DMagazine

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng

(Dân trí) - Cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 10km, làng chài Nam Ô nổi tiếng với những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời còn hiện hữu, cùng nghề làm mắm đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng là một làng chài cổ có tuổi đời hơn 700 năm, nằm dưới chân đèo Hải Vân, bên có sông Cu Đê, trước hướng biển, sở hữu cảnh quan thiên nhiên cùng những "báu vật" hiếm nơi nào có được.

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng - 1

Sáng sớm những ngày cận Tết, bà Huỳnh Thị Thà (55 tuổi, trú quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) lại í ới gọi "bạn mứt" chuẩn bị dụng cụ, tiến về gành đá Nam Ô để bắt đầu một ngày hái rong với đầy hy vọng. Trong màn đêm nhìn chưa rõ mặt người, ánh đèn pin đan chéo nhau thành vệt sáng. Người cầm vợt, người soi đèn rồi kéo nhau băng qua con đường mòn nằm cạnh vách núi, mò mẫm theo từng khối đá tiến ra biển.

Thủy triều rút cũng là lúc rong biển xuất hiện cho người dân Nam Ô khai thác. Rong biển được người dân làng Nam Ô gọi là mứt biển. Theo người dân địa phương, nhiều vùng biển trên cả nước cũng có món này. Tuy nhiên, vùng Nam Ô, mứt được cho là ngon nhất bởi từng được dùng tiến vua.

Mùa rong mứt bắt đầu từ tháng 10 đến cuối tháng 12 dương lịch. Từ bao đời nay, nếu như đi biển là nghề nuôi sống gia đình thì hái rong mứt cũng là một công việc cho họ thu nhập mùa vụ những ngày cận Tết.

Những người hành nghề hái rong mứt ở làng Nam Ô đa số là phụ nữ, độ tuổi 60-70. Tuy đã lớn tuổi nhưng hàng ngày họ vẫn cần mẫn dậy sớm để làm nghề. Hành trang để hái rong mứt khá đơn giản gồm vợt, túi đựng, đèn pin và miếng nhôm để cạo mứt ra khỏi đá.

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng - 3

Trong không gian tĩnh mịch, cơn sóng lớn bất ngờ ập đến, xô mạnh vào gành đá, bà Thà vội bám vào vách đá để chống chịu cơn sóng dữ đang muốn kéo bà xuống biển. Sóng tan, quần áo ướt sũng, gương mặt bà tái nhợt khi không tin mình vừa thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" trong gang tấc. Nhưng rồi không để cho tinh thần hoảng loạn, bà tiếp tục len lỏi qua những tảng đá, hái rong mứt.

Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, lúc hái rong mứt, người phải trụ vững, chân bám chặt, tay nhanh nhẹn hái, bứng mứt, mắt phải dõi ra biển canh chừng con sóng. Nếu sơ sẩy, hay ham hái mứt mà gặp lúc sóng lớn, bất ngờ, sẽ bị trượt chân, ngã xuống biển ngay.

"Cái nghề này khắc nghiệt lắm, không cẩn thận là bị sóng lôi xuống biển, mất mạng như chơi", bà Thà nói và cho hay, rong mứt tươi có giá bán 120.000-150.000 đồng/kg. Trung bình, một ngày, mỗi người kiếm được 500.000 đồng từ việc hái rong mứt.

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng - 5

Công việc hái rong mứt tuy vất vả, nguy hiểm nhưng với nhiều người dân ở làng Nam Ô, niềm vui và động lực chính của họ là các con có được cái ăn, ấm cái mặc vào ngày Tết.

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng - 7

Nói đến Nam Ô, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nghề làm mắm trứ danh, từng được dùng để tiến vua. Hiện nay làng nghề còn 92 hộ làm nước mắm. Mỗi gia đình đều nắm giữ những bí quyết riêng để phát huy hương vị nước mắm truyền thống này. Nghề làm nước mắm Nam Ô cũng được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận công lao và tri ân đối với các nghệ nhân, bà con làng nghề đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn di sản văn hóa này.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, cho biết, nước mắm Nam Ô sở dĩ ngon và có tiếng vì giữ được hương vị truyền thống và quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công. Thời gian sản xuất của làng nghề có 2 vụ, công đoạn ủ 12-18 tháng.

Thời gian trước, mắm làm từ cá cơm than của ngư dân trong làng đánh bắt. Về sau, các đội tàu ở Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà) phát triển mạnh với công suất lớn khiến nguồn cá cơm không còn vào khu vực gần bờ. Từ đó, Nam Ô không có cá để làm mắm, hiện nay các hộ hợp đồng với tàu cá ở Thọ Quang để mua nguồn cá cơm.

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng - 9

Cá cơm than còn tươi, rửa sạch bằng nước biển, đảo đều với muối Sa Huỳnh (Ninh Thuận), sau đó đưa vào chum ủ. Trong 7 ngày đầu phải mở nắp chum phơi nắng để thoát bớt khí. Sau đó, đậy nắp để quá trình lên men được diễn ra trong vòng 3 tháng. Sau ủ, cứ 30 ngày lại đảo mắm một lần cho tới khi có nước màu nâu cánh gián nổi lên. Sau 12 tháng, lọc lấy nước mắm cốt, bã mắm bỏ đi. Để 5-10 ngày khi vị mặn dịu, ổn định màu sắc cho ra loại nước mắm cốt chất lượng nhất.

