Chuyện xúc động về chàng trai liệt 2 chân ở Hà Nội thành hiện tượng mạng

Tô Sa

(Dân trí) - Năm 3 tuổi, Vũ Minh Lâm bị chiếc công nông kéo lê, liệt hoàn toàn 2 chân. Cuộc đời chưa kịp tươi sáng thì bóng tối đã ập đến.

"Năm 3 tuổi, tôi đã khiến bố mẹ phải bán nhà".

Vũ Minh Lâm, 28 tuổi, quê Thanh Hóa kỹ sư công nghệ thông tin, hiện sống và làm việc tại Hà Nội, vẫn luôn day dứt khi nhớ lại bi kịch 25 năm trước.

Từ một đứa trẻ mới chập chững đi, Lâm mất hoàn toàn đôi chân sau tai nạn, phải gắn bó cuộc đời với xe lăn.

Anh đã từng nghĩ, cơ thể và cuộc sống gần như "đã hỏng", "bỏ đi",… xung quanh chỉ toàn bóng tối.

Chuyện xúc động về chàng trai liệt 2 chân ở Hà Nội thành hiện tượng mạng - 1

Anh Vũ Minh Lâm mất đôi chân từ năm 3 tuổi sau tai nạn giao thông(Ảnh: Viên Minh)

"Tai nạn năm 3 tuổi đánh cắp đôi chân của tôi"

Vũ Minh Lâm là con út trong gia đình 4 anh chị em ở xã Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Sinh ra như bao đứa trẻ khác, tính cách anh nghịch ngợm và ham chơi.

Năm 3 tuổi, Lâm "choáng ngợp" trước quả bóng bay hình gấu đẹp và to của anh họ. Cậu bé thực sự xem nó như gia tài, cứ tưởng băng qua đường, đòi mẹ mua, là sẽ có trong tay thứ mình ao ước.

Đúng lúc đó, chiếc xe công nông từ xa lao đến, thắng không kịp đã tông trúng Lâm. Đứa trẻ tội nghiệp bị kéo lê một đoạn đường rất xa.

Mọi thứ trước mắt trắng xóa, anh không thể nhận thức xung quanh. Mẹ lao đến, tay đón con trai, miệng hét lớn: "Ai gọi cấp cứu giúp tôi với!".

Nhập viện, bệnh nhi hôn mê, tiên lượng nguy kịch và được chuyển lên Hà Nội. Không ai nghĩ Lâm có thể sống sót.

Sau một tuần, bệnh tiến triển tốt, anh tỉnh lại, nhưng chưa biết rằng, mãi về sau sẽ không thể tự đứng lên trên đôi chân của mình.

"Mẹ tôi kể, lúc đó bác sĩ thông báo cơ thể bị tổn thương hơn 70%, liệt hai chân, teo tủy đốt sống cổ, tổn thương phổi và rất nhiều di chứng khác", Lâm nói sự sống của anh được xem là một "kỳ tích".

Chuyện xúc động về chàng trai liệt 2 chân ở Hà Nội thành hiện tượng mạng - 2

Dù mất đôi chân, anh vẫn kiên định với tương lai của mình (Ảnh: Viên Minh)

6 năm đầu đời, không kịp hưởng những niềm vui trẻ thơ, Lâm trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tại các bệnh viện lớn trên cả nước, với hi vọng giữ lại đôi chân, song không thành công. Bố mẹ thay phiên nhau, người ở bệnh viện, người gánh vác kinh tế ở quê.

Trước lúc Lâm gặp nạn, kinh tế gia đình ổn định và phát triển. Xưởng kẹo mang lại nguồn thu nhập lớn, có hàng trăm nhân viên. Khi các hộ dân trong vùng còn ở nhà tranh, thì bố mẹ anh đã xây nhà gạch, mua được chiếc ti vi đầu tiên.

"Bố mẹ dành thời gian chăm sóc tôi, khiến chất lượng bánh kẹo đi xuống, các đại lý thi nhau trả hàng. Xưởng kinh doanh phá sản", Lâm buồn nói. Anh luôn dằn vặt bản thân là "sao chổi" và tự hỏi "Nếu ngày đó không còn trên đời này nữa, thì liệu gia đình sẽ đỡ gánh nặng hơn không?".

