Nữ phó giám đốc bỏ việc lương trăm triệu, "khoe" thu nhập 13,3 triệu đồng
(Dân trí) - Giữ vị trí phó giám đốc marketing với thu nhập tốt cùng cơ hội thăng tiến, chị Tuyết Anh lại quyết định rẽ hướng, khởi nghiệp bằng kinh nghiệm của bản thân trong 14 năm qua.

Ngày cuối tuần, chị Đoàn Ngọc Tuyết Anh (tên thường gọi là Maggie, 38 tuổi, TPHCM) có thể dành trọn thời gian bên gia đình, ăn một bữa cơm đúng nghĩa. Đây từng là khoảnh khắc được xem là "xa xỉ" đối với chị, nhưng sau khi rời công ty với mức lương trăm triệu đồng mỗi tháng, cuộc sống của chị đã bước sang một chương mới.
Mới đây, chị Tuyết Anh đã chia sẻ về hành trình bỏ việc lương trăm triệu để khởi nghiệp. Điều đáng nói, đúng một năm sau khi rời công sở, chị Tuyết Anh công khai thu nhập tháng gần nhất của mình là 13,3 triệu đồng khiến nhiều người bất ngờ.
Câu chuyện lập tức thu hút hàng nghìn lượt tương tác, bình luận trên mạng xã hội bởi sự táo bạo của phó giám đốc xinh đẹp và bài học đắt giá khi quyết định rời khỏi vùng an toàn.
Bỏ việc lương trăm triệu
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Tuyết Anh cho biết, chị từng giữ vị trí phó giám đốc marketing của một công ty bất động sản thuộc tập đoàn lớn từ Singapore. Công việc có thu nhập ổn định, cơ hội thăng tiến rõ ràng. Song, ở tuổi 37, chị quyết định rẽ hướng, khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Chị Tuyết Anh từng giữ vị trí phó giám đốc marketing của một công ty lớn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trước khi nghỉ việc, chị đã trải qua một năm khó khăn khi công ty thay đổi bộ máy lãnh đạo. Thay vì rút lui, chị kiên trì ở lại, chứng minh năng lực và cuối cùng được tin tưởng giao vị trí quan trọng. "Khi mọi thứ đã ổn, tôi mới rời đi. Tôi muốn chủ động bước tiếp, chứ không phải vì bị động mà bỏ cuộc", chị nói.
Quan trọng hơn, thời điểm đó, chị đã xử lý xong các ràng buộc tài chính. Không còn nợ nần là một yếu tố giúp chị vững tâm hơn khi đưa ra quyết định.
Ngoài ra, trước đó gần 2 năm, chị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ xây dựng nền tảng tài chính, trau dồi kỹ năng, đến mở rộng mạng lưới quan hệ và đặc biệt là làm rõ điều mình thực sự muốn.
"Tôi lập quỹ dự phòng, xây dựng thương hiệu cá nhân, xuất bản sách, chia sẻ trên mạng xã hội, sản xuất podcast… Lúc đó tôi vẫn chưa rõ mình sẽ kiếm tiền từ đâu, nhưng cần tạo dựng giá trị trước", chị kể lại.
Năm 2024, thị trường lao động chững lại, kinh tế nhiều biến động. Nhiều người khuyên chị nên ở lại, điều này khiến chị trăn trở không ít. Nhưng rồi, chị vẫn quyết định bỏ việc, bởi chị hiểu, nếu không dám thử, bản thân sẽ mãi mắc kẹt trong vùng an toàn.
"Tôi không sợ vấn đề tài chính, mà sợ cảm giác không còn thuộc về một tổ chức lớn nữa, không còn "đứng trên vai người khổng lồ". Hơn 14 năm, tôi đã quen với danh xưng "dân công sở", hằng tháng lãnh lương, chăm chỉ làm việc để đạt được vị trí và thu nhập mà nhiều người mơ ước. Bỏ hết để bắt đầu lại, đó không phải điều dễ dàng", chị tâm sự.
Thu nhập 13,3 triệu đồng
Nhờ những dự án cá nhân về truyền thông, chị Tuyết Anh dần có chỗ đứng trên mạng xã hội và xây dựng được những mối quan hệ trong cộng đồng. Nhưng khi chính thức nghỉ việc, mọi thứ không diễn ra suôn sẻ như chị từng tưởng tượng.
"Ba tháng đầu tiên là khoảng thời gian bất an nhất trong đời "kiếm cơm" của mình sau nhiều năm quen với việc mỗi tháng đều có lương", chị kể.
Thời gian đó, chị Tuyết Anh lao vào thử sức những gì có thể, từ diễn thuyết miễn phí, nhận những dự án nhỏ với mức thù lao thấp, đến thử nghiệm mở khóa học online. Có những buổi dạy đầu tiên thành công với hơn 30 học viên đăng ký, nhưng ngay sau đó, số lượng giảm dần. Có lớp giảm giá, có lớp miễn phí, nhưng vẫn chỉ lác đác vài người dự.
Nhìn lại giai đoạn đó, chị thừa nhận sai lầm: "Tôi nghỉ việc vì muốn làm điều mình giỏi và yêu thích, nhưng cuối cùng lại lao vào kiếm những khoản tiền nhỏ lẻ, không đúng định hướng".

