DNews

Người dân Thủ Đức khổ sở vì "phố thành sông", nghĩ đủ kiểu chống ngập

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Người dân và tiểu thương ở khu vực chợ Thủ Đức phải tìm đủ mọi cách để vượt qua cảnh mưa lớn, nước ngập sâu suốt nửa tháng qua.

Người dân Thủ Đức khổ sở vì "phố thành sông", nghĩ đủ kiểu chống ngập

Tiểu thương điêu đứng, thấp thỏm khi mưa đến

Khoảng 16h, mây đen kéo đến, đôi vợ chồng ở sạp hàng gia dụng trong chợ Thủ Đức hối hả bê những cuộn giấy dán tường, nệm xốp trưng bày trước cửa tiệm vào bên trong. Lượng hàng hóa nhiều, nhà lại không đủ chỗ chứa, họ đành xếp đống gạch lên cao để kê mấy cuộn hàng, sau đó lấy thêm cao su chặn lại phía trước rồi đóng chặt cửa lại.

Cạnh đó, bà Phong ở quầy bán tạp hóa cũng vội vàng mang hàng chục xâu bánh tráng vào trong. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng bà cố gắng dọn hàng thật nhanh để chạy đua với cơn mưa chuẩn bị kéo đến. 

Xung quanh, các tiểu thương cũng tất bật dọn hàng, lấy cao su che chắn trước cửa tiệm để ngăn nước tràn vào.

Người dân Thủ Đức khổ sở vì phố thành sông, nghĩ đủ kiểu chống ngập - 1

Tiểu thương bán bánh kẹo xây tường bê tông lên cao để chống ngập (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Chỉ ít phút sau, cơn mưa nặng hạt khiến con đường quanh chợ Thủ Đức lênh láng nước. May mắn cơn mưa không kéo dài nên nước chỉ lên cao đến mắt cá chân. Mưa tạnh, các tiểu thương lại chờ nước rút, sau đó mở cửa tiệm buôn bán trở lại.

Tuy cơn mưa không để lại hậu quả nặng nề như những lần trước đó nhưng cũng phần nào cho thấy sự bất tiện, khổ sở của các tiểu thương ở chợ Thủ Đức khi phải sống trong cảnh mưa ngập suốt nửa tháng qua. 

Người dân Thủ Đức khổ sở vì phố thành sông, nghĩ đủ kiểu chống ngập - 2

Người dân tát nước ra khỏi tiệm khi mưa ngập (Ảnh: Nam Anh).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Hoàng Trang - chuyên bán bao bì ở chợ Thủ Đức - nói: "Ở đây cứ mưa là ngập, còn mưa lớn là ngập như sông. Người dân khổ sở vô cùng, cứ thấy trời chuyển mây đen là phải dọn hàng, tìm cách chống ngập. Thời buổi mua bán ế ẩm mà suốt ngày phải sống trong cảnh thấp thỏm. Hôm nào có mưa là... đói vì bán buôn chẳng được gì, còn phải chạy mưa".  

Anh Hậu ở tiệm bán đồ điện tử gần đó cho biết, nếu mưa lớn thì chỉ mất 10-15 phút là đường hóa thành sông, không nhanh tay dọn hàng thì nước tràn thẳng vào tiệm. "Mấy năm trước cũng ngập nhưng không nhiều như năm nay, có hôm nước dâng đến thắt lưng, vì không kịp ứng phó nên hàng hóa bị ướt hết, chúng tôi bị thất thoát nặng", anh nói.

Người dân Thủ Đức khổ sở vì phố thành sông, nghĩ đủ kiểu chống ngập - 3
Người dân Thủ Đức khổ sở vì phố thành sông, nghĩ đủ kiểu chống ngập - 4

Người dân ở chợ Thủ Đức tìm đủ cách để chống ngập. 

Cửa hàng của chị Trang - chuyên chăn gối, ga nệm - phải dùng cao su chặn ngang trước cửa tiệm. Tuy nhiên, chị cho biết đây chỉ là cách tạm thời, nếu mưa lớn hơn thì nước vẫn rò rỉ vào bên trong, gây hư hỏng hàng hóa. 

Sau thiệt hại của cơn mưa đầu mùa để lại, bà Lan - chuyên bán bánh kẹo - phải nhờ con trai xây thêm bức tường bê tông chắn ngay lối ra vào cửa hàng. Mỗi khi mưa xuống, bà lại gom hàng hóa vào trong, chờ nước rút.

Tuy nhiên, dù bà Lan đã cố gắng xây tấm bê tông khá cao nhưng thỉnh thoảng nước vẫn tràn vào tiệm mỗi khi có ô tô chạy ngang. Từ ngày vào mùa mưa, bánh kẹo ở tiệm bà bị hư hỏng rất nhiều. 

