Cô gái Việt kể chuyện làm dâu Trung Quốc: Vẫn được ngủ nướng và chỉ rửa bát
(Dân trí) - Huyền vẫn nhớ như in ngày đầu tiên về ra mắt gia đình bạn trai ở Trung Quốc, bác gái còn bảo cô đợi chút để "chơi nốt ván game" trên điện thoại rồi nhét vào tay cô 2 phong bì rất dày.
Điện thoại kết duyên chuyện tình xuyên biên giới
Vốn là lập trình viên cho các ngân hàng tại Trung Quốc, Xuzhe, 30 tuổi, đến từ thành phố Thường Châu thuộc tỉnh Giang Tô, có chuyến đi sang Việt Nam năm 2018.
Thời điểm này, khi lướt điện thoại lúc rảnh rỗi, anh vô tình bắt gặp một tài khoản trên Wechat. Đó là tài khoản của Bùi Huyền, 25 tuổi. Khi đó, cô đang là sinh viên khoa tiếng Trung của trường Đại học Mở Hà Nội.
Sau cuộc trò chuyện, Xuzhe nhờ Huyền làm hướng dẫn viên đưa đi tham quan nhiều nơi ở Hà Nội. Đó cũng là lần đầu cả hai gặp gỡ ngoài đời, nhưng sớm bị thu hút và nảy sinh tình cảm.
Cả hai không ngờ, đây là sự khởi đầu cho chuyện tình xuyên biên giới. Khi Xuzhe về Trung Quốc, đôi bạn trẻ chấp nhận yêu xa và giữ liên lạc mỗi ngày.
"Trong chuyện tình cảm, chúng mình luôn đặt ra nguyên tắc vào lúc rảnh rỗi trưa và tối dành thời gian gọi video cho đối phương. Đó là cách duy trì mối quan hệ để hai bên không còn thấy khoảng cách quá xa. Và cho dù không được ở gần, nhưng cả hai luôn quan tâm lẫn nhau đặc biệt vào những dịp lễ nào đó. Nhờ bạn trai tâm lý khiến mình vẫn hạnh phúc, coi nhau như tri kỷ và có thể tâm sự mọi việc lớn nhỏ", Huyền tiết lộ.
Vì yêu xa nên Huyền cũng sớm dự tính cho bản thân. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm thủ tục xin học bổng làm nghiên cứu sinh tại trường Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải) để có thể gần người yêu hơn.
Tuy nhiên, dự kiến sớm "đổ bể" vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đóng cửa suốt hơn 3 năm. Đó cũng là quãng thời gian khó khăn và rất nhớ nhung, nhưng đôi trẻ vẫn cố động viên nhau vượt qua.
Năm 2021, khi đang ở Malaysia, Huyền như "vỡ òa" khi nhận được thông báo có thể làm visa sang Trung Quốc du học. Sau 3 năm dài đằng đẵng vì dịch bệnh và mòn mỏi chờ đợi, nghĩ đến giây phút sắp được gặp lại người yêu, cảm xúc trong cô lại trào dâng.
"Thời điểm đó, dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn khá căng thẳng. Chính sách nhập cảnh vẫn thắt chặt với các chuyến bay hạn chế. Trước khi bay, mình phải cách ly tại khách sạn, test Covid-19 nhận kết quả 3 lần âm tính mới lên máy bay.
Sau khi nhập cảnh, khách tiếp tục hành trình cách ly và làm xét nghiệm liên tục. Chuỗi ngày dài như thế rất dễ khiến tinh thần suy sụp, nhưng anh ấy vẫn gọi điện động viên tinh thần. Sự ấm áp và quan tâm chăm sóc của bạn trai khiến mình đã vượt qua", Huyền nhớ lại.
Chuyện tình yêu bị phản đối kịch liệt
Dù yêu suốt nhiều năm liền, nhưng Huyền và bạn trai vẫn giữ kín mọi việc với phụ huynh. Khi tình cảm trở nên chín muồi, họ quyết định công khai, nhưng không ngờ lại khiến gia đình đôi bên cùng "sốc tâm lý".
Gia đình Huyền sống ở ngoại thành Hà Nội, có kinh tế khá giả, nên khi nghe con gái tâm sự, mẹ cô rất giận rồi "khóc lên khóc xuống". Bà lo lắng vì không muốn con lấy chồng xa, sợ sống nơi đất khách quê người một mình sẽ khổ.
Trong khi đó, bố mẹ Xuzhe đều làm trong doanh nghiệp thuộc cơ quan nhà nước, gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Nghe con đề cập đến việc yêu và dự tính xa hơn với một cô gái Việt Nam, cả hai kịch liệt phản đối.
Nhưng rồi "mưa dầm thấm lâu", Huyền và Xuzhe cùng chứng minh cho cha mẹ đôi bên hiểu được tình cảm và sự chân thành mà họ dành cho nhau.
Huyền vẫn nhớ mãi kỷ niệm lần đầu được bạn trai dẫn về nhà ra mắt. Cô hồi hộp nguyên ngày vì lo lắng sẽ tiếp xúc với người lớn thế nào, liệu cách ứng xử có phù hợp hay không.
Nhưng mọi chuyện hoàn toàn khác xa cô tưởng tượng.