Theo ông Vinh, nước mắm Nam Ô giữ hương vị cá cơm theo đúng quy trình là từ nguyên liệu muối và cá, không có thêm bất cứ gia vị nào khác. Mỗi năm, làng Nam Ô xuất ra thị trường khoảng 300.000 lít nước mắm. Mục tiêu năm 2025 của làng sẽ xuất bán 1 triệu lít. "Trong mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi không thể thiếu chén mắm để dâng ông, bà, tượng trưng cho sự mặn mà của biển và đây cũng là một báu vật của làng", ông Vinh thổ lộ.

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng - 11

Ông Phan Công Quang, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Ô Long, cho hay, chưa thể nói nước mắm Nam Ô vượt được các vùng sản xuất nước mắm trên cả nước. Tuy nhiên, hiện tại nước mắm Nam Ô vẫn giữ được cách làm truyền thống, không đưa bất cứ hương vị hay nguyên liệu nào vào ngoài cá cơm than và muối.

Theo UBND quận Liên Chiểu, trong thời gian tới, làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ tập trung đầu tư theo hướng đạt chuẩn chất lượng cao để đưa thương hiệu ra thị trường trong và ngoài nước. Địa phương cũng định hướng kết hợp phát triển làng nghề với du lịch nhờ vị trí thuận lợi và các di chỉ văn hóa, lịch sử nổi tiếng.

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng - 13

Theo ông Trần Ngọc Vinh, hiện nay trong làng Nam Ô có 4 giếng vuông cổ còn nguyên vẹn là giếng Đình, Thành Cung, Cồn Trò và giếng Lăng. Giếng được ghép bằng những tấm đá xanh. Điều đặc biệt, giếng không bị khô cạn trong những ngày nắng nóng kéo dài.

Một di tích khác quan trọng của làng là Lăng Ông Ngư. Ông Vinh tiết lộ, nơi đây đang thờ hàng chục bộ ngọc cốt (xương cá Ông, cá Voi). Khi cá Ông chết dạt vào bờ, ngư dân nhìn thấy sẽ là người "để tang" và chôn cất cá Ông tại Lăng. Lễ tế cầu ngư tại Lăng Ông được tổ chức vào 15/2 âm lịch hằng năm, là dịp để dân làng Nam Ô bày tỏ lòng thành kính với cá Ông, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, hy vọng về những chuyến ra khơi thuận lợi, đầy tôm cá.

Năm 2020, Cụm di tích lịch sử Nam Ô được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố Đà Nẵng bao gồm: Đình làng Nam Ô, Lăng Ông, Miếu Âm Linh, Nghĩa trũng Nam Ô, Miếu Bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Giếng Lăng.

Còn một báu vật khác của làng Nam Ô được người dân xem là "rừng cấm" trên gành đá Nam Ô. Theo các bậc cao niên, gành đá Nam Ô như con chim phụng có mỏm xanh nổi lên giữa bãi cát vàng, xòe cánh muốn bay ra biển lớn.

Theo ghi chép của ông Đặng Dùng (76 tuổi), người chuyên nghiên cứu lịch sử của làng Nam Ô, từ thời vua chúa xưa, gành đá Nam Ô được xem là núi cấm chặt cây, lấy đá. Quy định này được dân làng nhiều đời tuân thủ nghiêm ngặt, ai vi phạm sẽ bị "bắt tội".

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng - 15

Có nhiều chuyện kể về những hệ lụy của việc chặt cây, lấy đá gành. Theo ông Dùng, dân gian truyền rằng đó là do thần rừng không thuận ý. Điều ấy giải thích vì sao trong cảnh thiếu thốn chất đốt, gành đá vẫn xanh tốt, rậm rạp, nhiều cây cổ thụ tồn tại. Rừng nơi đây như bức tường thiên nhiên trước những trận cuồng phong bão tố từ biển.

Gành đá Nam Ô là một địa điểm thanh niên, sinh viên học sinh, người dân tìm đến thư giãn cuối tuần. Có nhiều hàng quán tự phát được mọc lên nhưng tuyệt nhiên không có quán nào dựng trong rừng. Rừng vẫn giữ được nét nguyên sơ kín đáo.

Những di tích lịch sử lâu đời, sợi mứt tươi ngon, giọt nước mắm mặn mòi là linh hồn của làng chài cổ Nam Ô. Vì thế, dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng dân làng vẫn bám biển, bám nghề để giữ giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau như lời đúc kết của các bậc cao niên rằng còn di tích, gành đá, rừng cây là còn "báu vật" của làng.

Những báu vật hiếm có của làng chài cổ Nam Ô Đà Nẵng - 17

Nội dung: Hoài Sơn

Thiết kế: Đức Bình