Để chi trả viện phí và giành giật sự sống cho con trai, bố mẹ anh buộc lòng bán căn nhà đang ở, suy kiệt nuôi 4 người con khôn lớn.

Ngày xuất viện, nhìn bạn bè được đến trường, bản thân lại lê lết cùng mẹ dưới gánh hàng rong, Lâm tủi thân. Năm 8 tuổi, khi những đứa trẻ bằng tuổi đã lên lớp 3, anh vẫn chưa biết đâu là ngày đầu tiên được đi học.

Có lần, anh hỏi mẹ: "Sao các anh chị được đi học mà con thì không?". Mẹ chỉ bảo "sau này lớn lên con sẽ hiểu", khiến nỗi lòng anh thêm nặng trĩu.

Chuyện xúc động về chàng trai liệt 2 chân ở Hà Nội thành hiện tượng mạng - 3

Trong một chương trình truyền hình, anh Lâm xúc động khi gặp lại cô giáo Dung - người đầu tiên khát khao đưa anh đến với tri thức (Ảnh: NVCC).

Một ngày, cô giáo tên Dung, giảng dạy tại trường Tiểu học Vân Du, sống cạnh nhà Lâm, đến động viên bố mẹ cho anh được đến trường. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng với mặc cảm và tự ti, bà Nguyễn Thị Nga (hiện 68 tuổi, mẹ Lâm) đã từ chối lời mời của cô giáo.

Nhìn cô giáo rời đi, Lâm như nhìn theo tương lai vụt tắt của mình.

Nhiều lần thuyết phục phụ huynh không thành công, cô Dung vẫn không bỏ cuộc. Cô luôn khẳng định với vợ chồng bà Nga: "Nếu không cho Lâm đi học, thì sau này anh chị không còn nữa, nó biết bám víu vào đâu?". Câu hỏi đau đáu này đã thay đổi suy nghĩ của họ. Cú gật đầu năm đó của bố mẹ, đã mở ra tương lai và cuộc đời mới cho Vũ Minh Lâm.

Dù là một đứa trẻ khuyết tật, Lâm xin học chung lớp với các bạn bình thường. Anh đến trường bằng đôi chân của bố mẹ, chị gái và bạn bè.

Sau khi được tặng xe lăn, anh chăm chỉ tự mình đi học, không kể ngày nắng hay mưa, kiên định không bỏ lỡ một buổi nào. 12 năm học, chàng trai liên tiếp đạt thành tích học sinh khá giỏi.

Bị bạn học đặt biệt danh là "thằng chân teo", Lâm từ một người lạc quan bỗng rơi vào mặc cảm, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai. Anh giam lỏng bản thân trong 4 bức tường, mọi người càng cố gắng giúp đỡ, anh càng đi vào ngõ cụt. Nhưng tình cảm gia đình đã giúp anh vực dậy tinh thần.

Các thành viên đều xem Lâm là một người bình thường, luôn khích lệ anh, "nếu không làm được một điều gì, hãy nghĩ cách khác, tìm cách làm bằng được mới thôi".

"Trước còn bé, tôi luôn ghét mẹ vì bà bắt tôi tự làm mọi việc từ rửa bát, nấu cơm, … Lớn lên, tôi hiểu rằng, trong mẹ luôn thường trực một nỗi sợ. Nếu một ngày mẹ mất đi, ai sẽ là người dạy dỗ tôi, nên bà chấp nhận đóng vai một người mẹ xấu xa", Lâm nhớ lại.

Chuyện xúc động về chàng trai liệt 2 chân ở Hà Nội thành hiện tượng mạng - 4

Lâm nói nhờ gia đình luôn xem anh là người bình thường đã rèn giũa và giúp anh bản lĩnh, tự tin hơn (Ảnh: Viên Minh)

"Chị gái là đôi chân giúp tôi đỗ Đại học"

Năm 2015, Vũ Minh Lâm đăng ký thi Đại học với 4 môn: Toán, Lý, Hóa và Văn. Điểm thi cách nhà gần 70km, chị gái Vũ Thị Thanh Hà, 30 tuổi, từ sáng sớm đã chở em trai đến trường làm thủ tục.

Ước mơ của Lâm là ngôi trường Đại học FPT Hà Nội, trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Anh nhận định, nghề này vừa phù hợp sức khỏe, hoàn cảnh bản thân, lại hợp với sở thích cá nhân.

