Dỡ bỏ hàng rào công viên Thống Nhất và "hàng rào" tư duy
Năm 2008, khi dự án khách sạn SAS Hà Nội Royal Hotel được ngấm ngầm triển khai trong khuôn viên của công viên Thống Nhất, lấn chiếm 10.000m2 nơi này, đã có rất nhiều kiến trúc sư và chuyên gia quy hoạch đô thị đồng loạt lên tiếng phản đối.
Một kiến trúc sư tôi quen, người từng tham gia xây dựng công viên Thống Nhất từ những năm 1960 nói rằng: "Công viên này được xây dựng bằng mồ hôi và công sức của tuổi trẻ Thủ đô chúng tôi năm ấy. Từ một khu đất hoang, ao tù, xung quanh đầy rác thải, chúng tôi đã xung phong mang cơm nắm từ nhà, bỏ nhiều ngày lao động công ích, cùng chính quyền thành phố biến nó thành một không gian cây xanh cho cộng đồng. Nó không thể bị xâu xé bởi các mục đích thương mại không phục vụ cộng đồng".
Sau áp lực của báo chí, dư luận và các chuyên gia, trong đó có loạt bài về công viên Thống Nhất của báo Dân trí do hai phóng viên Cấn Cường và Phương Thảo thực hiện (đoạt giải B giải báo chí quốc gia năm 2009), thì vào năm 2013 dự án khách sạn trong công viên Thống Nhất chính thức bị hủy bỏ.
Đến nay sau gần 10 năm, cuối cùng những hàng rào xấu xí đã được gỡ bỏ quanh công viên Thống Nhất, biến công viên lớn nhất khu vực trung tâm của Thủ đô trở thành một không gian mở và miễn phí cho tất cả mọi người. Việc làm này dù muộn, nhưng thà muộn còn hơn không. Vì công viên vốn là một không gian công cộng, được xây dựng từ tiền thuế và đóng góp sức lực của nhân dân, dùng để phục vụ cộng đồng, không phải là nơi để thể hiện sự "tư hữu" của bất cứ ai hay bất cứ cơ quan, tổ chức nào.
Tôi đã ghé thăm nhiều công viên trên thế giới, cũng đã tham khảo nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị, nên biết rằng, ở các quốc gia khác, công viên (trừ các công viên có nuôi thú), đều không bị rào chắn và thu phí vào cửa.
Ngay đối diện Nhà Trắng là công viên Lafayette nằm trên đại lộ Pennsyvania, được coi là khu vực an ninh bậc nhất Washington DC (Mỹ), nhưng công viên này không cần hàng rào để bảo vệ.
Công viên Central Park ở New York (Mỹ), có diện tích 3,4km2, với lượng khách ghé thăm hàng năm có thể đạt trên 40 triệu lượt, hoàn toàn được miễn phí vé vào cửa, chỉ thu phí khi người dân sử dụng các dịch vụ trong công viên. Công viên này hoạt động nhờ khoản tài trợ 200 triệu USD đến từ người dân, tập đoàn kinh tế và các quỹ mỗi năm, cũng như việc khai thác kinh doanh các dịch vụ phục vụ cộng đồng tại đây.
New York có 1.700 công viên và sân chơi công cộng, con số này ở Washington DC là 643. Ngay cả Singapore, một quốc gia với diện tích nhỏ hơn Hà Nội cũng có trên 300 công viên. Không một công viên nào trong số này thu phí, cũng rất ít nơi bị rào chắn nếu không thực sự cần thiết.
Với diện tích hơn 3.000km2 (gấp 4 lần Singapore), Hà Nội hiện chỉ có 45 công viên và 6 công viên vẫn còn đang nằm trong hồ sơ "dự án". Không gian công cộng cho một thành phố gần 9 triệu dân đang ít ỏi đến đáng thương. Có những quận 400.000 dân, nhưng nếu không tính các vườn hoa nhỏ thì không có một công viên nào.
