Lão shipper liệt 2 chân miệt mài giao hàng khắp TPHCM
(Dân trí) - Nhiều năm qua, người dân TPHCM quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông với 2 chân khiếm khuyết chạy xe 3 bánh rong ruổi khắp các tuyến đường để giao hàng.
Ông Nguyễn Duy Long (68 tuổi, TP Thủ Đức) bị liệt 2 chân từ nhỏ nhưng ông chưa từng xem đó là rào cản để vươn lên.
"Thời trẻ tôi làm nhiều nghề khác nhau như trang trí nhà cửa, làm mỹ nghệ,… Hơn mười năm trước tôi đi bán vé số nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Với chiếc xe ba bánh tích góp mua được nên tôi chuyển sang chở hàng", ông Long tâm sự.
"Má tôi kể, tôi sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng khi lên 1 tuổi, má đưa tôi đi chích ngừa chẳng may đứt gân chân. Từ đó, phần xương bánh chè bị lệch, tôi sống với đôi chân liệt từ đó", ông Long nhớ lại.
Với đôi chân khiếm khuyết, ông Long không thể xin làm tài xế cho các hãng vận chuyển vì thế ông chỉ còn cách tự tìm kiếm đơn hàng.
"Mặc dù không được lành lặn nhưng tôi không muốn phải trở thành gánh nặng của ai cả, mình kiếm ít thì tiêu ít", ông Long nói.
Hằng ngày, từ sáng sớm ông Long có mặt tại một quán cà phê gần bến xe miền Đông để nhận hàng giao cho khách. Ổ bánh mì hay cái bánh bao là bữa ăn giúp ông duy trì năng lượng làm việc.
"Sau dịch Covid-19, công việc giao hàng gặp nhiều khó khăn, ít đơn hàng, chủ yếu đơn tôi giao từ các khách quen. Có hôm ngồi từ sáng tới tối nhưng không nhận được một đơn nào", ông Long thở dài.
Là một shipper (người giao hàng) tự do, ông Long phải tự mình tìm kiếm các đơn hàng ở các hội nhóm trên mạng xã hội.
"Lúc mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm nên thường bị khách "bom hàng", có khi mất cả tiền ứng vì bị lừa. Vất vả là thế nhưng đến nay cũng đã hơn 8 năm tôi gắn bó với nghề này", ông Long cười.
Ngoài ra, ông Long còn nhận chở miễn phí quần áo, bánh kẹo, nhu yếu phẩm… cho các hoạt động từ thiện. Bất kể nắng mưa, người đàn ông gần 70 tuổi này vẫn không ngại nhận chở các đơn hàng ở tận huyện Củ Chi, Bình Chánh. Ông Long luôn cảm thấy may mắn vì nhận được sự tin tưởng và giúp đỡ từ khách hàng.
Những lần giao hàng tới nơi nhận nhưng gọi điện cho khách không được, ông Long phải nhờ người đi đường bấm chuông giúp, đôi khi ở nơi vắng vẻ ông Long phải tìm nhánh cây hoặc các vật có thể vươn tới chỗ chuông để ấn nút.
"Tôi quen anh Long nhiều năm, anh hiền lành, hay làm việc thiện và có trách nhiệm với các đơn hàng mà anh nhận giao. Có lần do sơ suất trong quá trình vận chuyển, làm rớt hàng hóa của khách, thấy anh như thế họ cũng không đòi bồi thường nhưng anh Long vẫn một mực trả lại số tiền tổn thất cho khách hàng", anh Nguyễn Thành Liêu (41 tuổi) một người bạn của ông Long cho biết.
Tuy không khá giả, nhưng ông Long vẫn hay mua giúp vé số cho những người lớn tuổi, những người cùng chung số phận khiếm khuyết cơ thể như ông.
"Bán vé số là công việc mà trước kia tôi từng làm, nên tôi hiểu những cực nhọc của nghề này. Mình chạy giao hàng vẫn kiếm được nhiều hơn họ, nên giúp được phần nào thì mình giúp", ông Long nói.
Nơi ở của gia đình ông Long là căn phòng trọ nhỏ nằm trong một con hẻm trên đường số 9, phường Hiệp Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TPHCM). Ngoài việc giao hàng, ông Long còn tự mua những cây thuốc về ngâm rượu để trị bệnh gai cột sống. Một phần giúp đỡ những người mắc bệnh đau lưng, phần kiếm thêm thu nhập giúp gia đình ông trang trải cuộc sống.
Ở tuổi xế chiều, ông Long thường gặp phải những cơn đau nhức mỗi khi trở trời. Bà Đỗ Thị Tuất (56 tuổi), vợ ông Long đang bóp lưng cho chồng.
"Chúng tôi gặp nhau qua lời giới thiệu của một người bạn, qua tìm hiểu chúng tôi mến nhau và quyết định nên duyên vợ chồng. Gia đình chúng tôi cũng không mấy khá giả vì thế khi nghe tin chồng có ý định chuyển sang chạy giao hàng thì tôi rất ủng hộ, miễn là không làm việc gì trái với lương tâm", bà Tuất nói.
Sau những giờ chạy xe vất vả trên đường, với ông Long việc được về nhà cùng vợ con sum vầy bên bữa cơm gia đình là niềm hạnh phúc nhất.
"Tôi cảm thấy bản thân mình còn khỏe nên làm được ngày nào hay ngày đó, chỉ mong cho con cháu ăn học thành tài, tự lo được cho bản thân là vợ chồng tôi mừng lắm", ông Long hi vọng.