày một đông đúc.
Dòng người xếp hàng vào viếng mới đầu chỉ tập trung gần cổng Nhà tang lễ quốc gia đến lúc ấy đã kéo dài tới cửa nhà ông.
Câu chuyện tặng quạt của gia đình ông Hùng được lan tỏa trên mạng, nhiều bạn trẻ đã lấy cảm hứng từ hành động đẹp này để sáng tạo ra những bức ảnh về tình người.
Người đông, trời thì oi nóng, nhiều người vào nhà ông Hùng hỏi mua quạt giấy, nước uống. Tuy nhiên, vì chỉ bán chủ yếu mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc tóc nên ông Hùng không có mặt hàng mọi người đang cần.
Giải quyết tình thế trước mắt, ông Hùng đem hết số quạt cây có trong nhà ra đặt trên vỉa hè rồi mở số to nhất hướng ra đường để quạt cho người dân đang xếp hàng.
Ông cũng sai nhân viên đi mua 10 thùng nước để phát miễn phí cho mọi người. Tận dụng những thùng carton đựng hàng, ông cùng vợ và các nhân viên chia nhau cắt thành từng miếng vuông để làm quạt tự chế.
Một lúc sau, ông nghĩ đến hàng chục thùng quạt cầm tay mới nhập cách đó không lâu. Ông bàn bạc cùng vợ và quyết định cho nhân viên mang hết các thùng quạt từ kho ra vỉa hè, ngồi kiểm tra, lau sạch từng chiếc rồi đem tặng cho đoàn người vào viếng.
Nghe bố nói sẽ tặng miễn phí cho khách những chiếc quạt thường ngày bán với giá 15.000 đồng/chiếc, Thanh Tú khá bất ngờ. Tuy nhiên, cô gái trẻ nhanh chóng hiểu được quyết định của bố mẹ.
"Thường ngày, bố mẹ tôi vẫn có những hoạt động thiện nguyện giúp đỡ mọi người, đặc biệt là các bệnh nhân khó khăn qua các bữa ăn. Chỉ là lần này, hình thức hơi khác một chút", Thanh Tú, con gái lớn của ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho biết, bản thân rất xúc động khi nhìn những đoàn người xếp hàng kiên trì chờ đợi đến lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tối hôm đó, ông và vợ cũng dự định vào Nhà tang lễ, tuy nhiên, khi thấy mọi người xếp hàng giữa trời oi nóng, cả hai đã huy động mọi nhân lực trong nhà ra phát nước, phát quạt.
Mỗi người đi qua cửa nhà ông Hùng có thể chỉ hưởng chút gió mát trong vài ba phút nhưng dường như ai cũng cảm nhận được tình cảm và sự nhiệt tình của gia đình chủ hàng mỹ phẩm trên con phố nhỏ Hà thành.
Trở về với cuộc sống đời thường, hành động đẹp của gia đình ông Hùng vẫn được nhiều người nhắc tới.
Khi được hỏi về cảm xúc của mình tối hôm ấy, ông Hùng nói: "Chiếc quạt dù không quá mát nhưng cũng làm dịu bớt sự ngột ngạt cho mọi người. Giúp được ai dù là việc nhỏ chúng tôi cũng thấy rất vui".
Là người trực tiếp trao tay khoảng 1.300 chiếc quạt cho người dân xếp hàng vào viếng, Thanh Tú cảm thấy rất bất ngờ khi hình ảnh của bản thân được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội.
Từ câu chuyện của gia đình Tú, nhiều người chia sẻ rằng họ hiểu thêm về tình yêu nước, tinh thần đoàn kết của người Việt.
Đặc biệt, một số lại bày tỏ rằng, từng có những ý kiến phân biệt về người vùng này vùng kia, nhưng qua những hành động đẹp như của gia đình ông Hùng, họ cảm nhận rõ hơn về sự thân thiện, tình yêu thương chân thành của những người dân sống ở Thủ đô.
Ấm lòng tình người trong đêm dài
Sống cách nhà ông Nguyễn Trọng Hùng không xa, anh Nguyễn An (ở ngõ 1, Hàng Chuối) cùng hàng xóm trong khu phố cũng có những hành động thiết thực giúp đỡ người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đêm 25/7, anh An đã làm hàng trăm chiếc quạt tự chế tặng người dân. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh An cho hay: "Nhà tôi làm nghề may, có những tấm bìa dùng để cuộn vải tôi chưa dùng tới nên tôi đem ra làm quạt tặng người dân. Tôi sẽ mua tấm khác để dùng khi cần".