Cuối tháng 6/2015, buổi thi được anh miêu tả như "địa ngục". Trời nóng, sức khỏe yếu, biến chứng không tự thoát mồ hôi và áp lực khiến anh như nghẹt thở.

Làm được nửa bài thi, tim anh ép lại, không thở nổi. Anh gục xuống bàn, gần như "đầu hàng số phận". Lúc sắp bỏ cuộc, anh nhớ lại lời chị gái: "Chị không cõng em 4 tầng để thi Đại học. Chị đang cõng em đến tương lai".

Bằng nghị lực, Lâm kết thúc các buổi thi, xuất sắc đỗ Đại học FPT Hà Nội, hoàn thành giấc mơ đầu tiên của cuộc đời.

Chuyện xúc động về chàng trai liệt 2 chân ở Hà Nội thành hiện tượng mạng - 5

Chị Vũ Thị Thanh Hà - chị gái hơn Lâm 2 tuổi, dành cả tuổi thanh xuân làm đôi chân cho em trai (Ảnh: NVCC)

Từ Thanh Hóa, chàng tân sinh viên Vũ Minh Lâm từ biệt gia đình lên Hà Nội học tập. Chị Hà cũng đi theo tiện chăm sóc em trai.

Anh thuê căn phòng trọ 15m2. Không gian chật hẹp tạo ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống. Sau đó, hai chị em chuyển đến căn phòng thoải mái hơn, cũng là thời điểm Lâm cố gắng tự lập.

Mỗi lần anh đi học, chị Hà chạy xe 10km từ chỗ làm về đưa anh đến lớp, rồi quay lại chỗ làm. Những hôm trời nóng, chị cõng anh lên thư viện của trường, tận dụng điều hòa giúp cơ thể "hạ hỏa".

"Chị tôi hi sinh quá nhiều cho tôi, đi chơi với bạn bè cũng không ngần ngại đưa tôi đi theo", anh Lâm nói. "Tôi biết chị thương tôi hơn những tình cảm bình thường. Chị luôn mặc cảm vì ngày xưa trông nom em không tốt khiến cuộc đời tôi thành ra như thế".

Anh Lâm thấu hiểu, sâu bên trong chị gái luôn day dứt nên luôn sống vì anh nhiều hơn là vì bản thân mình.

Không phụ lòng gia đình, anh Lâm tốt nghiệp Đại học, có công việc hằng ao ước, kiếm tiền và tự lo cho cuộc sống bản thân, như một người bình thường.

Biến cố một lần nữa ập đến vào năm 2021, mẹ anh bị ốm nặng, nghĩ không qua khỏi. Lâm khóc nhiều, như một đứa trẻ, ân hận nhớ lại ngày xưa từng trách móc mẹ ra sao.

"Gần 30 năm sống và trải nghiệm, tôi biết bố mẹ yêu thương con cái theo cách riêng, yêu cả đôi chân không thể đứng lên, yêu cả những điều không lành lặn của con. Tôi cũng học cách yêu những khiếm khuyết của chính mình", Lâm tâm sự.

Bà Nga chịu nhiều đau đớn, sau nhiều lần đến các bệnh viện lớn nhỏ, mới tìm ra căn bệnh, được điều trị trong khu cách ly truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai.

Sự sống mãnh liệt của bà một lần nữa truyền cảm hứng cho cậu con trai, giúp anh cũng học cách sống mãnh liệt hơn.

Chuyện xúc động về chàng trai liệt 2 chân ở Hà Nội thành hiện tượng mạng - 6

Lâm hòa nhập với mọi người, tự tin sống hạnh phúc (Ảnh: NVCC)

Bước ngoặt giúp cuộc đời chàng trai ngồi xe lăn rẽ hướng

Tháng 5/2022, một làn sóng thông tin tiêu cực xuất hiện trên mạng xã hội và báo đài. Anh Lâm tâm sự với bạn gái Ngọc Ly về ý tưởng xây dựng một kênh TikTok tích cực và truyền cảm hứng.

Cả hai trăn trở nhiều, sau quyết định cùng bắt tay vào làm, đặt tên kênh là "Xe Lăn Vlog", kể về chính cuộc đời anh Lâm và cách anh đứng lên nói tiếng nói của chính mình.

