Hàng ngàn người đội nắng "lợp" mộ, cúng Thanh minh tưởng nhớ người đã khuất
(Dân trí) - Những ngày này tại các nghĩa trang, nghĩa địa, nhị tỳ, hàng ngàn người dân đổ về "lợp" mộ, cúng viếng dịp Tết Thanh minh để tưởng nhớ người thân đã khuất.
Những ngày đầu tháng 4 dương lịch, hàng ngàn người dân ở Bạc Liêu đã đổ về các khu nghĩa trang, nghĩa địa, nhị tỳ, nơi chôn cất người thân của mình để cúng viếng. Đây là dịp Tết Thanh minh, được xem như một phong tục truyền thống lâu đời để người dân tưởng nhớ những người đã khuất.
Một trong những việc đầu tiên của dịp cúng Thanh minh là sửa sang lại mồ mả người thân cho sạch sẽ như làm cỏ, sơn mới chữ, hoa văn ở bia, vun đắp lại đất...
Theo người dân địa phương, việc này vừa trang trí cho khu mộ thêm tươi mới vừa xem như "lợp" lại (mộ) mái nhà cho người đã khuất yên tâm an nghỉ.
Tùy vào điều kiện mỗi gia đình, dòng họ mà đồ cúng Thanh minh có nhiều loại thực phẩm khác nhau từ thịt, bánh, hoa, quả, bia, nước ngọt... Tuy nhiên, nhìn chung mâm cúng rất trang trọng, tươm tất, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ người thân đã mất.
Có gia đình mang cả một con heo quay đến khu mộ cúng viếng. Chính vì thế, dịp Thanh minh những loại thực phẩm như heo, gà, vịt quay đều hút hàng.
Tết Thanh minh là dịp gia đình, dòng họ, từ người lớn đến trẻ nhỏ cùng tề tựu tưởng nhớ người thân đã khuất. Nhiều gia đình có người ở xa cũng tranh thủ về quê cúng viếng. Có người ngày Tết Nguyên đán có thể không về nhưng lại về vào dịp Thanh minh. Chính vì thế, những ngày này đông nghẹt người tấp nập chen chúc vào, ra những con đường nhỏ dẫn đến các khu mộ.
Anh Hùng (ngụ TP Cần Thơ) chia sẻ: "Tôi sống, làm ăn ở Cần Thơ đã nhiều năm. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ dịp Thanh minh là tôi sắp xếp, gác lại công việc 1-2 ngày, cùng gia đình về quê Bạc Liêu để cúng viếng ông bà, người thân. Dù thế nào thì nơi mình sinh ra, nơi có dòng họ, bà con thì không thể quên".
Dịp Thanh minh thường là thời điểm thời tiết nắng nóng ở miền Tây. Bởi thế hình ảnh dễ thấy ở các khu mộ là nhiều gia đình đến cúng viếng giăng luôn mái che bằng cao su hoặc dù ngay tại mộ phần của người thân để cho mát.
Sau khi cúng viếng, người dân bày biện thực phẩm ngay tại mộ phần người thân để cùng ăn uống với nhau. Đây như là một cách thể hiện sự thân tình của người sống dành cho người mất. Theo người dân địa phương, cúng Thanh minh có thể kéo dài cả tháng, từ lâu là một nét văn hóa đời sống hết sức có ý nghĩa, một phần giúp họ giáo dục con cháu không quên tổ tiên.