PhotoStory

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở "treo" cho người nghèo

Thực hiện: Minh Nhân

(Dân trí) - Trong một tháng qua, nhiều người bán hàng rong, hoàn cảnh khó khăn tìm đến một quán phở ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để thưởng thức những bát phở "treo" đầy đặn, miễn phí.

"Sống đẹp ở Hà Nội" là tuyến bài kể về những câu chuyện đời thường trong nhịp sống hiện đại ở Thủ đô.

Mỗi người ở các ngành nghề lứa tuổi khác nhau: Từ ông chủ quán ăn, người thợ may, anh xe ôm đến những công nhân, viên chức… bằng những việc làm tử tế, và tình yêu thương chân thành, họ đã lan tỏa lối sống đẹp, năng lượng tích cực đến cộng đồng. Qua đó, góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, năng động.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 1

Hơn 8h, bà Lê Thị Thành (73 tuổi, trọ ở phố Trần Quý Cáp) đến quán phở trên phố Bảo Khánh (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ăn phở "treo". Đây là lần thứ 3 người phụ nữ bán hàng rong được phục vụ suất phở đầy đặn miễn phí tại quán. 

"Tôi được chủ quán mời vào, giải thích đây là suất phở "treo" được khách gửi tặng người khó khăn nên mới dám ăn", bà nói. 

Bà Thành quê ở Thanh Hóa, chồng mất sớm. Bà lên Hà Nội bán hàng rong được 10 năm để phụ giúp con cái. Mỗi ngày, bà kiếm được 50.000-100.000 đồng, chỉ dám ăn suất xôi 5.000 đồng hoặc cơm trưa 10.000-15.000 đồng. 

Từ ngày biết đến phở "treo", cụ bà hạnh phúc khi được những người lạ mời vào ăn, biết đến hương vị món ăn mà theo bà là "xa xỉ".

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 2

30 phút sau, hai người phụ nữ lớn tuổi khác đến quán chờ phở "treo". Những bát phở "treo" giống những suất thông thường, được phục vụ tận tình cho những thực khách đặc biệt. 

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 3

Theo định nghĩa gần gũi, phở "treo" là hình thức từ thiện bằng cách khách đến ăn phở và trả tiền thêm một hoặc nhiều bát phở khác. Quán sẽ dành suất phở này cho người khó khăn trong cộng đồng.

Đây được xem là hình thức thiện nguyện gián tiếp, quán là cầu nối giữa người cho và người nhận.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 4

Chủ quán Phan Lệ (47 tuổi) cho biết từng xem một chương trình của Ý về cà phê "treo", táo "treo", gần đây nhất là mô hình cơm "treo" ở TPHCM. 

Trước đây, chị Lệ thường tặng những suất cơm, phở, cháo miễn phí tại các bệnh viện, vùng sâu vùng xa. Một tháng gần đây, chị bắt đầu "treo" phở tại quán, để những người khó khăn không cảm thấy ngại hay sợ quán thua lỗ mỗi khi đến ăn. 

Để có lượng suất phở ổn định, quán tự treo 30 bát mỗi ngày, được trích từ doanh thu của quán. Các thực khách muốn phát tâm "treo" phở sẽ bắt đầu đánh số từ 31. 

Sau gần một tháng, chị Lệ cho biết quán đã gửi được gần 20 suất phở "treo" đến những người có hoàn cảnh khó khăn.

Số lượng khách "treo" phở cũng tùy ngày, có ngày một, hai suất, nhưng cũng có ngày đến 10 suất. Đặc biệt, số tiền khách gửi lại tùy tâm, có thể bằng giá một bát phở hoặc ít hơn, nhưng quán cam kết chuẩn bị phần ăn đầy đủ, chất lượng.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 5
Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 6
Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 7

Những người đến quán phở "treo" chủ yếu là người già, người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, lang thang cơ nhỡ, đánh giày.

"Bất kể ai muốn ăn phở treo, thậm chí là người trẻ, chúng tôi đều hỗ trợ. Bởi rất nhiều người gặp khó khăn, muốn đi làm kiếm tiền, nhưng không phải ai cũng có thể làm ngay", chị Lệ nói. 

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 8

Chủ quán cho hay từng trải qua giai đoạn khó khăn, nên hiểu được nỗi lòng của những người không may rơi vào hoàn cảnh éo le. 

Theo chị, nhiều người nghĩ tặng một bát phở, suất cơm là hành động nhỏ nhưng với người khó khăn thì rất "ấm lòng".

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 9

Trong bữa sáng, chị Lê Quỳnh Ngọc (45 tuổi, ở Sơn La) vô tình nghe được câu chuyện phở "treo" nên quyết định cùng con trai 10 tuổi "treo" 2 bát phở tại quán. 

"Đây là lần đầu hai mẹ con trải nghiệm "treo" phở, cũng là cách tôi dạy con chia sẻ với những người khó khăn từ những điều nhỏ nhất", chị nói. 

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 10

Vừa ăn xong phở, người phụ nữ gần 70 tuổi đứng dậy tính thanh toán, được chủ quán giải thích về mô hình phở "treo". Bà nói lời cảm ơn về bát phở ngon, sau lấy điện thoại gọi cho bạn bè cùng đi bán hàng rong để giới thiệu về phở treo, dặn ai tiện có thể ghé qua. 

Nói xong, bà khệ nệ ôm túi đồ, chuẩn bị rong ruổi khắp Hà Nội mưu sinh.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 11

Bà Nguyễn Thị Ngoạt (70 tuổi, ở Thanh Trì) làm quét dọn vệ sinh thời vụ, mỗi ngày đều đạp xe 10km lên phố cổ làm việc, chỉ dám ăn bánh mì, nắm xôi. Ngày công của bà dao động 50.000 - 100.000 đồng, thỉnh thoảng mới dám tự thưởng bát phở 30.000 đồng. 

Khi được nhân viên mời vào ăn phở "treo", ban đầu bà Ngoạt hơi nghi ngại, sợ phở trên phố sẽ đắt tiền. 

"Được nghe giải thích, tôi mới yên tâm ngồi ăn. Bát phở nhiều thịt, rất ngon. Cảm ơn mọi người đã nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn", bà cười. 

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 1): Độc đáo phở treo cho người nghèo - 12

Chị Lệ cho biết sẽ duy trì mô hình phở "treo" lâu dài, bởi theo chị "bớt đi hay thêm vài bát phở cũng không thể giàu lên hay nghèo đi".

"Tôi hi vọng mô hình được nhân rộng, các cửa hàng khác cũng "treo" cơm, phở, cháo... giúp đỡ những người khó khăn. Nếu cuộc sống không từ thiện, không được chia sẻ thì thật vô nghĩa", nữ chủ quán nói. 

Bài 2: Lòng hiếu khách của người Hà Nội