Giữa tiết trời 37-38 độ C, chiếc quạt tự chế của anh An dù nhỏ bé nhưng mang thật nhiều sự quan tâm, chia sẻ.
Anh An cắt giấy bìa cứng phục vụ cho công việc hàng ngày để làm quạt tự chế.
Cách điểm kiểm soát an ninh vào Nhà tang lễ Quốc gia khoảng 1km, anh Tuấn - chị Vân (số 16, Hàng Chuối) cũng đã kéo quạt của gia đình ra để phục vụ người dân.
"Tôi rất xúc động trước tình cảm của mọi người dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi hy vọng chút hỗ trợ của mình có thể giúp bày tỏ được lòng thành với ông", anh Tuấn nói.
Cũng trong buổi tối hôm ấy, trên những con phố đổ về Nhà tang lễ Quốc gia, nhiều bình nước lớn, cùng cốc giấy sạch sẽ và rất nhiều ghế nhựa đã được những người sống ở phố Lò Đúc, Hàng Chuối, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tông… xếp trên vỉa hè phục vụ miễn phí người dân. Nhiều gia đình cũng mở cửa đến đêm để người đến viếng có thể sử dụng nhà vệ sinh hoặc nghỉ chân khi cần.
Nhiều cửa hàng còn đóng cửa muộn hơn thường lệ để mua nước, mở quạt tiếp sức cho đoàn người chờ vào viếng.
Đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng hai người bạn, Hồ Văn Tài (26 tuổi, ở Lào Cai) không kịp chuẩn bị nước uống hay quạt. Tuy vậy, chàng trai nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ những người dân Thủ đô sống gần khu vực Nhà tang lễ.
"Tôi đi từ đêm hôm trước xuống Hà Nội, chờ đến chiều tối để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đi qua phố Hàng Chuối, tôi được phát quạt, mời uống nước miễn phí. Hành động này khiến tôi cảm thấy rất ấm áp", Tài kể về kỷ niệm lần đầu tới Hà Nội.
Thấy dòng người xếp hàng đông đúc, vất vả các bạn trẻ là thành viên của Câu lạc bộ Tình nguyện viên Thủ đô cũng dùng những chiếc quạt giấy liên tục quạt mát cho mọi người.
Nguyễn Văn Bình (sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia) cho biết, các thành viên trong đội tình nguyện được chia thành 6 nhóm. Họ chủ yếu là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, cũng có những người đã đi làm tham gia.
Ngoài việc cung cấp nước uống, đồ ăn nhẹ, quạt giấy, mũ, áo mưa... đến tận tay người dân, các tình nguyện viên như Bình sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tham gia phân làn, phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, giữ vệ sinh môi trường. Họ cũng hướng dẫn các đoàn và người dân gửi phương tiện di chuyển khi đến viếng.
Hành động đẹp được lan tỏa
Chứng kiến hành động của những người dân sinh sống trên các tuyến phố gần Nhà tang lễ Quốc gia, cảnh tượng người dân xếp hàng vào viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cảm thấy vô cùng xúc động.
Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, tình cảm mà người dân dành cho Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và tình cảm người dân dành cho nhau khi ấy hoàn toàn có thể lý giải được.
"Thứ nhất là người Việt Nam luôn có sẵn niềm tự hào với đất nước, dân tộc mình. Thứ hai là bởi, người Việt Nam thường biểu thị tình cảm sâu sắc với những nhà lãnh đạo xuất sắc.
Không chỉ là một người có tư tưởng có tầm nhìn chiến lược, mà ngoài đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất bình dị, khiêm tốn, chân thành, gần gũi cấp dưới, sâu sát thực tế, gắn bó với nhân dân và luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng. Điều này đã tạo ra một ấn tượng rất sâu sắc đối với người dân.
Trong lễ Quốc tang, tình cảm của người dân được lan tỏa, được nhân lên chính là hiệu ứng từ tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đem lại. Đây là những tác động tích cực cho tình cảm của người dân đối với đất nước, đối với Đảng và nhất là với khối đại đoàn kết toàn dân tộc", GS Vũ Minh Giang nói.
Những hình ảnh đậm tình người trong Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cũng theo vị giáo sư này, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tổn thất to lớn với toàn dân tộc. Nhưng ở một khía cạnh khác, nó tạo ra sự lan tỏa tình cảm của người dân Việt Nam, tinh thần đoàn kết được tăng lên.
Những hình ảnh, hành động thấm đẫm tình người của người dân Thủ đô cũng nhờ thế được lan tỏa và tạo nên cái nhìn thân thiện với cộng đồng, đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh thời đã nói: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng".
Ảnh: Phạm Hồng Hạnh