Cô gái An Giang lai tạo giống cây lạ đen - hồng như tên bài hát Blackpink
(Dân trí) - Với giá dao động 1,5-5 triệu đồng, các sản phẩm lai tạo gân hồng của Huỳnh Phượng đang được những người sưu tầm ở Đông Nam Á quan tâm.
Hơn 2 năm trước, vào thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt, Huỳnh Phượng (SN 1995, quê An Giang) cảm thấy khá mông lung. Khi đó, cô làm nhân viên sales (người giới thiệu và tư vấn sản phẩm đến khách hàng) tại một công ty xe mô tô.
Phượng đã tự hỏi bản thân rằng, cô thực sự yêu thích công việc đó hay chỉ là cố "có cái nghề" như mọi người vẫn hay nói. Trong lúc tâm lý không ổn định, cô đã tìm niềm vui bằng kiểng lá. Cô bắt đầu trồng và sưu tầm cây. Chính niềm đam mê này đã thôi thúc cô gái miền Tây thay đổi bản thân. Cô chấm dứt chuỗi ngày đi làm đúng giờ bằng tờ đơn xin nghỉ việc.
Huỳnh Phượng và một cộng sự bắt tay vào quá trình lai tạo kiểng lá, cụ thể là loài colocasia (ở Việt Nam hay gọi là môn nước). Hiện tại, Phượng thường di chuyển giữa An Giang và Sóc Trăng (nơi cô xây dựng vườn).
Tỷ lệ thành công 1/1.000
"Tôi sinh ra trên mảnh đất có thiên nhiên phong phú. Có lẽ, tình yêu cây cỏ được nung nấu từ đó. Ý tưởng lai tạo do cộng sự tôi nghĩ ra và cùng thực hiện. Năm 2021 cũng là thời điểm bắt đầu cuộc đua lai tạo giữa các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á.
Ngành kiểng lá còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên gia đình không biết tôi làm gì lúc nghỉ việc. Họ chỉ biết là tôi bán cây. Sau 2 năm, họ mới tìm hiểu và rất ủng hộ", Huỳnh Phượng kể với phóng viên Dân trí.
Cô gái 28 tuổi có duyên gặp gỡ cộng sự qua một lần giao dịch mua bán cây. Vì thấy đối phương có cùng niềm đam mê và sở thích, cả hai quyết định hợp tác, hòa vào xu hướng lai tạo cây ở Đông Nam Á. Họ hy vọng mình có thể đặt sản phẩm lai tạo của Việt nam lên bản đồ khu vực.
Ban đầu, vườn của Huỳnh Phượng chỉ có những sản phẩm trong bộ sưu tập "colocasia hawaiian royal" của Dr. John Cho - nhà nghiên cứu thực vật từ Đại học Hawaii, Manoa, Hawaii, Mỹ.
Sau đó, cô và cộng sự nuôi dưỡng chúng đến khi trưởng thành, chọn những cây có gene ổn định và hình thái đẹp, đợi có hoa rồi tiến hành thụ phấn trực tiếp (phấn được lấy từ cây bố, cây mẹ giữ phấn). Đến lúc hoa chín sẽ cho ra hạt, họ lấy thành phẩm đem đi gieo.
Phượng cho biết: "Quá trình gieo hạt mới là lúc đáng nói. Trong một hoa/trái có khoảng 2.000-3.000 hạt. Chúng tôi lấy hạt để ươm, đợi một năm đến khi cây trưởng thành. Trong quá trình ươm hạt, chúng tôi lại lọc ra những cây có tiềm năng và gene nổi bật để tiếp tục nuôi dưỡng.
Tỷ lệ ra thành phẩm đẹp chỉ là 1/1.000. Trong số gần 10.000 hạt được gieo, chỉ có 10 giống lai tạo thành công vườn tôi đã cho ra mắt".
Để tự mình lai tạo bằng phương pháp thủ công, Phượng đã đúc kết kinh nghiệm trồng và học tập từ những vườn lai tạo của các nước bạn.
Sau đó, Phượng cùng cộng sự tham gia cuộc thi do cộng đồng colocasia ở Thái Lan tổ chức. Đây là cuộc thi nhỏ với mục đích liên kết những nhà vườn ở khu vực Đông Nam Á. Cuối cùng, Phượng giành giải, hòa nhau với một đội khác.
Vô tình đặt tên cây giống bài hát của nhóm Blackpink
Sau khi lai tạo thành công, việc đặt tên cho cây là nhiệm vụ khá khó khăn với Huỳnh Phượng. Bởi cô cho rằng, tên cây cũng như tên người, nó biểu đạt những yếu tố và câu chuyện phía sau.
Những cái tên colocasia khá nổi tiếng trên thế giới như pharaoh's mask, white lava đều gắn liền với đặc tính của lá và thể hiện ý nghĩa. Vì thế, Phượng quyết định hình tượng hóa chiếc lá bằng tên của nó.