"Khi vừa bước vào nhà, bác gái bất ngờ khen mình nhìn dễ thương hơn trong hình. Sự vui vẻ của bác khiến mình bớt căng thẳng phần nào", cô nhớ lại.
Bất ngờ hơn cả, bác gái còn bảo cô chờ chút xíu vì đang mải chơi dở ván game trên điện thoại. Vừa chơi, bà vừa kể cho cô sở thích chơi game, tạo ra bầu không khí thoải mái. Bà còn đan sẵn cho cô một đôi dép màu hồng để đi trong nhà - đúng gam màu cô yêu thích. Sự tinh tế này khiến cô gái Việt thêm ấm lòng.
Cũng trong lần ra mắt đầu tiên, Huyền được nhận 2 hồng bao (phong bì) lớn. Đây là tục lệ của người dân địa phương. Nếu cô gái nào được gia đình bạn trai ưng ý sẽ nhận được càng nhiều hồng bao.
"Bác gái giải thích, vì quý mình quá nên một hồng bao không đủ chỗ nhét tiền và phải chia thành 2 chiếc cho vừa", cô vui vẻ kể.
Bữa tối hôm đó diễn ra trong bầu không khí đầm ấm, vui vẻ. Trước ngày Huyền đến chơi, bác gái liên tục hỏi con xem bạn gái thích món nào, sở thích ăn uống ra sao, lên mạng tìm công thức nấu nướng để chế biến cho hợp khẩu vị.
Sau buổi gặp mặt đầu tiên, cô nhận được những dòng tin nhắn ấm áp từ phía mẹ bạn trai. Bởi vậy, trong suốt quãng thời gian Huyền ở Thượng Hải du học, cô thường xuyên lui tới nhà chơi để có thêm cơ hội tiếp xúc gần gũi với người lớn.
"Bác là mẫu người sống năng động và hướng ngoại nhưng cũng rất tình cảm. Chỉ cần biết mình nói món này ăn giống đồ Việt Nam, y như rằng mấy hôm sau cả nhà sẽ ăn món đó triền miên. Bác đưa mình đi mua sắm, động viên qua chơi nhiều hơn và bảo hãy coi đó là nhà của mình", Huyền kể.
"Mình tốt phước nên gặp được mẹ chồng tâm lý"
Một ngày đẹp trời của tháng 4/2023, khi Huyền đang đi chơi ở Disneyland Thượng Hải cùng nhóm bạn, Xuzhe gọi điện cho người yêu báo sẽ qua đón cô sớm.
Trên đường về, cô vẫn không phát hiện ra điều gì lạ vì bạn trai "kín như bưng". Nhưng khi bước lên nhà, cô ngỡ ngàng như muốn òa khóc trước khung cảnh hiện ra trước mắt. Trải từ bên ngoài vào phòng khách là nến, hoa, bánh gato cùng rất nhiều bóng bay.
Giây phút được bạn trai trao chiếc nhẫn cầu hôn vào ngón tay, Huyền xúc động nghẹn ngào. Với cô, hạnh phúc không đong đếm bằng chiếc nhẫn trị giá bao nhiêu, hột xoàn nhỏ hay lớn. Nghĩ tới khoảnh khắc chồng tương lai một mình đôn đáo ngược xuôi, cất công chuẩn bị tỉ mỉ từng chút theo đúng sở thích của mình, cô càng thêm trân trọng.
Đầu tháng 7/2023, cặp đôi trẻ cùng về Việt Nam rồi sang Trung Quốc làm thủ tục kết hôn. Trước khi về chung một nhà, Xuzhe đã mua trước một căn hộ chung cư. Mẹ chồng Huyền cũng ủng hộ việc các con sớm ra ở riêng để có không gian riêng tư.
"Về nhà chồng, mình vẫn được ngủ nướng tới 10h - 11h. Mẹ biết mình phải làm việc về khuya nhiều, nên không muốn đánh thức con dâu dậy sớm. Việc cơm nước bếp núc mẹ cũng hỗ trợ hết, mình chỉ việc rửa bát thôi.
Hầu như mẹ không để mình phải làm nhiều. Bà nói giờ đã về hưu khá nhàn rỗi, nên mọi việc bà sẽ hỗ trợ cho đỡ buồn chân tay. Gặp được mẹ chồng như vậy, mình thấy bản thân rất có phước", cô gái Hà Nội tâm sự.
Với vấn đề phân chia tài chính trong gia đình sau khi kết hôn, Huyền tỏ ra khá thoải mái. Cô và chồng đều có những nguồn thu nhập riêng nên cùng nhau lập một tài khoản chung.
Hàng tháng, mỗi người sẽ chuyển vào đó một khoản để sinh hoạt. Khi cần mua sắm những thứ gì hay chi tiêu chung, cả hai đều thảo luận để đối phương nắm được. Huyền cho rằng, mỗi người đều có quỹ chung và quỹ riêng khiến cuộc sống dễ chịu hơn, tự chủ trong chi tiêu.
Dù đã đăng ký kết hôn nhưng cặp đôi dự kiến cuối tháng 3/2024 mới tổ chức đám cưới. Cả hai đã cùng nhau đi xem và đặt phòng tại một khách sạn sang trọng ở thành phố Thường Châu. Cô gái trẻ đang háo hức mong chờ từng ngày, đón người thân và bạn bè từ Việt Nam sang, tham quan nơi cô sinh sống và chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời mình.