Hà Nội: Bỏ việc về làm vườn, người đàn ông sở hữu nhiều cây độc lạ
(Dân trí) - Quyết định nghỉ việc để về làm vườn, trồng cây, ông Tình từng bị nhiều người nói gàn dở. Tuy nhiên, đến nay người đàn ông này sở hữu khu vườn với nhiều cây độc lạ được định giá cao.

6h, khi nhiều người còn đang ngủ, ông Phùng Quốc Tình (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ra sân, bắt đầu một ngày mới với việc chăm chút cho vườn cây cảnh. Với ông, đây không đơn thuần là thú vui hay tài sản, mà là cái duyên, là cơ nghiệp cả đời.
"Có người từng trả nhiều tiền để mua lại cây, nhưng tôi không bán. Không phải vì tiếc tiền - mà là vì chưa đủ duyên", ông Tình vừa cắt tỉa lá khô, vừa cười nói.
Từ viên chức nhà nước bỏ việc "về trồng cây"
Ít ai biết, ông Tình từng là viên chức nhà nước, công tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu rồi du lịch. Dù công việc ổn định, nhưng ông luôn thấy "ruột gan cồn cào" mỗi khi nghĩ đến vườn cây nhỏ ở nhà. Ông Tình có niềm yêu thích với việc trồng cây từ ngày còn trẻ, trong nhà trồng đủ các loại cây cảnh lớn, nhỏ.
"Tôi cứ ngồi làm việc mà tâm trí chỉ nghĩ đến chuyện về tưới cây, uốn cành. Mỗi chiều tan làm, lại chạy về chỉ để được chạm vào cây", ông Tình nói.

Ông Tình cắt tỉa lá cho cây lộc vừng.
Năm 2000, giữa lúc nhiều người muốn vào cơ quan nhà nước, ông Tình lại viết đơn xin nghỉ việc - một quyết định bị cả gia đình phản đối.
"Thời ấy, làm nhà nước là niềm mơ ước. Ai cũng bảo tôi gàn dở. Ngay cả giám đốc còn trấn an: Cứ ra thử, không được thì quay lại, tôi vẫn nhận. Nhưng tôi biết mình có sức khỏe, có đôi bàn tay, tôi không sợ đói", ông Tình kể.
Ngày còn làm công chức nhà nước ông từng dành 3 tháng học nghề cây cảnh tại Trường Lâm nghiệp Xuân Mai.
"Cứ sáng đi làm, tối đến đạp xe đi học về cây, ấy vậy mà không thấy mệt", ông Tình cười nói. Nghĩ học để phục vụ thú chơi cây của mình, nhưng không ngờ có một ngày kiến thức này lại giúp ông trong việc khởi nghiệp. Khi nghỉ việc, ông Tình bắt đầu từ con số 0 - bày cây ra chợ bán, lời được ít đồng thì dồn mua cây mới. Ngày ngày đi khắp các tỉnh, thu mua cây thô của dân rồi mang về uốn thế, tạo dáng.
Đấy là những tháng ngày thức khuya, dậy sớm, chỉ hết cắt tỉa, lại uốn nắn, không ưng lại bỏ ra uốn lại. Rồi những lần cho cây lên chậu, cây chết xem như vừa mất tiền lại mất của. Cứ lặp đi lặp lại như vậy rất nhiều lần, ông Tình mới đúc rút ra được kinh nghiệm, hạn chế rủi ro trong việc trồng cây cảnh. Tay nghề nâng cao, công việc buôn bán cũng khởi sắc hơn.
Có những cây ông mua 8 triệu đồng, sau 4 năm chăm sóc, uốn nắn, bán ra với giá 200 triệu đồng. Cứ thế, từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, ông gây dựng nên cả một khu vườn hàng trăm cây cảnh giá trị và xây được nhà cho vợ con ở.
"Tất cả cơ ngơi tôi có hôm nay đều nhờ vào cái nghề nhiều người từng gọi là… gàn dở này", ông Tình nhớ lại.

Bộ ba cây cảnh được ông Tình xem như "báu vật" của mình.
Bộ ba cây cảnh được xem là "báu vật sống"
Nhìn lại cả hành trình chơi cây cảnh của mình, điều khiến ông Tình tự hào nhất chính là việc tìm được và sở hữu bộ ba "bảo vật" gồm một cây lộc vừng chín thân và hai cây sanh cổ thụ được trồng trên hai hòn đá tự nhiên có tuổi đời hàng trăm năm.
Trong ba "báu vật" ấy, ông tâm đắc nhất là cây lộc vừng chín thân.
Theo chia sẻ của vị nghệ nhân, cách đây khoảng 15 năm, trong một chuyến đi Sơn Tây, ông Tình tình cờ phát hiện cây lộc vừng này tại một khu vườn. Chủ nhân trước đó đã khai thác cây mang về trồng trong vườn.
Lần đầu nhìn thấy bộ thân, gốc và tán cây, ông Tình nhận ra đây là cây cổ tự nhiên. Điểm làm nên giá trị đặc biệt của cây chính là chín thân mọc tự nhiên, đồng loạt vươn lên từ một gốc lớn, chắc khỏe, không phải lai, ghép hay qua bàn tay uốn tạo của con người. Gốc cây tròn đều, không hề có vết sẹo lớn như nhiều cây cổ thụ từng bị khai thác.
"Những đường nét trên cây, các u cục sần sùi và cách thân cành vươn lên đều là dấu ấn thời gian. Một tác phẩm tự nhiên, có tuổi đời cả trăm năm", ông nhớ lại.