Theo bà Vân - chủ tiệm quần áo, hầu như cả khu chợ đều bị ảnh hưởng mỗi khi mưa xuống. Dù bà đã lấy tấm thép chặn trước cửa tiệm nhưng không thể ngăn được dòng nước dâng cao. Vì sợ hơi nước gây ẩm mốc vải, quần áo, bà phải lấy thêm cao su bọc lại. 

"Hôm trước thấy thi công làm đường, sửa cống, người dân ai cũng mừng vì nghĩ được thoát khỏi cảnh ngập nước. Nhưng không ngờ, bây giờ lại ngập nặng hơn lúc chưa làm", bà cho hay.

Người dân hư hại đồ đạc, phải sửa nhà, nâng nền

Không chỉ tiểu thương của khu chợ Thủ Đức điêu đứng mà người dân sống ở các tuyến đường gần đó như Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư... đều bị ảnh hưởng nặng mỗi khi mưa xuống. Các hộ dân trong khu vực này hầu như đều phải trang bị thêm tấm chắn trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà.

Nằm ở khúc giữa đường Dương Văn Cam, nhà của ông N.V.K. đang trong quá trình nâng nền để chống ngập. Mấy hôm trước, nước tràn vào nhà khiến ông bị thiệt hại đồ đạc, sinh hoạt bất tiện. Lần này, ông K. nhờ thợ nâng nền lên cao gấp rưỡi so với ban đầu. 

Một người dân gần đó cũng cho biết: "Nhà tôi thấp hơn hàng xóm nên nước tràn vào lênh láng. Tủ lạnh, máy giặt của gia đình đều bị hư hỏng nặng. Mỗi lần tạnh mưa, hai vợ chồng lại hì hục tát nước ra khỏi nhà. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng tôi chưa có tiền sửa sang nhà cửa. Giờ đành phải sống trong cảnh ngập nước khi có mưa".  

Người dân Thủ Đức khổ sở vì phố thành sông, nghĩ đủ kiểu chống ngập - 5

Người dân phải xây cao nền nhà để ứng phó với mưa ngập (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Nhà bà Chung nằm ở đoạn trũng của đường Dương Văn Cam cũng bị thiệt hại không kém. Mưa xuống, nước tràn vào nhà khiến bà trở tay không kịp. Trong đó, tiệm sửa xe của con trai bà ở trước nhà bị ảnh hưởng nặng nên phải tạm đóng cửa vài hôm.

Hiện tại, nhà bà Chung phải thay tấm chắn mới, chắc chắn và cao hơn để ngăn nước ngập. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp tạm bợ vì nước vẫn rò rỉ vào bên trong.

"Nhà ở đây đều xây cao hơn bình thường, thế nhưng không ăn thua gì. Sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy cảnh ngập nhiều như năm nay. Mùa mưa đến là người dân rầu lắm", bà cho biết.

Người dân Thủ Đức khổ sở vì phố thành sông, nghĩ đủ kiểu chống ngập - 6

Người dân miêu tả mực nước ngập cao hơn chiếc ghế đá (Ảnh: Quỳnh Tâm).

"Chợ Thủ Đức ngập không phải vì địa hình thấp"

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS.TS Lê Song Giang, giảng viên Khoa Kỹ thuật xây dựng trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng tình trạng mưa và ngập hiện nay trở thành nỗi ám ảnh của tiểu thương, người dân ở khu vực chợ Thủ Đức.

Nguyên nhân gây nên tình trạng ngập nặng được ông xác định do việc bê tông hóa khiến nước mưa từ các khu vực cao hơn thoát nhanh về chợ Thủ Đức, biến nơi này trở thành "cái rốn" chứa nước. Trong khi đó, cống thoát nước ở khu vực này lại bị nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng ngập nghiêm trọng.

Người dân Thủ Đức khổ sở vì phố thành sông, nghĩ đủ kiểu chống ngập - 7

Người dân dùng các tấm chắn để ngăn nước tràn vào nhà (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

PGS.TS Lê Song Giang nói thêm: "Thực tế, địa hình ở chợ Thủ Đức và các con đường lân cận không hề bị thấp, thậm chí còn khá cao so với mực nước sông. Cho nên, nếu nói nơi đây bị ngập do địa hình thấp là không đúng. 

Theo tôi, rạch cầu Ngang, rạch Thủ Đức là đường thoát nước hiện tại cho khu vực này. Vấn đề cần thiết bây giờ là mở rộng, cải tạo 2 con rạch này, làm gia tăng khả năng thoát nước. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt. Về lâu dài, cần có một phương pháp bền vững, đòi hỏi phải có sự tính toán nghiên cứu kỹ lưỡng từ ban lãnh đạo và các đơn vị thi công".