Nghe về dự định của Lâm, gia đình lo sợ anh sẽ gợi lại ký ức đau buồn đã ám ảnh nhiều năm qua. Nhưng cậu con trai út kiên quyết, đây là lúc anh bước ra khỏi bóng tối của cuộc đời, lấy tư liệu chính bản thân, để truyền động lực cho những người cùng hoàn cảnh.

"Những nỗi đau đã qua, nếu giữ trong lòng, chỉ là câu chuyện của riêng mình. Nhưng nếu biến nó thành động lực cho người khác, thì lại là một câu chuyện khác với sứ mệnh cao cả", Ngọc Ly nói và ủng hộ dự án của bạn trai.

Chuyện xúc động về chàng trai liệt 2 chân ở Hà Nội thành hiện tượng mạng - 7

Tuy là một TikToker không chuyên, anh được mọi người ủng hộ nhờ nội dung chân thực và truyền cảm hứng (Ảnh: NVCC)

Là những TikToker không chuyên, cặp đôi sử dụng chiếc điện thoại đời cũ, chân máy đã hỏng hóc để làm công cụ. Hai người thường chọn địa điểm mát mẻ, nhiều bóng râm, để tránh việc Lâm bị nóng trong người, không thoát được mồ hôi.

Họ thay phiên nhau quay clip, tranh thủ thời gian cắt ghép đơn giản, lồng tiếng và chèn âm thanh. Theo Lâm, công đoạn khó nhất là ghi âm, bởi đôi khi quá xúc động, anh khóc không ngừng, không thể làm chủ cảm xúc.

Mỗi đoạn video là một dòng hồi tưởng về quá khứ của Lâm, có những câu chuyện mãi đến khi anh làm TikTok, người thân và bạn bè mới biết đến. Điều bất ngờ là nhiều video truyền cảm hứng của anh đạt cả triệu lượt người xem. 

"Làm TikTok, tôi nhìn nhận lại toàn bộ biến cố cuộc đời, thấy rằng đây không hẳn là bất hạnh, mà giống như bàn đạp để mình sống nghị lực hơn", Lâm cười.

Thời gian đầu khi bị chê không có người xem, anh bình tĩnh đáp trả: "Một người xem thì tôi trân quý một người, hai người thì tôi trân quý hai người. Tôi cứ làm tốt nhất, trao đi những cái tốt nhất, cũng sẽ nhận lại những điều tốt nhất".

Mỗi ngày, kênh TikTok của anh Lâm càng được đón nhận nhiều hơn với những tình cảm nồng hậu. Những ngày làm việc mệt mỏi, đọc được bình luận cảm ơn của mọi người, anh biết mình không thể dừng lại trên hành trình truyền cảm hứng này.

"May mà xem clip của anh, em mới có thể vượt qua tiêu cực", "Nếu như hôm nay không xem được clip của anh thì đây sẽ là ngày cuối cùng em ở trên cuộc đời này", … và vô số những bình luận khác mọi người dành cho Lâm, là động lực để anh tiếp tục sản xuất video.

Thậm chí, lúc đi trên đường, nhiều người hâm mộ nhận ra anh, hô lớn cái tên "Xe Lăn Vlog". Họ tuy là những người xa lạ, nhưng khi nghe câu chuyện của anh, lại thấu hiểu và cảm thông.

Lâm biết bản thân là người khuyết tật, nhưng đã có thể vươn lên, học Đại học, đi làm như người bình thường, thì những người cùng hoàn cảnh, cũng có thể chiến thắng bản thân để được công nhận.

"Nếu không đứng được trên đôi chân của mình, thì hãy đứng lên bằng ý chí. Thay đổi cách nhìn, khi không còn đứng ở vị trí nạn nhân, thay vào đó là tự chủ cuộc sống, sẽ thấy cuộc sống này tốt đẹp hơn", Lâm nói châm ngôn sống của mình vốn được lấy cảm hứng từ câu nói của Nick Vujicic: "Khiếm khuyết lớn nhất của đời người chính là đầu hàng số phận".  

Chàng trai khẳng định, dù chưa biết tương lai thế nào, nhưng anh mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, chấp nhận những gì không thể và tự tin sống hạnh phúc.