Nhưng sự ít ỏi về số lượng công viên ở Hà Nội không đáng báo động bằng cách quản lý các công viên ở đây.
Nếu như một đô thị khác ở Việt Nam là TPHCM đã mạnh dạn gỡ bỏ rào chắn công viên và dừng thu phí vào cửa từ 2006, thì đến bây giờ, Hà Nội mới "rụt rè" thí điểm mô hình này ở công viên Thống Nhất. Bao nhiêu năm qua, các công viên ở Hà Nội bị bao quanh bởi những hàng rào sắt và chỉ mở bằng một, hai cổng vào của công viên đó, thậm chí nhiều nơi còn thu phí.
Tư duy "hàng rào" không chỉ xuất hiện ở các công viên ở Hà Nội mà còn ở nhiều không gian văn hóa khác như Nhà Hát Lớn, Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam, Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt - Xô. Trong khi về bản chất, thông điệp của những không gian này là cởi mở và phục vụ số đông.
Theo thiết kế ban đầu, cả hai công trình Nhà hát Lớn và Bảo tàng Lịch sử đều không có hàng rào. Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc của Nhà hát Garnier ở Paris, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội lại có thêm vườn hoa phía hai bên hông và một khu vực sân trước rộng rãi. Sau đó hai vườn hoa này bị rào lại và được cho thuê bán cà phê.
Năm 2017, Bộ Văn hóa đã đề xuất dự án gỡ bỏ hàng rào quanh Nhà hát Lớn, đồng thời kết nối với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, để tạo ra một không gian văn hóa mở có tính kết nối và liên tục với khu vực Hồ Gươm và cảnh quan sông Hồng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, cho đến nay, dự án này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Một quảng trường rộng lớn quanh khu vực Nhà hát Lớn, được xây dựng để tạo hiệu ứng mỹ quan tối đa, cũng như tạo ra không gian mở quanh khu vực này, nhưng đã bị những rào chắn che đi một phần diện mạo suốt nhiều năm qua.
Trước đây, lý do an ninh thường được đưa ra để giải thích cho những hàng rào. Nhưng kể cả công trình Tòa nhà Quốc hội của Singapore cũng không có hàng rào, thậm chí còn mở cửa miễn phí cho người dân vào tham quan, thì lý do "xây dựng hàng rào để đảm bảo an ninh" ở những khu vực như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử hay Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô ngày càng trở nên khó thuyết phục, cũng tạo nên cảm giác xa cách giữa người dân với những không gian vốn thuộc về họ và được sinh ra để phục vụ họ.
Phải chăng, hàng rào tồn tại như là minh chứng về năng lực quản lý yếu kém cũng như chưa đề cao giá trị "phục vụ cộng đồng" của những công trình kể trên?
Lý do mà Hà Nội chậm chạp theo chân TPHCM cũng giống với những lo ngại ở TPHCM năm đó: Lo ngại về an ninh. Nhưng thực tế là sau 16 năm thực hiện phá rào công viên, những lo ngại đó đã được chứng minh là thừa thãi.
Không chỉ thế, các công viên ở Thủ đô đang đối mặt với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho người dân thiếu thốn. Nhiều góc của công viên đầy rác thải và biến thành "WC thiên nhiên" cho những người dân thiếu ý thức. Nên bên cạnh việc bỏ đi hàng rào công viên, cái mà Hà Nội cần làm là cải thiện các dịch vụ vui chơi, giải trí, các hoạt động văn hóa để tăng nguồn thu tái đầu tư vào công viên.
Mong rằng việc xóa bỏ hàng rào ở công viên Thống Nhất sẽ không chỉ tạo ra thêm một không gian mở cho người dân Thủ đô, mà cũng là một cơ hội để chính quyền thành phố mạnh dạn xóa bỏ đi "hàng rào tư duy" trong cách quản lý các công trình công cộng.
Tác giả: Nhà báo Tô Lan Hương tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2021, chuyên thực hiện các bài phỏng vấn nhân vật và hồ sơ sự kiện.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!