Diều sáo "khủng" khoe sắc tranh tài trong lễ hội Hải Thượng Lãn Ông
(Dân trí) - Đến với lễ hội Hải Thượng Lãn Ông 2023, người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm diều "khủng" với độ sải cánh 2-3m. Diều được chế tác thủ công, trang trí màu sắc rực rỡ.
Trong hai ngày 2 và 3/2, UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tổ chức Hội thi trưng bày diều sáo Hải Thượng lần thứ nhất. Cuộc thi diễn ra tại khuôn viên Khu di tích nhà thờ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, ở thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm.
Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2-2023) và lễ hội Hải Thượng Lãn Ông năm 2023. Tham dự hội thi có 11 tác phẩm diều sáo của các nghệ nhân đến từ 11 xã của huyện Hương Sơn.
Trước hội thi hơn 3 tuần, 11 xã (Quang Diệm, Tân Mỹ Hà, Sơn Châu, An Hòa Thịnh, Sơn Giang, Sơn Trung, Sơn Phú, Sơn Lâm, Sơn Lễ, Sơn Hàm và Sơn Tiến) đã tập trung những người đam mê để làm và phục dựng diều sáo đúng với bản gốc của diều sáo cụ Hải Thượng. Khung diều được làm từ tre, uốn cong hình bán nguyệt.
Sáo làm bằng tre, đầu làm bằng gỗ vàng tâm. Một bộ sáo gồm 2-3 ống được gắn cố định với nhau bằng ống tre nhỏ, sau đó gắn vào diều.
Sau khi hoàn thành, cánh diều được sơn màu, viết chữ, vẽ họa tiết trang trí tùy theo ý tưởng và sở thích của người sáng tạo ra nó.
Sau khi hoàn thành, cánh diều được sơn màu, viết chữ, vẽ họa tiết trang trí tùy theo ý tưởng và sở thích của người sáng tạo ra nó.
Theo quy định của hội thi, diều sáo tham dự phải được chế tác thủ công, là loại có gắn sáo chiêng và có chiều sải cánh không quá 3m.
Những con diều sáo đẹp mắt, đảm bảo đúng quy định được trưng bày tại hội thi. Ban tổ chức đánh giá đây là lần đầu tổ chức hội thi nhưng các địa phương đã có sự chuẩn bị chu đáo. Nhiều con diều đẹp, phục dựng giống với diều bản gốc, thể hiện một nét văn hóa đặc sắc của nhân dân địa phương.
Tại hội thi, các địa phương tham gia đã cử một thành viên đại diện thuyết trình về ý tưởng để làm cánh diều của mình. Ban tổ chức sẽ căn cứ vào nội dung thuyết trình, cách thức chế tác, hoàn thiện diều, hình dáng, đường nét, tỷ lệ cấu trúc và các bộ phận của diều cũng như thuật tạo sáo chiêng để chấm điểm. Sau hai ngày (2 và 3/2) triển lãm, chấm điểm, ban tổ chức sẽ trao giải nhất, nhì, ba.
Hải Thượng Lãn Ông, tên thật Lê Hữu Trác (1724-1791), là con thứ bảy trong một gia đình đại trí thức ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Năm 26 tuổi, ông quyết định từ bỏ chốn quan trường về quê ngoại ở làng Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) phụng dưỡng mẹ già. Tại đây, ngoài nghiên cứu bốc thuốc chữa bệnh cứu người, ông còn có thú vui chơi diều sáo.
Tương truyền, sinh thời, Lê Hữu Trác thường thả diều trên các đỉnh núi gần nhà. Trước khi mất, ông dặn dò mọi người diều rơi ở đâu thì mai táng ông ở đó. Đó là vị trí lăng mộ Lê Hữu Trác bây giờ (núi Minh Tự, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn).
Từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức lấy ngày Rằm tháng Giêng (ngày mất của Đại danh y Lê Hữu Trác) làm Ngày truyền thống Y Dược cổ truyền Việt Nam.
Trong hình là tượng đài Hải Thượng Lãn Ông được dựng với hơn 1.600 tấn đá cẩm thạch, đặt tại núi Minh Tự.
Ảnh: Ánh Dương