DNews

Người Hà Nội đành lòng bỏ của chạy lũ, xót xa nhìn tài sản bị nước bủa vây

Thanh Thúy Thu Thảo

(Dân trí) - Bà Hương trước khi ra khỏi nhà ngoái lại nhìn chiếc xe máy nước ngập gần nửa xe, chiếc ti vi chưa kịp kê lên cao, dặn lòng "còn người còn của". Bà chỉ dắt theo 4 đứa cháu đến nơi di tản.

Người Hà Nội đành lòng bỏ của chạy lũ, xót xa nhìn tài sản bị nước bủa vây

Gần 14h chiều, bà Nguyễn Thị Thanh Hương (70 tuổi, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) yên vị trong một căn phòng ở Trung tâm Giáo dục dạy nghề, Giáo dục thường xuyên (67 Phó Đức Chính, Ba Đình). 

Nước lũ tràn vào nhà, người dân nghẹn ngào khi được đưa đi di tản (Video: Thu Thảo - Thanh Thúy).

Bà Hương được các tình nguyện viên chuẩn bị cho một suất cơm có thịt gà, rau luộc, một hộp sữa, chai nước lọc và cả bánh trung thu. Mãi đến lúc này, bà mới đủ bình tâm trở lại.

"Khoảng 13h thì gia đình chúng tôi bắt đầu di tản. Chúng tôi đi vào lúc trời mưa to và nước đã ngập vào nhà nên rất vội, không kịp mang theo đồ đạc gì. Tôi thấy rất sợ hãi, cả đời tôi sống ở đây chưa bao giờ rơi vào tình cảnh này", bà Hương kể. 

Người Hà Nội đành lòng bỏ của chạy lũ, xót xa nhìn tài sản bị nước bủa vây - 1

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương và cháu gái ở khu di tán tạm thời tại 67 Phó Đức Chính, Ba Đình (Ảnh: Thanh Thúy).

Gia đình bà Hương gồm 9 thành viên, trong đó có 4 người cháu độ tuổi 7-16, tất cả sống chung trong một căn tập thể cũ thuộc khu tập thể K95 (Phúc Xá, Ba Đình). 

Tối 10/9, bà nhận thông báo từ chính quyền về việc di tản để đảm bảo tính mạng cho cả gia đình trong lúc mưa lũ lên cao. Cả nhà khi đó đã sẵn sàng tinh thần, chuẩn bị đầy đủ 3 bọc quần áo, nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, có hai cháu nhỏ không đồng ý ra khỏi nhà, dù đã tìm đủ cách thuyết phục. 

Sáng 11/9, trong lúc hai cháu này đi học, gia đình vội vàng di tản, sau đó tới trường đón thẳng hai cháu về Trung tâm Giáo dục dạy nghề, Giáo dục thường xuyên.

Theo lời bà Hương, căn nhà của gia đình đang ở đã cũ, nhưng nội thất có vài món đồ giá trị như xe máy, ti vi, tủ lạnh và một số đồ điện tử khác. Ra khỏi nhà khi "chưa kịp trở tay" dọn dẹp, cất đồ, bà Hương ngoái lại nhìn chiếc xe máy nước ngập gần nửa xe, đã bị chết máy, chiếc ti vi chưa kịp kê lên cao, dặn lòng là "còn người còn của".

Người Hà Nội đành lòng bỏ của chạy lũ, xót xa nhìn tài sản bị nước bủa vây - 2

Khẩu phần ăn được các mạnh thường quân kết hợp với tình nguyện viên chuẩn bị cho người dân khi vào khu di tản (Ảnh: Thu Thảo).

"Lúc đó tôi cũng tiếc của, nhưng run sợ, lo lằng vì mưa lũ nhiều hơn. Tôi lo cho 4 đứa cháu, đứa thì mồ côi mẹ, bố sức khỏe yếu, chúng nó ở với tôi nhiều hơn ở cùng bố mẹ nên tâm trạng tôi ngổn ngang. Tôi phải nhờ cháu gái 16 tuổi dìu chứ chân tay bủn rủn, đi không vững", bà Hương nói. 

Đến nơi di tản, bà Hương và các cháu được các tình nguyện viên đón, hỗ trợ cơm ăn, nước uống chỗ ở. Nơi ở là các phòng học nhưng có điều hòa, chăn chiếu đầy đủ. 

Bà Hương cho biết, cảm thấy rất xúc động vì được chính quyền quan tâm, hỗ trợ tận tình, mọi thứ đều tươm tất. Bà và gia đình cũng chuẩn bị tình thần sẽ ở đây nhiều ngày, đợi đến lúc ngớt mưa sẽ về qua nhà lấy 3 bọc đồ đã chuẩn bị trước đó.