Cây lộc vừng được ông Tình xem như báu vật sống.
Thấy được tiềm năng của cây, ông lập tức ngỏ ý mua. Chủ vườn ra giá 200 triệu đồng - một con số không hề nhỏ thời điểm đó - nhưng ông không do dự, xuống tiền ngay. "Ngay khi nhìn thấy cây, tôi đã hình dung sẽ tạo tác như thế nào, kết hợp tiểu cảnh ra sao", ông kể.
Ông Tình thuê cẩu, ô tô tải đến đưa cây về, ông Tình bắt tay vào hoàn thiện tác phẩm. Cây lộc vừng cao gần 3m, được đặt trong chậu lớn đường kính khoảng 2,5m. Trên mặt chậu, ông thiết kế thêm một hòn đá khắc tên cây.
Từ hình ảnh chín thân cây vươn lên như chín con rồng tụ hội nơi vùng đất lành, ông đặt tên cho tác phẩm là "Cửu đồng đại địa". Cái tên không chỉ mang tính mỹ học mà còn đậm dấu ấn văn hóa Á Đông, tượng trưng cho sự thịnh vượng, trường tồn, tài lộc.
Bên cạnh cây lộc vừng cổ thụ dáng "Cửu đồng đại địa" nổi bật, nghệ nhân Phùng Quốc Tình còn sở hữu cặp sanh dáng huyền độc đáo, đặt trên hai hòn đá tự nhiên ở hai bên. Hai cây có tên "Thiên Song" và "Phụng Hỉ" - tượng trưng cho cặp chim phụng đậu trên núi đá đón khách quý.


Hai cây sanh được tạo dáng trên hai hòn đá tự nhiên.
Ông Tình cho biết, hai cây sanh này được mua từ một cụ ông tại triển lãm cây cảnh ở Bắc Ninh. Chúng được trồng từ nhỏ trên đá tự nhiên, không qua đục đẽo. Qua nhiều năm, rễ cây bám chặt, hòa quyện với từng khe đá, tạo thành hình khối hiếm có.
"Để cây phát triển khỏe mạnh trên đá khó gấp nhiều lần trồng trong chậu hay dưới đất", ông chia sẻ.
Nghệ nhân đã bỏ ra 200 triệu đồng để đưa hai cây về chăm sóc. Ba cây được sắp đặt gần nhau mang ý nghĩa: Vùng đất "địa linh nhân kiệt", được bảo vệ bởi cặp phượng hoàng linh thiêng.
Bộ ba cây đã thành hình, thành dáng nên ông Tình không mất nhiều công uốn nắn, chỉ mỗi năm cắt tỉa lá 1 lần, và tưới nước, duy trì để cây không phát triển to quá mức. Từ ngày bộ ba cây này có mặt trong vườn, nhiều người tìm đến hỏi mua. Tuy nhiên, ông Tình chưa đồng ý bán.
"Nhiều người đến xem, trả giá cao nhưng tôi từ chối, vì họ không hiểu về cây. Không phải cứ có tiền là mua được", ông Tình chia sẻ. Với ông cây cảnh không phải là món hàng - đó là tâm huyết, là linh hồn, và chỉ muốn trao lại cho người thực sự hiểu và biết gìn giữ giá trị của nó.
"Năm nay tôi đã hơn 60 tuổi, con cái không ai theo nghề, muốn tìm người để trao gửi bộ ba cây cảnh. Tôi sẵn sàng bán rẻ hơn cho người có tâm, chẳng bán cho người nhiều tiền mà không hiểu giá trị thật", nam nghệ nhân nói.
Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh vật cảnh Việt Nam - cho biết bộ ba cây cảnh của ông Tình là bộ ba hiếm có ở Việt Nam, đặc biệt là cây lộc vừng "Cửu đồng đại địa".
"Lộc vừng có nhiều cây đẹp, nhưng hiếm có cây nào trồng trong chậu lại mang thân thế uốn lượn, nổi u cục tự nhiên, hài hòa như vậy", ông Thọ nói.
Ông Thọ cho biết, lộc vừng được người Việt ưa chuộng vì tên gọi mang lại may mắn, tài lộc, cùng khả năng thích nghi với khí hậu, dễ chăm sóc.
"Bộ ba cây cảnh của nghệ nhân Phùng Quốc Tình không chỉ đẹp ở hình dáng mà còn ở chiều sâu thời gian và tâm huyết người tạo tác", ông Thọ nhấn mạnh.
Ảnh: Thanh Hà