Nghiên cứu mở rào công viên Thủ Lệ: Người dân lo ngại thú xổng chuồng?
(Dân trí) - Do đặc thù nuôi nhốt thú nên việc mở rào Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình, Hà Nội) cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, "không thể mở toang".
Tại buổi kiểm tra vườn thú Hà Nội (hay còn gọi là công viên Thủ Lệ) ngày 7/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu các ban ngành phối hợp cùng đơn vị quản lý nghiên cứu mở rào một phần công viên theo xu hướng chung cải tạo công viên mở.
Theo ông Tuấn, Thủ Lệ như đảo giao thông, bốn mặt đều giáp đường gồm: vành đai 2, vành đai 1, ga S8… Mặc dù có giá trị nội hàm lớn, địa hình, bình đồ, địa thế đẹp… nhưng công viên vẫn chưa khai thác, phát huy được tốt các ưu điểm trên.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Sĩ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội cho biết, do đặc thù nuôi nhốt thú nên việc mở rào công viên Thủ Lệ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, "không thể mở toang".
Đoạn được nghiên cứu mở rào nằm đối diện trường Đại học Giao thông Vận tải, giáp nhà ga S8 (ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội). Tuy nhiên, khu vực này không thuộc phạm vi quản lý của Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội, nên đơn vị sẽ có kiến nghị cần sự phối hợp để mở rào hiệu quả.
Hàng rào vườn thú trước nhà ga S8 là điểm chờ xe buýt, thường xuyên tập trung đông người.
Phía trước hàng rào không có lối cho người đi bộ.
Công viên Thủ Lệ được xây dựng năm 1975, nằm trên địa bàn phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), tổng diện tích 18,7 ha, trong đó 8,7 ha mặt nước. Vườn thú thuộc công viên có 37 chuồng, nuôi gần 600 động vật thuộc 88 loài (32 loài đặc hữu, quý hiếm).
Ông Lê Sĩ Dũng cho biết vườn thú cần vành đai an toàn để bảo vệ động vật, nên khó mở rào toàn bộ công viên. Theo ông Dũng, UBND TP Hà Nội chưa quyết định, chỉ mới giao các cơ quan ban ngành cùng nghiên cứu phương án mở rào thích hợp.
"Chưa có vườn thú nào trên thế giới mở rào, bởi nếu không có vành đai an toàn, thú nuôi sẽ không được bảo vệ tốt và dễ bị kích động. Chúng cũng cần thời gian nghỉ ngơi, ổn định môi trường sinh trưởng", ông Dũng nói.
Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội sẽ cùng các cơ quan ban ngành phân tích các yếu tố cần thiết, ưu - nhược điểm, từ đó có cơ sở báo cáo UBND TP.
Theo kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Thủ Lệ sẽ là một trong ba công viên lớn cùng với Thống Nhất, Bách Thảo được ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp theo mức độ 1.
Tại báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư do Sở Xây dựng lập, công viên đề xuất mở rộng vườn thú ở khu cổng chính đường Bưởi và khu phía Tây (đường Kim Mã - Cầu Giấy); tăng số chuồng từ 37 lên 41, sử dụng vốn ngoài ngân sách để xây khu động vật biển rộng trên 800m2 với 1-2 tầng hầm.
Ông Trần Nam Trung (65 tuổi, quận Ba Đình) tán thành đề xuất hạ rào một phần công viên Thủ Lệ, mở ra không gian thoáng đãng và thân thiện với môi trường.
"Công viên là địa điểm công cộng, ai cũng có thể tiếp cận. Nếu chính quyền hạ rào, không thu vé vào cửa, sẽ giúp thành phố đẹp toàn diện hơn. Tuy nhiên, Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội cũng cần lên phương án quản lý, nhất là với những khu vực nuôi nhốt thú trong công viên", ông Trung nói.
Nguyễn Thúy (29 tuổi, quận Cầu Giấy) lo ngại sự an toàn của thú nuôi nếu công viên Thủ Lệ mở rào một phần. Theo cô, do đặc thù nuôi nhốt thú nên công viên này sẽ không thể mở rào "thoải mái" như công viên Thống Nhất.
"Tôi lo sợ động vật xổng chuồng, hoặc chuồng bị hư hỏng khiến chúng dễ lẻn ra ngoài, nhất là khi công viên có nhiều con thú nguy hiểm. Ngoài ra, công viên mở cũng tiềm ẩn nguy cơ bắt trộm động vật. Tôi nghĩ hai lớp hàng rào và quản lý chặt chẽ như hiện nay luôn là phương án tối ưu, Hà Nội nên cân nhắc chọn những công viên khác để hạ rào thay vì Thủ Lệ", Thúy cho hay.
Trước đó, cuối năm 2022, thực hiện chủ trương công viên mở, Hà Nội đã cho tháo đoạn rào công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông để kết nối không gian đi bộ quanh hồ Thiền Quang. Sau hơn một tháng thí điểm, người dân đánh giá không gian trở nên thoáng đãng, xanh mướt, thuận tiện di chuyển.
Tại phiên họp của Thường trực HĐND thành phố hồi tháng 10/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định "năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội".
Ông Thanh cho biết, thành phố sẽ tìm mô hình đầu tư để công viên không còn hàng rào, không bán vé và người dân được thụ hưởng một cách trọn vẹn nhất, thoải mái nhất.