Công việc cũ như "đứng trên vai người khổng lồ", giúp chị Tuyết Anh học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và có nền tảng vững chắc trước khi tự mình khởi nghiệp (Ảnh: Facebook nhân vật).
Bỏ công ty đồng nghĩa với việc mất đi danh tính nghề nghiệp, chị không còn xuất hiện lộng lẫy với danh thiếp in logo của tập đoàn lớn.
"Mọi người hỏi tôi làm công ty nào, tôi chỉ có thể nói mình là freelancer (người làm công việc tự do) hoặc đang làm riêng", chị bộc bạch.
Tuyết Anh cũng tiết lộ, ngay cả gia đình chị cũng mơ hồ về công việc của con gái sau khi rời cuộc sống công sở. Tuy nhiên, thay vì ngăn cản, người thân luôn tin tưởng và ủng hộ mọi quyết định của chị.
Sau nửa năm chật vật, chị Tuyết Anh quyết định thay đổi cách tiếp cận. Chị thành lập công ty, có con dấu, tài khoản doanh nghiệp, nhân viên, trụ sở... những thứ giúp chị cảm thấy "thuộc về" một điều gì đó.
Khách hàng đầu tiên đến nhanh hơn dự kiến. Một tập đoàn đa quốc gia đồng ý hợp tác ngay khi chị còn đang loay hoay làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng. Khi hợp đồng chính thức ký kết, chị cầm con dấu đóng lên giấy mà mắt rưng rưng.
Dần dần, khách hàng tự tìm đến nhiều hơn. Không chỉ có doanh nghiệp, mà cả những người theo dõi chị trên mạng xã hội cũng muốn tư vấn và học hỏi.
"Khi phát hiện ra một khả năng khiến mình vui và tạo ra kết quả khả quan, hãy dành thêm thời gian để làm điều đó. Nếu kết quả tốt tiếp tục gia tăng, đó là tín hiệu tích cực cho hướng đi sắp đến", chị đúc kết.

Chị Tuyết Anh chia sẻ nhiều kinh nghiệm qua kênh podcast có tên "Plan B" (kế hoạch dự phòng) (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Không nhiều người sẵn sàng nói về thu nhập cá nhân, nhưng chị Tuyết Anh lại chọn "sống thật". Chị nói: "Tôi biết sẽ có nhiều bạn trẻ nghe những gì tôi chia sẻ và ứng dụng vào công việc của họ. Nếu chỉ nói tôi kiếm được một tỷ mỗi năm, mọi người sẽ dễ hiểu lầm rằng điều đó đến một cách đơn giản".
Về con số 13,3 triệu đồng, chị Tuyết Anh cho biết, đó chỉ là thu nhập của tháng vừa rồi. Trên thực tế, có những tháng chị kiếm được hơn 100 triệu đồng - vượt xa mức lương khi còn đi làm văn phòng - một tín hiệu đầy khích lệ cho hành trình khởi nghiệp của chị.
Làm thuê vẫn là lựa chọn tốt
Một năm sau khi bước ra khỏi vùng an toàn, chị Tuyết Anh hài lòng với những gì mình đạt được khi công ty vận hành ổn định, nhân viên được trả lương đầy đủ, nghĩa vụ thuế hoàn thành, bố mẹ được chăm sóc chu đáo.
Tuy nhiên, chị cũng không tránh được cảm giác tiếc nuối. "Tôi từng so sánh mình với những đồng nghiệp cũ, rồi lại rơi vào vòng xoáy nhận quá nhiều việc, xao nhãng mục tiêu chính", chị kể.
Chị Tuyết Anh chia sẻ, một trong những bí quyết thành công của chị là việc định giá bản thân và học cách từ chối. Những ngày đầu, chị mất nhiều thời gian tư vấn miễn phí cho khách hàng không thực sự tiềm năng. Giờ đây, chị biết cách chọn lọc khách hàng và từ chối những ai không phù hợp ngay từ đầu.
Theo chị, sự nghiệp (dài hạn) và công việc (ngắn hạn) là hai yếu tố vừa tách biệt, vừa bổ trợ lẫn nhau. "Mỗi công việc nên là một phần trong sự nghiệp. Khi công việc hiện tại không còn giúp ta phát triển nữa, đó là lúc cần cân nhắc bước ra", chị nói.
Tuy nhiên, chị cho rằng một người muốn khởi nghiệp cần có kỹ năng đa dạng, từ sản xuất, tiếp thị, bán hàng, đến tài chính và nhân sự. Chị cho rằng làm thuê vẫn là lựa chọn tốt với ai thích sự an toàn và ổn định.


Việc rời công sở giúp chị Tuyết Anh khám phá thêm nhiều khả năng của bản thân (Ảnh: Facebook nhân vật).
Câu chuyện của Tuyết Anh được chia sẻ trên Facebook đã chạm đến nhiều người, bởi ai cũng có lúc đứng trước lựa chọn giữa ổn định và dám bước ra khỏi vùng an toàn.
Một người để lại bình luận: "Dù thu nhập là 1 triệu, 13,3 triệu hay hàng trăm triệu đồng, thì đó vẫn là thành quả trên con đường mình đã chọn". Một người khác viết: "Chấp nhận đánh đổi thu nhập để tìm đến hạnh phúc là điều mà không phải ai cũng dám làm".