"Còn lại tài sản tôi chấp nhận mất hết, miễn các cháu của tôi, gia đình tôi được an toàn", bà Hương nói. 

Người Hà Nội đành lòng bỏ của chạy lũ, xót xa nhìn tài sản bị nước bủa vây - 3
Người Hà Nội đành lòng bỏ của chạy lũ, xót xa nhìn tài sản bị nước bủa vây - 4

Phố Tân Ấp nước ngập 50-80cm. Lực lượng chức năng có mặt từ sáng sớm đề giúp người dân di dời người và vật dụng thiết yếu đến nơi lưu trú tạm thời (Ảnh: Thanh Thúy). 

Giống bà Hương, chị Minh, ở số 7 Tân Ấp (Ba Đình, Hà Nội) cũng không mang theo nhiều tài sản khi di tản. Trên con phố Tân Ấp nước ngập 50-80cm, chị Minh dắt chiếc xe đạp cũ qua dòng nước, trên xe chỉ mang theo hai bọc nhỏ, chủ yếu là thực phẩm.

Theo chị Minh, khi di tản ra, nhà chị nước đã ngập lên cao, mất điện nên không thể lưu trữ thực phẩm lâu ngày. Các đồ dùng, nội thất chị đã sắp xếp gọn gàng, kê lên cao ở những vị trí an toàn.

"Sau 20 năm, đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến cảnh ngập lụt diện rộng như thế này. Tôi sẽ di tản đến nhà người thân ở tạm vài ngày", chị Minh nói. 

Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại phố Tân Ấp, lúc 14h30, toàn con phố ngập sâu, mực nước khoảng 50-80cm. Do mất điện, một số nhà không kịp hạ cửa cuốn nên nước đã tràn vào trong, người dân phải dùng nhiều biện pháp như kê đồ lên cao, mua bao cát dựng thành "bờ kè" trước cửa để chắn nước, tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. 

Từ 8h, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã có mặt tại phố Tân Ấp để hỗ trợ người dân di tản người và tài sản, bằng nhiều phương tiện khác nhau như: Thuyền, bè, xuồng cứu sinh, sup (ván đứng)… 

Người Hà Nội đành lòng bỏ của chạy lũ, xót xa nhìn tài sản bị nước bủa vây - 5

Người dân xếp chồng bao cát thành "đê" chắn trước cửa nhà (Ảnh: Thanh Thúy).

Người dân thường lựa chọn di tản đến nhà người thân, ở nhà nghỉ, khách sạn hoặc lưu trú tạm thời ở khu vực di tản được địa phương sắp xếp như Trung tâm Giáo dục dạy nghề, Giáo dục thường xuyên.

Để đón tiếp người dân tạm trú, phường Trúc Bạch chuẩn bị khoảng 15 phòng, mỗi phòng dự kiến 20-30 người và các suất cơm đủ 3 bữa cho mọi người.

Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), chia sẻ: "Chúng tôi đã chuẩn bị một cách chu đáo nhất có thể để phục vụ người dân di dời do lũ lụt, tại nơi lưu trú số 67 Phó Đức Chính.

Đảm bảo đủ điều kiện về chỗ ở, bữa ăn hàng ngày, nhu yếu phẩm. Đặc biệt là duy trì lực lượng túc trực 24/24, gồm: Dân quân thường trực, công an, y tế… đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. 

Người Hà Nội đành lòng bỏ của chạy lũ, xót xa nhìn tài sản bị nước bủa vây - 6
Người Hà Nội đành lòng bỏ của chạy lũ, xót xa nhìn tài sản bị nước bủa vây - 7

Nơi lưu trú tạm thời của người dân tại Trung tâm dạy nghề, Giáo dục thường xuyên (67 Phó Đức Chính, Ba Đình) (Ảnh: Thu Thảo).

Cận cảnh nơi ở tạm tránh lũ của người dân Hà Nội (Video: Thu Thảo, Thanh Thúy).

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Huy cho biết đã may mắn nhận được sự đồng hành của người dân phường Trúc Bạch và UBND quận Ba Đình. Sự ủng hộ từ rất nhiều nguồn khác như: Các cơ sở lưu trú ủng hộ chăm, gối; khách sạn ủng hộ bữa ăn…

Là lực lượng có mặt từ sớm, các đoàn viên quận Ba Đình đã gửi nhiều phần quà hỗ trợ bà con trong quá trình ăn, ở tại khu di dời.

"Hiện nay, nước lũ sông Hồng đang lên rất nhanh, tôi rất mong bà con nhanh chóng di dời đến các địa điểm lưu trú an toàn. Khi đến đây, bà con hoàn có thể yên tâm tránh bão và đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày", ông Huy nói.