Ví dụ, cô đặt tên pink lava (dung nham hồng) do mặt lá nhăn, đen bóng tựa bề mặt núi lửa cùng phần gân hồng phát triển ở trung tâm giống dòng dung nham chảy ra.
Pink venom (chất độc hồng) là cây có cùng phép lai với pink lava. Tuy nhiên, lá của pink venom lại mang đến cảm giác mạnh mẽ, rực rỡ, huyền bí hơn. Tên cây này được Phượng đặt dựa trên đặc tính lá nhưng vô tình trùng tên với ca khúc Pink Venom của nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng - Blackpink.
Phượng đặt tên cho chúng hồi tháng 6/2022. Đến giữa tháng 8/2022, ca khúc của BlackPink chính thức ra mắt.
Từ cái tên và màu sắc lạ, nhiều người trẻ bắt đầu tò mò về loài cây này. Phượng cho biết, khi cô đăng video lên nền tảng mạng xã hội để giới thiệu, nhiều người nói đùa rằng, hãy bán cây pink venom cho nhóm Blackpink.
Cô gái quê An Giang kể: "Cộng đồng mạng cũng gợi ý cho tôi đặt tên tất cả cây còn lại theo album của Blackpink. Lúc đó, tôi mới ngạc nhiên về sự trùng hợp".
Những người yêu thích loài cây mang tông đen - hồng ở nước ngoài cũng tìm đến Phượng. Việc xuất đi nước khác cũng khá khó khăn do chi phí vận chuyển và đặc tính của cây. Do đó, Phượng chỉ có thể gửi trung bình 5-6 cây/lần, hạn chế số lượng lớn.
Hiện tại, cô bán được 30-40 cây/tháng. Giá mỗi cây dao động 1,5-5 triệu đồng đối với các sản phẩm lai tạo gân hồng. 350.000-650.000 đồng là giá dành cho các mã lai tạo khác mang một màu chủ đạo.
"Khi mới ra mắt sản phẩm lai tạo, khách hàng của tôi chủ yếu là những người đam mê cây ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore. Tôi còn nhớ vị khách đến từ Singapore. Đó là người sưu tầm cây thực thụ. Nhờ những lời khen và khích lệ, người này đã tạo thêm động lực để chúng tôi đưa giống cây lai tạo của mình ra thế giới", Phượng nói.
Theo đuổi con đường không dễ dàng
Đối với cô gái 28 tuổi, rời bỏ nơi làm việc có điều hòa để khởi nghiệp, đối mặt với nắng gió là điều không dễ dàng. Huỳnh Phượng gặp nhiều khó khăn. Bởi thời điểm kiểng lá chưa thực sự phát triển ở Việt Nam, cô không tránh khỏi việc bị hiểu lầm từ những người ngoài cuộc.
Phượng cho biết, nhiều nhà vườn bị hiểu lầm trong khoảng thời gian kiểng lá đạt giá trị cao vì đa số được nhập từ nước ngoài.
"Tôi thường bị đánh đồng với những người làm lan đột biến. Những lời nói không hay liên tục ập đến. Câu nói muôn thuở tôi hay bắt gặp là "cây này quê tôi có đầy".
Cũng như cùng là giống chó mèo nhưng có nhiều con có giá lên đến vài trăm triệu đồng. Kiểng lá hay các thú chơi khác cũng vậy, đều là sưu tầm dựa trên sở thích và tình yêu dành cho chúng", cô gái SN 1995 bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, vấn đề dùng tên khoa học thay vì sử dụng tên tiếng Việt khi giới thiệu nhận được sự thắc mắc. Phượng nói, ở Việt Nam không có tên riêng phân biệt cho từng họ, loài kiểng lá. Mọi người vẫn thường dùng tên chung là môn, trầu bà... cho bất cứ loài nào.
Tuy nhiên, kiểng lá phải được dùng tên khoa học để phân biệt giữa các họ, loài. Đi kèm sau đó là tên riêng để phân biệt. Những loại cây này có tên quốc tế được dùng chung trên toàn thế giới, không thể gọi bừa.
Trong hành trình gần 3 năm gắn bó với công việc lai tạo, động lực lớn nhất khiến Phượng tự tin bước tiếp là nhìn những người yêu cây hạnh phúc khi có khu vườn nhỏ cho riêng mình.
Cô bày tỏ: "Giữa chốn thành phố chật chội, chỉ cần một không gian vừa đủ, ban công đầy nắng gió, mọi người có thể tiếp cận gần hơn với thiên nhiên. Dù xuất phát điểm khác nhau hay làm bất cứ công việc nào, mọi người sẽ cảm nhận được nhịp sống khi gần gũi, tự tay chăm những mầm cây".